[MF Opinion]: Tại sao đàn ông không thể mặc màu hồng?

  • by Thai Khang Pham
  • August 31, 2023

Màu hồng không dành riêng cho phụ nữ, màu hồng cũng là sắc thái đặc quyền của người đàn ông hiện đại.

Khoảng vài năm về trước, khi nhìn thấy đàn ông nào mặc màu hồng đều bị người đối diện gán ghép suy nghĩ “đa phần họ không thích phụ nữ”. Thậm chí, một chàng trai nào đó vô tình mặc màu hồng, ngay lập tức phản xạ của đối phương cho rằng hành động này phản ánh sự thiếu nam tính hay người đó có vấn đề về giới tính. Tuy nhiên, phần nào những quan niệm này hoàn toàn sai, làm mất đi giá trị của câu nói “Đàn ông chuẩn mực mặc đồ màu hồng?”.

Câu chuyện đàn ông mặc màu hồng xuất phát từ đâu?

Hồng vốn là màu sắc gắn liền với sự mềm mại nữ giới. Từ chiếc nôi cho bé gái sơ sinh đến thắt nơ hồng trên mái tóc của các cô gái hay đoá hoa dành cho những bà mẹ, màu hồng luôn được gửi gắm theo lời nguyện cầu bình an và hạnh phúc.

Nếu như thế, tại sao lại có câu “Đàn ông đích thực mới dám mặc màu hồng?”. Nghe rất đơn giản, nhưng câu nói lại chứa đựng cả bề dày lịch sử thời trang và cốt cách của đàn ông đích thực. Cuộc triển lãm “Think Pink” do Bảo tàng Mỹ thuật tại Boston tổ chức từng dẫn đến kết luận rằng ở những thế kỷ trước, nam giới chuộng mặc màu hồng để thể hiện chất đàn ông trong mình.

Tuy nhiên, qua hai cuộc đại chiến thế giới, tư duy thẩm mỹ này dần thay đổi. Màu xanh tao nhã dịu dàng của nữ giới dần trở thành biểu tượng nam tính, trong khi sắc hồng lại biến thành “tài sản” của phái đẹp. Từ tâm lý đó, ngày nay đàn ông mặc màu hồng thường nhận phải không ít ánh nhìn ái ngại từ phía người đối diện.

Định kiến “màu hồng chỉ dành cho con gái” khiến hầu hết nam giới diện trang phục sắc thái này đều bị quy chụp là có vấn đề về giới tính. Từ đó, số đàn ông dám mặc màu hồng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, trong quá khứ màu hồng luôn được xem là sắc thái dành cho nam giới. Valerie Steele, giám đốc bảo tàng của Học viện Công nghệ Thời trang tại New York, cho biết ở thế kỷ 18, các cô bé và cậu bé thuộc tầng lớp thượng lưu đều mặc nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm cả hồng và xanh da trời.

Thậm chí, màu hồng còn được coi là màu sắc cho sự “nam tính”. Leatrice Eiseman, chuyên gia về màu sắc và Giám đốc điều hành của học viện cho biết trong những quyển sách cũ, hồng là màu dành cho các bé trai. “Nó có liên quan đến màu gốc là màu đỏ, tượng trưng cho sự mạnh mẽ, năng động và quyết liệt hơn. Dù màu hồng nhạt hơn nhưng nó vẫn được coi là màu dành cho phái mạnh”, bà nói thêm.

Vào những năm 1700, các quý tộc ở châu Âu đều chọn trang phục màu hồng nhạt hoặc hồng phấn như biểu tượng của đẳng cấp và sự sang trọng. Đến đầu thế kỷ 19, cách mạng công nghiệp và hoạt động sản xuất hàng loạt dẫn đến sự phát triển của các loại thuốc nhuộm có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ. Màu hồng của giới quý tộc dần xâm nhập vào đời sống của tầng lớp lao động, nhưng chưa bao giờ gắn liền với câu chuyện giới tính. Ở thời điểm đó, một người đàn ông mặc bộ suit lụa màu hồng với họa tiết thêu hoa vẫn hoàn toàn được xã hội đánh giá nam tính. Vào năm 1897, The New York Times còn đăng một bài báo có tựa đề Tủ quần áo đầu tiên của bé, khuyên các bậc cha mẹ rằng “màu hồng là màu cho bé trai và xanh dương là màu cho bé gái”.

Vào đầu thế kỷ 20, màu hồng đã có một hướng đi mới. Trong thời đại công nghiệp, nam giới chủ yếu chuyển sang mặc đồ đen hoặc các màu tối, để lại các lựa chọn sáng màu hoặc pastel cho nữ giới. Đó là khoảng thời gian mà nữ quyền của màu hồng thực sự bắt đầu. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, phụ nữ làm việc trong các nhà máy thường mặc đồ màu xám hoặc denim. Nhưng sau chiến tranh, phụ nữ đón nhận trang phục màu sắc và màu hồng là lựa chọn hàng đầu, đại diện cho sự tinh tế và mềm mại.

