MF Opinion: Vì sao Daniel Lee chỉ phù hợp với những thương hiệu tối giản?

  • by Thai Khang Pham
  • February 12, 2025

Vẫn tưởng Burberry sẽ là nơi chốn phù hợp với Daniel Lee khi một người con nước Anh quay trở về hợp tác cùng thương hiệu Anh Quốc, nhưng những áp lực về doanh số và sự không phù hợp trong tư duy thiết kế chính là yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định chia tay sau nhiều năm đồng hành. 

Daniel Lee, nhà thiết kế người Anh nổi tiếng với việc hồi sinh Bottega Veneta bằng thẩm mỹ mang phong cách tối giản trứ danh, từng được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo tiếp theo của Burberry, thay thế Ricardo Tisci. Daniel Lee đã giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên cho nhà mốt anh Quốc tại Tuần lễ thời trang London vào tháng 2/2023. Tuy nhiên, chỉ 2 năm đồng hành cùng nhau, Daniel Lee cũng quyết định chia tay thương hiệu, trước sự tiếc nuối của giới mộ điệu. Bởi, theo nhiều nhận định của các chuyên gia không ai hiểu thương hiệu Anh quốc hơn một người con được sinh ra ở nước Anh.

Daniel Lee vẫn là Burberry? 

4 tháng sau thông tin trở thành Giám đốc sáng tạo của Burberry, Daniel Lee đã chính thức giới thiệu bộ sưu tập mới trên sàn diễn Thu Đông 2023 tại London, Anh. Kể từ sau sự ra đi của anh tại nhà mốt Bottega Veneta, giới mộ điệu luôn chờ đợi bước đi tiếp theo của anh, nhưng đâu đó vẫn kèm nỗi lo sợ việc anh có vượt qua cái bóng quá lớn của chính mình để thay đổi tư duy của nhà mốt đã tồn tại gần 170 năm. Lee là vậy, anh luôn là một ẩn số thú vị trong ngành thời trang, tất cả điều anh làm đều bí ẩn như chính lối sống của anh. Anh không phô trương bản thân quá nhiều, không đưa ra những lời nói suông, Lee chỉ dùng hành động để chứng minh tài năng của mình.

Sinh ra và lớn lên ở Anh, chắc chắn không ai hiểu tinh hoa và niềm tự hào của nước Anh như Daniel Lee. Anh biết rõ phải làm những gì để tạo nên một nét đặc trưng không thể trộn lẫn của thương hiệu Anh với lịch sử hàng trăm năm. Để mở đầu cho chương tiếp theo của Burberry, nhà thiết kế đã chọn những địa điểm đặc trưng của Anh Quốc để giới thiệu đến mọi người bằng bộ ảnh chiến dịch thời trang sử dụng các thiết kế của người tiền nhiệm Riccardo Tisci lồng ghép vào bối cảnh. Tuy nhiên, điều mà Lee muốn hé lộ trong bộ sưu tập đầu tiên lại chính là những bức ảnh chụp về thiên nga, một đóa hồng trắng hay đỏ trên móng tay của người mẫu, bất chợt một chú cáo xuất hiện trong khung hình.

Những chi tiết này chính là tinh thần cốt lõi, đậm dấu ấn Anh Quốc mà nhà thiết kế muốn gửi gắm vào bộ sưu tập. Còn gì thể hiện được tinh hoa của nước Anh, hồi sinh một thương hiệu lâu năm của Anh Quốc bằng gam màu đặc trưng trên trang phục. Daniel Lee là một người có đầy sự am hiểu và khả năng phân tích các bảng màu, nên việc lựa chọn một gam màu để truyền tải thông điệp cho thương hiệu đều nằm trong sự tính toán của nhà thiết kế.

