Nguồn cảm hứng từ cộng đồng LGBTQIA+ trong các MV Việt vốn đã không còn mới, nhưng khai thác sao cho tinh tế và phù hợp với thời đại thì chưa bao giờ hết nóng.
Trong một buổi họp báo của một ca sĩ gần đây, những câu hỏi dù chỉ có mục đích tạo không khí, nhưng xoáy sâu vào việc kì thị giới tính, cho rằng người đồng tính đang phá hủy hạnh phúc của người dị tính khiến bản thân tôi buồn cười. Tôi tự hỏi, tới bao giờ chúng ta mới thôi những kiểu đặt vấn đề dễ gây hiểu lầm như trong làng văn nghệ hiện tại, đặc biệt là âm nhạc. Chúng ta có quá ít những người đứng lên để chia sẻ một cách thẳng thắn và công bằng, trong khi chúng ta luôn mấp mé, mượn nhiều hình thức để mô tả về cộng đồng LGBTQIA+… Đáng tiếc nhiều MV Việt lại vô tình hoặc cố ý làm xấu đi hình ảnh vốn dĩ mẫn cảm và nhạy cảm.
Tình yêu và định kiến
Đang nổi đình đám trên các nền tảng giải trí, Văn Mai Hương vừa cho ra mắt MV trữ tình Một Ngàn Nỗi Đau với lối kể chuyện đậm chất kịch tính, để mau chóng lọt vào Top Trending của Youtube – thước đo nghe nhạc của đại đa số Gen Z Việt. Không bàn tới chất lượng bài hát hay diễn xuất của các khách mời, ở trong MV này, nổi bật lên trên cả ca từ và giai điệu là một cuộc tình tay ba khiến người ta suýt quên luôn cả việc thưởng thức âm nhạc, bởi câu chuyện nhập nhằng về giới tính của các nhân vật. Mượn tình yêu để đánh tráo khái niệm, hai nhân vật nam đến với nhau lén lút bằng chi tiết cải quấn khăn choàng che mất nửa khuôn mặt, và đeo cặp kính vào lúc giữa khuya!
Trong khi các sự kiện Việt Pride cổ vũ tinh thần phóng khoáng, mạnh dạn thể hiện bản ngã thì việc một chàng trai phải che giấu thân phận để đi dạo phố cùng một chàng trai khác nó vừa cũ, vừa không còn tạo được hiệu ứng. Đằng sau việc cải trang này là vì một trong số họ đã có bạn gái, người còn lại cũng là bạn của cô gái. Tức là một mối quan hệ vụng trộm, nhưng ekip thực hiện MV thì biến nó trở thành một mối tình day dứt để khán giả phải thừa nhận rằng, tình yêu xuất phát một cách tự nhiên, và không có gì ràng buộc người dị tính hay đồng tính yêu nhau.
Thật ra nếu đặt câu chuyện này vào thời điểm của Jack và Ennis trong Núi Brokeback mô tả câu chuyện ở những năm 60 thế kỉ trước, may ra cảm giác mập mờ kia còn có thể chấp nhận được. Nhưng vì sao hai chàng trai khỏe mạnh, lịch lãm, sống ở thời kì phát triển và rộng mở, lại vẫn chọn cách lừa dối một cô gái, cả khi họ biết rõ rằng cách tốt nhất và nhanh nhất để nhận được sự tôn trọng kèm cả nỗi đau là hãy sống thật và nói ra sự thật. Chúng ta vẫn luôn đòi quyền bình đẳng, nhưng khi chúng ta mượn tình yêu để đánh tráo khái niệm, chúng ta lại ích kỉ hạ nhục một người phụ nữ, người xứng đáng biết được vị trí của họ trong chuyện tình cảm.
