Minh Đức: “Bó hẹp bản thân trong những quan điểm cố định trong thời trang là thứ sẽ giết chết sự sáng tạo.”
Talent Hub

Minh Đức: “Bó hẹp bản thân trong những quan điểm cố định trong thời trang là thứ sẽ giết chết sự sáng tạo.”

Minh Đức, nhà sáng lập thương hiệu thời trang DUC Studio, lấy cảm hứng công việc thông qua trải nghiệm sống, từ đó xây dựng nhãn hiệu tôn vinh sự đa dạng và ngày càng đánh dấu tên tuổi của mình ở thị trường thời trang trong nước.

Xin chào Minh Đức! Lời đầu tiên xin cảm ơn Đức đã nhận lời tham gia phỏng vấn Men’s Folio Vietnam. Hành trình của Đức đến với thời trang và xây dựng thương hiệu DUC Studio ra sao?

Đức bén duyên với thời trang từ những năm cấp 3 hay lấy bút bi vẽ đầm đuôi cá vô vở đến những lần mẹ dắt đi mua vải rồi đi may đồ ở nhà cô bạn thân của mẹ. Đến năm 18 tuổi, Đức quyết định đăng ký học thời trang. Năm 2019, theo đúng lộ trình sẽ là năm làm đồ án tốt nghiệp, tuy nhiên một suy nghĩ loé lên “Cứ vậy tốt nghiệp rồi ra làm cái gì?”.

Và rồi Đức tìm cho mình một bước đi sớm mà chậm là lập Duc Studio với công năng như một xưởng tự thiết kế và sản xuất. Năm đó Đức lập Duc Studio ở Bình Dương với ba mục đích chính: kiếm tiền, tự lập một quy trình sản xuất hệ gia đình và nghiên cứu về thị trường nội địa. Lúc bấy giờ Duc Studio ngoài nhiệm vụ nghiên cứu và làm mẫu sản phẩm cho 2020 thì nó còn có chức năng là sản xuất các đơn hàng thiết kế của Đức cho các khách hàng trong và ngoài nước kể cả đồ trình diễn (costume). Đến 2021, Đức mới quyết định biến Duc Studio thành một thương hiệu bán lẻ cùng đội ngũ những người trẻ, giàu nhiệt huyết và chuyên môn.

Đâu là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn nhất của bạn? Và bạn đã khéo léo ứng dụng nguồn cảm hứng đó vào trong các thiết kế của mình ra sao?

Đức thường có nhiều cảm hứng trong công việc thông qua trải nghiệm sống, đôi lúc là việc cắt dán và rã trang phục. Nhưng đôi lúc cũng là những cuộc trò chuyện vội với mấy chú xe ôm, cô bán nước, một người lạ bất kì mình gặp, hay đơn giản là từ những cuộc vui đầy ngẫu hứng của các thành viên trong nhóm. Ngoài ra, Đức hay đọc và tìm hiểu lịch sử nhất là lịch sử thời trang, có khi là lịch sử con người vì Đức thích tìm hiểu tính nguyên bản của một thứ gì đó, thích đào sâu vào góc nhìn của một người bình thường với thế giới đa văn hoá ngoài kia.

Mọi người đến với sản phẩm của Đức vì những suy nghĩ rất đỗi bình thường trong ý tưởng của team thiết kế. Nhìn mấy cô chú lao động hay mặc 2-3 lớp áo ra đường, mình nghĩ “tại sao chúng không thể kết hợp với nhau thành một?”. Rồi tụi mình làm luôn, đặt tên áo là Sơ Mi Mưu Sinh. Phía sau mỗi sản phẩm đều mang câu chuyện thú vị như thế. Những người Đàn ông hay Đàn bà trong trang phục của Duc Studio bước ra không có mục đích là phải nói lên được họ đến từ Quá Khứ, Hiện Tại hay Tương Lai. Mà chỉ đơn giản họ nói lên được họ là ai trong bộ trang phục mà họ mặc ngày hôm đó.

