Minh Lai (Under The Hood): “Rap đem đến cho mình giá trị của sự phấn đấu”
Talent HubMusic & Film

Minh Lai (Under The Hood): “Rap đem đến cho mình giá trị của sự phấn đấu”

Minh Lai, đến từ Under The Hood, là nhân tố đầy triển vọng tại chương trình “Rap Việt” mùa 3 khi bạn chinh phục các huấn luyện viên với cách “đi flow” cực ngầu và vô cùng sáng tạo. Tôi nghĩ chuyện thành bại tại sân chơi này không phải là tất cả với nam rapper, vì thế giới rap của Minh Lai trong lời kể của bạn là một phổ màu sắc rực rỡ, nơi đan xen giữa việc sáng tạo có trách nhiệm, những cột mốc cần đạt được với Under The Hood và tỉ ti thứ khác.

Xin chào Minh Lai. Trước khi khám phá thế giới rap của Minh Lai, tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về cái tên tổ đội Under The Hood của bạn, nó mang ý nghĩa gì thế?

Mình là một đứa rất mê xe và “Under The Hood” có nghĩa là dưới nắp ca-pô. Trong một cuộc đua, tình trạng bên dưới nắp ca-pô sẽ nói lên việc bạn có phải là một người chính trực hay không. Giao kèo được đặt ra cho các tay đua là mỗi người có thể thoải mái “độ” xe nhưng phải giữ mã lực ban đầu, để việc so kè giữa họ thuần túy là kỹ năng và kinh nghiệm đằng sau vô lăng mà thôi. Mình rất thích ngữ cảnh đó nên quyết định chọn cụm từ ấy làm tên nhóm.

Bên cạnh đó, “Under The Hood” còn tách bạch rõ giữa chuyện bạn đi ngang qua một xóm nào đó hay việc bạn sinh sống trong khu xóm đó. Và chúng mình là những người anh em trong một khu xóm, cùng nhau nỗ lực nuôi dưỡng một ước mơ lớn.

Rất thú vị và căng tràn nguồn năng lượng của tuổi trẻ. Under The Hood có tất cả 20 nghệ sĩ trẻ, vậy đâu là điểm giao để các bạn gặp gỡ và gắn bó với nhau?

Trước khi chính thức lập nên Under The Hood, mình đang làm thợ cắt tóc và mình cũng có làm nhạc. Trong thời gian đó, có rất nhiều anh em đến chơi với mình, mỗi người đều giỏi một mảng như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang… Đến một ngày nọ, mình nghĩ nếu bọn mình cùng làm cái gì đó sẽ rất thú vị, không thể tiếp tục lãng phí nguồn tài nguyên này. Mình sẽ là mảnh ghép hoàn thành bức tranh này vì âm nhạc là chất kết nối mọi thứ. Nói đúng hơn, bọn mình đã là những người bạn từ cấp hai, chứ không hoàn toàn là những con người xa lạ.

Hiện tại, Under The Hood đã hoàn tất chặng đường 5 năm đầu tiên và “phát triển thật mãnh mẽ” sẽ là định hướng của chương tiếp theo. Tuy nhiên để nhóm có thể phát triển bền vững và ngày càng tiến xa hơn, mình phải hệ thống lại quy trình làm việc của tất cả mọi người. Mặt khác, do các thành viên chưa thể tụ hội cùng một nơi, nên việc làm sao để mọi người có thể giữ vững nguồn năng lượng của mình cũng là chuyện mình phải lưu tâm đến.

Có quá nhiều khó khăn cần đến kỹ năng quản trị nói chung, trong khi bạn không có nhiều kinh nghiệm trong mảng này, nếu không phải nói là “tay ngang” lập đội. Phải bắt đầu từ đâu đây?

Chính xác là chỉ còn cách vừa làm vừa học (cười). Cách thức hoạt động của một ngành nghề đâu đó cũng có một công thức chung, chỉ khác ở cách vận hành của riêng từng người. Thời điểm ấy, mình muốn học cách quản lý, vì trong mô hình kinh doanh âm nhạc này, thành tựu của bọn mình chỉ quẩn quanh ở câu chuyện kiếm tiền qua YouTube, chứ không thực sự kiểm soát được mọi thứ. Cách thức vận hành đội nhóm hiệu quả là điều mà bọn mình rất cần vì nhóm đông thành viên.

