MF Opinion – Vì sao giám đốc sáng tạo của các thương hiệu xa xỉ đều là đàn ông da trắng?

  • by Gia Hân
  • February 21, 2025

Việc thay đổi giám đốc sáng tạo trong ngành thời trang diễn ra quá nhanh đang khiến cả thế giới chóng mặt, mọi vị trí đều không đủ ổn định và có thể được thay đổi chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt, nhiều giám đốc sáng tạo là đàn ông da trắng được bổ nhiệm khiến giới mộ điệu bắt đầu lo ngại về tính đa dạng trong thời trang.

Đa số giám đốc sáng tạo đều là đàn ông da trắng

Giới thời trang đã dấy lên nhiều thắc mắc cho việc đội ngũ giám đốc sáng tạo của các thương hiệu xa xỉ, đặc biệt là sau loạt bổ nhiệm gần đây đều thuộc về đàn ông da trắng. Liệu ngành thời trang có đang đi “thụt lùi” dần với những quy tắc quá cứng nhắc, bảo thủ về việc chọn vị trí quan trọng này?

Trước đây, Seán McGirr đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Alexander McQueen, thay thế cho Sarah Burton. Trong khi trước đó, nhiều ứng viên và cái tên tiềm năng đã được dự đoán sẽ thay thế Sarah Burton tại McQueen, trong đó có nhà thiết kế gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dilara Fındıkoğlu. Thông tin này ngay lập tức làm xuất hiện không ít tranh cãi, không phải vì nhà thiết kế Seán McGirr còn ít tên tuổi, mà bởi vì với sự bổ nhiệm này, tất cả giám đốc sáng tạo của tập đoàn xa xỉ Kering hiện tại đều là đàn ông da trắng.

Một bức ảnh ghép gồm chân dung của 6 giám đốc sáng tạo đều là đàn ông da trắng đã được lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Kèm theo đó là những phân tích về tỷ lệ nữ giới và POC (People of Color – người da màu) giữ vai trò giám đốc sáng tạo tại các tập đoàn thời trang khác.

Bức tranh toàn cảnh bên ngoài Kering cũng không mấy sáng sủa hơn. Trong số 30 thương hiệu xa xỉ hàng đầu, hiện chỉ có 8 trên tổng số 33 vị trí giám đốc sáng tạo thuộc về nữ giới, bao gồm Maria Grazia Chiuri (Dior), Stella McCartney, Virginie Viard (cựu Giám đốc sáng tạo Chanel), Miuccia Prada (Prada và Miu Miu), Nadège Vanhee-Cybulski (Hermès), Donatella Versace (Versace) và Sandra Choi (Jimmy Choo). Và chỉ có hai người đàn ông da màu giữ vai trò này là Pharrell Williams tại Louis Vuitton và Maximilian Davis tại FERRAGAMO. Đáng chú ý, Sandra Choi là phụ nữ da màu duy nhất đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo trong số 30 thương hiệu xa xỉ.

Điều đáng nói, sự thiếu cân bằng này không phải từ việc thiếu nhân lực tài năng từ nữ giới. Bằng chứng rõ rệt nhất là triển lãm “Women Dressing Women” của Bảo tàng Met được khai mạc vào tháng 12 sắp tới sẽ tôn vinh hơn 70 nhà thiết kế nữ từ Jeanne Lanvin, Elsa Schiaparelli đến Iris van Herpen, Rei Kawakubo và Simone Rocha.

Tính đa dạng trong thời trang chịu ảnh hưởng sau những lần bổ nhiệm

Mọi vấn đề đều đến từ hệ thống quyền lực thực tại. Những người nắm giữ các vị trí lãnh đạo hiếm khi quan tâm đến phụ nữ và gần như hoàn toàn phớt lờ POCs. Đặc biệt, với những người vừa là phụ nữ vừa thuộc nhóm POC, cơ hội gần như không tồn tại.

Rose, Wales Bonner và Fındıkoğlu chưa bao giờ lên tiếng xác nhận liệu họ có thực sự được tiếp cận để đảm nhận vị trí tại các thương hiệu lớn hay không. Annan-Lewin cho rằng việc thiếu đa dạng trong các tập đoàn xa xỉ là một vòng luẩn quẩn. Gần đây, các vị trí giám đốc sáng tạo thường được bổ nhiệm từ nội bộ phòng thiết kế của thương hiệu, thay vì tìm kiếm những tài năng trẻ đầy triển vọng, và tất cả những trường hợp này, đáng chú ý đều là nam giới. Việc thăng chức từ bên trong làm giảm đáng kể khả năng mang lại sự đa dạng hay góc nhìn mới mẻ. Bên cạnh đó, lịch sử thay đổi nhân sự liên tục ở các nhà mốt cũng có thể khiến các nhà thiết kế nữ và POC trẻ tuổi dè chừng trước khi cân nhắc đảm nhận vị trí này.

Mặc dù việc bổ nhiệm Seán McGirr đã gây ra làn sóng phẫn nộ, nhưng các chuyên gia nhận định rằng chừng đó vẫn chưa đủ để tạo ra sự thay đổi đáng kể. Điều duy nhất quan trọng với các công ty thời trang là doanh số và có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực.

Khi ngành thời trang được dẫn dắt bởi nam giới, thì dù họ thuộc xu hướng tính dục nào, cái nhìn của họ vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ male gaze (góc nhìn nam giới) một cách vô thức. Có thể lấy ví dụ, nếu gót giày càng cao, váy càng ngắn và sàn diễn ngập tràn những người mẫu da trắng, mảnh mai, chúng ta luôn lặp lại hình tượng một người phụ nữ với những quy chuẩn cứng nhắc. Nếu vậy, những người phụ nữ da màu với thân hình đầy đặn hơn hoặc trông không xinh đẹp theo những tiêu chuẩn xã hội được đề ra, sẽ không có cơ hội sải bước trên sàn diễn. Thời trang đúng nghĩa là thời trang dành cho tất cả mọi kiểu người, giới tính, màu da và chủng tộc mà không có bất kỳ tính phân biệt nào.

Trong Tuần lễ Thời trang Paris, show diễn cuối cùng của Sarah Burton tại McQueen là một trong số ít chương trình có sự góp mặt của người mẫu plus-size và mid-size. Theo báo cáo từ tư liệu, 3 show diễn có đại diện phong phú về hình thể đều đến từ những nhà thiết kế nữ trẻ như Karoline Vitto, Sinead O’Dwyer và Ester Manas…

Ngoài ra, đây là kết quả của hệ tư duy đã ăn sâu vào hệ thống quyền lực theo kiểu trao quyền. Khi muốn duy trì quyền lực, người ta sẽ có xu hướng trao cho những người giống mình, và cứ thế, một chuỗi đàn ông da trắng được trao quyền lực cho nhau thay vì có cơ hội cho những màu da, giới tính khác.

Đồng thời, có một nỗi sợ hãi vô hình bao trùm ngành công nghiệp thời trang, mọi người lo ngại rằng nếu phụ nữ hoặc người da màu có nhiều quyền lực hơn, thì đàn ông da trắng sẽ mất đi sự kiểm soát vốn có. Và cách duy nhất để thay đổi hệ thống thời trang là trực tiếp ủng hộ những nhà thiết kế mà chúng ta mong muốn họ nắm giữ vị trí ấy, thay vì chờ đợi họ được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo, việc ủng hộ thương hiệu cá nhân và những thiết kế của riêng họ sẽ tiếp thêm động lực cho các nhà thiết kế cố gắng và có chỗ đứng nhất định hơn trong làng thời trang.

Ảnh: Tổng hợp

library