Thời trang metaverse quan trọng đến vậy sao?
StyleFeature

Thời trang metaverse quan trọng đến vậy sao?

Nhìn vào những nỗ lực công nghệ mà thế giới đang hướng tới, chúng ta đang dần bị thuyết phục rằng, thời trang metaverse và kỹ thuật số chẳng phải chuyện đùa. Nhưng một khi bắt đầu suy tính nghiêm túc, thì lĩnh vực thời trang hoàn toàn mới này có thực sự quan trọng đến vậy?

Metaverse là gì?

Trước khi bước thế giới bao la đầy uẩn khúc của thời trang metaverse, thì bạn cần hỏi: “Metaverse ở đâu mà ra?” Dù được sử dụng rộng rãi chỉ trong vài năm gần đây, cụm từ Metaverse thực chất đã xuất hiện từ năm 1992, do nhà văn Neal Stephenson đặt trong tác phẩm tiểu thuyết Snow Crash của ông. Ở đó, Neal Stephenson sử dụng cụm từ để đại diện cho một thế giới ảo toàn diện có thể tồn tại song song cùng thế giới thực – rất gần với những gì mà truyền thông đang không ngừng quảng bá hiện nay. Tuy nhiên, bạn có thể hiểu nôm na Metaverse là phiên bản 3D của Internet và tin học nói chung, theo lời của nhà đầu tư mạo hiểm với nhiều bài viết xoay quanh Metaverse là Matthew Ball. Cụ thể, ông mô tả Metaverse như giai đoạn thứ ba trong các cấp độ tương tác qua Internet: ở giai đoạn sơ khai, con người hầu như chỉ kết nối bằng chữ viết như e-mail, tin nhắn…; sau đó, chúng ta chuyển sang hình thức tương tác dựa theo các phương tiện truyền thông khác như hình ảnh, phim và livestreams; đến cấp độ thứ ba, tức Metaverse, đó chính là dựng nên một giao diện 3D để mọi người cùng tham gia trải nghiệm và kết nối bên trong chính giao diện đó. Hay nói cách khác, thay vì cầm theo điện thoại thông minh như một chiếc máy tính luôn kết nối sẵn Internet ở mọi nơi, giờ đây với Metaverse, chúng ta sẽ “chui” vào chiếc điện thoại ấy.

Một khi bước vào thế giới 3D của Metaverse, chúng ta sẽ gần như có một cuộc sống, một xã hội song song. Điều đó đồng nghĩa, chúng ta cần xây dựng một “bộ mặt khác” (avatar) của bản thân. Điều thú vị là, bạn không bị bắt buộc phải sử dụng lại thân phận thực của mình, mà hoàn toàn có thể tạo một diện mạo, danh tính hoàn toàn mới và tự do theo ý thích. Sau khi đặt tên gọi ấn tượng, thì bạn cần một khuôn mặt chất chơi và bộ quần áo bắt mắt để hòa nhập vào cộng đồng. Cũng từ đây, thời trang kỹ thuật số trở thành một trong những ngành hàng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhất, thu hút sự quan tâm và đầu tư của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp trên thế giới.

Kỷ nguyên của thời trang kỹ thuật số

Để Mark Zuckerberg phải thay đổi cả tên thương hiệu từ Facebook thành Meta, đi kèm lời tuyên bố về chiến lược xây dựng thế giới ảo dựa trên các công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI), Metaverse có vẻ như là một khái niệm đầy xa vời và cao siêu. Tuy nhiên, khi nhìn vào đúng bản chất, nó đơn giản là sự mở rộng về mặt trải nghiệm từ những không gian trực tuyến đã có sẵn từ trước. Hiện tại, thời trang đã bắt đầu tạo dựng nền móng qua ba kiểu không gian chính: mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và thị trường NFT.

Với sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang kỹ thuật số như The Fabricant, DressX hay Dematerialised, việc “sống ảo” trên mạng xã hội trải qua một bước tiến mới. Giờ đây, chúng ta có thể có cho một tấm ảnh outfit độc lạ mà chẳng cần phải… chạm hay mặc nó.

Việc đơn giản chỉ là đặt mua và sở hữu một phiên bản ảo của chiếc quần chiếc áo đó trên các ứng dụng hay thương hiệu ảo này. Những món thời trang này có thể mua ở nhiều mức giá, từ vài chục cho đến $9,500 USD, như thiết kế váy kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới Iridescence của thương hiệu The Fabricant.

