#MFTalentHub: Ca sĩ Hoàng Phương: “Tôi muốn lưu giữ những giá trị xưa”
MF Talent Hub

#MFTalentHub: Ca sĩ Hoàng Phương: “Tôi muốn lưu giữ những giá trị xưa”

Nhiều người biết đến nam ca sỹ Hoàng Phương khi giành giải Á Quân của cuộc thi The Debut 2018. Mới đây, anh đã ghi dấu những bước tiến đầu tiên trong sự nghiệp với Album “Đề Bút”. Không chỉ có tài năng, Hoàng Phương còn khiến chúng ta ngưỡng mộ vì tư duy âm nhạc khác lạ.

Hà Nội và Âm nhạc – đó là hai từ chính xác nhất để miêu tả về Hoàng Phương. Anh nói về cả hai với một niềm thiết tha trìu mến. Một là quê hương, một là đam mê. Hai thứ hòa quyện lại, tạo nên một chất nhạc rất riêng của Phương – xưa nhưng không cũ.

Men’s Folio (MF): Xin chào Hoàng Phương, âm nhạc đã đến với anh từ lúc nào?

Bố tôi đam mê âm nhạc nên từ nhỏ, tôi đã được nghe những ca khúc Dancing Queen, I have a Dream. Chúng góp phần hình thành nên giấc mơ âm nhạc trong tôi. Khi đi học mẫu giáo, tôi là gương mặt thân quen trong các cuộc thi “Bé khỏe bé đẹp”. Việc lên sân khấu từ bé và nhận được sự tán thưởng của đám đông qua tiếng vỗ tay giúp tôi có được sự tự tin trong nhiều việc. Niềm đam mê cứ thế lớn dần lên, theo tôi đến tận bây giờ.

MF: Anh có nhớ sân khấu đầu tiên của mình?

Tôi được sinh ra trong một ngôi làng nơi nhiều thế hệ đã cùng chung sống từ rất lâu rồi. Trong làng có một ngôi chùa cổ, chúng tôi tự tổ chức mọi sự kiện lớn trong sân chùa. Lúc đó là đám cưới của người anh họ và cũng là lần đầu tiên tôi dám bước lên sân khấu hát. Tôi còn nhớ rất rõ mình đã hát bài Dancing Queen và được mọi người khen ngợi.

MF: Với anh, cảm giác được hát, được thỏa mãn đam mê của mình, nó như thế nào?

Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội ngồi lại bên nhau, chia sẻ cùng bạn bè. Khi hát, tôi có cảm giác mình đang làm bạn với rất nhiều người. Tôi hình thành các mối dây liên kết với họ thông qua màn biểu diễn. Tôi thấy vui và sung sướng vì được hát. Mọi người hay ví các sân khấu như thánh đường. Ở Hà Nội thì chỉ cần một lần được đứng ở sân khấu của nhà hát lớn, như các diva hay divo đã từng, thì cảm giác sẽ rất là “đã”.

Thời sinh viên, tôi hay đi hát ở các Pub. Lúc ấy chẳng có danh sách bài hát hay gì cả, tôi hát sống cùng ban nhạc bất cứ bài gì mình muốn. Trong không gian nhỏ, mọi người quây quần xung quanh, mối liên kết giữa chúng tôi lúc đó mạnh hơn bao giờ hết và là cảm giác tôi mãi không quên.

Với tôi, việc hát là một sự chia sẻ. Cảm giác mà khi bạn buồn, nghe một bài hát , bạn sẽ nhận ra rằng mình không đơn độc.

MF: Anh đã từng vào Sài Gòn xây dựng sự nghiệp trong hai năm rồi lại quyết định trở về Hà Nội. Điều này đã làm thay đổi cách anh theo đuổi đam mê thế nào?

Tôi từng nghĩ mình phải dành toàn bộ thời gian cho việc theo đuổi đam mê âm nhạc. Đã có thời, tôi từng nghĩ để làm nghề này thì phải tìm công ty giải trí hay chương trình thực tế. Thế là tôi vào Sài Gòn nhưng được hai năm nhưng vẫn phải về vì cảm thấy mọi thứ không rõ ràng và không muốn xa Hà Nội. Tôi ở cái ngưỡng cũng lớn tuổi rồi, phải lo cho bố mẹ, không như các bạn trẻ khác có thời gian để thử thách và học hỏi. Sau đó, tôi làm lại công việc trước đây. Song, tình yêu ca hát thì vẫn còn đó nên tôi không muốn từ bỏ, quyết tâm tìm con đường riêng của mình.

