#MFTalentHub: Giám đốc Sáng tạo Alex Fox – Our 90’s Coolest Kid
TrendsMF Talent Hub

#MFTalentHub: Giám đốc Sáng tạo Alex Fox – Our 90’s Coolest Kid

Sáng tạo đối với Alex Fox (Lê Anh Vũ) hiển nhiên như hơi thở. Dù tuổi đời còn rất trẻ, anh đã sớm nổi danh với nhiều vai trò như nhiếp ảnh gia, người mẫu, stylist… Nhưng những năm gần đây, anh được biết đến với chức danh Giám đốc sáng tạo, gắn liền với các bộ hình thời trang và music video nổi tiếng

Tôi đã nghe về Alex Fox (Lê Anh Vũ) từ khi vừa “chập chững” bước vào thế giới của tạp chí thời trang. “Alex Fox giỏi và lạ” – đó là từ mà người ta thường dùng để miêu tả về anh. Tôi nhớ mãi tờ tạp chí L’Officiel đầu tiên mà mình sở hữu. Đó là ấn phẩm số tháng 9/2019 với tên gọi 90s kids no more. 2019 kết thúc mở ra một kỷ nguyên mới, đánh dấu các bạn sinh năm 1999 vào đời và thế hệ 9x đầu tiên bước sang tuổi 30! Alex bảo, ý tưởng này được anh lấy từ bản thân mình và đây cũng là một trong những số báo mà anh thích nhất. Thuộc một trong những thế hệ 9x đầu tiên, Alex cũng đã bước gần đến bước ngoặt của tuổi 30.

Men’s Folio (MF): Xin chào Alex Fox. Anh đã bước vào con đường sáng tạo từ khi nào?

Alex Fox: Sáng tạo đối với tôi tự nhiên như hơi thở. Gia đình tôi có rất nhiều người theo ngành sáng tạo, đặc biệt là mẹ và dì, hai người tôi rất thân thiết. Nên tôi được dạy vẽ từ nhỏ và trước khi ý thức được điều gì thì tôi đã tự chọn đồ chưng diện cho bản thân rồi. Đối với sáng tạo hay nghệ thuật, tôi chưa một lần phân vân về con đường này. Từ những năm cấp 3, tôi đã xác định theo học thiết kế đồ họa hoặc một công việc liên quan đến vẽ, nghệ thuật hay hình ảnh.

Kinh dịch
MF: Nhưng có vẻ như nghề báo đã chọn anh rồi. Cơ duyên nào đã mang anh đến với L’Officiel?

Alex Fox: Tôi tốt nghiệp ngành đồ họa đại học kiến trúc, sau đó theo nghề nhiếp ảnh nhưng bị mắc kẹt, không tìm được cảm hứng nên từ bỏ. Sau đó, tôi xin anh Dzung Yoko cho theo làm trợ lý. Không bao lâu, tôi được cho cơ hội làm stylist và chính thức vào L’Officiel với vai trò này. Tôi mất nửa năm để lên vị trí Giám đốc Nghệ thuật (Art Director) và mất thêm một năm để tiến đến chức danh Giám đốc Sáng tạo (Creative Director). Mọi thứ có vẻ tiến triển khá nhanh nên tôi không ngừng cố gắng nỗ lực để thích ứng với vị trí này.

Tôi nhớ mãi số báo đầu tiên mình đảm nhiệm với vai trò Giám đốc Sáng tạo. Đó là số tháng 3/2017. Tôi đã trăn trở rất nhiều khi quyết định đổi mới tất cả mọi thứ. May mắn là được mọi người ủng hộ và chấp nhận. Tôi nghĩ cơ hội đến với mình là một may mắn. Nhưng khi nó đến thì phải đủ bản lĩnh để năm bắt mới có thể thành công. L’Officiel như là một dự án cá nhân mà tôi đầu tư toàn bộ tình yêu, tiền bạc và công sức vào.

