#MFOpinion: “Một tin nhắn đã được thu hồi, và chưa có gì xảy ra”
TrendsLifestyle

#MFOpinion: “Một tin nhắn đã được thu hồi, và chưa có gì xảy ra”

Ông bà có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nhưng có vẻ những người như Mark Zukerberg nghĩ đó là một việc dư thừa. Chỉ cần một nút bấm thêm vào, thế là xong.

thu hồi tin nhắn

Hãy thử nhớ lại lý do bạn sử dụng mạng xã hội – có thể là Facebook, Zalo, Line, Instagram – và những công cụ nhắn tin trên nền tảng internet. Kết nối? Làm quen? Gắn bó? Liên lạc? Bỏ qua khoảng cách với chi phí rẻ hơn nhiều so với truyền thống? Tất cả có lẽ đều đúng, ở một cách nhìn nào đó, và có lẽ – ở lý do ban đầu. Giờ đây, với sự ra đời của các tính năng ngày càng đa dạng của các phần mềm “chat”, những lý do khác đã dần xuất hiện. Có nhiều sự tiện lợi, như việc gửi ảnh, gửi tiếng nói (việc mà thực ra một cú điện thoại cũng làm được), gửi hình động… Nhưng cũng có những việc thì không. Nút “thu hồi” tin nhắn, chẳng hạn. Bạn cần gì suy nghĩ kỹ về những gì mình sẽ nói, nếu biết rằng mình có thể rút lại với chỉ một nút bấm, đúng không?

Đó luôn là một điều thú vị: suy nghĩ xem, thực sự vì sao cơ chế đó được tạo ra. Rõ ràng điều đó đến từ nhu cầu của người dùng, với một số lượng lớn, và với một lý do tích cực (đừng quên rằng tính năng “Không thích” đến giờ vẫn chưa được duyệt trên đa số nền tảng, với giải thích rằng điều đó sẽ mang lại nhiều tiêu cực). Có thể là một vài tin nhắn bấm nhầm, và người dùng không muốn dòng trao đổi bị làm rối. Có thể là một bức ảnh gửi nhầm người, sẽ mang lại những điều tiêu cực cho cả hai phía? Có thể lắm chứ, bởi trong cuộc sống hàng ngày điều gì chẳng có thể xảy ra. Tuy nhiên, hầu hết đều có thể xử lý một cách thủ công hơn – theo cách mà chúng ta đã sống với những cú điện thoại – bằng một lời xin lỗi. Tính năng “thu hồi” cho chúng ta một quyền lực lớn hơn: rút lại một điều gì đó, mà không cần phải nói lời xin lỗi hay giải thích. Đơn giản là chưa có gì xảy ra, miễn là chúng ta đủ nhanh, bạn nghĩ vậy.

 

Và còn chuyện gì kinh khủng hơn việc một lời nói có thể được rút lại dễ dàng? Đó là việc người – tạm gọi là phía đối diện – biết rằng đã có một khoảng trống sinh ra. Hãy thử tưởng tượng một buổi sáng bạn mở mắt tỉnh dậy với hai-mươi-tám thông báo về việc đã có chừng đó tin nhắn bị thu hồi vào lúc bốn giờ sáng, bởi người thương của mình. Một cơn giận dỗi bất ngờ? Một sự việc kinh khủng nào đó đã bị bỏ lỡ? Một chục lý do được bộ óc ngái ngủ nghĩ ra, và dĩ nhiên, không có câu trả lời. Vì lẽ, nếu có thể giải thích gãy gọn đơn giản được, thì tin nhắn đã chẳng cần xoá đi làm gì. Thế là cả hai phía đều còn nguyên nỗi niềm: một bên thì đã nói điều mình hối tiếc, một phía thì biết là mình đã bỏ lỡ đôi ba điều. Tin rằng điều đó cũng đã từng xảy ra với nhiều người, có thể không phải là một buổi sáng, có thể không phải là người thương, nhưng cảm xúc thì giống hệt. Một thứ cảm xúc mà có lẽ các thế hệ đi trước chưa hề trải qua – dù là qua điện thoại hay thư tay – bởi người nhận thông điệp sẽ biết nên ứng xử thế nào, còn người đưa ra thông điệp sẽ thấm thía câu nói “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

Kể từ ngày nút “thu hồi” ra đời, lưỡi có vẻ không cần phải khởi động kỹ nữa.

Để công bằng, có lẽ Mark Zukenberg và những người giống anh ta cũng chẳng có lỗi lầm gì khi cung cấp một tính năng như vậy. Giống như hàng chục hàng trăm tính năng khác mà một người đang sử dụng mỗi ngày, lỗi lầm chỉ thuộc về cách mà bạn sử dụng chúng. Có thể tôi đang quá mức căng thẳng với một tính năng nhỏ nhoi – bởi cái cảm giác khó chịu của buổi sáng khó quên năm xưa, cũng như nhiều tình huống tương tự khác – và tôi chỉ cần đơn giản là chấp nhận sự tồn tại của nó, cũng như chấp nhận khoảng trống hụt hẫng mỗi khi nhìn thấy một thông báo tin nhắn thu hồi mà vẫn không biết lý do. Hoặc không. Cái tôi cần, và có lẽ không chỉ mình tôi cần, là sự giao tiếp, theo nghĩa trân trọng nhất của hành động nguyên thuỷ: có người nói, có người nghe, như thể đó sẽ là lần duy nhất trong đời. Một sự kết nối cần cái đầu để suy nghĩ, trái tim để cảm thông, chứ không cần những ngón tay nhanh và chức năng “thu hồi”.

Bài: Đặng Trần Quân

Bài viết thuộc ấn phẩm MF#6 – The Moving Forward Issue. Tham khảo và đặt ấn phẩm tại ĐÂY.

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

 

Related Article