#MFTalentHub: Nhiếp ảnh gia Chiron Dương: “Tôi sẽ không xài từ đam mê để nói về nhiếp ảnh”
TrendsMF Talent Hub

#MFTalentHub: Nhiếp ảnh gia Chiron Dương: “Tôi sẽ không xài từ đam mê để nói về nhiếp ảnh”

Là nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên giành giải nhất tại cuộc thi nhiếp ảnh thời trang Pháp Picto Fashion Award, Chiron Dương (Dương Quang Đạt) đang dần nhận được sự chú ý với tư duy nghệ thuật khác lạ.

Chiron Dương

Men’s Folio (MF): Xin chào Chiron Dương. Trong lời giới thiệu trên trang chủ Picto Fashion Award, bạn tự nhận mình là một kiến trúc sư kiêm nhiếp ảnh gia. Vậy bạn đã đến với nhiếp ảnh như thế nào?

Chiron Dương: Khi tôi vừa lên đại học, vòng lặp học hành – cuộc sống khiến tôi bị bế tắc. Túng quẫn, bí bách mà không biết phải làm thế nào, tôi bắt đầu có thói quen đi lang thang khắp thành phố. Càng quen, tôi lại càng đi xa. Thậm chí, tôi còn ngủ ở rừng cao su. Không biết sao lúc ấy tôi lại hành xác mình như thế nữa. 

Cao sĩ
Cao sĩ
Hoàng - Long Chầu Hổ Phục

Trong một chuyến đi lên Đà Lạt, tôi có duyên quen biết một số nhiếp ảnh gia có tâm hồn rất nghệ sỹ. Từ đó, tôi được giới thiệu đến thể loại Fine Art photography mà họ đang theo đuổi. Trong suốt quá trình tìm hiểu, tôi đã kết hợp Fineart Photography với các thể loại khác như documentary photography, manipulation photography… vào nhiếp ảnh thời trang và theo nghề được ba năm rồi.

(MF): Vì sao lại là nhiếp ảnh? Đó có thể gọi là niềm đam mê và là sự nghiệp của anh?

Chiron Dương: Tôi sẽ không xài từ đam mê để nói về nhiếp ảnh. Với tôi, nó giống một thứ mình chưa biết thì mình muốn học. Trước đây, tôi từng đặt ra cho bản thân nhiều bài tập rất “lạ đời” để mài giũa kỹ năng của bản thân, như là chỉnh sáng tối mấy trăm tấm hình. Tôi thích cảm giác được học nhiều hơn cả đam mê. Theo thần số học thì mình là số 7, người học đạo, thích học, càng khó lại càng thích. Hiện tại, tôi đang nghiên cứu về màu sắc vì các dự án tiếp theo sẽ đánh rất mạnh về màu. Tôi muốn mỗi dự án mà mình làm đều phải khác biệt. 

(MF): Điểm đặc trưng trong chất ảnh của Chiron?

Chiron Dương: Khi tôi xem tác phẩm của các thí sinh trong chung kết Picto Fashion Award, ai cũng đánh rất mạnh về mặt thị giác. Nếu chỉ có ấn tượng mà không có chiều sâu hay câu chuyện thì phút chốc tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng. Đó là lý do mà tôi muốn ảnh của mình kể được điều gì đó trước trong một sự tiết chế về hiệu ứng thị giác. Thay vì đánh mạnh vào gây ấn tượng thị giác, giật gân, cao trào , tôi tập trung ở cảm giác và ý nghĩa ( tính khí quyển). Một trong những điểm thú vị khác của riêng tôi là việc kể lại câu chuyện bằng cả bộ ảnh nối tiếp và đồng điệu.

Little Daisy – Koibito Yo Người Yêu Dấu ơi

(MF): Nguồn cảm hứng sáng tạo của Chiron thường đến từ đâu?

Chiron Dương: Về cảm hứng, tôi từng học tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc thời ấy để đi thi văn. Lời văn của ông thực sự rất lãng mạn dù khung cảnh lúc ấy là khi bom nổ. Câu văn “Anh nhớ em, nhớ em” được lặp lại gợi cảm giác trùng điệp. Tôi bị ảnh hưởng bởi sự lãng mạn ấy.

(MF): Việc học kiến trúc đã ảnh hưởng gì đến cái tôi nghệ thuật của bạn?