MF: Khi cởi bỏ hết các lý tưởng này, anh được tự do?

Tôi tin, bất cứ chuyện gì trong cuộc sống xảy ra đều có lí do của nó. Tôi phải trải qua một khoảng thời gian ở Sài Gòn như thế thì mới có thể cởi bỏ các áp lực. Khi mới ra Hà Nội, tôi thấy nặng nề, nghĩ thôi mình không làm được nữa rồi, cũng sợ bị mọi người xung quanh bảo thất bại nên quay về. Tuổi tôi cũng lớn rồi nên quyết định cũng nhanh, thực tế hóa mọi thứ và dành tất cả cho gia đình, những người yêu quý nhất.

Khi còn đau đáu về tương lai vô định, tôi có đi Hà Giang leo núi. Dãy núi rất nguy hiểm, chỉ có tôi và đứa bé 14 tuổi người nhỏ thó dẫn đường. Khuôn mặt nó có vết sẹo, chỉ mặc độc cái quần đùi và áo khoác mỏng, chân đi dép lê nhưng chả sợ. Tôi thì to con, mặc đồ bảo hộ mà rón rén từng bước một. Khi lên đỉnh núi, tôi nhận ra hoá ra nỗi sợ nó chỉ là một góc nhìn. Chỉ cần lấy góc nhìn từ bên ngoài thì hoá ra mọi chuyện nhẹ hơn mình tưởng. Lúc đó, suy nghĩ về chuyện đi hay ở trở nên rất nhẹ nhàng.

MF: Người ta thường nói cuộc sống ở Hà Nội vốn chậm, anh có lo rằng phát triển sự nghiệp âm nhạc ở đây sẽ khó khăn?

Tôi tận hưởng cuộc sống ở Hà Nội. Buổi sáng tôi vẫn đi làm việc khác lo cho gia đình, việc ca hát thì lấy nó nuôi nó. Đó cũng là một cái chậm. Tôi không có cái cảm giác phải bon chen nhiều lắm. Những gì tốt đẹp đều cần thời gian, nên tôi quyết định đi chậm.

MF: Thế anh yêu nhất điều gì ở vùng đất Hà Thành?

Tôi hay ngồi trà đá vỉa hè. Ở Hà Nội là thích cái đấy. Nhiều người sẽ tả Hà Nội với mùa thu hoa sữa. Nhưng với tôi, Hà Nội chính là trà đá vỉa hè. Chúng tôi hay có các gánh nước chè chỉ có thể mở cửa vào sáng sớm, ngay trước mặt bằng của các tiệm lớn còn đóng cửa. Lúc này, phố xá yên tĩnh, không có nhiều xe gắn máy, những người đi thể dục về này, những phu khuân vác vừa xong việc ở chợ Long Biên đều tụ về đây.

Các tầng lớp khác nhau cùng ngồi chung một khung hình, thưởng thức cốc chè nóng trong thời tiết se se. Mọi thế hệ đều có thể ngồi lại ở quán nước chè vỉa hè, mọi câu chuyện đều có thể kể ờ đó, như một thông tấn xã. Tôi thích Hà Nội ở những điều bình dị như thế.

MF: Trong album đầu tay “Đề Bút”, vì sao anh lại chọn remake lại các bài nhạc xưa thay vì ra mắt một bài hát mới của riêng mình?

“Đề Bút” là dòng ghi lại, tóm tắt cảm xúc. Tôi muốn hát nhạc xưa vì thích nó. Trong đó là cả câu chuyện mà tôi cảm nhận và muốn kể. Bên cạnh đó, tôi muốn đem lại cho các bài nhạc xưa một sức sống mới, một cái mới về nhạc, phối khí, cách hát. Không có nhạc xưa thì làm sao có nhạc nay.

Album thể hiện được những gì trong con người tôi. “Đề Bút” có 5 bài được phối đa dạng. Có bài thì âm hưởng jazz, có bài thì ballad như Bến Vắng, có hơi hướm của symphony và đàn dây hay chill-hop như bài Biển Tình. Có bài rất ấm áp như bài Dư Âm. Đó là âm nhạc mà tôi thích. Tôi làm “Đề Bút” như một portfolio giới thiệu bản thân để từ đây, mình có thể làm những cái lớn hơn.