90 Kids No More
MF: Vậy anh yêu gì ở công việc truyền thông-sáng tạo, cụ thể là tạp chí thời trang?

Alex Fox: Tôi thích công việc này ở sự đổi mới. Báo chí, Tạp chí  là ngành phải gắn liền với đời sống và phải chuyển động theo đúng nhịp sống xã hội. Nhịp sống thay đổi thì báo chí phải thay đổi theo. Bản tính tôi là một người dễ chán nếu làm gì đó lâu quá. Ngành báo, đặc biệt là tạp chí thời trang có đặc tính phù hợp với tính cách của tôi. Nó đòi hỏi sự thay đổi và luôn cập nhật bản thân. Đến bây giờ, tôi vẫn phải học những cái mới. Kiến thức chưa bao giờ là đủ cả.

MF: Anh đã thử sức ở gần hết mọi lĩnh vực gắn liền với một tạp chí thời trang như nhiếp ảnh, người mẫu, thiết kế… Vậy các trải nghiệm này đã giúp ích gì cho anh ở vai trò Giám đốc Sáng tạo?

Alex Fox: Ừ nhỉ, tôi đã trải qua gần hết các vai trò rồi, chỉ trừ trang điểm là vẫn chưa thử sức thôi. Chúng thật sự có ích. Khi làm chức Director, thì mình phải biết làm mới xúi người ta theo mình được. Tôi trở thành Art Director ở tuổi rất trẻ, nhờ những kinh nghiệm đã có, tôi nhận được sự tôn trọng nhất định vì những điều mình nói có cơ sở, kiến thức chứ không phải ý kiến suông hay ảo tưởng.

Ảnh: Trang Phạm

MF: Đâu là người có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp của anh?

Alex Fox: Người thầy đầu tiên của tôi trong lĩnh vực sáng tạo là anh Dzung Yoko. Anh có vai trò định hình và cho lời khuyên. Nhưng ảnh hưởng đến tôi nhất là cái tôi của bản thân. Tôi nhận được nền tảng từ anh Dũng nhưng để phát triển bản thân như thế nào mỗi ngày thì tôi luôn phải tự nhìn lại mình và những dự án đã qua. Nếu tôi thấy bản thân đã chán rồi thì sẽ tự tìm thêm những cái mới để làm.

MF: Sáng tạo với tần số dày đặc như vậy, liệu anh có lo bản thân sẽ bị “cạn kiệt” ý tưởng? Một chiếc khăn dù thấm nhiều nước mấy thì vắt mãi cũng sẽ khô thôi.

Alex Fox: Thật ra người sáng tạo nào cũng sẽ đối mặt với một bức tường. Càng ngày bức tường càng dày hơn, tỉ lệ thuận với sự sáng tạo của họ. Có thể là tường dày hơn hay sức họ yếu hơn vì họ đã đập nhiều bức tường quá rồi. Tôi may mắn vì thấy mình vẫn còn trẻ. Những gì tôi đạt được vẫn còn nhỏ lắm và còn quá nhiều thứ khác mà tôi chưa biết. Giống như hiện tại, việc chụp hình và về hình ảnh vững rồi thì tôi sẽ tự học hỏi thêm ở phần video. Đó là vùng đất mới và tôi sẽ lại có thêm nhiều cảm hứng để sáng tạo, để học thêm mỗi ngày.

No border for love

Thêm nữa, tôi nghĩ mình nên gặp gỡ nhiều với các bạn thuộc thế hệ trẻ hơn vì các bạn trẻ cập nhật nhanh và rất nhạy với xu hướng. Năm ngoái, tôi có khoảng thời gian bị mắc kẹt bởi chính công việc của mình. Tôi từng nghĩ bản thân đã là Giám đốc Sáng tạo, thì mình phải đáp ứng được kỳ vọng của mọi người. Khi quyết định buông bỏ thì tôi mới ngộ ra rằng mình không là gì cả. Có chăng chỉ là một hạt cát trôi theo dòng nước mà thôi. Tôi cũng bình đẳng như bao người, cũng  mắc sai lầm, cũng học hỏi.

Giây phút tôi bỏ những cái tôi đó đi, tôi cảm thấy mình như con người mới, như cái khăn mới sẽ tự hút lại những giọt nước mới. Việc bỏ cái tôi xuống cho tôi dũng khí để thử thách nhiều hơn!

MF: Tôi thấy các sáng tạo của anh có hơi “điên”. Liệu đây có phải là điểm đặc trưng?