Không chỉ xoay vần các tình tiết thê lương cũ mèm, câu chuyện của Một Ngàn Nỗi Đau tạo ra cái kết khó hiểu khi quyết định để cho hai chàng trai chia tay trong uất hận và một người đồng ý kết hôn với cô gái. Nội dung vô nghĩa, chắp vá và đè bẹp nam tính trong MV này hoàn toàn khiến tôi thất vọng. Một người đàn ông nhu nhược mà phải kết hôn, một người đàn ông vì yêu mà bất chấp luôn cả sĩ diện, lại được luôn cả một cô gái cam chịu đành đoạn lấy người chồng mà cô hiểu rõ bản tính anh ta. Rốt cuộc, Một Ngàn Nỗi Đau muốn truyền tải thông điệp “ai cũng phải đau khổ”? Hay chỉ đơn thuần là chiêu thức làm drama cho một bài hát không đủ hay?
Câu chuyện mà Một Ngàn Nỗi Đau kể, không phải là thiểu số, nhưng không ai mong muốn cổ vũ cho tinh thần yếu ớt đó. Hiện tại chúng ta không có thống kê cụ thể về việc li hôn do phát hiện ra chồng hoặc vợ là người đồng tính (mà nếu có thì cũng rất ngại nói ra sự thật, trừ khi có tranh chấp…) nhưng rõ ràng, từ việc truyền miệng, những phi vụ li hôn theo xu hướng phát hiện ra một nửa kia của mình không cùng “tần số chăn gối” tăng theo tỷ lệ thuận, cùng với số % người li hôn nói chung theo kiểm kê của Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất Thành phố Hồ Chí Minh, cứ 7 cặp kết hôn thì có 1 cặp li hôn, tỉ lệ này không hề nhỏ.
Trong khi những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ nỗ lực để đòi quyền bình đẳng, thì những câu chuyện cười ra nước mắt trên các MV Việt vẫn tiếp diễn. Chúng ta không sống giữa thời đại mà Vincente Minnelli giấu nhẹm giới tính thật để cưới bằng được cô đào nổi danh Judy Garland, rồi sau đó bị phanh phui là một người đồng tính phóng túng. Chúng ta cũng không muốn (dù tôi tin là có) giống như Rebecca de Alba lấy chồng 14 năm mới phát hiện ra chồng mình – ngôi sao nhạc Latin Pop Ricky Martin là gay!
Những mẩu chuyện nhỏ này, càng làm cho các hình thức kể chuyện trong Một Ngàn Nỗi Đau trở nên buồn tẻ. Nhưng Một Ngàn Nỗi Đau không phải là lần đầu tiên giới tính được mổ xẻ trong MV Việt. Trước đó, vào năm ngoái, Hương Tràm cho ra mắt MV Đong Tình ghi hình tại Mỹ. Không đầu tư hình ảnh như Một Ngàn Nỗi Đau, nhưng Đong Tình có cách kể chuyện tinh tế hơn.
Trong bản ballad Đong Tình có nhiều đoạn cao trào, hình ảnh (không mấy liên quan) hai vũ công ballet dồn hết tâm can vào bài tập cho một buổi diễn, dường như nhắc người xem nhớ tới khoảnh khắc của Bá Vương Biệt Cơ – một cuốn phim kinh điển của Trần Khải Ca. Mặc dù cả hai không có sự tương đồng về hình thức, như về nội tâm là có, đó là sự đồng điệu và rung cảm của người nghệ sỹ. Tức là ngay từ ban đầu, đạo diễn của MV này đã tỉnh táo để đưa ra các yếu tố ngoại cảnh, tạo nên sự gắn kết giữa hai nhân vật nam chính mà người xem không thấy bị gượng gạo.