Năm bài hát đều chứa đầy kỷ niệm và tạo thành một vòng tuần hoàn, một câu chuyện của tình yêu mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng trải qua.


Ra mắt bằng một bài hát mới bây giờ ai cũng làm. Nhưng thay vì thế, tôi chọn đầu tư cho cái giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về mình. Nó cũng thể hiện sự sáng tạo của bản thân và ekip. Tôi đã lớn lên cùng những bản nhạc này, nên việc lắng nghe chúng như ôn lại kỷ niệm, theo cách là lạ một tí. Đó cũng là thú vui của nhiều người cùng thời với tôi. Có nhiều cảm xúc, câu chuyện khó để nói ra có thể bày tỏ bằng âm nhạc. Người nghe sẽ cảm thấy bản thân được thấu hiểu.

MF: Anh có được truyền cảm hứng bởi ca sỹ nào không?

Tôi nghe nhiều nhạc lắm. Về giọng hát, tôi thích nhất là danh ca Bảo Yến. Cô là người miền Trung nên hát tiếng Việt nghe hay tuyệt. Những phát âm của cô về s, tr, nặng, nhẹ rất rõ ràng. Tiếng Việt mình có những từ rất là có cảm xúc mà còn tượng hình nữa. Ví dụ như từ “rung rinh” nếu đọc đúng thì có thể nghe cả độ rung của nó. Tôi rất thích những ca sỹ có thể duy trì được giá trị này.

Trong nhiều bài hát hiện nay, Tiếng Việt đôi khi không còn là Tiếng Việt nữa. Giống như nhạc xưa, như Hà Nội, tôi yêu những giá trị mà nó sẽ còn mãi. Cảm xúc này có thể chỉ rơi vào thế hệ của tôi, 9x đời đầu và 8x, những người lớn lên khi mà vẫn còn có sự giao thoa của những cái cũ. Lúc ấy vẫn còn đĩa CD, băng cát sét và muốn truy cập Internet thì phát tiết kiệm tiền ra hàng Net. Trong khi mấy đứa bạn nên cạnh chơi game thì tôi nghe nhạc, tải nhạc. Tiếp cận với âm nhạc rất khó, nên tôi nghe một bài nhạc rất chậm rãi, để nghiền ngẫm, nhắm mắt lại để lắng nghe từng từ.

Tôi vẫn hay nhớ về những giá trị xưa, muốn lưu giữ vì chúng rất Việt Nam, rất có tình. Kể cả về cách hát cũng thế. Cái đẹp của ngôn ngữ Tiếng Việt là một trong những thứ chúng mình nên giữ. Đó chính là lý do vì sao lại có môn chính tả ở các trường học. Phát âm của người ngày xưa nhiều khi không phù hợp với nhịp độ nhanh cuộc sống này vì chúng mang cảm giác lòng vòng nhưng đó thực sự là một thứ rất tình cảm. Âu, đây cùng là cái hay của Tiếng Việt.

 

MF: Liệu đây có phải là con đường âm nhạc mà anh đã chọn cho mình?

Dĩ nhiên là tôi sẽ cố gắng hướng mình theo phong cách hiện đại, xu thời hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn giữ lại những giá trị cốt lõi mà mình yêu quý. Chúng sẽ nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tôi sau này.

MF: Anh định nghĩa “thành công” như thế nào?

Thành công với tôi là sống được với nghề. Để làm được điều đó, tôi cũng phải có khán giả, có người yêu mến. Top trending ko phải là thứ tôi hướng đến. Niềm vui trong cuộc sống của tôi bây giờ là làm được điều mình muốn, thế đã là đủ. Bạn bè tôi có nhiều người luôn phải nhăn nhó kiềm chế vì phải bỏ qua đam mê của mình. Với tôi, được hát, được làm bạn và trò chuyện với nhiều người chính là thành công lớn nhất.

MF: Xin anh cho biết về kế hoạch tương lai của mình

Trước mắt, tôi sẽ ra mắt hết các MV trong album “Đề Bút” . Xa hơn nữa, tôi mong có thể ra mắt những bài hát mang dấu ấn riêng mình như bước tiếp theo trong năm nay.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Hoàng Phương.

 

 

Related Article