Thời trang, ngoài những hình ảnh hào nhoáng, vẫn đều phải luôn xuất phát từ sự thoải mái, phù hợp với cơ thể. Chính vì thế, normcore – phong cách thời trang đề cao tính thường nhật, thoải mái, thậm chí đi ngược lại với những tiêu chuẩn “đẹp” của thời trang – vẫn luôn phát triển mạnh mẽ với đa số người dùng thời trang, trước khi chính thức trở thành một cụm từ riêng được nhiều người bàn tán từ năm 2018. Thế nhưng, trước khi có normcore thịnh hành của người trẻ, tất cả đều phải biết rằng “bố đẻ” của phong cách này chính là dadcore.
Các “ông bố(phản) thời trang”
Trước khi có tên riêng như bây giờ, phong cách dadcore thực chất đã xuất hiện từ khá sớm vào giai đoạn cuối thế kỷ 20 (hai thập kỷ 1980 – 1990). Ở giai đoạn này, đa số nam giới rất ưa chuộng những món thời trang phom suông đến rộng, các loại quần jeans/chino/khaki, và thắt lưng da. Đây đều là những món thời trang khá nòng cốt để tạo nên bộ trang phục dadcore đúng điệu.
Dần dà, bước sang những năm 2000, với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa hip hop, ở giới trẻ bắt đầu có sự thay đổi lớn trong cách ăn mặc, và những bộ cánh “tiền thân” cho phong cách dadcore cũng dần lùi về sau, chỉ còn những người đã từng đi qua thời ấy (có thể bây giờ đều đã là những ông bố) vẫn sẽ còn giữ lối ăn mặc này vì tính tiện dụng của nó. Năm 2000, phong cách thời trang “của các ông bố” chính thức trở thành một trò đùa của cộng đồng mạng sau câu đùa của Jack Black trên bộ phim High Fidelity được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nick Hornby. Trong đó, nhân vật Barry (do Jack Black thủ vai) đã chê bai chiếc áo len sọc đỏ maroon, be, nâu của Rob (do John Cusack thủ vai) là “chiếc áo len của Cosby” (Cosby Sweater), ám chỉ đến nam diễn viên Bill Cosby với hình tượng mẫu mực về người đàn ông gia đình bấy giờ.
Năm 2003, hình ảnh về những chiếc quần jeans được cho là “có phom dáng xấu mà các phụ huynh hay mặc” bị đem ra bêu rếu trong một đoạn phim quảng cáo chế của chương trình Saturday Night Live, mang tên Mom Jeans. Thiết kế dây kéo 9 inch, nếp gấp trước to, chúng hoàn toàn trái ngược với phom quần ôm sát đang là xu hướng chủ đạo cho cả hai giới đầu những năm 2000. Chỉ cần mặc rộng thùng thình, “thì bạn không còn là phụ nữ nữa, bạn sẽ là một người mẹ!”.
Đến một vài năm sau, style.com – trang thông tin trực tuyến chung cho hai tạp chí Vogue và W do Condé Nast thành lập vào năm 2000, hiện nay đã sát nhập vào trang bán lẻ trực tuyến Farfetch – đã sử dụng lại khái niệm phom quần này theo một cái tên mới – dad jeans. Cụm từ được dùng để chỉ những chiế c quần jeans mà người đàn ông mặc mua dài dài qua năm tháng, không cần biết là quần đó xấu đẹp ra sao. Và những lúc Barack Obama xuất hiện với chiếc quần jeans cũ kỹ hơn chục năm, công chúng thế giới lại tiếp tục bàn tán nhau về thời trang dadcore này.
Rồi điều gì đến cũng phải đến. Từ một cách ăn mặc bị xem như trò đùa của công chúng, tần suất bàn tán ngày một dày đặc đã khiến phong cách dadcore dần nhận được sự công nhận của các thương hiệu thời trang và giới mộ điệu. Năm 2018, Balenciaga chính thức ghi tên kiêu cách ăn mặc “già cỗi” này vào hạng mục thời trang cao cấp, thông qua bộ sưu tập mùa Xuân của nhà mốt Tây Ban Nha. Những hình ảnh của chiến dịch quảng cáo cho bộ sưu tập tái hiện cảnh tượng của một gia đình kiểu mẫu tại Mỹ, với hình ảnh người bố không thể khác đi được – blazer thùng thình bên ngoài áo thun trắng, đi cùng chiếc quần jeans bạc màu và đôi giày tây thường nhật.