Hơn thế nữa, trong phim ảnh và âm nhạc, những mối quan hệ “bằng hữu”, “đồng đội”… thế này, thường gọi nôm na là bromance. Theo định nghĩa thì bromance là tình anh em hay tình huynh đệ, tức là giữa họ có mối quan hệ khắng khít vượt qua tình bạn nhưng không có tình dục. Ở Đong Tình, ban đầu có thể là bromance nhưng rồi về sau, một trong hai vượt qua giới hạn đó để chạm vào cái gọi là hấp dẫn giới tính. Nhắc tới đây, lại nghĩ ngay tới Bá Vương và Ngu Cơ. Trong vở kinh kịch đó, Bá Vương và Ngu Cơ (do Trương Quốc Vinh cải trang nữ) là đôi uyên ương hồ điệp, gắn kết trên nhiều sân khấu, tới mức bước ra ngoài đời, Ngu Cơ cũng đem lòng yêu Bá Vương dù anh biết Bá Vương không phải là một người đồng tính.
Ở Đong Tình, hình ảnh của chàng vũ công chủ động hôn môi bạn diễn chung, được khắc họa vừa vặn, dù không có thoại để thể hiện nội tâm gì thêm. Không chỉ từ tốn và chậm rãi, các tình tiết của MV này cũng cho thấy được cái nhìn có chiều sâu, dễ tạo được sự đồng cảm. Bởi chàng trai trong câu chuyện cũng giống Bá Vương, chỉ một thoáng bị âm nhạc, bị ánh đèn sân khấu làm mình chới với thì ngay lập tức kịp nhận ra bản ngã. Mặc dù chọn cái kết đầy ẩn ức, song tôi cho đó lại là sự nhạy cảm của đạo diễn, để người xem dù là ở bản dạng giới nào, cũng thấy được mình ở trong đó. Vả lại, cái kết mở của Đong Tình nhân văn và sáng suốt hơn, thay vì áp đặt nhân vật, đặc biệt là người đồng tính, vào tình thế tiếp tục phải sống trong vỏ bọc.
Cuộc đổ bộ không ai ngờ
Cũng đặt câu chuyện về giới tính trong hôn nhân dị tính, Sáng Mắt Chưa? của Trúc Nhân gây sốt và trở thành số ít MV Việt cán mốc 100 triệu views trên nền tảng Youtube. Chỉ nhìn bề ngoài, ca khúc vui tươi hào sảng này dễ nghe, dễ nhớ vì hình ảnh hài hước, duyên dáng. Những ca từ của Mew Amazing, nhạc sĩ trẻ thường xuyên phân trần trên mạng xã hội, lại cho thấy những yếu tố khiến người nghe lệch nhịp. Không chỉ lột tả tính cách hơi đanh đá như chính tác giả, ca từ và thông điệp của Sáng Mắt Chưa? chỉ trích đích danh phái nữ, và người đồng tính (ở đây là cả hai chàng trai) trở nên “xấu xí” sau khi lừa một cô gái được bài hát đánh giá là “còn non”, không biết cách nhìn người!
Nếu chỉ là câu chuyện phiếm giữa các hội bạn thân, dành nói cho nhau nghe thì không có gì phải bàn, nhưng hiệu ứng của ca khúc này lan tỏa tới nhanh chóng, rồi trở thành câu cửa miệng của người trẻ: “sáng mắt chưa?”. Nghe thì vui tai nhưng ngẫm lại, nó không khác gì một lời bỉ bôi đối với không chỉ cộng đồng LGBTQIA+ mà còn có ý xem thường người phụ nữ, xem họ là kẻ thất bại, bị trêu chọc trong tình trường. Hình ảnh trong MV này hài hước hóa nỗi đau, nhưng chúng ta có nghĩ khi chúng ta hô hào chèn những dòng hashtag tẩy chay việc bắt nạt trên mạng (Cyberbullying), thì ở trong các giá trị văn hóa như phim ảnh, âm nhạc… có những thứ trêu đùa vừa vô duyên, vừa ái kỷ, vừa schadenfreude – lấy khổ đau của người khác làm hạnh phúc của mình?