Thiết kế của Daniel Lee tại thương hiệu Burberry

Gam màu chủ đạo được Daniel Lee lựa chọn mang một dấu ấn đậm chất Anh Quốc, sắc thái này mở màn cho show diễn dẫn dắt toàn bộ câu chuyện tiếp theo trong chương thời trang mới của nhà Burberry. Gam màu này được nhà thiết sử dụng và biến tấu trên lớp lông mềm mại đính ở phần cổ áo khoác trench trứ danh, gợi nhắc người xem về hình ảnh một loài vịt tượng trưng cho nước Anh – loài vịt có phần cổ màu xanh. Màu sắc xanh cổ vịt mang bản sắc của Anh Quốc được chọn trở thành sắc thái chủ đạo cho bộ sưu tập, giống như cách Daniel Lee nói lên niềm tự hào của bản thân khi là người con của nước Anh. Màu sắc này không chỉ tượng trưng cho cách anh thể hiện tình yêu với đất nước, mà còn sử dụng hình ảnh những chú vịt cổ xanh sắp đặt đều nhau in trên trang phục từ áo sơ mi, quần tây ống suông cho đến thiết kế đầm lụa sang trọng của phái nữ. Màu xanh chủ đạo của Burberry không chỉ nói về loài động vật đặc trưng của nước Anh, mà còn là cách để anh khẳng định sự độc lập của Anh Quốc khi rời khỏi liên minh châu Âu với tấm hộ chiếu dùng gam màu này để đánh dấu sự thay đổi. Khẳng định một thương hiệu lâu đời của nước Anh phải khác với những nhãn hàng tại Milan, Paris hay New York. Burberry phải là niềm tự hào của Anh Quốc, bất cứ ai khi nhắc về đất nước này đều phải nhớ đến một thương hiệu có nét đặc trưng gắn liền với bản sắc dân tộc.

Daniel Lee đã mang đến sự thành công cho nhà Bottega bằng màu xanh lá cây, thì anh cũng từng nghĩ xanh cổ vịt giúp tạo nên cơn sốt trong năm 2023 đến từ thương hiệu Burberry. Bởi trong tư duy sáng tạo của Lee luôn tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ giá trị cốt lõi để từ đó điều chỉnh và tạo ra 1 gam màu mang dấu ấn bản sắc đặc trưng cho một nhãn hàng. Tuy nhiên, sau rất nhiều mùa mốt lăng xê gam màu xanh này trong các bộ sưu tập thì anh vẫn chưa thể tạo dấu ấn về màu sắc như cách từng làm tại Bottega Veneta. Thay vào đó, sắc đỏ ANCORA của Sabato de Sarno tại nàh GUCCI lại chính là thứ mà giới mộ điệu trên toàn tế giới “khao khát”.

Trong bộ sưu tập đầu tiên, Daniel cũng khéo léo thể hiện vẻ đẹp của đóa hồng nước Anh khi tạo nên những bản in với kiểu cách khác nhau từ đóa hồng kích thước to bản ở thân áo đến sự trải dài trên toàn bộ trang phục hòa trộn nhiều loại chất liệu. Để không mang đến sự nhàm chán, Lee và đội ngũ sáng tạo đã dùng tư duy mới lạ biến tấu các nút thắt bằng kỹ thuật xoắn vải để tạo nên những đóa hồng đính trên quần áo hay chiếc khăn bỏ túi áo suit jacket của các quý ông. “Không phải tất cả hoa hồng đều có màu đỏ” – một dòng khẩu hiệu in trên sản phẩm áo thun cũng thể hiện rõ thông điệp trong bộ sưu tập. Không sai, khi người xem nhìn thấy rất ít những đóa hồng đỏ, vì màu tím, màu vàng, màu merlot và màu cam cũng là những mảng màu mà nhà thiết kế đã khéo léo đặt để xuyên suốt bộ sưu tập.

