Mối quan hệ độc hại, tới khi nào mới chấm dứt?
Lifestyle

Mối quan hệ độc hại, tới khi nào mới chấm dứt?

Cuộc chiến pháp luật giữa nam tài tử Johnny Depp và Amber Heard vẫn đang là tâm điểm sáng giá của dư luận và truyền thông thế giới. Nhưng những người giật mình nhất, cảm thấy liên quan nhất với cuộc đấu đá này, có lẽ chính là những người đang ở trong một mối quan hệ độc hại.

Hollywood vs. cuộc đời

Chàng là nam tài tử giàu có, lịch lãm, “đã từng” đẹp trai sáng giá bậc nhất kinh đô điện ảnh thế giới. Nàng là nữ diễn viên có khuôn mặt tỉ lệ vàng, hiện thân của một vẻ đẹp Mỹ cổ điển vừa ngây thơ vừa nóng bỏng. Chàng gặp nàng khi cùng đóng một bộ phim hài hành động The Rum Diary, “bom xịt” của năm nó ra mắt. Nhưng có hề gì, xịt đến đâu cũng chẳng quan trọng, họ vẫn nghĩ rằng họ đã tìm thấy tình yêu của đời mình, họ hẹn hò lén lút vài tháng, công khai vài năm, kết hôn vài năm sau đó, xuất hiện trên thảm đỏ và mặt báo đều đều. Đó sẽ lại là một câu chuyện cổ tích trong hằng hà sa số những câu chuyện cổ tích ở Hollywood, mặc kệ thiên hạ chọc khoáy nàng có lẽ chỉ lấy chàng vì giá trị tài sản khổng lồ và danh lợi có sẵn sau gần 30 năm cống hiến cho điện ảnh, còn chàng vì thích gái trẻ mà bỏ người vợ – một nữ diễn viên danh tiếng nước Pháp từng chung sống với nhau hơn chục năm trời với hai đứa con. Ở thời điểm đó, thì có trời mới biết Johnny Depp và Amber Heard đến với nhau vì một mô típ gì đó khác hay chỉ đơn thuần vì tình yêu. Cũng có trời mới biết, cả hai lại dính chặt nhau đầy khiên cưỡng, trong một mối quan hệ độc hại.

Nhưng trong gần 2 tháng trở lại đây, có thể không cần đến ông trời, công chúng thế giới và công chúng mạng xã hội có dịp theo dõi tường tận tất cả những gì phía sau ánh đèn nhấp nháy hào quang của một thế giới điện ảnh sống động bờ kia đại dương. Từ những đoạn audio, hình ảnh, CCTV, từ lời móc mỉa của cô nàng trợ lý cũ, cho đến những giọt nước mắt của người bạn thân nghệ sĩ “trên trời rơi xuống” của Depp… bỗng chốc một phiên toà kéo dài trở thành show truyền hình thực tế của thế kỷ. Và bỗng chốc, ơ kìa, người ta nhận ra mối quan hệ giữa hai ngôi sao lớn thì cũng chẳng khác gì những mối quan hệ xung quanh chúng ta, cũng bung bét, xấu xí, bất an và độc hại như bất cứ những mối quan hệ không lành mạnh nào. Chỉ có điều, khi đó không phải là câu chuyện của mình, khi đó là câu chuyện cá nhân được truyền hình trực tiếp trên đủ mọi thể loại kênh truyền hình và youtube, người ta mới giật mình nhìn lại mối quan hệ của chính bản thân.

Tôi cũng là một trong số những “người ta”. Đến số này của Kính Lube, chắc bạn cũng chẳng lạ gì niềm đam mê với truyền hình thực tế của tôi. Nhưng trong hàng ngàn tập truyền hình thực tế tôi từng xem, không có show nào khiến tôi suy ngẫm và suy diễn nhiều như cái cách những phiên đối chất giữa bên đi kiện (Johnny Depp) và bên bị kiện (Amber Heard), không có phiên toà nào khiến đầu óc người nghe quay mòng mòng đến vậy. Buổi hôm nay, thật giả trắng đen, ai xấu ai tốt tưởng đã rõ ràng, buổi sau, tôi (và rất nhiều người) lại thấy mình hoài nghi, “ủa, cũng hợp lý, biết đâu người kia mới là kẻ “abusive” trong mối quan hệ đó. Căng não có khi còn hơn cả những bộ phim của Christopher Nolan, và tôi chắc chắn sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ngày Hollywood quyết định đưa câu chuyện vừa bi đát cũng vừa giải trí này lên màn ảnh rộng. Mối quan hệ giữa Depp và Heard lung tung beng và có nhiều góc khuất đến độ, khi một chuyên gia tâm lý hôn nhân sử dụng thuật ngữ “mutual abuse” để miêu tả về cuộc hôn nhân này, báo chí đã rầm rộ sử dụng nó mà chẳng cần biết đó có phải là thuật ngữ chính thống được khái niệm hoá trong tâm lý học hay không. Nghe hợp lý là được! Nhiều người sẽ nói. Và nếu để nói về câu chuyện chàng làm nàng khổ sở thế nào, nàng khiến chàng be bết ra sao, thì “mutual abuse” (hai bên cùng ngược đãi đối phương) có lẽ nên là từ được đưa vào từ điển kể từ mùa hè 2022.

Mối quan hệ độc hại

Từ độc hại đến ngược đãi là chặng đường rất xa nhưng lại có nhiều giao điểm, nhưng chắc chắn không phải lúc nào cũng giống nhau hoặc có thể bị đánh đồng. Những biểu hiện ngược đãi, xúc phạm bằng lời nói như cách Amber Heard thể hiện trong đoạn audio ghi âm được cung cấp ở toà, hay những bức ảnh khuôn mặt bầm tím từ va chạm thể xác là biểu hiện rõ ràng của ngược đãi. Dù chung cuộc thế nào, ai đúng ai sai cũng phải chờ hồi sau mới rõ. Nhưng nhờ vụ kiện đắt giá này, thế giới của những nhà tâm lý học hành vi cũng được dịp nhộn nhịp không kém. Thế nào là một mối quan hệ độc hại, và những biểu hiện của nó có thể tinh vi đến thế nào. Câu nói kiểu gì thì được coi là độc hại, và câu nói thế nào nên được xếp vào diện “abuse” – ngược đãi… Một tỉ câu hỏi giải nghĩa những ẩn số của một mối quan hệ tình cảm, mà thậm chí cả những người trong cuộc cũng khó có thể nhận ra, nên mới có nhiều như vậy những nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tâm lý, những cuộc chia tay xấu xí, và những mối quan hệ lãng nhách chẳng ai còn muốn nghĩ đến một khi nó đã ra đi.

Trên thực tế, dù hai thuật ngữ “độc hại” và “ngược đãi” thường xuyên bị hiểu nhầm là một khi được dùng để miêu tả về những mối quan hệ không lành mạnh, nhưng nhiều chuyên gia tâm lý và học giả nối tiếng trên thế giới cho rằng có nhiều điểm khác biệt không thể nhầm lẫn. Trong khi cả hai người trong mối quan hệ đều có khả năng thể hiện những hành vi độc hại, chỉ một trong hai người mới có thể là kẻ ngược đãi bởi nó đòi hỏi động lực và sức mạnh áp đảo của người này lên người kia. Đó là lý do để giới học thuật phản pháo thuật ngữ “mutual abuse” của chuyên gia tâm lý học cặp đôi Depp – Heard. Tiến sĩ Lillian Glass, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Toxic People” (1995) là người đầu tiên đưa ra định nghĩa mối quan hệ độc hại: “bất cứ mối quan hệ nào mà người này không ủng hộ người kia, hay có những mâu thuẫn, xung đột, khi người này luôn cố tìm cách hạ thấp người kia. Đó cũng là mối quan hệ không mang đến cảm giác tôn trọng hay thiếu sự kết nối.” Rõ ràng khi đã ở trong một mối quan hệ với người khác, sẽ chẳng ai tránh khỏi những bất đồng hay đổ vỡ, nhưng tình trạng này lặp đi lặp lại liên tục hơn cả trong một mối quan hệ độc hại, đến mức chỉ một bất đồng nhỏ cũng có thể dẫn đến những tranh cãi nảy lửa. Hệ quả là cảm giác mệt mỏi rệu rã đến từ những suy nghĩ và biểu hiện tiêu cực như ngừng giao tiếp với đối phương hay liên tục chỉ trích đối phương cho đến khi họ thực sự nghĩ rằng họ là người sai.

Sau rất nhiều giờ chất vấn trước toà và trên mặt báo, điều nhiều người có thể dễ dàng nhận ra nhất là: Trước khi trở thành mối quan hệ ngược đãi, cuộc hôn nhân giữa Depp và Heard đã tiềm ẩn những yếu tố độc hại. Và ngược đãi, chính là phiên bản bạo lực đến từ mưu cầu muốn kiểm soát hoàn cảnh của một trong hai người ở mối quan hệ. Trong khi bạo lực dù bằng lời nói hay hành động là biểu hiện rất rõ rệt của một mối quan hệ không thể cứu vãn và thậm chí trái pháp luật, những biểu hiện của sự “độc hại” lại khó nhận biết hơn. Nhiều người coi tranh cãi là chuyện quá bình thường nếu có thể giảng hoà, nhiều người đã quá quen với trạng thái mệt mỏi, buồn nhiều hơn vui đến mức nghĩ rằng đó chẳng qua là trạng thái hậu “honeymoon” của tình yêu mà thôi… Về lâu dài, tất cả những căng thẳng kiểu này đều là tín hiệu xấu để người trong cuộc nhìn nhận lại về tương quan giữa bản thân và đối phương, bởi càng phớt lờ nó, chúng càng sẽ để lại hậu quả tiêu cực đến sức khoẻ tinh thần về lâu dài như trầm cảm, căng thẳng, âu lo…