Thành công của các ca khúc vay mượn chủ đề đồng tính này, kéo theo đó hàng loạt MV Việt tương tự bao gồm Đừng Hỏi Về Anh, Tự Tâm, Màu Nước Mắt, Thật Lòng… Nhưng may mắn thay các ca khúc này đều xây dựng được những trúc trắc của tình yêu, mà trong đó người đồng tính hay song tính, kể cả chuyển giới không có lỗi lầm nào ngoài… nỗ lực đi tìm hạnh phúc. Chàng trai trong Đừng Hỏi Về Anh không biết phải cư xử ra sao khi nhận ra bạn gái đang yêu một phụ nữ khác, cuối cùng anh chọn là người rời đi khi hiểu được hạnh phúc của họ; trong khi Tự Tâm và Màu Nước Mắt của Nguyễn Trần Trung Quân mang màu sắc liêu trai “ăn theo” loạt phim đam mỹ của Trung Quốc, thì lại mượn không gian cổ trang, để kể câu chuyện tình nhiều cú “bẻ lái”, ít nhiều không cổ xúy cũng không thần thánh hóa.
Riêng Thanh Xuân của Đào Bá Lộc, thì lại chọn xuất phát khác biệt hơn bằng hình ảnh vườn trường, theo lối coming-of-age thường thấy ở thể loại phim tình cảm mới lớn. Có lẽ vì chọn đề tài này mà câu chuyện tình đồng giới trong trẻo và xúc động, dễ chạm đến nhiều khán giả ở nhiều độ tuổi vì trong Thanh Xuân có sự hồn nhiên, tiếc nuối… mang hơi hướng hoài niệm. Thanh Xuân mặc dù ra mắt đã khá lâu (2017), thời điểm đó tới nay nó vẫn “bắt sóng” được với phần lớn khán giả tuổi trẻ trong nước, bởi ở hiện tại, người trẻ vẫn còn nhiều hoài nghi về bản ngã, về lựa chọn quyền dân chủ với chính con người mình.
Mới đây làng nhạc hải ngoại lẫn trong nước một phen bất ngờ trước màn kết hợp mùi mẫn giữa hai tên tuổi kì cựu là Thanh Hà và Phương Uyên, trong album song ca trữ tình nơi họ ngợi khen tình cảm đồng giới một cách tự nhiên. Thật tình tôi không mưu cầu tất cả nghệ sỹ trong cộng đồng LGBTQIA+ phải sống thật như cặp đôi này, bởi vì chúng ta có lựa chọn riêng. Nhưng nếu không thể “có nhau có cả thế giới” như Hà và Uyên, các MV Việt cũng nên né tránh những chiêu trò giật gân, lấy giới tính ra làm bàn đạp, để biến những tổn thương trở thành công cụ chỉ để giành giật Top 1 Trending, chỉ để giữ viral…
Không nhìn đi đâu xa, chỉ ở riêng Đông Nam Á, vẫn diễn ra các cuộc diễu hành hưởng ứng quyền bình đẳng của LGBTQIA+ từ Pink Dot đến việc kết hôn đồng giới được thông qua tại Đài Loan, và nhiều sự kiện lẫn các tổ chức phi chính phủ nỗ lực mang đến cái nhìn tích cực cho xã hội. Rất nhiều tên tuổi văn nghệ sỹ đã nói tiếng nói của họ, hoặc hành động để tạo ra cột mốc, từ Sam Smith cho đến Troye Sivan, từ Ellen Page cho tới Jodie Foster… Đừng trao “tội lỗi” cho giới tính hay mượn hình ảnh tình cảm mùi mẫn để lôi cuốn đám đông tạo hiệu ứng, thay vào đó các MV Việt hãy trao quyền công bằng cho giới tính thông qua hình ảnh mà mình truyền tải. Bởi vì nếu chúng ta luôn nghĩ tiêu cực, thì với New Thought (Tư tưởng mới), định luật hấp dẫn những thứ tiêu cực sẽ đến với chúng ta.