#MFOpinion: Áo dài nam trở lại sau gần 300 năm, vì sao vậy?
TrendsFeature

#MFOpinion: Áo dài nam trở lại sau gần 300 năm, vì sao vậy?

Chắc hẳn bạn cũng như tôi, từng nghe một đoạn hội thoại như thế này giữa các bạn nữ những ngày cận Tết. “Ê mày mua áo dài mới chưa?”, “Màu này ok không mày?”, “Tao thấy đắt quá, mà dùng có một lần”… Tôi nghe qua những câu nói ấy một cách dửng dưng. “Chuyện con gái mà, tạo sao phải quan tâm?” Ít ai ngờ rằng, năm nay chính tôi lại thốt lên những câu hỏi ấy khi ngắm nhìn những chiếc áo dài nam.

Áo dài nam trở lại rầm rộ những ngày đầu năm 2021. Nguồn hình ảnh từ Tiem LONG

Tết Tân Sửu 2021 lại tiếp tục là chuỗi ngày bất an của người dân Việt Nam vì dịch bệnh COVID-19. Nếu có một điều gì đó thực sự chắc chắn, thì chính là sự trở lại của áo dài nam. Suốt nhiều năm, trên các mặt báo chính thống, người ta vẫn không ngừng nhắc nhở về áo dài nam. Đì kèm với đó là những lời kêu gọi miệt mài, nhưng luôn bị ngó lơ.

MêMan Saigon
Tiem LONG
LIDER
The Pencil
Cedrus.
Unknown Cliché
Nudieye
1983 Hand-made
Khanran
Hà Nhật Tiến

Điều gì đến cũng đến, áo dài nam thực sự nở rộ khắp các thương hiệu giới trẻ Việt Nam. Từ Mê Man Sài Gòn, tiệm LONG, LIDER, The Pencil, Unknown Cliché, 1983 Hand-made, Khanran, Hà Nhật Tiến… Thậm chí một thương hiệu nữ như Nudieye cũng có cho mình chiếc áo dài nam mùa Tết này. Một số cột mốc dưới đây có thể là bàn đạp cho sự trở lại đầy mạnh mẽ này.

Đôi điều về áo dài nam

Áo dài ra đời năm 1744 từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1802 thời vua Gia Long, áo dài chính thức hoàn thiện. Theo truyền thống, người ta gọi đó là Áo ngũ thân. Chiếc áo được làm lại từ áo tứ thân, bao gồm 5 thân (vạt áo). Cụ thể là 2 thân trước, 2 thân sau, 1 thân lót bên trong thân thứ nhất. Chiếc áo có 5 cúc chạy theo vạt bên phải xuống eo, được làm từ kim loại, ngọc hay gỗ.

Đi cùng chiếc áo dài là khăn vấn, áo lót màu trắng, quần dài trắng và một đôi guốc. Với áo dài nam, chất liệu thường là sa, the mỏng. Riêng các loại vải gấm thường được giới thượng lưu thời ấy sử dụng. Áo dài nam mang màu sắc nhã nhặn, không diềm cổ và diềm tay áo. Điều đó tạo nên vẻ đẹp đĩnh đạc ở người đàn ông. Ngày nay, áo dài có nhiều biến thể ở cả nam và nữ. Không phải chiếc áo dài nào cũng tuân theo thiết kế ngũ thân truyền thống.

Tuy nhiên, kể từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp-Mỹ, áo dài nam dần bị lãng quên. May áo dài rất tốn kém, và chiến tranh triền miên đưa đất nước đi vào cảnh lầm than. Ngoài ra, người dân bắt đầu ưa chuộng hơn các bộ suit, sơ mi và quần tây. Âu phục vừa đẹp mắt hơn, cũng vừa tiện lợi hơn cho người đàn ông.

Ảnh hưởng từ thế giới

Dịch bệnh và xu hướng tìm về giá trị di sản

Tầm ảnh hưởng toàn cầu do COVID-19 là một điều không thể chối cãi. Tình trạng cách ly dai dẳng biến cuộc sống “bình thường” trước kia trở thành một điều cấm kỵ. Thay vào đó, sự “bình thường” mới được gợi mở. Một lối sống giản dị hơn, tập trung vào những giá trị cốt lõi ở bản thân.

Thời trang thế giới cũng không là ngoại lệ. Xuyên suốt 2020 có không ít các bộ sưu tập mang đậm dấu ấn truyền thống xa xưa. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến bộ sưu tập Dolce & Gabbana Thu Đông 2020. Các thiết kế được lấy cảm hứng sâu sắc từ các ngành nghề di sản của nghệ thuật nước Ý. Các kỹ thuật xử lý vải xa xưa cũng được áp dụng cho nhiều thiết kế.

Bộ sưu tập Kenzo Xuân Hè 2021 là một loạt các biến thể từ hình ảnh người nuôi ong. Đây vốn là một trong những ngành nghề lâu đời của thế giới.

Hay Dior mùa Thu 2021 là sự hòa trộn giữa kỹ nghệ savoir-faire cổ xưa và phong cách may đo hiện đại. Cùng với đó là dấu ấn Trung Hoa cổ truyền đậm nét trên những đường thêu họa tiết tỉ mỉ.

Kỹ thuật thêu truyền thống Trung Hoa trên thiết kế Dior mùa Thu 2021
Kỹ thuật thêu truyền thống Trung Hoa trên thiết kế Dior mùa Thu 2021
Kỹ thuật thêu truyền thống Trung Hoa trên thiết kế Dior mùa Thu 2021
Kỹ thuật thêu truyền thống Trung Hoa trên thiết kế Dior mùa Thu 2021

Ở Việt Nam, dịch bệnh cũng có tác động tương tự. Nhiều thương hiệu tập trung hơn các giá trị bản sắc của truyền thống Việt Nam. Nét đẹp văn hóa Việt được thể hiện trên các áo thun Collectors, giày Biti’s Hunter. Và đặc biệt, cho những ngày cận Tết, là chiếc áo dài nam của nhiều thương hiệu. Tiêu biểu trong số đó là LIDER với bộ sưu tập áo dài nam hoàn toàn mới lạ. Đây là một hướng đi rất khác với phong cách urban-wear thường thấy của thương hiệu.

BST áo dài từ thương hiệu urbanwear LIDER
Bản chế tác Rồng Việt từ hàng nghìn mô hình giày từ BST "Thái cực văn hóa Hà Nội" của Biti's Hunter x Việt Max
Áo thun "Chăn Công" từ thương hiệu The Collectors

Cuộc cách mạng mang tên “linh hoạt giới”

Kể từ bộ sưu tập Thu Đông 2020, Alessandro Michele đã dấy lên lànsóng chống đối sự nam tính độc hại rộng rãi. Quan niệm về người đàn ông lực lưỡng trong những bộ quần áo đóng khuôn dần bị xóa bỏ. Thay vào đó là một hình ảnh phóng khoáng có phần nhu mì của những chàng trai lãng tử. Họ khoác trên mình những bộ cánh nữ tính đầy tự tin. Đó là chưa kể đến bộ ba đại sứ quyền lực Harry Styles – Jared Leto – EXO Kai, và gu ăn mặc cá tính. Bộ ba đã góp phần nhân rộng quan niệm vẻ đẹp nam giới mới mẻ này đến giới trẻ yêu nghệ thuật.

Cách mạng thời trang linh hoạt giới tại Gucci mùa Thu 2020
Giám đốc Sáng tạo Gucci Alessandro Michele
Harry Styles
EXO Kai
Jared Leto

Ngoài ra, nhiều thương hiệu thời trang khác cũng mang theo triết lý thời trang này. Một trong số đó là Thom Browne. Trong bộ sưu tập nam giới mùa Xuân 2021, thương hiệu trình làng chiếc váy xếp ly. Cùng với đó là áo khoác ren, cardigan ôm sát, túi xách nữ tính và vớ đan len trắng tinh.

Bộ sưu tập Thom Browne mùa Thu 2020 với điếm nhấn nữ tính đậm nét
Bộ sưu tập Thom Browne mùa Thu 2020 với điếm nhấn nữ tính đậm nét
Bộ sưu tập Thom Browne mùa Thu 2020 với điếm nhấn nữ tính đậm nét
Bộ sưu tập Thom Browne mùa Thu 2020 với điếm nhấn nữ tính đậm nét

Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử, trang phục nam giới xuất hiện trên các sàn diễn Haute Couture. Cụ thể là hai thương hiệu Fendi và Valentino.

Dấu ấn nam giới tại Fendi Haute Couture Show
Dấu ấn nam giới tại Fendi Haute Couture Show
Dấu ấn nam giới tại Fendi Haute Couture Show
Dấu ấn nam giới tại Valentino Haute Couture Show
Dấu ấn nam giới tại Valentino Haute Couture Show
Dấu ấn nam giới tại Valentino Haute Couture Show

Dưới sức ảnh hưởng to lớn ấy, các tín đồ thời trang Việt cũng bắt đầu có một góc nhìn rộng mở hơn. Họ bắt đầu tìm đến những chiếc áo dài nam chỉn chu và đậm chất thơ. Dù có khởi điểm là thời trang cho cả hai giới, hình ảnh áo dài trong tâm trí người Việt ngày nay lại gắn liền với người phụ nữ hơn. Khi những định kiến dần bị đẩy lui, hình tượng áo dài nam cũng bắt đầu được trân trọng trở lại.

Bộ sưu tập “Diên Niên” của thương hiệu Nudieye, với sự xuất hiện của áo dài nam và tạo hình có phần nhẹ nhàng, nhu mì.

