The Flob: “Chữa lành đủ rồi, giờ là lúc phản kháng”
MF Talent Hub

The Flob: “Chữa lành đủ rồi, giờ là lúc phản kháng”

Kể từ lần đầu tiên biết đến những cậu bạn mặc đồ ngủ trong MV “EM OII”, The Flob đã có hơn 3 năm phát triển với nhiều biến động. Năm 2022, mọi người đón chào sự trở lại của ban nhạc một lần nữa trong MV “Cuối Ngày”, nhưng với một tâm thế hoàn toàn khác: “Nhóm này liệu sẽ làm gì khác? Hay chỉ mãi loanh quanh với những bài ca nghêu ngao?”

Thật may, 6 phút Cuối Ngày đã phá tan đi những hoài nghi về sự trưởng thành của The Flob. Một câu chuyện âm nhạc tiết chế, biết bùng nổ đúng cách, đúng lúc, được cộng hưởng bởi dàn bối cảnh, phục trang và góc quay chỉn chu. Không còn là những sắc thái ngẫu hứng, bộc phát, non trẻ ngày nào, mà ở đó, sáu cậu trai toát lên một tinh thần vững chãi, gọn gàng nhưng vẫn phá cách. Hay nói cách khác, The Flob đã lớn hơn rất nhiều. Và một bước vươn mình mạnh mẽ như vậy sẽ khó lòng trở thành hiện thực, nếu chính bản thân cá thể không trải qua những biến động đầy chiêm nghiệm.

Xin chào The Flob. Tại sao fanclub lại có tên là Bà Con Trong Xóm?

Lộc: Chà, này chắc là một trong những điều mà The Flob rất đau đầu, không biết có nên chỉnh lại tên luôn hay không. Khi gọi mọi người là Bà Con Trong Xóm, bọn mình muốn đây sẽ là một cộng đồng gần gũi, như mở cửa ra ngoài thì thấy hàng xóm vậy. Nhưng qua quá trình thay đổi âm nhạc và định hướng, Lộc nhận ra là khán giả của mình không còn nằm ở trong xóm nữa mà mình phải bước ra ngoài tiếp xúc nhiều tệp khán giả hơn. Fan club là một phần song hành với âm nhạc của The Flob, nên Lộc không biết liệu khi mình giới thiệu “vũ trụ văn hoá” đến với một “chòm xóm” thì có phù hợp không. Đó là một bài toán mà Lộc và mọi người trong ban nhạc sẽ phải ngồi xuống và cân nhắc rất kỹ.

Hiện tại, công việc hoạt động âm nhạc có mang lại nguồn thu đủ cho mọi người không hay phải trang trải từ công việc khác?

Lộc: Gần đây thì mọi thứ khả quan hơn khi Lộc và mọi người không phải trả tiền phòng tập, di chuyển, hay ăn uống khi đi biểu diễn. Tất cả là nhờ vào công sức của các bạn bên ban quản lý khi có những gói quyền lợi rất ổn so với thời gian đầu! Tuy nhiê, để đạt đến mức tự do tài chính thì thú thật là tụi mình vẫn chưa đủ. Mình xem ban nhạc như một khởi nghiệp và đang trong thời gian hoà vốn (cười). Cũng đáng mừng là cả 6 thành viên The Flob đều có khả năng để tự thân vận động, đủ bản lĩnh để đưa ra được những quyết định khó khăn khi thời điểm tới. 

Minh Anh: Công việc trang trải này cũng là một trong những động lực lớn nhất để 1010 Network được hình thành. Mọi chi phí tập luyện, ăn ở, đi diễn của nhóm đều sẽ do công ty đại diện 1010 Network đứng ra chi trả hết. Một điều đặc biệt nữa là, Minh Anh cảm thấy may mắn vì cả 6 người đều có khả năng sản xuất âm nhạc. Ví dụ, nếu không chơi ban nhạc, các bạn vẫn có nghề taytrái liên quan đến âm nhạc như làm ở phòng thu, hoà âm phối khí, kỹ thuật âm thanh, sáng tác nhạc phim,… Ngoài công việc quản lý The Flob, 1010 Network còn nhận những công việc bên ngoài về để mọi người có thể sống tốt mà theo đuổi âm nhạc, không nhất thiết chỉ có ban nhạc. Đó đang dần trở thành một dịch vụ mà 1010 Network định hướng phát triển nhằm đảm bảo cuộc sống của nghệ sĩ về mặt kinh tế. 

