[MF Opinion] Cách thời trang làm nên đẳng cấp cho giới siêu giàu
StyleTrends

[MF Opinion] Cách thời trang làm nên đẳng cấp cho giới siêu giàu

Với giới siêu giàu, thời trang trở thành cách thức nói lên sự sang trọng toát ra bằng một sự lặng lẽ, những thứ giá trị càng cao lại càng khiêm nhường hơn. Khi thuộc về tầng lớp thượng lưu đúng nghĩa, họ sẽ chẳng cần phải khoa trương sự đẳng cấp bằng những bộ đồ thời trang mang vẻ “ồn ào”.

Trong bài viết trước, Men’s Folio Vietnam từng đề cập đến câu chuyện giới siêu giàu thường không thích diện trang phục mang tính phô trương bản thân. Họ luôn thể hiện thông điệp ngầm về địa vị và độ giàu có thông qua những món đồ không có logo, phom dáng tối giản cùng sự tinh tế về màu sắc. Thậm chí, thời trang là một trong những yếu tố chính làm nên đẳng cấp cho mỗi cá nhân.

Thời trang tạo nên đẳng cấp

Theo nhà tâm lý học, một người thể hiện được giá trị của bản thân thường đến từ những bộ quần áo họ mặc trên người. Điều này hoàn toàn đúng với những nhân vật giàu có ở Thung lũng Silicon. Giới siêu giàu cũng có sự lựa chọn khác biệt với những tầng lớp khác trong xã hội. Một người xuất thân từ tầng lớp siêu giàu, họ sẽ sẽ mặc gì nếu không bao giờ phải đi xe buýt hoặc vào siêu thị? Họ sẽ diện đồ thế nào nếu mọi căn phòng đều được đặt ở nhiệt độ hoàn hảo và độ ẩm không bao giờ là nỗi lo lắng.

Một ví dụ điển hình đến từ bộ phim WeCrashed với sự tham gia của diễn viên Anne Hathaway và Jared Leto thủ vai Rebekah và Adam Neumann. Họ là bộ đôi kỳ lạ đằng sau sự trỗi dậy và sụp đổ của công ty WeWork. Họ đưa ra một nhận định lấy ý tưởng từ lối sống của giới siêu giàu. “Một người chỉ di chuyển giữa nhà hàng sang trọng, xe limousine và căn hộ cao cấp thì không cần áo khoác, kể cả ngoài trời có bão tuyết”. Lối suy nghĩ trên ảnh hưởng đến toàn bộ thời trang trong bộ phim.

Nhân vật của Anne Hathaway thường mặc váy hở lưng bằng lụa. Đây là loại đồ chỉ có thể mặc trong môi trường được kiểm soát nhiệt độ và chắc chắn không phải trên phương tiện giao thông công cộng. Đó là cách để nói lên đẳng cấp và địa vị của những tầng lớp siêu giàu.

Anne Hathaway và Jared Leto trong phim WeCrashed.

Một bộ phim khác cũng nói về lối sống của giới siêu giàu chính là Super Pumped: The Battle for Uber. Loạt phim về sự thăng trầm của Giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick (Joseph Gordon-Levitt thủ vai) chỉ mặc áo sơ mi màu xanh trơn và áo thun xanh nước biển cổ tròn.Điều này gần với trang phục của những doanh nhân ở Thung lũng Silicon gồm áo sơ mi hoặc áo thun, quần jeans và giày thể thao đơn sắc.

Điều này rõ ràng phản ánh rất rõ về cách giới siêu giàu định vị bản thân bằng sự không “ồn ào” trên trang phục, khi càng giàu có thì họ lại càng muốn giấu đi sự giàu có ấy. Các tỷ phú hiếm khi chi trả số tiền lớn cho những sản phẩm có in logo, khách hàng thuộc phân khúc thượng lưu muốn đầu tư vào chất lượng quần áo, mang tính ứng dụng cao, chất liệu cao cấp và đảm bảo độ vừa vặn với cơ thể và việc phô trương địa vị qua trang phục là điều không cần thiết.

Colleen Morris Glennon, nhà thiết kế trang phục cho các bộ phim truyền hình về giới siêu giàu giải thích với Vogue: “Ai đó càng giàu thì càng khó bị nhìn ra trong đám đông. Người cuối cùng mọi người nghĩ đến mới chính là tỷ phú. Tôi muốn làm những bộ trang phục mà chả mấy ai nhìn vào. Thay vào đó, phong cách tinh tế của nhân vật chính là cách để nói họ là ai”.

Mark Zuckerberg, Jack Dorsey và Evan Spiegel hiếm khi được nhìn thấy trong trang phục nào khác. Điều này ngụ ý rằng họ có ảnh hưởng đến mức có thể tương tác với hầu hết người Mỹ trong khi ăn mặc như sinh viên bình thường. Tất nhiên, các tỷ phú này đều làm việc với các stylist, mà một trong số đó là Victoria Hitchcock, người có rất nhiều lời khuyên cho các doanh nhân chưa thành công.