Đặc biệt, với công nghệ thiết kế 3D tiên tiến, món thời trang có thể tùy chỉnh linh hoạt theo phom người trên tấm ảnh mà bạn đưa cho thương hiệu. Chỉ cần chờ giây lát, là bạn đã có một tấm ảnh mặc trang phục mới vừa y với thân thể. Ở DRESSX, khách hàng có thể thử đa dạng các metalooks khác nhau thông qua chức năng AR camera của ứng dụng.

Không bị giới hạn về tính thực tế như thời trang may mặc truyền thống, các thiết kế ảo sở hữu những phom dáng và đường nét đậm tính vị lai và độc đáo, cho người dùng những trải nghiệm trang phục chưa từng có. Không cần phải phân vân về độ vừa vặn, chực chờ từng ngày để cầm hàng trên tay, và tốn công trả hàng khi món đồ không như ý.

Từ lâu ở thế giới của những trò chơi trực tuyến, cộng đồng người sử dụng, thường là giới trẻ của từng thế hệ, tuy không có nhu cầu thời trang quá gắt gao trên mạng xã hội hay ngoài đời thực, vẫn có mong muốn được gây ấn tượng bằng những bộ “skins” đắt tiền cho nhân vật đại diện, nhằm thể hiện độ “chịu chơi” với các game thủ khác.

Và khi khái niệm metaverse bắt đầu hình thành và dần được phát triển, trò chơi trực tuyến trở thành một trong những môi trường béo bở để các thương hiệu thời trang bước đầu tiếp cận những tệp khách hàng trẻ, chịu chi này. Louis Vuitton là thương hiệu cao cấp đầu tiên đầu tư vào thời trang “skins” qua màn hợp tác năm 2019 cùng tựa game Liên Minh Huyền Thoại.

Nhà mốt nước Pháp không chỉ thiết kế chiếc rương đựng cúp Vô địch Thế giới năm đó, mà còn giới thiệu một loạt các bộ skins độc quyền cho các tướng trong trò chơi. Các bộ skins này còn có phiên bản đời thực, được bán với mức giá có thể lên đến $5,000 USD.

Năm 2021, đến lượt Balenciaga cũng bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực này, bắt đầu từ bộ sưu mùa Thu 2021 được phát hành dưới dạng trò chơi mang tên Afterworld.

Sau đó, thương hiệu tiếp tục bắt tay cùng Fortnite cho ra mắt bộ sưu tập thời trang Fit trong trò chơi, trong đó có một số thiết kế có bán ở đời thực như chiếc áo hoodie Doggo.

Hay gần đây, Gucci có cho mình một thế giới thu nhỏ mới trên Roblox – nền tảng trò chơi trực tuyến cho phép người dùng tự sáng tạo trò chơi cho hệ thống – qua hai tựa game là Gucci GardenGucci Town. Tại Roblox, nhà mốt nước Ý đã bán được các mẫu túi Dionysus với mức giá 350,000 Roblox, tương đương $4,000 USD đắt hơn cả chiếc túi thực tế.

Không chỉ đơn giản cung cấp những món thời trang ảo phục vụ cho việc nhu cầu thể hiện bản thân ngắn hạn, không ít các thương hiệu thời trang đẩy mạnh đầu tư cho tương lai bằng việc thiết lập “lãnh địa” riêng với NFT – non-fungible token (tài sản không thể thay thế). Những sản phẩm này được xem như những tài sản số hiện diện trên hệ thống blockchain. Một trong những cái tên đi đầu trong việc mở rộng thời trang tại thị trường NFT là RTFKT.

Được thành lập vào năm 2019, RTFKT là nền tảng sáng tạo-mua bán NFT về giày thể thao, ván trượt, các loại đồ chơi… Điều đặc biệt đối với NFT đó là, khi một NFT được tìm mua và sở hữu bởi càng nhiều người, giá trị của món tài sản ảo đó sẽ càng gia tăng. Cuối tháng 10/2021, RTFKT kết hợp cùng nghệ sỹ đương đại Takashi Murakami cho bộ sưu tập giao diện NFT Clone X chất chơi.

Đến tháng 12/2021, nền tảng này chính thức về dưới “mái nhà” Nike, trở thành cánh tay đắc lực cho thương hiệu thời trang thể thao Mỹ tiến sâu vào thị trường thời trang kỹ thuật số. Đến tháng 4/2022, bộ đôi Nike x RTFKT chính thức tung dòng giày NFT đầu tiên mang tên “Cryptokicks”.

