Có nhất thiết phải trở thành người giỏi nhất hay nhà vô địch? Có thực sự phải trở thành “Độc Cô Cầu Bại” thời hiện đại, “con nhà người ta” của làng xóm, “ngôi sao sáng” của công ty?
Bạn có biết Kurt Vonnegut không?
Lúc 15 tuổi, ông có thời gian làm việc ở một khu di tích khảo cổ. Một nhà khảo cổ làm việc ở đó thường hỏi ông những câu hỏi “làm quen” như “cậu có chơi thể thao không”, “thích môn học gì”. Kurt trả lời mình không chơi thể thao, nhưng ông thích kịch nghệ, từng ở trong dàn đồng ca, biết chơi violin, piano và còn học cả vẽ nữa.
Nhà khảo cổ tỏ ra rất ấn tượng – “Ồ tuyệt quá!”. Nhưng Kurt mau chóng nói thêm rằng ông không giỏi bất cứ thứ gì cả. Điều tiếp theo nhà khảo cổ nói đã thay đổi cuộc đời Kurt Vonnegut: “Tôi không nghĩ mục đích là phải giỏi tất cả những thứ ấy. Tôi nghĩ cậu có những trải nghiệm tuyệt vời với nhiều kỹ năng đa dạng. Chúng dạy cậu nhiều điều, khiến cậu trở thành một người thú vị, không quan trọng cậu có là người giỏi nhất, hay đến mức nào.”
Cậu thiếu niên Kurt Vonnegut, người sau này đã trở thành một cây bút giả tưởng vĩ đại, đã nói về cách mà câu nói của nhà khảo cổ ảnh hưởng đến mình: “Từ đó, tôi từ một kẻ thất bại, một người chẳng bao giờ đủ giỏi bất kỳ cái gì, trở thành một người thử làm mọi thứ vì mình thích thế. Tôi đã được nuôi dạy với quan điểm xoay quanh thành tựu và tài năng, và rằng mọi thứ chỉ đáng làm nếu ta có thể trở thành người chiến thắng trong lĩnh vực đó.”
Thực tế cho thấy, dù Kurt Vonnegut là một nhà văn vĩ đại, ông vẫn miệt mài vẽ tranh trong suốt cuộc đời mình. Và chẳng ai biết điều đó, vì đơn giản là văn chương của ông có giá trị hơn nhiều. Nhưng ông vẫn vẽ, có lẽ, bởi vì ông đơn giản là thích làm việc đó.
Tôi lần đầu nhìn thấy câu chuyện của Kurt Vonnegut trên facebook của một người bạn, và ngay lập tức nhận ra đây là điều mình đang tìm: ít nhất là từ năm 1937, đã có một nhà khảo cổ học chia sẻ ý tưởng với mình. Ý tưởng về việc “không cần trở thành người giỏi nhất, người chiến thắng”, trong một xã hội luôn hướng tới đỉnh cao.
Hãy nói về số đông, với một sự thật không cần phải bàn cãi hay chứng minh: chúng ta được nuôi dạy, lớn lên, và sinh sống trong tâm thế trở thành số một. Mới oe oe chào đời thì so số cân, so nói sớm đi sớm. Lớn hơn một chút thì chọn trường chọn lớp, không thành cán bộ cũng phải hồng chuyên. Thi cử thì quan tâm đến thứ hạng, xin việc cũng cần chứng minh mình là người giỏi nhất, trong công việc thì có khi còn phải giỏi hơn cả sếp… Câu cuối có thể hơi quá, nhưng phần trước đó thì chỉ cần quay đầu nhìn lại quá khứ, bạn sẽ nhận ra mình đang ở trên một đường đua. Một học sinh không nỗ lực rèn luyện để trở thành hoàn hảo, một nhân viên không làm ngày làm đêm để vươn tới vị trí lãnh đạo, một nghệ sĩ không có hit triệu like… Cuộc đua của xã hội hiện đại ngày càng trở nên khốc liệt, dù không còn áp lực sinh tồn như thời nguyên thuỷ, nhưng lại có một áp lực “thời sự” hơn, nặng nề hơn: áp lực của sự “công nhận”, có khi chỉ đơn giản là đến từ mấy bà hàng xóm, thích ngồi lê so con người nọ với cháu người kia mỗi lúc chiều về.
Có nhất thiết phải trở thành nhà vô địch? Có thực sự phải trở thành “Độc Cô Cầu Bại” thời hiện đại, “con nhà người ta” của làng xóm, “ngôi sao sáng” của công ty? Có, nếu bạn thực sự muốn như vậy. Còn nếu không, bạn có quyền lựa chọn một lối sống riêng mình. Thế giới tiến về phía trước bởi những vĩ nhân, nhưng vận hành trên vai những người bình thường. Có gì không ổn nếu không muốn trở thành một ngôi sao?
Sau 10 năm lăn lộn, tôi nhận ra rằng mình thích, và hợp để trở thành một người đóng vai hỗ trợ hơn là một kẻ tiên phong – không hẳn bởi năng lực, mà bởi vì tôi thích như vậy. Và tôi tin rằng, đó là nỗi niềm không của riêng ai. Tôi trân trọng những “cá mập” tài ba lèo lái đầu tàu kinh tế, nhưng cũng khâm phục những người bồi bàn chuyên nghiệp chú tâm cho từng lượt ăn. Đất nước vinh danh những kiện tướng thể thao mang về huy chương rực rỡ, nhưng đằng sau đó là những huấn luyện viên âm thầm. Tôi, ở tuổi ngoài 30, quyết định cầm cây bass lên học từ những nốt đầu tiên, không bởi tham vọng trở thành nghệ sĩ vang danh, mà chỉ bởi muốn có thể chơi vui cùng mấy ông bạn rượu. Tôi muốn làm thật tốt công việc của mình ở công sở, nhưng cũng không muốn phải 30 năm sau khi nỗ lực cống hiến mới được rong ruổi đường xa, tận hưởng những thú vui nhỏ nhoi. Đó không phải là sự lùi bước hay biếng nhác, mà là sự lựa chọn. Một cuộc đời “trung bình”, nhưng đa dạng và mang đến sự hài lòng cho chính mình.
Khi nhận được chủ đề It’s okay to be average, tôi đã nghĩ rất nhiều. Về triết học hàn lâm, về tư tưởng trung dung, thậm chí còn lục lọi để kiếm tìm dẫn chứng sao cho có thể viết ra một áng văn truyền cảm hứng nhất có thể, hô hào hết mình cho việc “không cần phải là số một tiên phong”. Nếu như vậy thì có khác gì cách mà chúng ta được nuôi lớn lên, được tôi luyện qua những cuộc thi với châm ngôn hướng tới đỉnh cao muôn trượng?
Hãy làm mọi thứ. Làm ngôi sao, làm phụ trợ, lao lên phía trước hay hài lòng với mức trung bình. Hãy làm một điều quan trọng nhất: “làm chính mình”. Thử thách duy nhất của sự trưởng thành, chỉ gói gọn trong một thách thức: dám tự tin nói rằng “tôi làm vì tôi thích thế”, một cách thật lòng nhất với chính mình.