Trong hoạt động sáng tạo và thiết kế thời trang, bạn thuộc tuýp nhà thiết kế để cho các sản phẩm tự nói lên câu chuyện của nó với công chúng hay để câu chuyện mà bạn nghĩ ra tạo nên thiết kế? Nói nôm na là bản vẽ, hình khối, chất liệu đến trước hay ý nghĩa BST đến trước?

Mọi thứ luôn được làm một cách song song, có những sản phẩm được tạo ra bởi nguồn cảm hứng của BST, thỉnh thoảng lại là đồ trước, chủ đều sau. Với team Thiết Kế của Đức thì mọi người luôn phải nhìn và làm cùng với nhau. Việc mà Đức thích nhất trong Phòng thiết kế và có thể làm nó cả ngày là cắt hết “đồ si đa” hay đồ cũ của mình ra rồi chơi với nó.

Như một lần đã trò chuyện với Men’s Folio Vietnam, DUC Studio tôn vinh sự đa dạng. Nhưng các thiết kế của Đức thì lại khó “đa dạng người mặc được” vì sự cầu kỳ và khác lạ. Bạn có thể nói kỹ hơn về điều này được không? Và đó là tự nhiên hay một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng giai đoạn phát triển của mình?

Đây là câu hỏi thú vị và cũng là câu mà Đức rất sẵn lòng trả lời. Tuỳ từng thời điểm Đức sẽ có những “bài kiểm tra” ngầm với tệp khách hàng mà mình đang nhắm tới. Việc “khó đa dạng người mặc được” với những thương hiệu như Duc Studio không phải là điều quá khác thường mà là một bài toán đưa ra để cùng giải quyết. Bài toán này đã và đang được trả lời thông qua lượng người mặc đồ của Duc Studio trong và ngoài nước. Mọi người có thể tìm hiểu Nhóm “Ductionary” để xem khách hàng của Duc Studio đã chinh phục và định nghĩa thời trang của tụi mình “Lạ” như thế nào.

Nói cách khác tụi mình luôn cố gắng đem đến nhiều trải nghiệm khác nhau cho khách hàng không qua một món đồ, khách hàng họ có thể tự quyết định cách mà họ mặc bộ trang phục ngày hôm đó. Tụi mình cũng đã, đang và sẽ chinh phục nhiều tệp khách hàng hơn nữa thông qua các sản phẩm dễ mặc khác, bạn có thể tìm thấy nó thông qua những chiếc Printed Shirt hay Suit Sleeves T-shirt. Tất cả đều phục vụ với một mục đích chung là làm rõ ra được ADN mà Duc Studio muốn.

Chuẩn mực của sự đa dạng không có bất kỳ một quy chuẩn cụ thể nào. Sáng tạo có nhất thiết phải đi đôi với tính ứng dụng hay không thì Đức chưa biết, nhưng bó hẹp bản thân trong những quan điểm cố định trong thời trang là thứ sẽ giết chết sự sáng tạo.

Ai là thần tượng của bạn trong thế giới thời trang? Và người đó đã tạo ảnh hưởng vào lối Minh Đức biểu đạt mình thông qua DUC Studio thế nào?

Đức thích đọc những dòng report nhanh và thẳng thắng của cô Suzy Menkes, điều đó giúp Đức có được cái nhìn nhanh và tổng quát từ người có chuyên môn và hiểu được thời trang đang chảy đến đâu rồi. Đức thích những gì thực tế có sao nói vậy.

‘The Antwerp Six+1’ là một tổ hợp nhà thiết kế mà có câu chuyện truyền cảm hứng với Đức. Không phải vì brand name của các nhà thiết kế thành viên bên trong mà là cách mà họ đem thời trang nơi họ sống ra thế giới. Đây là một giấc mơ mà Đức muốn và sẽ tìm cách làm “ Đem thời trang Việt Nam ra thế giới”.

Còn về thần tượng thì Đức nhiều lắm nhưng đa phần là nghệ sĩ nội địa, Nhạc của Suboi và Lê Cát Trọng Lý là hai trong số nhiều nghệ sĩ mà Đức có thể nghe mỗi ngày.

Bài: Nam Thi

 

 

Related Article