Home Modern Collectible MF Opinion: Met Gala 2025 – Sau ánh đèn flash là”cuộc chơi” của các thương hiệu
Sáng 6/5 (theo giờ Việt Nam), Met Gala 2025 diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York với sự xuất hiện của dàn ngôi sao nổi tiếng như Rihanna, Miley Cyrus, Sabrina Carpenter, Zendaya, đặc biệt là sự xuất hiện của Jennie Kim trong trang phục CHANEL và Lisa gợi cảm với thiết kế Louis Vuitton.
Với chủ đề năm nay là “Superfine: Tailoring Black Style” (Tạm dịch: Nghệ thuật may đo của người Da màu). Chủ đề này lấy cảm hứng từ phong cách của Black Dandy, xoay quanh phong cách ăn mặc đặc trưng của quý ông da đen trong bối cảnh chủ nghĩa dandyism, từ thế kỷ XVIII đến nay. Triển lãm được lấy cảm hứng từ quyển sách “Slaves to Fashion: Black Dandyism and the Styling of Black Diasporaic Identity” của tác giả Monica Miller. Monica Miller và Andrew Bolton từ Viện Trang phục Met cũng sẽ đảm nhận vai trò giám tuyển cho chương trình năm nay.
Giám đốc điều hành của The Met, Marina cho biết Met Gala 2025 chính là cơ hội khám phá về sự tự do, khác biệt, phù hợp với tư duy sáng tạo của các nhà thiết kế da màu đương đại. Triển lãm của Viện trang phục tại Bảo tàng Metropolitan sẽ tập trung xoay quanh sự phát triển của phong trào Black Dandyism từ thế kỷ XIX cho đến những thiết kế hiện đại của các Giám đốc sáng tạo da màu có tầm ảnh hưởng lớn như Pharrell Williams và Virgil Abloh. Vượt qua ranh giới các chuẩn mực xã hội, chủ đề Met Gala năm nay như cho những người yêu thời trang trên thế giới, nhìn lại bản sắc của người da màu, đặc biệt về lịch sử thời kỳ nô lệ và tình trạng áp bức hiện nay.
Rihanna trên thảm xanh Met Gala 2025
Met Gala 2025 không còn là sự “diễu hành” đơn thuần của những bộ trang phục xa xỉ, mà đó là “cuộc chơi” tinh tế nơi các thương hiệu tgiành vị trí trong tâm trí công chúng qua từng lần máy ảnh chớp sáng, và trong ván cờ năm nay, Louis Vuitton rõ ràng đã có những nước đi sắc sảo.
Sự hiện diện của Pharrell Williams không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là chiến thuật. Là đồng chủ trì sự kiện và giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam của Louis Vuitton, anh còn chính là người đặt thương hiệu vào trung tâm cục diện Met Gala mà không cần phải cất lời. Zendaya xuất hiện với phong thái như một Black Dandy chính hiệu với bộ suit trắng cùng mũ rộng vành, tạo nên khoảnh khắc “biểu tượng” trên thảm đỏ. Để truyền thông tập trun vào Louis Vuitton nhiều hơn nữa chắc chắn không thể thiếu màn góp mặt của Lisa (BLACKPINK), thu hút truyền thông khắp nơi trên thế giới. Cô gợi cảm với màn xuất hiện đầu tiên tại sự kiện thời trang danh giá Met Gala. Bộ trang phục bao gồm một chiếc blazer ren lấp lánh, kết hợp với bodysuit và quần tất có họa tiết logo đặc trưng của Louis Vuitton. Điểm nhấn của trang phục là chiếc thắt lưng xích đính ngọc trai và những chi tiết đính kết lấp lánh, tạo nên vẻ ngoài vừa quyến rũ vừa sang trọng. Đặc biệt, bộ trang phục còn được thêu hình chân dung của nghệ sĩ Henry Taylor, nghệ sĩ da màu từng hợp tác với Louis Vuitton. Đây là cách nữ ca sĩ tôn vinh chủ đề “Superfine: Tailoring Black Style” cùng những người da màu trong lịch sử thời trang.