Ảnh hưởng trong nước

GONZO và chiếc áo dài hip-hop tại Rap Việt

Những ngày cuối năm 2020 thực sự là khoảng thời gian bùng nổ của dòng nhạc rap. Cuộc đua giữa các thí sinh Rap Việt và King Of Rap trở thành một cơn sốt tột độ với mọi độ tuổi khán giả. Để kể hết tất cả dấu ấn của rap từ hai cuộc thi, thì không xuể. Nhưng chắc chắn, ai ai cũng phải nhớ đến bộ áo dài cool ngầu của “thầy Nam” GONZO. Cậu là một chàng trai rapper đặc biệt với phong cách điềm đạm, chững chạc và sở hữu câu từ sắc bén.

Trong phần trình diễn Không Thầy Đố Mày Làm Nên đình đám, GONZO diện chiếc áo dài the kinh điển, tự xưng mình là “thầy giáo” đầy ngạo nghễ mà giàu tình cảm. Tiết mục đánh dấu sự bùng nổ của chàng rapper, đưa cậu vào thẳng vòng Chung Kết của Rap Việt. Cùng với đó, nhiều các bạn khán giả trẻ bắt đầu nhìn nhận chiếc áo dài nam bằng một con mắt khác.

Nghệ sĩ Kim Xuân và kiến nghị nam sinh mặc áo dài

Nếu là một Gen Z, chắc chắn bạn đã gặp qua những bài đăng như vậy trên mạng xã hội. Đầu tháng 11/2020, cộng đồng mạng Việt Nam được dịp tranh cãi nảy lửa. Nguyên do là lời kiến nghị của nghệ sĩ Kim Xuân rằng các bạn nam nên mặc áo dài đến trường.

Có người tán thành, cũng có kẻ phản đối kịch liệt, với vô vàn lý do. Nhưng tôi tin, đây chính là màn đề cập sôi nổi nhất của giới trẻ về chiếc áo dài nam “thất truyền”. Và chắc chắn, đây chính là lời “gợi ý” khá hay ho cho các thương hiệu thời trang. Không chỉ vậy, tháng 11 chỉ còn cách Tết hơn 2 tháng. Một thời điểm quá tuyệt vời để tạo xu hướng mới cho các bạn trẻ.

 

Cùng cuộc tranh cãi trên, hình ảnh về một người thầy bao năm mặc áo dài để đi dạy được truyền bá rộng rãi. Đó là thầy Hồ Minh Quang, Trưởng khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Mang trong mình niềm tự hào dân tộc lớn lao, thầy bắt đầu mặc áo dài từ năm 2002. Thầy mong muốn thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt với bạn bè năm châu. Không chỉ vậy, thầy còn muốn mình là tấm gương cho các bạn trẻ về việc gìn giữ truyền thống Việt Nam.

Lời kết

Tựu trung, vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc nam giới mặc áo dài. Vốn dĩ, thời trang nam luôn cần sự chuẩn mực, tinh tế và hơn nữa là độ thoải mái. Âu phục, Áo dài hay những bộ trang phục truyền thống Việt Nam khác đều mang lại những giá trị khác nhau. Tất cả cũng là trang phục để mặc lên người, giúp làm đẹp và giữ ấm cơ thể. Quan trọng là, cách bạn hiểu về phong cách và lựa chọn mặc bộ trang phục ấy ra sao để tôn vinh bản thân.

Đối với tôi, thị trường thời trang trong nước cũng như một biểu đồ hình Sin, đặc biệt là thời điểm mà những thương hiệu thời trang quốc tế du nhập và mọc lên như nấm. Người mua sắm không khó để có có những lựa chọn, lâu ngày sẽ trở thành bão hòa. Thì chiếc áo dài bỗng dưng trở nên bừng sáng, một “của báu” mà người ta phải thốt lên rằng: “Ồ! Tôi chưa bao giờ mặc áo dài!” Bỗng dưng áo dài trở lại đúng với giá trị năm xưa. Người người, nhà nhà, từ đàn ông đến đàn bà đều mặc áo dài. Cũng chính vì lẽ này, các thương hiệu thời trang nội địa vốn dĩ phải cạnh tranh khắc nghiệt, thì ngay lập tức sản xuất hàng loạt các mẫu áo dài nam-nữ, từ phom dáng truyền thống đến cách tân để đáp ứng như cầu mua sắm. Đây là điều mà các thương hiệu thời trang nước ngoài không làm được.

Suy cho cùng, tôi vẫn luôn cắc cớ một chuyện như thế này – Áo dài là Quốc phục, là một di sản nước nhà, cớ sao chỉ mặc mỗi khi dịp Tết? Hy vọng rằng, sau bài viết này, cánh mày râu sẽ dần thay đổi suy nghĩ và góc nhìn của mình và trân trọng chiếc Áo dài truyền thông hơn nữa. Hãy thử mặc nó vào những dịp đặc biệt, và bạn sẽ trở nên trân quý chiếc áo dài truyền thống Việt Nam nhiều hơn!

Bài viết nêu quan điểm và góc nhìn của tác giả, không hàm ý bất kỳ một mục đích nào khác! 

 

 

Related Article