Có nhiều câu hỏi hóc búa đặt cho bọn mình, nhưng sự đoàn kết và việc cùng hướng đến mục tiêu được thỏa thích đắm chìm trong âm nhạc và sáng tạo là lời giải giúp nhóm vượt qua mọi trở ngại. Hơn hết, mình nghĩ rằng với một người nghệ sĩ thì điều quan trọng hết thảy vẫn là quá trình sáng tạo và sự cống hiến cho cộng đồng nói riêng và xã hội nói chung.

Giờ mọi người đều biết phải làm gì để theo đuổi con đường hoạt động nghệ thuật dài lâu, từ khẳng định phong cách âm nhạc đến xây dựng hình ảnh cá nhân. Để phát triển bền vững trong môi trường này, nó phụ thuộc rất nhiều vào sự ứng biến của mỗi người. Mình nghĩ chỉ cần không bỏ cuộc là được vì còn nhiều thứ chưa đạt được.

Quan điểm của mình là thà làm 5 tháng không được thì dẹp luôn, còn đã đi đến 5 năm rồi, chỉ có thể thẳng tiến về phía trước.

Giờ thì nói về bạn một chút, bạn tìm tới rap trước hay ngược lại? Rap đã đem đến những giá trị nào mà đến nay bạn vẫn theo đuổi bền bỉ?

Mình nghĩ rap tìm đến mình trước. Lần đầu tiên mình thu âm một bài rap là năm 20 tuổi. Đó là một thể loại nhạc mà người ta cứ kêu mình cố gắng đi, nỗ lực đi, đừng khuất phục, đừng buông xuôi thì mới có thể chạm đến thành công (cười). Trong cuộc sống với nhiều sự cám dỗ và thử thách thì mình càng cần sự cổ vũ, sự sẻ chia và những lời khuyên như vậy. Rap tạo cho mình một sự đồng cảm mà mình chẳng thể tìm thấy ở những dòng nhạc khác.

Mình thấy giá trị lớn nhất mà rap đã truyền cảm hứng cho mình đó là giá trị của sự phấn đấu.

Các rapper vẫn đang sáng tạo miệt mài, không chỉ để làm cho cộng đồng thêm vững mạnh, mà còn vì mong muốn thứ âm nhạc này dễ dàng tiếp cận đại chúng, mà chương trình “Rap Việt” là một trong số những nỗ lực đó. Là người trong cuộc, hãy cho tôi biết góc nhìn của bạn về sự phát triển của rap tại nước mình và hình hài của rap khi bước ra ánh sáng có khác so với nó trước đây hay không?

Trên hết, mình mong người nghệ sĩ phải có trách nhiệm thể hiện đúng tinh thần cốt lõi của rap, đó là tôn trọng sự thật và thể hiện sự tự do một cách đúng đắn trong cách bày tỏ quan điểm. Vì mục đích cuối cùng là hướng người ta đến việc sống tốt sống đẹp. Lúc bắt đầu, chúng ta sẽ chưa thấy điều đó quan trọng, nhưng khi ca khúc của mình được nhiều người biết đến hơn thì nó là cả vấn đề.

Sự phát triển của rap đang ồ ạt, bằng chứng là ngày càng có nhiều người mặc đồ giống mình, thông tin về rap xuất hiện trên mạng xã hội cũng nhiều hơn. Tích cực là ít ra có người thích rap và có nhiều người giúp văn hóa Hip-hop phát triển. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi của đức tin và rủi ro, nên nếu bạn không hiểu rõ về việc mình đang làm thì sẽ tốn nhiều thời gian loay hoay, mà đôi khi việc sa đà vào một khía cạnh nào đó của rap quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến các bạn trẻ.

Rap đòi hỏi ở người nghệ sĩ của nó một sự tự tin vào cá tính âm nhạc của họ khủng khiếp. Mình nghĩ người châu Á chưa thật sự tự tin thể hiện mình như người phương Tây. Ở Mỹ, chuyện đa văn hóa khiến mỗi người phải tin vào sự độc nhất của bản thân, thì mới có thể giao tiếp và hòa nhập. Còn người châu Á có lẽ không quá quan trọng vấn đề đó.