Alex Fox: Cá nhân tôi thấy chúng không quá điên đâu. Tôi thích những thứ siêu thực và biến những gì thực tế thành siêu thực. Nếu một người châu Á nhìn vào sáng tạo của tôi sẽ thấy nó hơi Tây, một người tây nhìn vào sẽ thấy nó rất châu Á. Đó là sự kết hợp giữa hai góc nhìn. Bản thân tôi cũng vậy, là người nằm giữa mọi thứ. Khi ở chung với người châu Á, họ sẽ thấy tôi hơi tây. Ở với người Tây, họ sẽ thấy tôi rất châu Á. Ở với người già thì tôi thành người trẻ, với người trẻ thì tôi thành già. Thêm nữa, tôi sẽ luôn khai phá những góc mới hơn, những cái chưa ai từng làm.

Suboi on Mars
MF: Theo anh, đâu là cốt lõi của sự sáng tạo?

Alex Fox: Cái nguồn của sáng tạo là nghiên cứu. Việc nghiên cứu sẽ giúp phân biệt sự sáng tạo với sự sao chép, sẽ giúp tạo ra những cái nguyên bản nhiều hơn. Thực tế, Việt Nam luôn là nước đi sau do sự mở cửa chậm hơn. Các bạn vẫn chưa phân biệt được đâu là sáng tạo, đâu là theo xu hướng, đâu là sao chép. Tôi muốn chia sẻ cho các bạn biết điều đó.

Bản thân tôi đôi khi cũng vô tình lạm dụng sự sáng tạo của người khác mà không biết. Mình xem trên pinterest những cái rất hay mà Việt Nam chưa có. Mình nghĩ làm vậy đi, là sáng tạo cái mới rồi. Nhưng không phải, đó là đang sao chép của người ta. Mỗi người sáng tạo phải tự làm giàu vốn sống cá nhân của mình. Bạn không cần cần sáng tạo gì quá ghê gớm. Lấy cái có sẵn cộng thêm cái riêng của mình thì nó đã là cái mới rồi.

MF: Ý anh là, thứ các bạn trẻ Việt đang thiếu chính là cái chất riêng?

Alex Fox: Đúng thế, cái các bạn thiếu là lớp nền của sự sáng tạo. Tôi nghĩ một người sáng tạo luôn phải tự đặt câu hỏi là tại sao mình làm như vậy trước khi người khác hỏi mình. Một người sáng tạo tốt sẽ có một câu chuyện, một lời giải thích. Thì những thứ đó phải đi từ những cái nghiên cứu cơ bản nhất. Tìm hiểu về bản thân và học hỏi ra thế giới.

Digital Era
MF: Vậy anh làm giàu chất nền của bản thân như thế nào?

Alex Fox: Tôi tiếp xúc nhiều người và nghe nhiều câu chuyện. Tôi vốn có ít bạn, nhưng lại nhiều người quen sẵn sàng để trò chuyện. Mỗi người sẽ cho tôi một câu chuyện khác nhau. Đọc một cuốn sách thì chỉ là chuyện một người kể. Gặp nhiều người là ra rất nhiều câu chuyện. Từ nhỏ, tôi vốn bay bổng, thích phim ảnh, thích những gì thuộc trí tưởng tượng, thích tìm hiểu cuộc sống khác không phải của mình. Đó cũng là một sở thích tốt để có những cảm hứng mới.

Tôi còn đi nhiều nữa và đặc biệt thích du lịch một mình.Một mình bạn tới một vùng đất mới cảm giác bản thân yếu đuối và cởi mở như vừa được sinh ra lần nữa. Khi đi với bạn thì mình tự nhốt bản thân trong một vòng tròn quan hệ khép kín, không có chỗ cho những cái mới.

Sao người ta nỡ làm mình đau - Gil Lê
MF: Hai năm trước, anh từng nói bản thân chọn bước đi một mình trên con đường sáng tạo. Điều đó đến nay có thay đổi không?