Các thương hiệu thời trang kỹ thuật số như DressX, The Fabricant cũng dần tập trung vào thị trường NFT với ngày càng nhiều món thời trang vĩnh viễn hơn được giới thiệu, chứ không đơn thuần là bán các filter trang phục có thời hạn. Ngoài ra, nhiều thương hiệu cao cấp cũng không từ cơ hội này để tạo cho mình những tài sản NFT riêng, như Burberry, Louis Vuitton và Dolce&Gabbana. Thương hiệu thời trang nước Anh, vào tháng 8/2021, kết hợp cùng Mythical Games để cho ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên thuộc trò chơi Blankos Block Party. Bộ sưu tập bao gồm tổng cộng 2250 NFT, và toàn bộ tài sản ảo này đã được bán sạch sau 30 giây, với tổng trị giá là $375,000 USD.

Cũng trong cùng giai đoạn ấy, Louis Vuitton kỷ niệm 200 năm thương hiệu bằng việc ra mắt tựa game Louis: The Game, đưa người chơi qua những thử thách giúp đạt được những tấm bưu thiếp hoặc giao diện nhân vật NFT đặc biệt.

Trong khi đó, cuối tháng 9/2021, Dolce & Gabbana thu về khoản tiền gần 5,7 triệu USD sau buổi đấu giá bộ sưu tập 9 món thời trang NFT kết hợp cùng nền tảng thương mại kỹ thuật số UNXD với tổng giá trị là 1,885.719 Ether (tiền điện tử của nền tảng Ethereum).

Và không đơn giản là chỉ buôn bán thời trang, metaverse mở ra cho các thương hiệu thời trang rất nhiều tiềm năng trong việc mở rộng cộng đồng. Từ việc tận dụng chế độ AR trên các nền tảng mạng xã hội có sẵn, thiết lập trải nghiệm mới về thương hiệu qua các tựa game và cuối cùng, xây dựng nên những hoạt động, địa điểm đặc thù của thương hiệu trên các nền tảng tương tác hướng đến metaverse. Cuối tháng 11/2021, Hội đồng Thời trang Anh quốc (BFC) tổ chức sự kiện giải thưởng thời trang ảo đầu tiên – Fashion Award for Metaverse Design – thuộc sự kiện The Fashion Awards 2021 độc quyền trên nền tảng Roblox.

Sự kiện vinh danh năm gương mặt sáng tạo thời trang đầy tiềm năng, với cSapphire là người chiến thắng cuối cùng, được đánh giá bởi dàn giám khảo rất uy tín bao gồm giám đốc điều hành BFC Caroline Rush, siêu mẫu và doanh nhân Karlie Kloss, giám đốc biên tập tạp chí Highsnobiety Christopher Morency, Giám đốc thời trang tạp chí Dazed Emma Davidson và Tổng biên tập Tạp chí W Sara Moonves. Đặc biệt, sự kiện danh giá còn có sự góp mặt của giám đốc sáng tạo Gucci, dưới dạng một… avatar!

Sự kiện đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt tương tác, đồng thời mở bán bộ sưu tập capsule độc quyền từ Gucci. Số tiền thu được từ bộ sưu tập này đều được quyên góp cho Quỹ BFC. Đến cuối tháng 3/2022, tiếp tục một sự kiện thời trang đình đám khác – Metaverse Fashion Week 2022 – được tổ chức trên nền tảng Decentraland.

Sự kiện có quy tụ  của hơn 60 thương hiệu lớn nhỏ, với những cái tên nổi bật như Dolce&Gabbana, Tommy Hilfiger, Etro hay AUROBOROS, Roksanda. Chưa kể, tuần lễ thời trang kỹ thuật số còn có sự góp mặt của các thương hiệu đồng hồ như Franck Muller và Bulova, hoặc thương hiệu làm đẹp như Estée Lauder.

Ngoài các hoạt động trình diễn thời trang sôi động, các thương hiệu này còn có những cửa hàng của riêng trong “khu phố”, cho phép người dùng được trải nghiệm và lựa chọn các sản phẩm NFT cao cấp. AUROBOROS thì tổ chức một khu triển lãm thời trang kỹ thuật số với buổi trình diễn độc quyền từ nữ ca sĩ Grimes. Xuyên suốt Tuần lễ Thời trang Metaverse, Decentraland báo cáo có đến 108,000 lượt truy cập mới vào nền tảng.

