#MFOpinon: Câu chuyện trang phục du lịch dưới góc nhìn chiếm dụng văn hóa
TrendsLifestyleOpinion

#MFOpinon: Câu chuyện trang phục du lịch dưới góc nhìn chiếm dụng văn hóa

Mới đây, Travel Vlogger Khoai Lang Thang đưa ra vấn đề người du lịch mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế khiến người bạn nước ngoài đặt câu hỏi “Nho Quế có phải của Việt Nam không?” đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Vậy xét ở góc nhìn chiếm dụng văn hóa sẽ như thế nào?

Theo một công bố của IPINCH – một nhóm sáng kiến tại Đại Học Simon Fraser, Canada, appropriation – “chiếm dụng văn hóa” được diễn giải là “lấy một cái gì thuộc về ai đó để sử dụng cho mình” và sự chiếm dụng văn hóa xảy ra khi một thành tố văn hóa bị tách khỏi bối cảnh này để sử dụng trong bối cảnh khác. Điều này gây ra nhiều tranh cãi và tranh luận trong các nhóm người yêu văn hóa và trí thức.

Trong bối cảnh của sự việc gần đây, “sông Nho Quế” là không gian văn hóa và các trang phục Tây Tạng, Mông Cổ là những vật thể văn hóa. Khi đặt hai vấn đề này vào chung một bối cảnh, nó gây ra nhiều vấn đề lớn hơn, đó là: không tôn trọng bối cảnh văn hóa Việt Nam và chiếm dụng văn hóa của một cộng đồng khác.

Trang phục dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đa dạng, phong phú và đủ đẹp để có thể sử dụng tại bất cứ phong cảnh thiên nhiên nào trên đất Việt. Không dừng lại những bộ trang phục Tây Tạng, Mông Cổ ở sông Nho Quế, mà còn có nhiều vấn đề tương tự như mang cổ phục Trung Hoa đến Kinh Thành Huế, mang sườn xám đón Tết Nguyên Đán… chúng ta có thừa những trang phục văn hóa để tôn vinh tinh thần dân tộc, nhưng nhiều người lại chọn trang phục của một nền văn hóa khác để thỏa mãn “cá tính riêng”, “nét đẹp riêng” trên mạng xã hội.

Như truyền thông Mỹ hay các cường quốc khác, việc chiếm dụng văn hóa có tính toán, có mục đích về chính trị hay lịch sử… là một việc đáng lên án nhưng cộng đồng hưởng lợi vẫn là những người chiếm dụng văn hóa, cộng đồng thống trị. Quay lại câu chuyện của Khoai Lang Thang, người bạn đã đặt ra câu hỏi “Nho Quế có phải của Việt Nam không?”, chứng tỏ việc chiếm dụng văn hóa qua các bộ trang phục nước ngoài không dừng lại ở việc làm đẹp trên mạng xã hội mà nó còn gây ra hậu quả về nhìn nhận văn hóa, hiểu lầm quyền sở hữu về di tích văn hoá nước nhà. Vậy thì lý do “quảng bá văn hóa”, “quảng bá du lịch Việt Nam” đạt được những gì trong bối cảnh này?

Đã đến lúc chúng ta nên dừng lại việc “thích mặc gì thì mặc chứ”, “pháp luật đâu có cấm đâu mà ý kiến” hay “sống bớt khó khăn lại” để chú ý hơn đển văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều quan trọng nhắc lại hai lần: trang phục dân tộc Việt Nam đa dạng, phong phú và đủ đẹp để chúng ta có quyền tự hào tại bất cứ phong cảnh thiên nhiên nào ở đất Việt.

 

Related Article