Sabrina Carpenter, Jaden Smith và cả những gương mặt trẻ đang lên như Lila Moss cũng được Louis Vuitton “chọn mặt gửi vàng” – một chiến lược vừa đủ để chúng ta nhận thấy: Louis Vuitton không cần phủ kín thảm đỏ, họ chỉ cần xuất hiện ở những điểm mà ánh sáng mạnh nhất rọi vào.
Dàn nghệ sĩ diện trang phục Louis Vuitton tại Met Gala 2025
Nhưng cuộc chơi không phải một chiều, CHANEL với sự hợp tác cùng Jennie (BLACKPINK) trong một thiết kế váy đen trắng đậm chất điện ảnh nằm trong bộ sưu tập Thu Đông 1987 thiết kế bởi cố Giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld cũng cho thấy thương hiệu này vẫn nắm giữ phong độ ổn định như một “người dẫn chuyện” trung thành với di sản. CHANEL không ồn ào, nhưng vẫn luôn có chỗ trong lòng những người yêu sự cổ điển, vừa đủ để trở thành tâm điểm mà không cần phá cách khi xuất trên trên thảm xanh Met Gala.
2 “chị em” Prada và Miu Miu lại chọn một hướng đi khác, ít biểu tượng đại chúng hơn, nhưng gây chú ý nhờ các thiết kế thời trang mang đậm tính chiều sâu, đầy ý nghĩa gắn kết với chủ đề “Superfine: Tailoring Black Style”. Đơn cử như việc Gigi Hadid tái hiện thiết kế kinh điển của huyền thoại Josephine Bake trong chiếc váy lấp lánh của Miu Miu. Không đơn thuần là một bộ trang phục, đây là một lời tri ân, một bản giao hoà giữa thời trang và lịch sử. Trên thảm xanh được trải đầy hoa thuỷ tiên của Met Gala, nữ người mẫu như một thiếu nữ đến từ thời đại jazz, nơi Josephine Baker từng làm say đắm cả Paris bằng những bước nhảy mê hoặc.
Schiaparelli và Thom Browne là hai “thế lực” âm thầm nhưng cực kỳ nổi bật trong sự kiện Met Gala năm nay. Schiaparelli chơi với hình khối và chất liệu như thể đang điêu khắc trên cơ thể người mặc, những bộ đồ của họ gần như là các tác phẩm điêu khắc sống trên thảm xanh. Trong khi đó, Thom Browne tiếp tục chứng minh vì sao họ là nhà mốt được yêu thích nhất ở New York Fashion Week: tailored, quái dị, nhưng đầy cảm xúc với các thiết kế ấn tựợng dành cho nữ diễn viên Zoe Saldaña, Janelle Monae, Tramell Tillman hay người mẫu Anok Yai.
Marc Jacobs cũng là thương hiệu được giới mộ điệu nhắc đến khá nhiều khi sáng tạo nên những thiết kế dành cho các nghệ sĩ hàng đầu của giới giải trí như Rihanna, Doja Cat, Tracee Ellis Ross… Ở một chiều hướng khác, Off-White có lẽ là bất ngờ lớn khi bà Kamala Harris xuất hiện lần đầu tiên tại Met Gala trong một bộ suit được thiết kế riêng – một động thái khiến giới mộ điệu không khỏi bất ngờ. Điều này cho thấy rằng streetwear không còn nằm ngoài cuộc chơi thời trang cao cấp, mà đang len lỏi vào cả những không gian vốn mang tính biểu tượng như Met Gala. Mỗi thương hiệu là một chiến thuật: có thương hiệu chọn phủ sóng bằng sức mạnh ngôi sao, có thương hiệu chọn sự lặng lẽ để tỏa sáng qua chi tiết và có thương hiệu chọn mạo hiểm. Nhưng, điểm chung giữa họ chính là sự hiểu biết sâu sắc về cách kể một câu chuyện – không phải bằng lời, mà bằng vải vóc, phom dáng, và nhân vật.