Chia đều tương lai cho tất cả

Dù viễn cảnh hoàn chỉnh về thế giới metaverse vẫn còn khá mơ hồ, chúng ta khó lòng có thể phủ định được những thay đổi tích cực mà thời trang kỹ thuật số có thể mang lại. Đầu tiên, với việc triển khai tất cả hoạt động trên một nền tảng mở như blockchain, cơ hội tỏa sáng là chia đều cho tất cả cá thể và thương hiệu. Dù là một thương hiệu thời trang lâu đời hay vừa mới thành lập ít lâu, nếu sự sáng tạo của bạn tìm thấy tiếng nói chung với cộng đồng, bạn vẫn có cơ hội dẫn đầu. Chưa kể, thời trang kỹ thuật số sẽ không còn bị bó buộc về mặt chất liệu, kỹ thuật may, hay phom dáng ở thời trang đời thực. Mọi món đồ kỳ dị mà bộ não có thể tưởng tượng ra, với sợ trợ giúp của các công cụ thiết kế 3D, bạn đều có thể hiện thức hóa trên nền tảng kỹ thuật số. Ngoài ra, thời trang kỹ thuật số còn là giải pháp xã hội hiệu quả, giải phóng con người phần nào khỏi những quan điểm còn hạn hẹp về giới tính, sắc đẹp, chủng tộc hay ngoại hình. Thời trang kỹ thuật số hoàn toàn có thể điều chỉnh để tương thích với kích cỡ cơ thể mà bạn muốn chia sẻ, một cách dễ dàng. Và một lần nữa, tất cả chúng ta cần là kỹ năng thiết kế 3D. Thực sự, thời trang kỹ thuật số sẽ mang đến một tương lai tự do và công bằng kể cả cho người sáng tạo lẫn người tiêu dùng. Điều này là lý do chủ chốt khiến thời trang metaverse hết sức hấp dẫn trong mắt tệp khách hàng thế hệ mới, khi họ vốn sở hữu nhu cầu thể hiện bản thân trên các nền tảng trực tuyến gần như vô hạn. Những thương hiệu nắm bắt được tâm lý này, và xây dựng được một chiến lược tạo dựng cộng đồng bài bản qua các sản phẩm ảo sẽ chiếm lợi thế rất lớn trong thị trường, một khi metaverse dần hoàn thiện.

Thời trang kỹ thuật số còn cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc giảm thiểu lượng chất thải từ quy trình sản xuất thời trang hiện tại, giúp giải quyết vấn đề suy thoái môi trường ngày một trầm trọng mà ngành công nghiệp này đang gây ra và bị lên án. Cụ thể, các ứng dụng thiết kế 3D, ngoài việc tạo ra những sản phẩm ảo đẹp mắt mà không tốn một thước vải nào, còn hỗ trợ tiết kiệm sức lực rất nhiều cho các nhà thiết kế may mặc thực tế. Hãy lấy ví dụ từ Iris Van Herpen. Các bộ sưu tập thời trang cực quái của nữ thiết kế luôn là thành quả kết hợp giữa các công nghệ dựng hình 3D tân tiến cùng tư duy phom dáng bài bản.

Iris Van Herpen đã bắt đầu làm việc với ứng dụng thiết kế kỹ thuật số từ năm 2009, cô luôn tạo hình 3D trước khi bắt tay thực hiện dựng rập và cắt may. Sự hiệu quả của quy trình kết hợp này được thể hiện rõ rệt nhất qua thiết kế Infinity Dress năm 2019 mà Iris Van Herpen đã kết hợp cùng nghệ sỹ chuyên về chuyển động học Anthony Howe để tạo nên. Chiếc váy được cấu thành từ bộ khung xương nhôm-thép không gỉ, bao phủ là lớp lông vũ xoay tròn mỗi khi người mẫu bước đi. Thiết kế được xem là hình mẫu bản lề cho mọi thiết kế áp dụng các quy tắc vật lý lẫn thiết kế phức tạp trên một món thời trang.

Cuối cùng, như thường lệ, luôn là lợi ích hấp dẫn nhất, chính là khả năng sinh lợi nhuận của các thị trường NFT và các sản phẩm kỹ thuật số. Nửa đầu năm 2021, riêng thị trường thời trang NFT, từ haute couture đến các thiết kế đường phố, sản sinh nguồn doanh thu trị giá hơn $2,5 tỷ USD. Ngoài những kỷ lục được nêu trên của Burberry hay Dolce & Gabbana, Gucci cũng thu về $25,000 USD với sản phẩm NFT “Proof of Sovereignty”; Hermès thì bán NFT “Baby Birkin” với mức giá $47,000 USD.

Theo số liệu của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, ngành công nghiệp thời trang metaverse và kỹ thuật số có thể đạt mức trị giá 50 tỷ USD vào năm 2030. Giá trị tổng thể của lĩnh vực thời trang vào cuối thập kỷ này cũng được nền tảng trí tuệ thị trường CB Insights dự đoán ở mức hơn $3 nghìn tỷ USD. Dù ở hiện tại, nguồn lợi nhuận từ các sản phẩm thời trang kỹ thuật số vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với doanh thu may mặc vật lý, trong một tương lai với những bước tiến mạnh mẽ hơn của công nghệ áp dụng vào metaverse, không ít người tự tin vào tiềm năng béo bở của ngành công nghiệp ảo này.

Còn chỗ trống nào cho thời trang may mặc?

Những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn về một tương lai tràn ngập thời trang kỹ thuật số có thể khiến chúng ta nghĩ rằng, thời trang may mặc sẽ dần bị lỗi thời và đào thải. Thế nhưng, liệu khả năng ấy có thực sự xảy ra? Con người có thực sự vứt bỏ đi thói quen ăn mặc của mình, để gửi gắm hoàn toàn thân phận mình cho những tài sản ảo đắt giá của blockchain? Tôi không nghĩ vậy.

Giống như việc ăn uống, quan hệ tình dục, hay bài tiết, con người sử dụng thời trang như một cơ chế xuất phát từ bản năng, trong trường hợp này là che chắn bản thân trước những điều kiện tự nhiên. Thời trang vốn được sinh ra nhằm phục vụ cho bản năng che chắn ấy, trước khi sự phát triển của xã hội bơm phồng vào các món đồ nguyên sơ ấy hàng loạt những hàm ý phân chia về mặt danh tính, giai cấp và địa vị. Chính vì thế, dù có phần nào bị ảnh hưởng bởi những giá trị vị lai mà thời trang kỹ thuật số mang lại, thời trang may mặc vẫn sẽ tồn tại một cách đại trà, vì nhu cầu được bảo vệ cơ thể bằng những lớp chất liệu phù hợp theo từng điều kiện thời tiết là không thể nào tách bỏ.

Ngoài ra, không phải ai cũng sẽ ưa chuộng thời trang kỹ thuật số. Cũng như bất kỳ những sản phẩm kinh doanh nào, các món đồ thời trang ảo cũng có thể trở nên vô giá trị trong mắt những người có lối suy nghĩ khác. Có thể, họ vẫn sẽ đề cao tính trải nghiệm thực tế và ứng dụng của một món thời trang qua việc tiếp xúc và cảm nhận trực tiếp, hơn là áp vào mình những món quần áo đẹp đẽ trên mạng nhưng vô hồn. Nó giống như cảm giác của một người thích tự tay viết thư hơn là gửi tin nhắn qua điện thoại. Biết đâu đến khi ấy, trong một thế giới mà người người nhà nhà đều có thể sở hữu những món thời trang kỹ thuật số một cách dễ dàng, việc sở hữu một món thời trang may mặc lại trở thành thú chơi đặc biệt của xã hội loài người, giống như cách mọi người hay nhìn về những gã thích tìm tòi đồ cổ ngày nay. Và nếu điều này có thể xảy ra, chắc chắn, các nhà may đo truyền thống, hay thương hiệu cao cấp của hiện tại sẽ không từ bỏ cơ hội này mà khai thác triệt để tiềm năng kinh tế bởi các giá trị cao cấp và độc quyền.

Tuy tiềm năng đa chiều của thời trang kỹ thuật số là không thể phủ nhận, nhưng với những gì đang diễn ra trên thế giới hiện tại, mọi thứ vẫn đang dậm chân ở câu chuyện giả định. Những lợi ích này chỉ thực sự phát huy khi thế giới có thể đồng bộ về mặt công nghệ, liên kết công nghệ metaverse trên phạm vi toàn cầu như cách chúng ta sử dụng Internet hiện nay. Và điều đó cũng đồng nghĩa, ngày thế giới thực sự ứng dụng thời trang kỹ thuật số như một vật phẩm thiết yếu cho đời sống, vẫn còn là một viễn cảnh xa vời. Trong khoảng thời gian đó, thời trang may mặc vẫn sẽ là ngành hàng chiếm lĩnh phần đông thị trường thời trang. Những chiếc áo sơ mi, đầm, blazer cho đến các loại giày… vẫn sẽ được sản xuất hàng loạt hàng ngày nhằm phục vụ nhu cầu đi làm, đi chơi, giao du của con người.

Nguồn: Tổng hợp
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article