“Đừng cố đấm ăn xôi”

Ông bà ta nói chẳng sai. “Đừng cố chịu đấm để được ăn xôi”, có nghĩa đừng cố chịu cực khổ để được hưởng lợi ích về sau. Có thể điều này đúng với nhiều trường hợp, và nhiều người cũng sẽ vin vào cớ này để nghĩ rằng chịu đựng thời điểm này để có hạnh phúc về sau là thứ xứng đáng để đánh đổi. Nhưng đó không phải lý do duy nhất để nhiều người chọn chung sống thuận hoà với một mối quan hệ độc hại hay thậm chí ngược đãi. Cũng như việc khi đánh giá về khả năng tiềm tàng xu hướng bạo lực hay có những hành vi ngược đãi đối phương của Depp và Heard chuyên gia tâm lý phải nhìn vào quá trình trường thành cũng như nền tảng gia đình của cả hai ngôi sao này. Một người có xu hướng bạo lực ngôn từ với những thành viên trong gia đình (Heard), người kia chứng kiến một bà mẹ luôn ngược đãi bố mình để dẫn đến cuộc hôn nhân đổ vỡ (Depp). Chính Johnny Depp cũng đã cố gắng giải thích khi bị hỏi nếu cuộc hôn nhân của anh chàng tệ hại đến vậy, sao anh không chấm dứt nó đi: “Tôi không muốn đi theo vết xe đổ của cha mẹ mình, tôi. muốn thay đổi cô ấy và cữu vãn cuộc hôn nhân này!”

Tất cả những sự kiện hay lịch sử gia đình đều có thể tác động đến cách chúng ta nhìn nhận một mối quan hệ, và nhất là những đứa trẻ sinh ra hay lớn lên trong đổ vỡ, khi tìm được một người và yêu họ, mưu cầu tình yêu và sự gần gũi bù đắp sẽ càng nhiều hơn. Mưu cầu này mạnh đến mức khiến họ chìm đắm và thậm chí diễn giải cho những biểu hiện đầy “báo động” của đối phương. Năm 2021, tác giả người Ai Len Megan Nolan ra mắt cuốn sách “Acts of Desperation”, kể về một cô gái trong mối quan hệ đầy độc hại với một anh chàng lúc thì yêu thương say đắm, lúc thì cáu bẳn ghen tuông thích kiểm soát. Cuốn sách nghe có vẻ chán ngắt như vậy, nhưng kì lạ, nó trở thành best-seller. Rất nhiều độc giả thuộc thế hệ millennial nhìn thấy mình trong đó, nó lý giải một hiện tượng đã quá bình thường trong tương quan những mối quan hệ hiện đại. Chúng ta có thể cần tình yêu và sự thân thuộc đến mức nào để nhận ra vẫn còn cả những giới hạn của tình yêu. Chúng ta có thể bảo vệ tình yêu đến thế nào để vẫn nhận ra mình phải bảo vệ và yêu mình trước đã. Suy cho cùng, bạn định nghĩa về mối quan hệ của mình thế nào, lành mạnh hay độc hại. Và cuối cùng, ai mới là kẻ có lỗi khi sự độc hại phát tán?

Đây có lẽ luôn là câu hỏi khó nhất, vì tất nhiên thà cứ đổ lỗi cho một bên là xong. Nhưng trên thực tế, nhiều khi bạn ở trong một mối quan hệ độc hại chỉ đơn giản bởi đó không phải là người phù hợp với bạn để có thể khiến bạn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, để có cùng một kiểu thể hiện tình yêu và sự tôn trọng, để hỗ trợ nhau vì một lợi ích chung thay vì chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân. Phiên toà giữa hai ngôi sao Hollywood vẫn đang diễn ra và chẳng ai biết chắc được ai trong số họ mới là kẻ ngược đãi. Nhưng tôi tiếc khi phải chứng kiến những sự xấu xí nhất của mối quan hệ cá nhân phơi bày khắp nơi. Điểm tốt duy nhất của sự kiện này, có lẽ để chúng ta quan sát kĩ càng và tỉ mẩn hơn tương tác của mình với người khác, để tự đặt ra câu hỏi liệu mình có đang hạnh phúc bên cạnh đối tác hay không.

Nếu câu trả lời là có, thì, chúc mừng bạn.

Bài: Vân Anh
 

Related Article