“Modern collectibles” – Platform lý tưởng cho gen Z định vị bản thân
Lifestyle

“Modern collectibles” – Platform lý tưởng cho gen Z định vị bản thân

Từ đam mê và sở thích, gen Z giờ đây có xu hướng muốn tự xây dựng “bảo tàng” cho chính mình như một nơi lý tưởng để thể hiện “tôi là ai”. Đó là lý do vì sao có sự xuất hiện của một platform mới – “modern collectibles”. 

“Modern collectibles” – những món đồ thời trang, tranh ảnh, công nghệ, truyện tranh, mô hình,… đề cao tính duy mỹ và thẩm mỹ cá nhân – đang được nhắc đến nhiều hơn khi nói về thói quen sưu tầm của gen Z thời nay. Cũng từ đó, Men’s Folio Vietnam bắt đầu dành nhiều sự quan tâm cho “modern collectibles” bằng cách đem đến một “bản phác thảo” mới mẻ. Nếu bạn là người có hứng thú sưu tầm, yêu thích những tác phẩm, sản phẩm độc đáo hay chỉ đơn giản là người yêu cái đẹp thì “modern collectibles” là nơi có thể cho bạn những góc nhìn hay và mới.  

“Modern collectibles” – Từ bỏ sự sang trọng của xa xỉ phẩm

Trong những năm gần đây, vị trí của những mặt hàng xa xỉ phẩm truyền thống trong mắt gen Z đã thay đổi. Những sản phẩm đến từ các thương hiệu sang chảnh kinh điển như Gucci, Louis Vuitton, Chanel,… luôn mang tính độc quyền với mức giá cao, giờ đây đã nằm ngoài mối quan tâm của gen Z. Samira Larouci – nhà văn và nhà tư vấn sáng tạo cho những tạp chí Vogue và Dazed – cho biết: “Tất cả những khuôn sáo cứng nhắc về sự sang trọng đều đã được gen Z giải tán”

Gen Z đã lựa chọn một cách khác để thể hiện được phong cách lẫn tính cách cá nhân, đó là thông qua hoạt động sưu tầm. “Modern collectibles” đã trở thành “mảnh đất màu mỡ”, phù hợp để gen Z khai phá bản thân và thể hiện cái tôi độc nhất. Vậy lý do từ đâu?

Trước hết, phải thấy được rằng đối với thế hệ này, việc sở hữu một sản phẩm khan hiếm, độc bản và tương thích với giá trị mà họ hướng đến sẽ hấp dẫn hơn là mua được món hàng đắt tiền. Nói một cách khác, họ mua những giá trị và trải nghiệm chứ không chỉ mua sản phẩm. Và rõ ràng, các thế hệ khác cũng nhìn thấy và có định nghĩa chung về nguyện vọng của gen Z hiện nay. Đó là một thế hệ luôn chú trọng đến: xây dựng thương hiệu cá nhân, định vị bản thân và thể hiện cá tính riêng. Jessica Lawrence – influencer thời trang và quản lý truyền thông xã hội tại Vogue Business cho biết: “Người tiêu dùng trẻ tuổi đang lựa chọn xây dựng những tủ quần áo bền vững được cá nhân hóa và rời xa thời trang ăn liền cũng như chủ nghĩa tiêu dùng vô hồn. Trong khi các thế hệ khác có thể mặc và tích lũy các mặt hàng mới như một cách chạy theo xu hướng thì gen Z tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm phù hợp với gu bản thân”

Mà tất cả điều này không nhất thiết phải thể hiện qua vẻ bề ngoài với những bộ trang phục hay phụ kiện. Thay vào đó, những bộ sưu tập hay món đồ mà họ sở hữu sẽ là những thứ lý tưởng nhất cho thấy họ là ai. Theo đó, các món đồ chơi như blind box, keycap, lego, card, art toy, bearbrick,… mang tinh thần “modern collectibles” đang là những món đồ mà nhiều người yêu thích và muốn sở hữu. 

Tất nhiên, sự hấp dẫn của “modern collectibles” không chỉ nằm ở điều đó mà sưu tầm cũng là một quá trình thu thập và trau dồi thêm kiến thức về một lĩnh vực, một cộng đồng,… Và điều này chắc chắn sẽ giúp ích cho bản thân người sưu tầm, đặc biệt là thế hệ Z – những người luôn muốn nâng cấp bản thân mình. 

Những nguyên tắc sưu tầm mà thế hệ Z cần biết

Tham khảo thế hệ trước và xác định thẩm mỹ cá nhân

Khi tham khảo thế hệ sưu tập đi trước, chúng ta không nhất thiết cần phải sưu tập giống họ mà cần chọn lọc, đánh giá những tầm nhìn phù hợp với mình. Thậm chí ta có thể đảo ngược thẩm mỹ cộng đồng để tạo ra cá tính cho bộ sưu tập của mình. Việc chạy theo thứ làm người khác hài lòng, thông qua việc sở hữu tác phẩm “hàng hiệu” để đổi lại sự thừa nhận, sẽ không bằng việc được đồng cảm và cảm nhận con người thật của chính ta. 

Tìm hiểu sâu hơn về cả quá trình sáng tạo của nghệ sĩ 

Phong cách hay cái hay của một nghệ sĩ, nghệ nhân không thể biểu lộ chỉ bằng những tác phẩm. Do đó, nếu thật sự sưu tập nghệ thuật, chúng ta phải tìm hiểu sâu quá trình sáng tác của người nghệ sĩ. Sự tìm hiểu này tạo đối thoại về mặt tâm lý sâu sắc hơn giữa ta với nghệ thuật của người nghệ sĩ mà mình tìm hiểu, thay vì đào sâu vào kỹ thuật của chỉ một tác phẩm.

Tích cực tham gia các hoạt động triển lãm, trưng bày, đấu giá 

Vốn dĩ “trăm nghe không bằng một thấy”, nên việc đến các phòng trưng bày, triển lãm uy tín là cơ hội tốt để ta tiếp cận gần hơn đến nghệ thuật. Đây cũng là nơi mà chúng ta có thể gặp được những người yêu thích nghệ thuật, hoặc “chính chủ” của những tác phẩm để trò chuyện và hiểu thêm.  

Tránh chạy theo xu hướng 

Điều này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng chắc chắn không có gì chân thành bằng chính sự tâm huyết của ta dành cho chính nghệ thuật và những gì mình thực sự muốn bỏ tiền vào. Cũng giống như những người làm nghệ thuật, chạy theo đám đông và đánh mất bản sắc chỉ vì những lợi ích tài chính sẽ lạc lối trong chính cuộc chơi này.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article