Chiron Dương: Tôi may mắn là được học kiến trúc nên có cách nhìn nhận vấn đề rất khác. Tôi luôn cố đặt ra hướng giải quyết cho mỗi vấn đề trong ảnh. Các đồng môn khác thường chọn những đề tài rất tăm tối và không có hướng giải quyết. Bạn đặt ra đề tài thì phải giải thích được khái niệm, đối tượng là ai, giải pháp. Mỗi bộ ảnh của tôi phải truyền tải được một thông điệp đằng sau. Khi có trào lưu kêu gọi cứu giúp Thảo Cầm Viên, tôi không nghĩ việc cho tiền là giải pháp. Nó giống như đem muối bỏ biển vậy. Thay vào đó, tôi thực hiện ba bộ ảnh nghệ thuật với ba phong cách khác nhau, thể hiện rằng nơi này đẹp thế nào. Sau đó, nhiều báo và người dân thực sự đã đến đây chụp ảnh, tạo nguồn thu bền vững.  

Yêu thương - Ai
Yêu thương - Ai

Có bộ ảnh khác của tôi mang tên “Nghịch đảo Xuân Hương” chụp các thiết kế của Tú Bông nói về đề tài kế hoạch hóa gia đình, vốn là một chủ đề hiện đại, nhưng lại dựa trên hai câu thơ cổ của Hồ Xuân Hương:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Nghịch đảo Xuân Hương

Có nhiều lắt léo, tương đồng và tương phản giữa cổ và xưa. Tôi sử dụng chất liệu cổ nói về vấn đề hiện đại ở vùng nông thôn vn từ phong kiến đến giờ. Phụ nữ phải đẻ để tìm con trai, không thì gia đình chồng sẽ khuyến khích chồng tìm người khác. Đây thường là đề thi của nhiếp ảnh xã hội. Nhiều nhiếp ảnh thời trang bị thiếu điều này. Có thể là do họ không có thời gian nghiên cứu.

Em Nấm
Em Nấm

Với hình thời trang, tôi thường cố gắng cân bằng giữa người xem, pha trộn với cái tôi cá nhân và người tạo nên bộ trang phục. Mỗi bộ trang phục đã là một câu chuyện rồi và tôi phải thể hiện được nó. Khi tôi xem ảnh của người thắng cuộc trước đây của cuộc thi Picto Fashion Award thì thấy rất bình thường. Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao một bức ảnh không có gì ấn tượng như thế lại có thể chiến thắng. Cho đến một ngày tôi đọc phần giải thích. Nữ thí sinh ấy dùng kỹ thuật chụp in phun trên một chất liệu vải, gấp nếp và tạo thành nếp bụng của con người.

Hay một thí sinh khác xuất thân từ thợ dệt. Bà chụp một bức ảnh và cho dệt lại. Vải có nhiều cấu trúc, có thể móc sợi hay rạch cho bung ra. Ở Việt Nam liệu có ai nghĩ đến không? Tôi cũng đang ấp ủ dự án nghiên cứu liên quan đến việc bề mặt thay đổi cả bức ảnh. Tôi không muốn được nghĩ đến như một nhiếp ảnh gia chỉ biết chụp đẹp. Khi có thời gian, tôi sẽ học và nghiên cứu, bổ sung những cái nằm ngoài trí tưởng tượng của mình.

(MF): Quyết định dành cả một năm chỉ để thỏa sức sáng tạo nghệ thuật, Chiron có vẻ sống chậm và rất chill đấy chứ!

Chiron Dương: Tôi chậm nhưng không chill. Chill là có hơi mơ màng. Tôi lúc nào cũng suy ngẫm. Cái này là như thế nào. Tác dụng của nó là gì. Chụp hình là gì, vẽ là gì, nghệ thuật xuất phát từ đâu. Mình rất thực tế. Kiến trúc cũng vậy. Có đợt mình tìm từ khóa về sài gòn, người ta nói Sài Gòn rất chill. Sài Gòn đâu như thế, nó bận rộn quá trời.  Ai cũng có động lực làm việc.

PA THEN
PA THEN

Tôi không đặt nặng vấn đề nhiếp ảnh phải là nghề để kiếm sống. Tôi chỉ xem đây là một cuộc chơi và dành thời gian để xác định phong cách. Đợt vừa rồi, tôi trúng giải nên tiền thưởng và có chút thu nhập nhờ bán tác phẩm ra nước ngoài cho các nhà sưu tầm. Ai nhìn vào cũng sẽ nghĩ tôi đắt show lắm. Khác với các đồng nghiệp trong nghề, tôi thường dồn sức chạy thật nhiều dự án trong một thời gian, sau đó nghỉ mấy tháng để học và nghiên cứu thêm cái mới. Mình còn trẻ mà, kiếm tiền thì năm 26 tuổi vẫn có thể kiếm được. 

Xin cảm ơn Chiron về buổi trò chuyện hôm nay!

Xem thêm các tác phẩm của Chiron Dương tại https://www.behance.net/chironduong

 

Related Article