[MF Voice] “Nhảy việc” liên tục – Thói hư của Gen Z?
Business

[MF Voice] “Nhảy việc” liên tục – Thói hư của Gen Z?

Dạo gần đây, Gen Z đang bị đánh giá là không có sự cam kết dài hạn trong công việc. Tình trạng người trẻ “nhảy việc” không còn là chuyện hiếm gặp, và điều này khiến các doanh nghiệp lắc đầu ngao ngán.

“Nhảy việc” đòi hỏi một tinh thần “thép”

Gen Z là thế hệ lớn nhất và đột phá nhất từ trước đến nay, những người trẻ này đang tác động rất lớn đến các tổ chức doanh nghiệp, đồng thời đang thách thức những quy tắc và văn hoá công ty vẫn đang tồn tại bình yên hàng chục năm. Khác với phần lớn Gen Y, những người sinh từ năm 1997 đến 2012 sẵn sàng và vui vẻ từ bỏ những công việc không mang lại đặc quyền mà họ muốn, không tạo được giá trị, thiếu cảm giác hạnh phúc và được trân trọng… để tìm kiếm điều gì đó tốt hơn. Thậm chí họ “nhảy việc” và không quan tâm mấy đến việc dự phòng một công việc khác.

Nhưng trước khi nói về vấn đề “nhảy việc” của Gen Z như một việc làm sai lầm và ngông cuồng, tôi nghĩ chúng ta nên khen ngợi về sự dũng cảm của họ. Có một sự thật là nhiều người thấy bế tắc trong công việc của mình, nhưng chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện tìm một bến đỗ mới. Dứt áo ra đi bao giờ nghĩ cũng dễ hơn làm. Tôi nghĩ người trẻ không sai khi họ biết mình muốn gì, phù hợp với cái gì và ý thức được những cống hiến của mình nên đặt ở đâu. Nói một cách khác, tại sao họ phải hy sinh niềm vui, nỗ lực vì một công việc/doanh nghiệp không phù hợp? Nhất là khi, họ còn nhiều thời gian để trải nghiệm và va vấp?

Một người bạn Gen Z mà tôi biết đã “nhảy việc” 6 lần trong khoảng hơn một năm, tức là thời gian cho mỗi công việc không quá 3 tháng. Mặc dù hiện nay tình trạng “nhảy việc” đang dễ chấp nhận hơn bao giờ hết, việc chuyển đổi công việc dưới một năm vẫn được cho là “quá nhanh”. Nó gửi khá nhiều tín hiệu tiêu cực về sự cam kết, sự kiên trì, khả năng chịu đựng áp lực. Sự thiệt thòi trước mắt có thể thấy, đó là không có một kinh nghiệm chuyên sâu về một lĩnh vực, không đảm bảo nguồn tài chính ổn định, không thoả thuận được một mức lương tốt, mất năng lượng và nhiệt huyết ở mỗi lần đi phỏng vấn mới và có một hồ sơ xin việc khiến nhà tuyển dụng nào cũng dè chừng.

Những bất cập là quá rõ nhưng tại sao bạn lại hết lần này đến lần khác, đặt bản thân vào tình huống khó khăn như vậy? Nếu nghỉ việc một vài lần thì đó có thể là chưa tìm được công việc ưng ý, còn nếu “quá tam ba bận” thì lỗi hẳn là do bạn “kén cá chọn canh” chăng? Một lần nữa, tôi không cho rằng vấn đề chỉ nghiêng về một phần của cán cân – đúng hoặc sai một cách tuyệt đối.

Chúng ta không thể đánh giá quyết định của người khác chỉ một bằng sự logic máy móc, mà thiếu đi sự thấu cảm và sẻ chia. Phải có lý do cho những lần ai đó nói tạm biệt với công việc của họ. Đơn giản vậy thôi! Đến giờ, khi nhìn lại những quyết định của mình, bạn không thấy hối hận, duy chỉ lần thứ 6 thì bạn thấy có chút luyến tiếc. Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tốt. Nhờ sự luyến tiếc đó, bạn nhận ra mình muốn phát triển bản thân ở lĩnh vực nào và quyết liệt hơn trong lựa chọn tiếp theo.

Đời không như là mơ!

Con đường đến với công việc trong mơ của mỗi người là một hành trình dài với những lựa chọn (có thể đúng hoặc có thể chưa khôn ngoan). Không quan trọng! Tất nhiên là lựa chọn nào cũng có cái giá của nó, nhưng chính những quyết định đó đã dẫn chúng ta đến những ngã rẽ mà mình không ngờ tới. Trở lại câu chuyện, nếu bạn tôi kiên nhẫn một cách mù quáng, bạn đã vuột mất cơ hội để hiểu mình đang muốn gì. Cái giá mà bạn phải trả là những thiệt thòi mà tôi nói bên trên và nhiều lần bắt đầu lại từ vạch xuất phát lắm gian nan, đòi hỏi sự bền bỉ khủng khiếp.

Thế nên tôi thấy rất công bằng, không có vấn đề gì để phải gọi chuyện “nhảy việc” của người trẻ bằng những tính từ thiếu thiện cảm như “thói hư”, “trẻ con”, hay “cả thèm chóng chán”. Nếu bạn chọn cam chịu với điều mình không hạnh phúc, bạn sẽ có được kinh nghiệm, không sống trong bất an tài chính nhưng đồng thời, bạn cũng “ngầm” chấp nhận có một số cơ hội đã “âm thầm” lướt qua đời mình.

Nhìn rộng hơn, bạn tôi chỉ là đại diện trong một nhóm lớn. Người trẻ sẽ trải qua nhiều thay đổi trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, khi họ cố gắng đạt được những trải nghiệm khác nhau, để tìm ra con đường đúng đắn cho sự thành công và hạnh phúc lâu dài của mình.

Mặt khác, theo một số nghiên cứu của LinkedIn, “nhảy việc” là một thực tế ngày càng trở nên phổ biến trong hai năm qua do thị trường lao động liên tục thắt chặt. Đối với Gen Z, nhiều người trong số họ đã bắt đầu sự nghiệp của mình trong môi trường làm việc linh hoạt ở đỉnh điểm của đại dịch. Họ hiểu rằng công việc mình có không an toàn, và họ có thể phải tìm một công việc mới vào ngày mai. Thái độ đó có thể tạo niềm tin cho một người, bởi vì họ đã chuẩn bị cho kết quả tồi tệ nhất. Một phần thực tế này lý giải cho sự dứt khoát của Gen Z.

Sau cùng, phải chăng người trẻ nên cam kết thời gian là 6 tháng cho mỗi một lần thử nghiệm công việc mới, hay đẹp nhất phải tròn một năm như các chuyên gia khuyên. Thứ nhất, lời khuyên làm một năm là có lý do nhưng không áp dụng trong mọi trường hợp; và thứ hai, đời không như là mơ!

Trong những môi trường không quá tệ, như đáp ứng được mức lương tạm ổn, hay bạn tìm thấy giá trị mà công việc đem lại, không quá khó để bạn nỗ lực 1-2 năm. Đó là tôi không bàn đến định hướng dài lâu và khả năng thăng tiến. Mặt khác, có một số doanh nghiệp nơi mà văn hoá công ty độc hại, công việc thực tế khác quá xa với mô tả, cuộc sống mất cân bằng… hay những nguyên nhân bất khả kháng khác, thì gắng gượng thêm cũng hoài công. Tôi nghĩ vậy!

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article