Năm nay, LHP Venice lần thứ 81 diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 7/9, tổ chức tại Lido di Venezia, Ý. Sau tuần lễ trao giải đầy náo nhiệt, lễ hội vinh danh phim chính thức khép lại. Giữa hàng loạt bộ phim “nặng ký”, “Mưa trên cánh bướm” (Don’t Cry, Butterfly) đã xuất sắc đạt hai giải thưởng danh giá và nhận về vô số phản hồi tích cực.
“Mưa trên cánh bướm” “gây bão” giới mộ điệu tại Venice
“Mưa trên cánh bướm” là một bộ phim thuộc thể loại chính kịch, hài, kinh dị do Dương Diệu Linh cầm trịch. Tác phẩm lấy bối cảnh tại Hà Nội, kể về câu chuyện của Tâm (NSND Tú Oanh), một người phụ nữ trung niên vô tình phát hiện ra chồng đang ngoại tình ngay trên sóng truyền hình.
Vừa bẽ mặt, vừa đau đớn, thay vì đối diện trực tiếp với chồng, bà Tâm quyết định giành lại tình cảm của người “đầu gối tay ấp” bằng bùa ngải. Xui rủi thay, chính hành động này đã “mời gọi” những thế lực siêu nhiên bước vào nhà bà Tâm, làm đảo lộn cuộc sống của người đàn bà vốn đã có nhiều nỗi âu lo ngổn ngang.
Từ hơn 700 phim toàn cầu tham dự Tuần lễ phê bình phim quốc tế tại LHP Venice, “Mưa trên cánh bướm” là một trong bảy tác phẩm được lựa chọn và cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam năm nay. Không chỉ “gây sốt” cánh báo chí nước ngoài, “Mưa trên cánh bướm” còn khiến khán giả Việt bất ngờ khi đạt hai giải thưởng cao quý là giải “Circolo del Cinema Verona” cho bộ phim sáng tạo nhất (được chấm điểm bởi các nhà phê bình phim dưới 35 tuổi) và giải “Iwonderfull Grand Prize” cho bộ phim hay nhất.
Điều gì ở “Mưa trên cánh bướm” làm giới phê bình phim Venice phải “ngả mũ”?
Không phải tự nhiên mà “Mưa trên cánh bướm” để lại ấn tượng khó phai trong lòng các nhà phê bình. Tuy kịch bản không quá độc đáo, song tác phẩm đã tạo thiện cảm mạnh mẽ nhờ các tầng thông điệp và cách thức truyền tải đầy khéo léo, tinh tế của Dương Diệu Linh.
Mặt khác, tác phẩm cũng chinh phục giới mộ điệu Venice nhờ sự riêng biệt và đầy tính “cá nhân”. “Mưa trên cánh bướm” mang đến cho khán giả một cái nhìn cực kỳ “độc bản” về cuộc sống của người phụ nữ và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Qua lăng kính của nữ đạo diễn trẻ tuổi, khán giả cảm nhận được những dòng cảm xúc, chiêm nghiệm rất đặc biệt mà vẫn gần gũi. Sự mới mẻ trong phương thức khai thác cốt truyện, tình tiết và tâm lý nhân vật là nhân tố quan trọng giúp “Mưa trên cánh bướm” “ghi điểm” với cộng đồng phê bình.
Theo đó, một số nhà phê bình cũng đánh giá cao tác phẩm ở khía cạnh lột tả đất nước Việt Nam. Những lát cắt về xã hội/ văn hóa Việt trong “Mưa trên cánh bướm” mở ra những góc nhìn mới lạ, gần như chưa từng xuất hiện trên màn ảnh Việt trước đây. Thật khó tin khi một đạo diễn trẻ có thể làm được điều đó, nhưng Dương Diệu Linh đã chứng minh rằng phim Việt hoàn toàn có khả năng thắng lớn trên trường quốc tế.
Liệu tác phẩm đặc sắc này có được đón nhận bởi công chúng Việt?
Sự áp đảo của các “phim thương mại” tại nhiều rạp chiếu bóng những năm qua đã phần nào phản ánh sự ưa chuộng của khán giả Việt. Tác phẩm vị nghệ thuật khó lòng thu hút đại chúng, bởi hầu hết người xem chú trọng trải nghiệm giải trí, thư giãn. Do đó, việc “Mưa trên cánh bướm” có “oanh tạc” phòng vé hay không vẫn còn là một ẩn số.
Thế nhưng, lượng người hâm mộ điện ảnh Việt ủng hộ “Mưa trên cánh bướm” dự kiến vẫn ở mức độ đáng kể bởi đây là bộ phim có thể loại và đề tài gần gũi với người Việt. Trên hết, thành tích nổi bật của phim tại Venice cũng sẽ gây tiếng vang ít nhiều. Đồng thời, sự “chèo lái” của nữ đạo diễn tài hoa Dương Diệu Linh và nữ diễn viên gạo cội Tú Oanh cũng gợi tò mò cho giới truyền thông lẫn công chúng.
Sau “Cu li không bao giờ khóc” (tựa tiếng Anh: “Cu Li Never Cries”), “Mưa trên cánh bướm” đã tiếp nối cuộc hành trình của phim Việt tại LHP Venice, khẳng định sự phát triển của dòng phim nghệ thuật nói riêng và nền điện ảnh Việt Nam nói chung. Song song đó, “Mưa trên cánh bướm” cũng tạo cho các đạo diễn trẻ đất Việt một niềm tin vững chắc vào cơ hội “bứt phá” tại lễ trao giải quốc tế.
Mai đây, sẽ ngày càng có thêm nhiều tác phẩm Việt Nam được xướng tên ở các liên hoan phim, khẳng định chất lượng phim Việt không hề kém cạnh bất cứ đất nước nào.