Lộc thường là người nêu ý tưởng trước cho phần nhạc hay sao?

Lộc: The Flob gồm 6 người thì hết 5 người biết về nhạc lý, chỉ riêng người sáng tác chính (là mình!) thì không. Hầu như ở mọi tình huống, mình đều giao tiếp với mọi người theo kiểu “Đoạn này sẽ bằng bằng”… Bản thân Lộc cũng không phải là người quyết định cuối cùng, mà hầu hết là tất cả mọi người sẽ cùng xây dựng. The Flob không có nhóm trưởng cho nên mọi ý kiến được tiếp thu rất khách quan và thuận theo số đông.

Minh Anh: Mọi người phải dịch ngôn ngữ của Lộc ra thành nhạc lý, nên chắc thế mà quá trình làm nhạc cũng bị dài hơn so với những nghệ sĩ khác. Lộc có một bản năng rất nhạy, nhưng để hệ thống và cấu trúc thành một bài hát chỉn chu về vần điệu, nhạc lý thì phải để 5 anh em cùng dịch rồi phát triển thêm để mỗi nhạc cụ đều có đất diễn. 

Lộc: Đối với Lộc, The Flob phải là một ban nhạc mà nghe audio sẽ không đủ “đã” bằng việc nghe diễn live. Các nhạc cụ cần phải mang lại được một bản phối tổng hòa ổn định nhất, nhằm đảm bảo cho việc hụt hơi của mình. Đặc biệt, khi đi diễn show, việc giao tiếp-khuấy động khán giả sẽ tốn rất nhiều năng lượng. Khán giả chỉ cần nghe giọng một chút thôi là có thể dễ dàng nhận biết tiết mục đó thất bại hay không.

Điều đến tai người nghe đầu tiên vẫn là giọng hát, dù phối hay đến đâu mà cất giọng lên nghe không hợp tai thì khán giả sẽ tắt

The Flob có bao giờ bị trải nghiệm tệ trên sân khấu?

Lộc: Ở mỗi show luôn! Có một thời kỳ khoảng 2018 – 2020, Lộc không thể kiểm soát được cột hơi của mình, cứ sau 2 bài là “gãy” luôn. Trong khi đó, ban nhạc toàn phải đi diễn từ 5 bài trở lên, khi diễn xong 2 bài đầu là Lộc đốt hết cột hơi, không còn gì để diễn. Thời gian sau này Lộc học được khả năng kiểm soát nên ổn định hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bản thân vẫn phải đi học thêm thanh nhạc.

Có một lần, The Flob lên sóng cho một chương trình thuộc đài truyền hình quốc gia ở Hà Nội. Cả nhóm biểu diễn và được ghi hình trực tiếp. Vậy nên, không có chỗ cho sai lầm, không có chỗ để điều chỉnh, mà còn phải ghi hình vào 8 giờ sáng, lúc đấy thì chưa mở giọng. Khi ghi hình xong thì Lộc nghe lại giọng mình, thú thuật là mình muốn “chảy máu lỗ tai” luôn! Thế nên từ lần đó, Lộc quyết định là sẽ không để những việc như vậy xảy ra nữa do điều đó ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ban nhạc nữa.

Ca sĩ mà không có giọng thì đâu phải là ca sĩ đâu. Tiêu chuẩn hiện nay cũng khá cao và có rất nhiều ban nhạc mới, tài năng xuất hiện. Bản thân dòng nhạc rock cũng cần thế mạnh rất lớn về giọng hát, nên mình phải luôn phát triển. Văn hoá nghe nhạc của nước mình chủ yếu là nghe ca sĩ nhiều hơn nhạc cụ. Điều đến tai người nghe đầu tiên vẫn là giọng hát, dù phối hay đến đâu mà cất giọng lên nghe không hợp tai thì khán giả sẽ tắt. Từ những cách phát âm hay những chữ nhả ra đầu tiên đều phải ăn điểm. 

Mình nói thêm một chút về Cuối Ngày, sản phẩm âm nhạc gần đây nhất của The Flob nhé. Từ đâu mà bài hát được viết ra?

Lộc: Cuối Ngày được viết ra như một cơ chế để giải quyết nói buồn cá nhân của mình. Lần đó thì mình chia tay bạn gái, sau khoảng thời gian chia tay, tụi mình rất thất thường trong vòng 2 năm. Một khoảng thời gian rất khó hiểu. Lần cuối cùng Lộc gặp bạn gái, bạn ấy nói không muốn gặp mình nữa vì cứ như vậy hai đứa không đi đến đâu hết. Khoảnh khắc bài hát Cuối Ngày ra đời chính là khi mình ngồi dưới nhà bạn tận 6 tiếng nhưng bạn thì đã không muốn gặp nữa.

