Ngày 25/7, chiếc nhẫn vương miện bằng vàng, hồng ngọc và kim cương có 1-0-2 do cố huyền thoại rapper Tupac Shakur thiết kế đã được đem ra bán đấu giá hơn 1 triệu USD. Sự kiện đánh dấu chiếc nhẫn này trở thành hiện vật hip-hop có giá trị nhất từng được bán đấu giá.
Kỉ lục mới trong làng đấu giá có gì đặc biệt?
27 năm kể từ ngày qua đời, rapper vĩ đại người Mỹ Tupac Shakur vẫn là một nhân vật nhận được nhiều sự quan tâm. Đầu năm nay, Hulu đã phát hành loạt phim tài liệu Dear Mama – kể câu chuyện về cuộc đời của Tupac và mẹ anh. Một tháng trước, anh được vinh danh bằng một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng – chứng minh tầm ảnh hưởng to lớn của anh đối với thế giới. Và giờ đây, món đồ trang sức thuộc quyền sở hữu của Tupac được nhà đấu giá Sotheby’s New York đem ra đấu giá và nhanh chóng thiết lập kỉ lục món đồ hip-hop đầu tiên có giá hơn 1 triệu USD, vượt xa ước tính ban đầu là 300.000 USD.
Chiếc nhẫn này do Shakur thiết kế và được đeo trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng tại Lễ trao giải MTV VMAs 1996 – 3 ngày trước khi bị sát hại trong một vụ xả súng tại Las Vegas. Món trang sức được làm từ một chiếc vòng tròn nạm kim cương có đính một chiếc vương miện lớn. Trên chiếc vương miện này là một viên hồng ngọc cabochon và hai viên đá pavé. Mặc dù được tạo nên từ những vật liệu xa xỉ nhưng chi tiết đắt giá nhất trên chiếc nhẫn có lẽ là dòng chữ Pac & Dada 1996. Món trang sức quý giá này chính là vật kỉ niệm Tupac đính hôn với nữ diễn viên kiêm người mẫu Kidada Jones.
Yaasmyn Fula – mẹ đỡ đầu cũng là cố vấn, người quản lý tiền bạc, người chăm sóc và người hỗ trợ suốt đời của Tupac đã đem chiếc nhẫn đến buổi đấu giá. Bà cũng rất trân trọng món đồ quý giá này vì nó như một biểu tượng cho mối quan hệ sâu sắc giữa hai người.
Cảm hứng thiết kế vĩ đại
Kể cả khi không còn trên thế giới này nữa, Tupac trong mắt công chúng vẫn là một tượng đài của làng rap với sự nghiệp vĩ đại, lẫy lừng. Tuy nhiên, cuộc đời của anh ngay từ khi còn nhỏ đã không mấy dễ dàng. Nam rapper từng bị kết án 4 năm tù vì tội tấn công tình dục. Nhưng cũng trong những ngày tháng ở tù, ý tưởng về một chiếc nhẫn được nhen nhóm. Anh đã đọc Quân Vương (The Prince) của Niccolo Machiavelli – một tác phẩm kinh điển về chính trị, cuốn sách được mệnh danh là cẩm nang cho các vị vua. Đó chính là lý do chiếc nhẫn mang dáng dấp chiếc vương miện của các vị vua châu Âu thời trung cổ.
Chưa hết, chiếc vương miện đắt giá này còn là một món đồ tôn vinh câu nói đầy cảm hứng của mẹ dành cho Tupac: “Con là Hoàng tử của chúng ta. Con là phép màu của mẹ. Và con sẽ khiến người da màu tự hào”. Điều đó cho thấy giá trị về mặt tinh thần của chiếc nhẫn là không hề nhỏ và việc được bán hơn 1 triệu USD là điều không quá ngạc nhiên.
Tháng 10/1995, Tupac được Death Rows bảo lãnh ra tù với số tiền 1.4 triệu USD. Death Rows là hãng đĩa tai tiếng vì từng dính dáng đến nhiều cáo buộc pháp lý nhưng lại sẵn sàng bỏ ra một số tiền khổng lồ để đưa Tupac ra tù. Vài tháng sau khi ký hợp đồng với hãng đĩa này, chiếc nhẫn bắt đầu thành hình. Kelvin Mercer, người phụ trách mua bán của Sotheby’s chia sẻ: “Điều đặc biệt của chiếc nhẫn này ở chỗ nó được Tupac làm ra không phải với tư cách một nghệ sĩ hàng đầu, mà đơn giản nó là món đồ bày tỏ tình yêu của một người đàn ông dành cho mọi người”.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên đồ vật thuộc quyền sở hữu của Tupac được bán đấu giá. Năm 2018, bức thư chia tay mà Tupac viết cho Madonna khi anh ấy đang bị giam giữ cũng đã được bán đấu giá. Chiếc xe cuối cùng mà Tupac mua trước khi qua đời – Hummer H1 cũng đã được bán đấu giá với mức 206.000 USD vào năm 2017. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác liên quan đến Tupac, chẳng hạn như ảnh gốc, ảnh polaroid, hóa đơn khách sạn, mặt dây chuyền vàng có vết đạn, chiếc khuyên mũi kim cương, thiết bị phòng thu cũng từng xuất hiện trên sàn đấu giá. Điều này càng cho thấy tác động mạnh mẽ và lâu dài của rapper huyền thoại đối với công chúng.
Cuộc đời hào quang ngắn ngủi
Cho đến ngày hôm nay, khi nhắc đến hip-hop và rap, cái tên Tupac Sharku vẫn luôn hiện hữu trong lòng người hâm mộ với một cảm giác vừa trân trọng vừa tiếc nuối. Đương nhiên, khi đã theo đuổi con đường hip-hop, sự nổi loạn hay căm phẫn là một điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong tư duy làm rap của Tupac, anh vẫn luôn cố gắng truyền tải thông điệp tích cực.
Trong ca khúc Dear Mama, nam rapper bày tỏ tình yêu với mẹ: “And never left me alone, because you cared for me. And I could see you comin’ home after work late. You’re in the kitchen, tryin’ to fix us a hot plate”. (Tạm dịch: Mẹ không bao giờ để con một mình vì mẹ rất thương con. Và con sẽ lại được thấy mẹ trở về nhà sau những buổi tan làm muộn. Mẹ đang ở trong bếp và làm những món ăn nóng hổi cho con).
Hay thái độ tôn trọng phụ nữ của Tupac qua ca khúc Keep Ya Head Up: “To all the ladies havin’ babies on they own. I know it’s kinda rough and you’re feelin’ all alone. Keep ya head up, things are gonna get easier. Keep ya head up, things’ll get brighter”. (Tạm dịch: Gửi tất cả những phụ nữ một mình nuôi con. Tôi biết việc đó thật khó khăn và cô đơn. Hãy ngẩng cao đầu, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Hãy ngẩng cao đầu, mọi thứ sẽ tươi sáng hơn).
Rất tiếc, Tupac ra đi đầy bí ẩn ở độ tuổi còn quá trẻ. Tuy nhiên với 25 năm ngắn ngủi, anh đã tạo dựng nên một hình ảnh rapper vĩ đại, trở thành một huyền thoại trong làng nhạc. Và huyền thoại sẽ mãi mãi là huyền thoại!