Ở nước Anh, khi nhắc đến thời tiết mọi người ai cũng sẽ nghĩ đến những cơn mưa và sự ẩm ướt do sương mù, chính vì là người con được sinh ra ở đây nên Daniel Lee hiểu rất rõ về khí hậu mỗi mùa. Không gì hợp lý hơn là sáng tạo nên những món phụ kiện đáp ứng được nhu cầu của người dân nước Anh với chiếc ủng mang đi mưa trong ngày ẩm ướt và chiếc túi xách được lấy cảm hứng từ túi chườm nóng. Không sai khi nói Lee là người hiểu nước Anh hơn ai hết, anh đã thể hiện khả năng của mình bằng cách đưa vào thiết kế quần áo kỹ thuật đính những lớp vải lông dày dặn lên cổ áo, tay áo, cầu vai và vạt áo giúp giữ ấm cơ thể người mặc, thậm chí là mũ lông thú hay phụ kiện đuôi cáo cũng phối kết một cách tinh tế, như cách anh đưa hình ảnh chú cáo xuất hiện đơn lẻ trong chiến dịch thời trang Xuân Hè 2023. Nghệ thuật trào phúng cũng xuất hiện dưới dạng kiểu váy được đội ngũ sáng tạo làm thủ công từ những chiếc lông vũ nhỏ, nhiều màu. Sự tương phản hoàn hảo trong tư duy sáng tạo, truyền tải được thế mạnh của Daniel Lee thông qua chất liệu và phom dáng. Điển hình như lông thú kết hợp với vải canvas chống thấm, áo khoác bông viền da hay lông vũ trang trí trên các trang phục dệt kim.

Trong lần chào sân đầu tiên, Daniel Lee đã thiết kế lại logo của thương hiệu, tái sử dụng hình ảnh hiệp sĩ cưỡi ngựa Prosum trứ danh cùng việc chuyển đổi phông chữ Serif với gam màu xanh hoàng gia cho tên Burberry. Để khẳng định mạnh mẽ về sự thay đổi thương hiệu, nhà thiết kế đã đưa hình ảnh kỵ sĩ cưỡi ngựa vào những bản in lớn trên trang phục, gam màu xanh hoàng gia ẩn hiện trên khắp các thiết kế từ quần, áo cho đến phụ kiện túi xách, mũ lông hay lồng ghép sắc thái này vào họa tiết kẻ tartan của thương hiệu. Dụng ý của nhà thiết kế giúp người xem hiểu rõ hơn dấu ấn về mẫu logo mới, như việc tạo nên chiếc móc khóa bạc điêu khắc thành phần đầu ngựa dựa trên hình ảnh hiệp sĩ cưỡi ngựa Prosum. Tất cả điều này đã chứng minh Tân giám đốc sáng tạo của Burberry không chỉ biết cách tái tạo mà còn tôn vinh di sản một nhà mốt có lịch sử lâu đời của Anh.

Vẫn tưởng, tất cả sáng tạo của Daniel Lee trong bộ sưu tập đầu tiên hay các bộ sưu tập sau đó của anh tại Burberry từng được giới chuyên môn dự đoán sẽ trở thành một “cơn sốt” như cách anh làm với chiếc túi đan da Intrecciato, nhưng tất cả vẫn là con số “0”, thậm chí tên tuổi của Burberry cũng không nằm trong top những thương hiệu đáng khao khát nhất thế giới trong năm 2023 và 2024. Top 1 và top 2 lại thuộc về Miu Miu hay DIESEL và cá sản phẩm của họ lại trở thành một “làn sóng” mới trong ngành thời trang đương đại thay vì những gì mà Burberry mong muốn khi hợp tác cùng Daniel Lee.

Vào tháng 11/2024, Burberry cũng đã triển khai chương trình cắt giảm chi phí với trị giá 40 triệu bảng Anh để vực dậy công ty, thế nhưng vấn đề thua lỗ vẫn cứ thế tiếp diễn. Đây cũng là một trong những lý do chính ảnh hưởng đến quyết định của Daniel Lee về việc rời Burberry để đầu quân cho Jil Sander – thương hiệu thời trang Đức lấy tinh thần tối giản làm chủ đạo.