Ngay sau đó, cơn sốt của Triple S – dòng giày dad shoe biểu tượng của Balenciaga – từ năm 2017 đến 2020 chính thức đưa kiểu cách ăn mặc “của những ông bố” lên danh mục thịnh hành của xu hướng thời trang giới trẻ. Những chiếc quần jeans từ phom suông đến rộng kết hợp cùng thắt lưng bản to ấn tượng, phủ lên đôi giày hầm hó với thiết kế đế không khác gì hòn đá tảng chính là dresscode sành điệu của giới mộ điệu toàn cầu cho đến thời điểm hiện tại.
Mặc sao cho ra dáng “bố”?
Khác biệt với giới trẻ tràn đầy năng lượng và mong muốn thể hiện bản thân, những người đàn ông khi bước vào giai đoạn tất bật với gia đình ít có nhu cầu mạo hiểm trong cách ăn mặc của mình hơn. Thay vì dành sức lực để tìm kiếm và lên ý tưởng cho những bộ trang phục cực “cháy”, họ sẽ chọn cố định những món thời trang thực sự thoải mái, đơn giản và bền bỉ cho việc ăn mặc thường ngày. Chỉ cần một chiếc quần jeans ống suông nhạt màu, áo thun trơn, sơ mi khoác ca rô, nón bóng chày và một đôi New Balance, thì chắc chắn đó là phong cách dadcore. Không lẫn vào đâu được.
Chính vì thế, đừng quá áp lực làm gì, cứ nghe theo “bản năng xuề xòa” bên trong bạn. Cái này đã thoải mái chưa? Như thế này đã đủ rộng? Mặc nhiều có dễ hư không?, nếu ba câu trả lời lần lượt là “có-có-không”, thì bạn đang đi đúng hướng rồi đó. Đầu tiên, hãy tìm một chiếc quần jeans nhạt màu phom suông, cùng một chiếc thắt lưng ngẫu nhiên với mặt dây thật to. Bạn có thể tìm mua một kiểu quần phù hợp cho mình ở Levi’s.
Sau đó là một đôi giày thể thao có phom đế to và thô. Nếu ở năm 2017-2018, tôi sẽ đề xuất Triple S, nhưng bây giờ đã là 2022, thì thiết kế Track của Balenciaga sẽ hợp thời hơn. Ở nhiều thương hiệu khác, các thiết kế giày thể thao đế to cũng không còn hiếm, nên bạn hoàn toàn có thể chọn mua dễ dàng. Tuy nhiên, để đúng “chất” dadcore nhất, giày New Balance luôn là “chân lý”. À và nhớ là phải mang vớ trắng nhé!
Ở phần trên, bạn có thể mặc bất cứ thứ gì, miễn đó là một chiếc áo… không mấy đặc biệt: một chiếc áo thun đã mặc lâu ngày, áo polo sọc có chút sờn cũ, áo nỉ hay chiếc sơ mi chất vải dày nhiều túi hộp…
Với áo khoác ngoài, bạn có thể chọn áo hoodie, áo khoác vải dù bất kỳ đảm bảo tính ứng dụng; nếu muốn trang trọng hơn, chọn một chiếc áo blazer hơi quá cỡ, màu cũ, có các họa tiết ca rô funky càng tốt. Tất cả để tạo nên một kiểu cách xuề xòa, lôi thôi có chủ đích, một cá tính tinh nghịch của người mặc.
À còn nữa, các món phụ kiện dadcore mà bạn cũng không nên thiếu chính là một chiếc nón bóng chày, túi đeo bao tử và một chiếc đồng hồ da (không quá đắt tiền). Có tất cả những món này, đảm bảo bạn sẽ trở thành một ông chú sành điệu trong mắt mọi người!