Hình ảnh của Jennie và Lisa tại Met Gala 2025 lan tỏa trên khắp mạng xã hội toàn cầu
Tại Met Gala, ngôi sao không chỉ là khách mời, họ là trung tâm chiến lược truyền thông của cả sự kiện. Từ khoảnh khắc bước xuống xe cho đến từng cú xoay người trước ống kính, mọi cử chỉ đều được tính toán như thể đó là một phân cảnh điện ảnh. Và điều đáng nói là khán giả không quan tâm chiếc váy đến từ đâu, họ quan tâm ai đang mặc nó.
Rihanna không cần đến sớm, cô chỉ cần đến sau cùng. Xuất hiện gần một tiếng sau khi thảm đỏ chính thức khép lại, cô bước vào khung hình như thể đang chiếm lĩnh một “vũ trụ” đã sẵn sàng chờ cô toả sáng. Chiếc đầm được lấy cảm hứng từ bộ suit kẻ sọc của Marc Jacobs với cách dựng khối độc đáo để lộ bụng bầu không chỉ là một tuyên ngôn thời trang đó là cú đánh thẳng vào tâm lý truyền thông: chậm nhưng chắc, hiếm nhưng vang.
Sabrina Carpenter, A$AP Rocky, hay Zendaya – mỗi người đều mang một năng lượng riêng, nhưng điểm chung là họ hiểu rất rõ luật chơi. Họ không “mặc để đẹp” nữa. họ mặc để truyền thông chú ý, để thổi hồn cho câu chuyện trang phục. Họ biến một thương hiệu thành câu chuyện, một khoảnh khắc thành biểu tượng và các nhà mốt biết rõ điều đó. Một thiết kế đẹp đến mấy nếu không có gương mặt phù hợp, cũng chỉ là bản vẽ chưa hoàn thiện. Trong thời đại mạng xã hội, thước đo thành công không còn là tràng pháo tay ngoài khán phòng, mà là lượt chia sẻ, hashtag, meme và tần suất xuất hiện trên TikTok. Các ngôi sao trở thành “tâm bão” – nơi truyền thông xoay quanh, mọi ánh nhìn dõi theo Họ không còn chỉ là người mặc đồ, mà họ là gương mặt đại diện cho “cuộc chơi” chiến thuật của thương hiệu, là công cụ dẫn truyền tinh tế và sống động nhất mà thời trang từng có.
Điều này lý giải vì sao các nhà mốt ngày càng đầu tư mạnh vào stylist, Giám đốc sáng tạo và cách thức truyền thông kỹ thuật số. Mỗi bộ trang phục gửi đến Met Gala không chỉ là một thiết kế thời trang, mà là một “content package” – được tính toán từ phom dáng, màu sắc cho tới cách nó sẽ trông như thế nào khi lên sóng hậu kỳ hoặc khi bị cắt ghép làm nội dung trên mạng xã hội. Sự lan truyền giờ đây là một chỉ số mới về thành công và các thương hiệu biết điều đó. Người thắng cuộc không phải là ai chiếm nhiều diện tích thảm đỏ nhất, mà là ai ở lại lâu nhất trong tâm chí của chúng ta.
Met Gala 2025 một lần nữa chứng minh thời trang không còn là một ngành công nghiệp thẩm mỹ, mà là ngành công nghiệp nội dung. Bởi, đằng sau mỗi chiếc váy là nhiều tháng chuẩn bị, những hợp đồng hợp tác và buổi họp nội bộ giữa thương hiệu và stylist và cả các đội truyền thông. Từ lúc thiết kế đến khi hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, bộ trang phục của các ngôi sao đã trở thành một “tài sản truyền thông” mang giá trị thương hiệu gấp nhiều lần chi phí sản xuất.
Met Gala không còn là nơi để thời trang “thể hiện”, mà là nơi để thương hiệu “tuyên bố”. Tuyên bố về vị trí, về phong cách và bản sắc. Trong khi các nhà thiết kế đang tranh tài trên thảm đỏ, Vogue lặng lẽ nắm trong tay thứ vũ khí mạnh nhất: quyền được kể lại câu chuyện theo cách mà họ muốn. Sau tất cả, người tạo ra sân chơi Met Gala là người có tiếng nói sau cùng.
Khư vực trưng bày bên trong bảo tàng Met
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn