#MFOpinion: Ai cần những “ngai vàng” tự xưng?
Lifestyle

#MFOpinion: Ai cần những “ngai vàng” tự xưng?

Có một nghịch lý kỳ quặc là trong khi những cái mác gắn với nhóm người nào đó đang ngày càng bị tẩy chay, vẫn có những người thích thêm thắt một danh xưng nào đó cho cái tên của mình.

Thú thực là tôi luôn loay hoay khi ai đó hỏi tôi tự giới thiệu về bản thân, chẳng ai có thể tóm gọn những đầu việc tôi từng làm, những nền văn hoá tôi từng tiếp xúc và tiêu thụ, những lĩnh vực tôi đang theo đuổi… tóm lại tất tần tật những thứ gì tạo nên một tôi của ngày hôm nay. Nên nếu ai đó hỏi tôi, rằng tôi là ai? Đó sẽ là câu hỏi mà chỉ những cái mác mặc định sẽ là không đủ để cắt nghĩa.

Nhưng, hãy thú nhận đi nào. Chúng ta gắn mác lên tất cả mọi thứ, cốt để có một cái tên để định danh những sự vật hiện tượng, và tôi có lẽ cũng vậy. Từ những thứ đơn giản như quê quán, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, học vấn… thứ gì cũng cần có một cái tên. Những căn tính này gắn với bạn, và cũng sẽ là thứ nảy ra đầu tiên khi một ai đó tiếp xúc với bạn.

Họ cần nó để có ấn tượng đầu tiên về bạn, và để ghim cái ấn tượng bề nổi ấy sâu chặt vào tâm trí. Họ cần nó để ước lượng những giá trị bạn đã và đang tạo ra, để từ đó hoặc là trao cho bạn nhiều cơ hội hơn, hoặc là nhìn bạn với những sự tôn trọng nhất định. Họ dựa vào chúng để kỳ vọng điều gì đó từ bạn, để định hình bạn ở một vị trí nào đó trong xã hội. Nếu không có những cái mác, bạn chẳng là ai cả. Bạn vô hình!

Vì chẳng ai muốn là người vô hình, nên chúng ta, dù bằng lý trí hay trong vô thức cũng đang tự gắn lên mình những cái mác hay đặt cho mình những danh xưng. Những sắc thái của cảm xúc và trải nghiệm trong quá khứ được đặt gọn gàng trong một cái hộp của những cái mác giống với nhan nhản món đồ trên kệ hàng mỗi lần bạn đi siêu thị.

Và nếu không thể làm cho nó gọn gàng được, thì người ta nhồi nhét chúng, cốt sao để nó vừa trong cái hộp danh xưng ấy. Ở thời đại nơi thương hiệu cá nhân đồng nghĩa với cái cần câu cơm, những cái mác vốn chỉ nên là chỉ dấu ước lượng bỗng chốc được gán cho sức mạnh vô hình khi có thể định nghĩa chính xác và chóng vánh.

Còn nhớ thời báo chí nhan nhản những danh xưng “hot girl” hay “hot boy” để gọi một cá nhân nào đó xinh đẹp nổi tiếng hơn số đông, chúng trở thành mỹ từ ao ước khi biến một người bình thường cũng hai tai, hai mắt như ai trở thành người nổi tiếng không rõ vì một lý do cụ thể nào. Những danh xưng này đã xưa rồi diễm, giờ có lẽ là thời điểm người ta sáng tạo và táo bạo hơn cả trong việc tự mệnh danh chính mình.

Xã hội đột nhiên xuất hiện quá nhiều những ông hoàng, những hoa hậu, những chuyên gia, những KOL, những cái tên “đi mượn” thậm chí còn chẳng có ý nghĩa gì trong tiếng Việt và cũng chẳng cần ai hiểu miễn là có đủ độ kêu để khiến một cá nhân nào đó được nhớ đến.

Khi nền kinh tế ngày càng gắn với những cái click trên mạng, danh xưng thú thực mang đến nhiều cái được hơn mất. Cũng như cách tâm lý học hành vi lý giải vì sao chúng ta thích định danh ai đó đến vậy, thì việc tự định danh cũng gây hiệu ứng tương tự khi trở thành một bảo chứng nhãn quan về việc chúng ta có nên dành sự chú ý cho một ai đó không để mà xem câu chuyện của họ, nghe tác phẩm của họ, tương tác với video họ làm ra.

Sự chú ý của công chúng là một mỏ vàng với những ai đang cần đào xới mỏ vàng ấy để kiếm tiền, càng uy tín thì càng được biết đến, và càng được biết đến thì càng có nhiều cơ hội để nổi bật hơn trong đám đông hỗn loạn của quá nhiều con người.

Những cám dỗ của danh xưng đủ lớn, đủ hào nhoáng để người ta phẩy tay mặc kệ nguồn gốc xuất xứ của chúng. Và vì thế, một lời nói đùa cũng có thể trở thành một mỹ từ gắn với cái tên ai đó, một liên tưởng vu vơ về nghề nghiệp và kĩ năng của một người cũng có thể là tiêu đề ảo cho những lần “khẳng định thương hiệu bản thân”, một sự ái kỉ suy diễn có khi cũng biến tướng trở thành những ảo tưởng huyễn hoặc về khả năng và kinh nghiệm. Biết hát có dở đến mấy thì cũng là ca sĩ, biết chơi nhạc dù tán loạn vấp vá thì vẫn là một DJ, sở thích khuyên nhủ người khác cũng biến một người không ai biết là ai trở thành chuyên gia.

Một danh xưng cũng đã quá đủ để đốt cháy cả quá trình nghiên cứu, rèn luyện, học hỏi theo thời gian của bất cứ ai. “Vậy thì chúng ta học để làm gì?” bạn sẽ nghĩa. “Cứ ngồi nhà tự chế một cái tên cho mình là xong.” Suy cho cùng, đó cũng là cách những “ngai vàng” tự xưng ra đời.

Bài: Vân Anh
 

Related Article