Lộc không thể biết mối quan hệ giữa hai đứa là gì, cho nên câu đầu tiên khi Lộc viết ra là Vậy em ơi vào cuối ngày mình có nhau không?. Nó đến từ sự mông lung giữa hai người còn yêu nhau, nhưng vì rất nhiều lý do mà không thể ở lại được. Nó lâm li bi đát đúng như bài hát vậy. Nhưng may sao sau này tụi mình quay lại với nhau rồi nên vui lắm! Cho nên mới có một phiên bản acoustic khác là Có Nhau!

6 tiếng ấy, Lộc viết lời rất là trần trụi và có phần thô. Bản cuối cùng thực chất đã đổi khác rất nhiều so với phiên bản đầu tiên ở dưới nhà bạn. Chắc là chỉ được giữ lại mỗi câu Vậy em ơi vào cuối ngày mình có nhau không?! Bởi vì, cảm xúc của em rất mạnh và rất xấu cho nên em phải chắt lọc năng lượng lại để ghi đến tai người nghe thì sẽ dễ replay hơn, dễ đồng cảm hơn là những cảm xúc tiêu cực tại thời điểm đó.

Câu hát Vậy em ơi vào cuối ngày mình có nhau không?, anh em đều nhận ra đó là câu hỏi mà ai cũng từng tự đặt cho ban nhạc khi đứng giữa thị trường âm nhạc lúc đó. Nếu như The Flob không có gì mới, Cứ quanh đi quẩn lại những bài hát cũ, màu sắc cũ giữa một sân chơi đổi mới liên tục thì chắc chắn sẽ bị đào thải.

Sau phiên bản đầu tiên thì phải trải qua bao nhiêu bản nháp mới đến phần phối nhạc-thu âm? 

Lộc: Thường, quá trình sáng tác của Lộc không quá khó. Một khi bước vào giai đoạn “OK, bây giờ mình phải viết ra một bản final” để đến audio, Lộc sẽ cố gắng hạn chế bản nháp và chỉnh sửa nhiều nhất có thể. Một khi đã viết xuống và tiến hành thu âm bài hát, điều đó có nghĩa Lộc đã thấy đẹp lòng mình rồi, nên việc chỉnh sửa là rất hạn chế.

Đôi khi, mình có thể thấy một số sự chuyển hướng ở 2 verse của bài. Ở verse đầu tiên, mình sẽ cảm nhận được một không gian bừa bộn, cảm xúc rối bời của cặp đôi mới chia tay. Nhưng khi đến verse 2, đó là khoảng thời gian Lộc và người yêu quay lại với nhau, cho nên cảm xúc vui hơn. Khoảng thời gian chia tay đến lúc quay lại cũng khá xa, nên để đi được đến phần lời cuối cùng thì cũng mất khoảng 6 tháng. 

Lúc ấy, tâm lý của Lộc đã ổn định hơn, verse 2 này mình viết bằng tất cả những năng lượng tích cực mới mà bản thân có được. Nghe bài hát, mọi người sẽ thấy được phần sau có tiết tấu và tinh thần mạnh hơn đoạn đầu. The Flob muốn mô phỏng quá trình đấu tranh cho tình yêu và đoạn cao trào giống như điểm cuối của cuộc chiến, để cả hai đến được với nhau như một hành trình chữa lành.

Đoạn cao trào đó được quyết định trong vòng 4 ngày trước hạn nộp bên nhà phát hành. Đáng lẽ bản audio sẽ rất khác và giống như là một bản ballad nhẹ nhàng, nhưng đến khi nghe lại thì cả nhóm nhận ra đầy không phải mình. Tụi mình đã phải xin bên nhà phát hành thêm 2 tuần để chỉnh sửa. Đó là một thay đổi rất đáng hoang nghênh, bằng chứng là The Flob đã nhận được nhiều phản hồi tích cực về đoạn cao trào – điều khiến Lộc và mọi người rất vui.

Quá trình thực hiện MV Cuối Ngày có những điều thú vị hay khó khăn nào?