Alex Fox: Điều này phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Lúc trước, tôi không đủ tin tưởng những người xung quanh và khó bộc lộ suy nghĩ cho họ biết. Do hơi khép kín và gồng mình nên tôi lựa chọn làm việc độc lập. Nhưng bây giờ, tôi sẽ thay đổi. Có người nói với tôi: hai cái đầu sẽ hơn một cái đầu, ba cái đầu sẽ hơn hai cái. Sau cuối năm ngoái, việc buông bỏ mọi thứ giúp tôi thấy mình bình đẳng với mọi người và việc trao đổi với họ  sẽ dễ dàng hơn. Tôi cũng cảm nhận được sự công tác mang lại nhiều lợi ích tốt hơn.

MF: Có vẻ như năm vừa qua, anh đã thay đổi rất nhiều.

Alex Fox: Tôi thấy mình trưởng thành hơn. Đó có thể là việc bước qua cái dốc 30 tuổi mà người ta thường nói. Chức danh Giám đốc Sáng tạo chính là thứ dồn tôi vào đường cùng cuối năm ngoái. Tôi đã  có chức danh đó rồi thì phải làm gì tiếp. Đi nước ngoài hay làm sao đây? Mà nếu đi thì tôi phải từ bỏ mọi thứ, làm lại từ con số 0. Khoảng thời gian giãn cách xã hội cho con người có nhiều thời gian suy nghĩ. Rồi Covid ập đến khiến mọi người cảm thấy tuổi thọ ngắn lại. Năm vừa qua là một sự tẩy trắng, làm mới lại cho chúng ta.

Ảnh: Trang Phạm

Bây giờ với tôi , chức danh không còn quan trọng mà là tính chất công việc. Tôi chỉ thích làm sáng tạo thôi. Đi đâu, làm gì, mình đang làm đúng công việc đó, việc sáng tạo. Chữ Giám đốc đằng sau không còn sức nặng nữa. Sáng tạo nghĩa là mình có thể làm tất cả mọi thứ. Chức danh thì mọi người nhìn vào nghĩ nó oai, nhưng thực chất là một cái rào cản, một cái tạ gánh đi mỗi ngày, mình không được sai sót. Giờ tôi bỏ cái tạ xuống, đi bằng sức mình, thấy mình mới lại, trẻ hơn. Nếu làm sai thì tôi là một người trẻ, đang học hỏi, có thể sai. Như thế cho tôi sự can đảm để thử thách nhiều thứ hơn.

Tôi luôn sợ có một ngày tôi sẽ không còn đủ sức sáng tạo, đủ trẻ nữa, sẽ bị thay thế bởi những cái khác và ngày đó cũng sẽ tới

MF: Làm trong ngành sáng tạo đã lâu. Anh nghĩ đâu là thứ khắc nghiệt nhất của ngành này?

Alex Fox: Sự cạn kiệt của chính người sáng tạo. Tôi luôn sợ có một ngày tôi sẽ không còn đủ sức sáng tạo, đủ trẻ nữa, sẽ bị thay thế bởi những cái khác và ngày đó cũng sẽ tới. Ai bước lên đỉnh nào đó cũng phải bước xuống. Tôi sợ một ngày nào đó nhìn những sản phẩm của mình sẽ giống nhau, sẽ mang quá nhiều cái tôi của mình. Sự khắc nghiệt đó đến khi người sáng tạo không thể sáng tạo được nữa, phải làm mới bản thân mình. Để cái sáng tạo không chết đi, tôi đang tập để thực tế. Khi thực tế, mình sẽ chấp nhận rằng bản thân không còn sáng tạo thêm được nữa. Tôi sẽ lấy thực tế đó để mình chuyển theo một hướng khác và thích nghi.

Ảnh: Trang Phạm

Làm sáng tạo hay nghệ thuật là cho mọi người. Tôi lấy bản thân mình ra để trưng trổ, lấy vốn liếng, sự sống để phơi bày ra. Sáng tạo là từ bản thân mình. Tôi vắt kiệt nó, đem ra cho mọi người thấy. Tôi không đồng ý với quan điểm của người nói sáng tạo cho cá nhân, cho bản thân, chỉ cần thấy đã là được. Sáng tạo phải cho mọi người, cộng đồng, phải mang đến sự thưởng thức chung thì sự sáng tạo đó mới có giá trị.

Cảm ơn những lời chia sẻ của giám đốc sáng tạo Alex Fox!
 

Related Article