Sau khi ra mắt bộ sưu tập Biti’s Hunter Street Bloomin’ Central x Vietmax lấy cảm hứng từ miền Trung nhưng lại sử dụng gấm Taobao của Trung Quốc và nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Hãng giày thể thao lâu đời của Việt Nam vừa tung phiên bản màu đen của sản phẩm cùng bộ sưu tập nhưng dư luận và các sneaker-head không còn dành sự quan tâm nồng nhiệt như trước nữa.
Biti’s đã là một cái tên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam bởi các sản phẩm giày thể thao chất lượng. Những năm trở lại đây, Biti’s tích cực sử dụng các chất liệu văn hoá Việt Nam để đưa vào sản phẩm của mình. Những dự án như “Đi để trở về”, “Hà Nội”, “Sài Gòn”,… nhận được đông đảo sự ủng hộ từ giới chuyên môn cũng như các bạn trẻ Việt Nam.
Bloomin’ Central là chiến dịch của hãng kết hợp cùng Bboy Vietmax lấy cảm hứng từ miền Trung. Lấy ý tưởng miền Trung ‘khô cằn bền ngoài nhưng lại chứa tinh hoa di sản, khắc nghiệt cơ cực chỉ càng làm sáng tỏ cái đẹp con người’, Bloomin’ Central phát hành với tên gọi “Hoa trong đá”. Một đôi giày – Ba biến thể, bộ sưu tập được ra mắt với ba phiên bản lấy cảm hứng từ nhang, hoạ tiết vân mây, và đất sỏi miền Trung.
Tuy nhiên, bộ sưu tập này lại rơi vào ranh giới giữa “tôn vinh văn hoá” và “chiếm dụng văn hoá”. Nhiều ý kiến cho rằng khâu lên ý tưởng, thiết kế, cho đến việc lựa chọn chất liệu, hoạ tiết của hãng không được nguyên cứu kỹ lưỡng trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Cụ thể, Biti’s gọi tên hoa văn chân chó “takai asau” của dân tộc Chăm là “thổ cẩm Tây Nguyên”. Đây được cho là sự tắc trách trong khâu nguyên cứu văn hoá, thiếu cẩn trọng và chưa chặt chẽ trong khâu thiết kế, sản xuất. Thậm chí, khán giả đã phát hiện ra bộ sưu tập này sử dụng loại gấm rẻ tiền của Trung Quốc để tôn vinh nét đẹp miền Trung.
Tạp chí L’Officiel Việt Nam đã từng lên tiếng về vấn đề này như sau: “Khi quảng bá yếu tố thổ cẩm, Biti’s đã gộp chung chủ nhân của các sáng tạo này thành một từ duy nhất là ‘thổ cẩm Tây Nguyên’. Tây Nguyên là một vùng đất đa dạng thành phần tộc người với hơn 46 tộc người cùng sinh sống. Vậy khi nói đến thổ cẩm Tây Nguyên là đang nói tới thổ cẩm của dân tộc nào? Điều này cũng nhạy cảm tương tự như khi một nhà thiết kế phương Tây trộn lẫn áo dài Việt Nam và Kimono Nhật Bản rồi gọi chung là ‘trang phục châu Á’. Thực tế, đã có nhiều phản đối về cách gộp tên gọi ‘thổ cẩm’ cho chung các chất liệu của đồng bào dân tộc thiểu số.”
Phản hồi từ những ý kiến trái chiều từ không chỉ cư dân mạng mà cả giới chuyên môn, Biti’s đã đăng tải một bài viết trên Fanpage công khai xin lỗi truyền thông về những thiếu xót của hãng với lý dó “đã cố gắng kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước, nhưng chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp”. Lý do này được cho là chưa đủ thuyết phục.
Mới đây nhất, Biti’s mang bộ sưu tập Bloomin’ Central trở lại với phiên bản màu đen nhằm “tiếp nối cảm hứng tự hào miền Trung”. Không nằm ngoài dự đoán, mẫu giày này tiếp tục nhận về hàng loạt nhận xét tiêu cực từ khán giả: “Đã giày đen rồi còn làm một đống hoạ tiết thì sao mà thấy”, “Hy vọng Biti’s nên ra sản phẩm tốt đẹp hơn”, Nó cứ là lạ”,… Dù phiên bản màu đen này có hoà nhã hơn về mặt phối màu và thiết kế, nhưng vẫn chưa đủ để thoả mãn các tín đồ yêu giày.
Đọc bài viết chi tiết phân tích vấn đề này của tạp chí L’Officiel Việt Nam tại: https://www.lofficielvietnam.com/local/biti-s-bloomin-central-mot-tong-the-gong-ganh-va-lai-tap
Ảnh: Tổng hợp