Và sân chơi này cũng đang cho thấy sự ồ ạt của các rapper nam thì phải?

Ngày càng nhiều các bạn rapper nữ xuất hiện, cả trong nước lẫn thị trường quốc tế. Mình tin mọi thứ sẽ dịch chuyển, chỉ là vấn đề thời gian thôi.

Biết đâu trong thập kỷ này, đàn ông có nhiều điều muốn nói nhưng một thập kỷ tiếp theo sẽ là lúc các chị em bày tỏ nhiều hơn thì sao?

Nhân đây thì bạn trước và sau khi trở thành thành viên của đội HLV Andree đã có thay đổi đáng kể nào?

Mình chú ý về trang phục hơn, thay vì giữ khư khư suy nghĩ “mặc gì cũng được” như hồi làm sản xuất. Mấy anh em trong team Under The Hood nhắc mình suốt đó chứ. Mình là người hiếm khi mua quần áo, tủ đồ nhà mình cũng là tổng hợp đồ của nhiều người cho, nên phong cách không nhất quán (cười).

Minh Lai có những quan điểm rất rõ ràng về đam mê bạn theo đuổi, vậy bạn là kiểu nghệ sĩ chân đi đạp đất hay có tâm hồn bay bổng?

Mình nghĩ mình là kiểu người bay bổng trong thế giới của những người chân đi đạp đất (cười). Nếu so với những đồng nghiệp khác hay đặt mình trong môi trường nghệ thuật thì mình có phần thực tế hơn, còn so với những người trong xóm hay mình ở các bối cảnh khác thì mình bay bổng hơn.

Minh Lai dẫn dắt một tổ đội, sản xuất series “Lost Talents”, ra mắt nhiều sản phẩm… Vậy sự trưởng thành của Minh Lai trong dòng nhạc này nói riêng và âm nhạc nói chung được thể hiện ở khía cạnh nào?

Thú thật là buổi trò chuyện này khơi gợi cho Minh Lai nhiều điều mà trước nay bản thân không nghĩ tới (cười). Chính xác là những khó khăn làm mình bừng tỉnh. Nó làm mình quyết liệt hơn trong cách đối mặt với những vấn đề gặp phải. Đơn cử như việc thất bại với “Lost Talents”, series mà mình đã bỏ việc để toàn tâm toàn ý tham gia sản xuất.

Nhóm mình làm series này 6 tháng và kết quả không như hình dung. Series không hấp dẫn được các nhà tài trợ và dù đã cố gắng tự thân vận động, thì tình hình cũng không khá hơn. Thời điểm đó, người ta không biết nhiều về rapper hay các bạn sản xuất nhạc như hiện nay. Do đó tụi mình mới muốn làm chuỗi video giới thiệu về các bạn, từ nghệ sĩ graffiti đến rapper, miễn là những gì thuộc về Hip-hop.

Một điều mà tôi muốn lắng nghe thêm ở Minh Lai đó là về nghệ thuật sampling trong Hip-hop. Sampling đơn giản là việc góp nhặt những đoạn nhạc cũ thuộc nhiều thể loại khác nhau, các đoạn hội thoại trong phim ảnh… chẳng hạn, để tạo thành những bản nhạc hoàn toàn mới. Nhưng nó gây tranh cãi về tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Có hay không một lối nghĩ khác xoay quanh câu chuyện sampling?

Trước tiên, mình nghĩ trong thế giới âm nhạc nói chung, việc một nghệ sĩ sáng tạo nhạc từ một đoạn sampling, không nhất thiết phải gắn mác hay liên tưởng ngay đến chuyện họ có sao chép ý tưởng hay không. Thay vào đó, nó nên được xem xét ở khía cạnh là một kỹ năng trong sáng tạo âm nhạc, còn khái niệm đạo nhái là một câu chuyện khác hoàn toàn. Đặc biệt hơn hết, mình thấy nghệ thuật sampling là cách để các thế hệ giao tiếp với nhau.

Cảm ơn những chia sẻ của Minh Lai.

Ảnh: Out Of Nothing
 

Related Article