Thậm chí, ở thời điểm bấy giờ, các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ bắt đầu tung ra hàng loạt chiến lược marketing nhấn mạnh rằng hồng là màu hoàn hảo dành cho phái đẹp trong khi xanh da trời đột nhiên trở thành màu nam tính. Theo thời gian, sự phân biệt này ngày càng rõ rệt. Đến những năm 1950, màu hồng được coi là màu nữ tính ở các nước phương Tây. Từ đó trở đi, câu chuyện về giới tính gắn liền với màu hồng một cách chặt chẽ hơn và còn dành riêng cho một giới tính cụ thể.

Màu hồng dành cho đàn ông

Màu hồng ẩn chứa nhiều khía cạnh khác nhau và biến thiên theo các yếu tố xã hội, chính trị, văn hóa. Nam giới cũng đang quay lại với màu hồng như họ từng cho rằng đó là màu sắc của chính mình vào thế kỷ 18. Hồng mang đầy sự sôi nổi không kém sắc đỏ, phi giới tính và mạnh mẽ. “Khi tâm trạng buồn chán, hãy mặc màu hồng”, một gam màu giúp điểm tô thêm chút dịu dàng cho khiến cuộc sống của bạn, hoặc kiên cường hơn. Màu hồng luôn tươi trẻ, không già cũ với sự ấm áp, tràn đầy nguồn sống được phản chiếu qua sắc thái. Việc nhìn cuộc sống bằng màu hồng, mọi thứ dường như trở nên dịu dàng, ngọt ngào và tích cực hơn, giúp tinh thần được thư giãn.

Chính điều này, nhiều nhà thiết kế cũng dành riêng gam màu hồng cho các thiết kế trên sàn diễn của mình, đặc biệt biến sắc thái này trở thành dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu, điển hình như sắc hồng fuchsia của Valentino dành riêng cho trang phục của nam và nữ giới.

Thậm chí, ở thời đại bây giờ, ngày càng có nhiều nam giới mặc màu hồng và họ không bận tâm đến việc bị người khác đánh giá. Các nhà nghiên cứu tại một công ty chuyên về phối màu nói rằng màu hồng đang được nam giới ưa chuộng nhiều hơn so với trước đây. Nhiều thương hiệu đã đem đến các sản phẩm sắc hồng dành cho nam giới đã giúp gam màu này trở nên phổ biến hơn trong ngành thời trang đương đại.

“Tôi cho rằng thế hệ trẻ không có nhiều định kiến về màu sắc như các thế hệ trước, những người lớn lên ở thời mà màu hồng gắn liền với nữ giới”, Eiseman nói. Riêng các chuyên gia về thời trang tin rằng chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm mà hồng chỉ đơn thuần là một màu sắc nhưng họ hy vọng điều này có thể thay đổi, nhất là ở thời điểm thế hệ trẻ đang là những người có tư duy tốt về thời trang.

Giám đốc phong cách của trang Mr. Porter cho biết: “Hầu hết đàn ông không mặn mà với màu hồng bởi họ sợ mình trông nữ tính. Nhưng không nên đặt giới hạn cho bản thân vì bất kỳ màu sắc nào. Nó đơn giản là cách bạn kết hợp trang phục và tự tin với những lựa chọn của mình”.

Bí quyết mặc đồ gam màu hồng dành cho nam giới cũng rất đơn giản. Để giữ vẻ ngoài mạnh mẽ, các chàng trai chỉ nên dùng một món đồ có màu hồng, còn lại là các gam trắng, xám nhạt hoặc beige để cân bằng. Với ai yêu thích sự nổi bật cùng mong muốn diện một bộ trang phục chỉ với gam màu hồng hãy lựa chọn cách biến chuyển màu sắc từ đậm sang nhạt, tạo hiệu ứng dễ chịu cho đối phương khi nhìn vào. Không chỉ trang phục màu hồng, đàn ông cũng có thể đi tất hoặc các loại phụ kiện như khăn vuông, cà vạt khi phối cùng suit để tạo điểm nhấn cho vẻ ngoài.

Màu hồng có thể sử dụng trong mùa hè và mùa đông. Nhưng, các chuyên gia cho biết vào mùa đông nam giới nên mặc trang phục hồng bên trong còn phía ngoài là những màu lạnh như navy, xám để cân bằng. Trong khi mùa hè và thu, việc lựa chọn vị trí các lớp màu có thể linh hoạt hơn.

Để mặc màu hồng, chúng ta cần chọn tông sáng tối phù hợp màu da. Việc chọn sai gam màu sẽ khiến cho làn da tối xỉn hoặc phá hoại sự cân bằng về màu sắc của tổng thể. Những người có làn da càng sáng, trang phục có màu hồng càng đậm, bắt mắt càng phù hợp và ngược lại. Trong khi những kiểu màu pastel, hồng nhạt phù hợp với người màu da tối hơn.

Ảnh: Tổng hợp

library