Minh Anh: Thật ra, bài Cuối Ngày có ý nghĩa xa hơn câu chuyện tình của Lộc, mà là mối quan hệ giữa The Flob và Bà Con Trong Xóm – fanclub của The Flob lúc ấy. Sau gần 2 năm không có sản phẩm chính thức, việc chuẩn bị cho sự trở lại cũng đã hoàn thành với màu sắc rất khác so với dòng nhạc trước đây mà The Flob theo đuổi. Ngay lúc đó, cả Minh Anh và ban nhạc đều có nỗi sợ không biết liệu người hâm mộ của mình có cảm giác bị phản bội không, vì họ đã đi theo và yêu thích hình tượng cũ. Và Cuối Ngày là một bước đệm hoàn hảo cho cả nhóm trong quá trình “lột xác” khi có sự nhẹ nhàng mềm mỏng của Mấy Khi, Alright mà vẫn giữ được màu rock của sự chiến đấu, rồi lại mang âm hưởng của các nhạc phẩm tiếp theo.

Câu hát Vậy em ơi vào cuối ngày mình có nhau không?, anh em đều nhận ra đó là câu hỏi mà ai cũng từng tự đặt cho ban nhạc khi đứng giữa thị trường âm nhạc lúc đó. Nếu như The Flob không có gì mới, Cứ quanh đi quẩn lại những bài hát cũ, màu sắc cũ giữa một sân chơi đổi mới liên tục thì chắc chắn sẽ bị đào thải.

Mặt khác, MV Cuối Ngày không có sự tham gia tài trợ của một nhãn hàng nào nên tiền sản xuất cũng là một bài toán rất lớn. Tuy không nhận tài trợ, nhưng bọn em nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ ekip về nhân sự, nhân công, chi phí, địa điểm hay cả quần áo do Duc Studio hỗ trợ. Dự án ban đầu dự định bấm máy vào 5/3/2022, nhưng đến 28/2/2022 thì nhận ra những lỗ hỏng rất lớn trong quy trình sản xuất. Minh Anh và mọi người phải huỷ bỏ tất cả những kế hoạch, kịch bản trước đó, soạn thảo lại từ đầu trong vỏn vẹn một tuần để kịp ghi hình vào 7/3/2022. Thực sự, đó là điều kỳ diệu nhất mà The Flob từng trải qua.

Nhưng hơn cả, mình cảm thấy trân trọng thực sự vì lúc đó không ai trách The Flob, mà còn làm việc đến 200-300% công suất. Có một sự thật khá chấn động nữa là bọn mình đã phải đổi người hiệu chỉnh video (video editor) khi bước vào giai đoạn hậu kỳ. Ở bản chỉnh của người đầu tiên, MV thiên hướng quá cá nhân, khó chạm đến nhiều khán giả. Cả nhóm đã phải làm việc liên tục trong 4-5 ngày cùng bạn hiệu chỉnh mới để làm lại moodboard, chỉnh sửa nhịp cắt, blend màu, để có thành phẩm mà mọi người đang xem trên Youtube.

Minh Anh và bạn Art Director của MV là hai người con gái duy nhất, bản thân mình còn là người viết kịch bản. Chính vậy, cả hai đều đặt ra cho sản phẩm này một điều kiện, là phải có tính nữ trong đó. Thật ra, trong các bài hát của The Flob đâu đó cũng thể hiện một chút tính nữ khá rõ rệt. Sau khi bàn bạc với stylist về nguyện vọng ấy, bạn stylist đã quyết định cho Lộc… mặc váy!

Kịch bản đầu tiên của Cuối Ngày thực chất khá trừu tượng, diễn tả cuộc đấu tranh giữa tính nam và tính nữ trong cùng một bản thể. Cá nhân từng người trong The Flob lúc đấy vẫn không nhận ra mình là ai, The Flob là ai. Khủng hoảng bản sắc (identity crisis) có lẽ là từ khóa đầu tiên thúc đẩy cả nhóm phát triển dự án. Và mọi người cũng đều thích có sự cân bằng giữa tính nam và tính nữ trong tất cả sản phẩm, dẫn đến việc khi nhìn vào ai cũng sẽ phải hỏi Tại sao một ban nhạc rock lại có màu sắc như vậy?. Đó cũng chính là mục tiêu mà The Flob muốn truyền tải qua MV này. Câu chuyện bên trong MV cũng không có một câu chuyện rõ ràng, đó chỉ đơn giản là sự hỗn độn trong việc khủng hoảng màu sắc cá nhân của cá nhóm.

The Flob tự nhận mình đang trong giai đoạn khủng hoảng bản sắc. Câu chuyện này bắt đầu từ đâu?