Ngoài ra, sự xuất hiện của CEO Burberry mới Josh Shulman cũng là một trong những nguyên nhân Daniel Lee rời đi. Từ lúc Josh Shulman nắm quyền, các thiết kế của Burberry bắt dầu ưu tiên tính truyền thống với màu sắc trung tính, nhã nhặn để giữ vững giá trị di sản của thương hiệu trăm năm. Các mẫu áo trench coat, khăn quàng kẻ sọc được sản xuất để cải thiện tình hình kinh doanh, thích ứng với thị yếu khách hàng và cũng chính điều này khiến Daniel Lee không có quá nhiều đất sáng tạo tại thương hiệu.

Mặc dù cố gắng làm mới diện mạo của Burberry bằng việc thay đổi logo, ra mắt bảng màu nhận diện với sắc xanh Equestrian Knight và những món đồ thời thượng ở mức giá cao, nhưng mọi cố gắng của Daniel Lee lại không hề khả quan, tệp khách hàng chủ chốt của Burberry vẫn không nồng nhiệt ủng hộ các sản phẩm. Có thể nói, sự nỗ lực thay đổi của Daniel Lee vẫn không thể hòa hợp với phong cách của Burberry, anh thuộc về Jil Sander, Bottega Veneta – nơi chủ nghĩa tối giản lên ngôi và có nhiều cơ hội để anh phát huy hết mức khả năng sáng tạo của mình.

Vì sao Tối giản mới chính là “linh hồn” của Daniel Lee?

Daniel Lee từng cộng tác tại các thương hiệu Balenciaga dưới sự chỉ đạo của Nicolas Ghesquière, làm việc một thời gian cho Donna Karan ở New York. Năm 2012, nhà thiết kế đến làm việc cho Céline ở Paris, Pháp. Ở Céline, Daniel Lee lại được xem là cánh tay phải, trợ thủ đắc lực của nhà thiết kế tối giản Phoebe Philo. Còn với Bottega Veneta, Daniel Lee đã mang đến thương hiệu một tinh thần thời trang đậm nét tối giản đương đại với những đường may phô diễn kỹ thuật lành nghề, trang phục có phần sắc nét, cứng cáp trên từng đường kim mũi chỉ.

Nhưng vào năm 2018, mới chính là một trong những cú đột phá trong sự nghiệp của anh, đưa tên tuổi Daniel Lee đến gần hơn với giới mộ điệu toàn cầu khi anh được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc sáng tạo Bottega Veneta. Anh đã mất 18 tháng tại Bottega Veneta để tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử và dấu ấn của thương hiệu bằng góc nhìn của một người mới, một nhà thiết kế yêu thích sự tối giản trong thiết kế. Anh không vội vã chứng minh cá tính của mình, không khua chiêng gõ trống để khiến giới mộ điệu chú ý mà thay vào đó dành tuần đầu tiên trong cuộc hành trình mới để dạo một vòng khắp các cửa hàng, nhìn ngắm và cảm nhận dòng chảy DNA của thương hiệu.

Quả thực, Daniel Lee không phải dạng vừa, không phải đơn giản khi anh được Phoebe chọn trở thành cánh tay phải đắt lực của mình. Anh hiểu rõ sự tối giản trong thời trang là gì và thuộc nằm lòng những thứ người thầy từng chỉ dạy, để từ đây bước sang trang mới, tiếp nối con đường mà Old Céline từng làm như một vòng luân hồi với cái tên thân thương mà các Philophiles dành tặng “New Bottega”.

Có lẽ không ngoa khi nói rằng Lee thực sự đã làm bùng nổ, làm những người luôn có định kiến và sự nghi ngờ khả năng của anh, phải gật gù và nhận xét: “Chỉ Daniel Lee mới có thể tạo nên cú lội ngược dòng cho Bottega, chỉ anh ấy và chỉ có thể là anh ấy”. Những cái nhìn ngưỡng mộ, lời tán dương không ngớt khi hình ảnh Lee xuất hiện ở cuối đường băng.