Lộc: Giai đoạn đầu thành lập, The Flob bắt đầu xây dựng cộng đồng nghe chủ chốt qua nhiều show nhạc rock mà ban tổ chức thường là các trường cấp 3 và câu lạc bộ âm nhạc học sinh. Cái tên The Flob nổi lên với danh xưng không chính thức là ban nhạc học sinh. Thậm chí, khi ấy The Flob còn diện cả đồng phục cấp 3 của nhóm để đi diễn. Chưa kể, màu sắc âm nhạc của nhóm thời gian đầu cũng rất phù hợp độ tuổi mới lớn có nhiều tâm tư về tình yêu hay sở thích nổi loạn. 

Tuy nhiên, ai rồi cũng phải lớn. The Flob bước vào Đại học, rồi từ cách ăn mặc, đi đứng, ăn nói hay đến gu âm nhạc cũng bắt đầu chững chạc hơn. Bản thân mọi người nhận ra, mình không thể bị gán mác ban nhạc học sinh mãi được. The Flob tìm đủ mọi cách để thoát ra được cách gọi đó. Những ca khúc trưởng thành hơn được ra đời như một phép thử trong EP Sống Sai vừa rồi.

Thực tế, đó là một trong những khủng hoảng đầu tiên của The Flob: sau khi ra mắt EP Sống Sai với chất nhạc khác đi rất nhiều, phần lớn mọi người đều cảm thấy như… bị phản bội. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy, The Flob bắt đầu đón chào lượng người hâm mộ hợp độ tuổi hơn, trùng khớp với con người hiện tại của ban nhạc. Âm nhạc, đối với tụi mình, là phản ánh từng cá thể luôn lớn lên từng ngày. Chính vì thế, mình không trách các bạn hâm mộ vì đã không đồng cảm, chỉ trách là The Flob chuyển mình quá nhanh.

Minh Anh: Với nền tảng về marketing, Minh Anh luôn nhìn vào số liệu của mọi người đầu tiên. Từ nền tảng streaming, mạng xã hội và tất cả số liệu, tất cả đều thể hiện một đặc trưng rất buồn cười. The Flob có 2 nhóm đối tượng bằng nhau nhưng lại có khoảng cách rất lớn về độ tuổi: 18-22 tuổi và 26-32 tuổi. Hai đối tượng gần như là hai thế hệ tách biệt, với đời sống tâm lý khác xa. Và The Flob hoặc phải chọn một trong hai đối tượng, hoặc tìm “điểm ngọt” ở giữa để khai thác.

EP Sống Sai có thể là một phép thử mạo hiểm nhưng nó giúp The Flob biết được suy nghĩ của người khác khi nghe nhạc, cho các thành viên cơ hội nhận thức được những giá trị khi chơi nhạc chung với nhau, những sự thoả hiệp, sự dũng cảm quyết định thay đổi chính mình ở những phút chót.

Virtual Countdown Lights 2022 đánh dấu bước thể nghiệm đầu tiên về mặt hình ảnh của The Flob. Tụi mình chọn đồ Duc Studio vì tính chất vừa ôn nhu vừa độc đáo, đẹp một cách kỳ lạ nhưng vẫn trưởng thành. Sau lần xuất hiện ấy, lại tiếp tục có luồng ý kiến khác, là tại sao hát bài “Em Oi” mà mặc những bộ đồ như thế. Ban nhạc tiếp tục rơi vào khủng hoảng: mình chững chạc cũng không được, bụi bặm cũng không xong, vậy còn lối đi nào? Và Cuối Ngày chính là nỗ lực đầu tiên của The Flob trong việc đi tìm “điểm ngọt” ở giữa, cũng là một bước phát triển khá thành công. The Flob muốn âm nhạc và hình ảnh của mình phải khác biệt hơn, không còn bụi bặm mà sẽ cấu trúc, hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn.

Thời trang là một phần không thể thiếu trong sự chuyển mình về mặt hình ảnh của The Flob. Đặc biệt, sự xuất hiện song hành giữa Duc Studio và ban nhạc tạo nên ấn tượng mạnh hơn cả.

Minh Anh: Đúng rồi! Trước đây, mình có biết đến anh Đức (nhà sáng lập thương hiệu Duc Studio) vì đều tốt nghiệp từ trường Đại học Hoa Sen. Giai đoạn chuẩn bị cho dự án MV, nhóm đã liên hệ Duc Studio và nhận được lời đồng ý ngay lập tức. Ngày đến cửa hàng để mặc thử , anh Đức là người đích thân ra hỗ trợ mặc thử cho tụi mình. Chưa kể là những nhân sự của Duc Studio – từ trợ lý, stylist, marketing – đều hỗ trợ The Flob xuyên suốt hơn 2 tuần từ ngày mặc thử ấy. Thậm chí, các anh chị còn đến tận trường quay để hỗ trợ những vấn đề về trang phục. Ngay cả khi lên những bài truyền thông, Duc Studio cũng rất “chăm” tương tác với ban nhạc!

Anh Đức là người luôn mong muốn tạo ra một cộng đồng có chung hệ giá trị, cùng hỗ trợ nhau để từng cá nhân đều thực hiện tốt việc của mình. Đó là nguồn năng lượng mà The Flob được truyền cảm hứng nhiều nhất từ anh Đức. Trong thời gian sản xuất, anh Đức vẫn là người thường xuyên liên lạc và động viên tụi em và bằng một cách thần kì nào đó, chính những lời khuyên nhủ của anh Đức đã giúp cả đội ngũ quyết tâm sản xuất MV đến cùng. Đơn giản là vì tụi mình không thể phụ lòng những người luôn kề vai sát cánh cùng The Flob qua mọi hoàn cảnh. The Flob cảm ơn anh Đức không hết, đã vậy anh còn cảm ơn ngược lại cả nhóm vì đã tìm đến Duc Studio để cùng tạo nên giá trị mới.

Trong thời gian sắp tới, ban nhạc sẽ có sự “trưởng thành” với “điểm ngọt” ấy như thế nào?

Lộc: Mặc dù EP Sống Sai không thành công về mặt thương mại, nó lại cho mọi người từ khoá đầu tiên về âm nhạc của nhóm – nhạc chữa lành, dòng nhạc có thể xoa dịu tâm lý của người nghe khi họ gặp những vấn đề trong cuộc sống. Cá nhân Lộc khá thích cụm từ đó, nhưng sau này mình nghĩ lại, Tại sao cứ phải nhận sát thương để rồi chữa lành, mình sẽ không phải nhận nếu đủ gai góc và bản lĩnh hơn.

Thời gian chữa lành đã qua; đã đến lúc những tác động bên ngoài nhận ra chúng không còn đáng sợ nữa. Các bạn chữa lành, vỗ về đủ rồi, mình phải đứng lên và cho họ biết chúng ta xứng đáng với những gì.

EP Sống Sai có thể là một phép thử mạo hiểm nhưng nó giúp The Flob biết được suy nghĩ của người khác khi nghe nhạc, cho các thành viên cơ hội nhận thức được những giá trị khi chơi nhạc chung với nhau, những sự thoả hiệp, sự dũng cảm quyết định thay đổi chính mình ở những phút chót. Sau khi hoàn thành xong EP và xem phản ứng của khán giả, ban nhạc có cơ hội chắt lọc những gì tốt nhất để tạo ra “điểm ngọt” ở giữa, để thành phẩm sau cùng vừa là thứ bọn mình muốn làm vừa là nhạc Bà Con Trong Xóm muốn nghe. Cuối Ngày có thể được xem là khởi đầu cho hình ảnh “điểm ngọt” mà ban nhạc đang tìm kiếm. Thêm vào tinh chỉnh về âm thanh,  tất cả sẽ là một mạch cảm xúc được thể hiện qua từng giây, mọi chi tiết đều được tính toán mà không phải một bài hát ngẫu hứng mọi người thấy vui tai.

Ở bất kỳ độ tuổi hay tầng lớp nào, chúng ta đều gặp những điều bất công, sự đè nén. Ở giai đoạn mới này, The Flob đã tìm được “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tất cả các sản phẩm của mình – sự phản kháng. Thời gian chữa lành đã qua; đã đến lúc những tác động bên ngoài nhận ra chúng không còn đáng sợ nữa. Các bạn chữa lành, vỗ về đủ rồi, mình phải đứng lên và cho họ biết chúng ta xứng đáng với những gì.

Vậy còn bài hát mới thì sao? The Flob có thể tiết lộ qua một câu hát?

Lộc: Ok! Có bốn câu trong bài hát mới mà Lộc rất thích đó là:

Nhất bái thiên địa

Nhị bái cao đường

Chồng con là đế vương

Thì muôn đời sung sướng!

Xin cảm ơn The Flob vì buổi trò chuyện nhiều tâm sự và tâm huyết, của một ban nhạc không ngừng vượt qua bản thân để trở thành một tập thể chuyên nghiệp hơn!

 

Related Article