Mềm mại và gợi cảm được thể hiện ở những cấu trúc độc đáo trên từng thiết kế. Đường viền cổ áo, váy da và quần da với những nếp xếp như dân biker bỏ phần ống vào boots cao cổ đã tạo nên một cơn sốt. Chân váy, áo khoác với họa tiết ô vuông đều nhau như được phóng to từ chiếc Knot kinh điển của Bottega. Những đường may phô diễn sự chắc chắn với hàng dệt kim đầy sự tính toán cẩn thận. Đường cắt dứt khoát tạo nên vẻ mạnh mẽ cho người phụ nữ khi khoác lên người những chiếc đầm da cổ ngang. Lee cũng chú tâm đến tiểu tiết nhỏ nhặt nhất, chiếc nút áo phải đặt đúng bao nhiêu cm, không được thừa cũng không được thiếu. Những chiếc áo len, đầm len khuyết ở eo hay áo khoác lược bỏ cổ áo với phom dáng dựng theo khối hình học đều đến từ sự trải nghiệm của Lee thời còn làm ở Old Céline.

Lee chú trọng phương pháp thắt nút, dệt và đan xen từng lớp da. Kỹ thuật này được tiếp tục khám phá trên những chiếc quần da của đàn ông và phụ nữ. Không gì tuyệt vời hơn chính là để họ ăn mặc thật hiện đại, nhưng vẫn phải tối giản như đúng tính cách của từng người. Mọi người nói Lee bị ảnh hưởng nhiều bởi Old Céline, bởi chính người thầy của mình, nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ những thứ Lee làm trong các bộ sưu tập của Bottega sẽ thấy rằng anh nhận định sự tối giản có phần sắc nét, cứng cáp trên từng đường kim mũi chỉ. Phom dáng trang phục sẽ khiến phụ nữ trở nên mạnh mẽ, như được bao phủ bởi một lớp màng bảo vệ từ chính những thiết kế của Lee. Với những gì anh mang đến cho Bottega và Céline, thì chúng ta sẽ cảm nhận rõ nét tối giản không phải là đam mê mà chính là “linh hồn” của Daniel Lee. Để từ đó tại lễ trao giải British Fashion Awards, anh đã mang về 4 giải thưởng danh giá: Nhà thiết kế trang phục nữ người Anh của năm, Nhà thiết kế phụ kiện của năm, Nhà thiết kế của năm và thương hiệu của năm dành cho Bottega Veneta. Và mọi thứ Lee làm trong khoảng thời gian đó chính là “Sự tối giản mới trong thời trang”.

Khi anh bước vào Burberry, tôi đã bắt đầu nhìn thấy sự loay hoay của chính anh khi bản thân phải cân bằng giữa “linh hồn” tối giản và tinnh thần thời trang đối lập. Anh cố gắng mang hình bóng của những thiết kế màu sắc tối giản như jumpsuit, áo khoác cổ trụ to bản với đường cắt thẳng, sắt nét, nhưng được đan chồng chéo với những món đồ tối đa cùng họa tiết kẻ tartan, hoa hồng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự hỗn loạn trong chính tư duy sáng tạo của anh, bởi từ trước đến giờ những sản phẩm tối giản chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu của tệp khách hàng trung thành của Burberry và muốn các khách hàng yêu tối giản phải để tâm đến thương hiệu là điều không thể, khi ngoài kia The Row, Jil Sander hay Bottega Venta dưới thời Matthieu Blazy đang làm tốt nhiệm vụ của một thương hiệu thời trang tối giản.

Và, kết quả cuối cùng chỉ có một, buộc Daniel Lee phải dừng chân tại Burberry và đến với một thương hiệu thật sự giúp anh phát huy được “linh hồn” của mình trong thiết kế. Không một hãng nào khác phù hợp với anh hơn Jil Sander. Hứa hẹn rằng, Jil Sander sẽ là mảnh đất rất màu mỡ để Daniel Lee khai thác hết mức năng lượng sáng tạo của mình, đưa nhà mốt nước Ý phát triển vượt bậc như những gì anh từng làm được với Bottega Veneta.

Ảnh: Tổng hợp

library