“Một người không thể được các chuyên gia hoặc các nhà đầu tư coi trọng khi đang diện một chiếc áo phông cũ. Vì vậy, tôi liên tục nhận được câu hỏi này: ‘Làm cách nào để khiến bản thân trông thật uy tín? Chúng tôi gọi đó là kết hợp trang phục một cách tự nhiên, thoải mái. Tôi muốn khách hàng của mình trông như thể họ không quan tâm những gì mình mặc trên người, nhưng sự giàu có của chính họ lại toát lên từ độ hiếm của chúng, chỉ những người có hiểu biết hoặc ở cùng địa vị giàu có mới nhận ra giá trị của sản phẩm. Nó giống như một kiểu bí mật nội bộ”.

Diễn viên Amanda Seyfried thủ vai Elizabeth Holmes trong phim The Dropout.

Những thương hiệu được giới nhà giàu ưa chuộng 

Erminegildo Zegna, tên tuổi hàng đầu trong ngành thời trang nam giới là thương hiệu chuyên về dòng sản phẩm may đo cao cấp, kết hợp những đường kim mũi chỉ cùng chi tiết tinh xảo nhất với gu thẩm mĩ theo nhu cầu của khách hàng. Những bộ suit may đo cá nhân của hãng có giá từ 5.000 USD. Su Misura của Zegna là dịch vụ đặc biệt, một thợ may sẽ dành ra 90 phút với khách hàng, để lấy số đo và nhận yêu cầu từ phom dáng, đường cắt đến chất liệu vải với 120 năm kinh nghiệm. Zegna còn được biết là nhà sản xuất các bộ suit cho các thương hiệu lớn khác như Gucci, Yves Saint Laurent và Dunhill.

Vậy điều gì làm nên sự thành công và danh tiếng của Ermenegildo Zegna? Đó chính là nhờ vào nguyên liệu thô cao cấp, chất lượng được chọn lựa kỹ lưỡng và kỹ thuật sản xuất luôn thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Mỗi năm, Ermenegildo Zegna đã đưa ra thị trường 2 triệu mét vải hơn 350 ngàn bộ trang phục suit nam và 2 triệu áo sơ mi cùng những phụ kiện đi kèm khác như cà vạt, giày, trang phục thể thao…

Điều làm nên sự sang trọng, cao cấp cho những bộ trang phục gắn mác Zegna chính là việc chọn nguồn nguyên liệu vải chất lượng từ bông, len, lụa, Heritage, High Performance micronsphere với những chất liệu tuyệt vời đã tạo nên các bộ suit sang trọng, thanh lịch nhằm tạo nên đẳng cấp riêng cho tầng lớp thượng lưu. Không chỉ vậy, chất liệu vải khá bền, có khả năng chống nhăn, chống bụi, dễ chịu thời tiết nóng bức và ấm áp hơn khi trời sang lạnh.

Ngoài Ermenegildo Zegna, Bottega Veneta cũng là một trong những thương hiệu đang nhận được sự quan tâm của tầng lớp thượng lưu với tinh thần thời trang mang đậm tính “sang trọng thầm lặng”. Từ khi Daniel Lee mang đến những cú lội ngược dòng cho Bottega Veneta hay cách Matthieu Blazy tạo nên triều đại ở nhà mốt nước Ý thì chúng ta càng nhìn nhận rõ ràng về sự trung thành với bốn giá trị cốt lõi mà thương hiệu muốn truyền tải về sự xa xỉ gồm: nguyên liệu thượng hạng, chế tác công phu, thiết kế tối giản tinh tế vượt thời gian cùng công năng hữu dụng ở trong các sản phẩm, đặc biệt là sự đổi mới hình ảnh của mình đi cùng với thời đại.

Ở Daniel Lee, giới mộ điệu thấy được sự khéo léo tận dụng thế mạnh vốn có của Bottega Veneta là chế tác da trong sự phá cách hiện đại. Anh vẫn giữ khái niệm về dấu ấn xa xỉ của nhà mốt là kỹ thuật đan da Intrecciato và không quên đa dạng hoá mẫu mã với những thiết kế khác dù không dùng kỹ thuật đặc trưng của thương hiệu, nhưng vẫn thể hiện sự sang trọng dành cho người mặc. Nói về kỹ thuật chế tác da Intrecciato, thì đây được xem là thông điệp giúp những người trong giới thượng lưu nhận ra nhau và chia sẻ rõ hơn đây là kỹ thuật đan những dải da mảnh vào một mảng da lớn để tạo độ cứng cáp và bền bỉ cho bề mặt chất liệu.

Daniel Lee cũng có sự gắn kết đặc tính mềm mại và gợi cảm của nhà mốt nước Ý với cách thể hiện ở những tỷ lệ độc đáo trên trang phục của thương hiệu, đảm bảo tính logic trên từng thiết kế. Đường viền cổ áo, váy da và quần da chính là cách anh truyền tải kỹ thuật chế tác da xa xỉ của Bottega. Những chiếc chân váy, áo khoác với họa tiết ô vuông đều nhau như được phóng to từ chiếc Knot kinh điển của nhà mốt Ý.

Những đường may phô diễn sự chắc chắn với hàng dệt kim đầy tính quyết đoán. Đường cắt dứt khoát tạo nên sự mạnh mẽ cho người phụ nữ khi khoác lên người những chiếc đầm da cổ ngang. Từ khăn tay vuông cài túi áo đến những đường cắt đan tinh tế để lộ cổ tay là bằng chứng cho thấy rằng Lee chú tâm đến tiểu tiết. Những chiếc áo len, đầm len khuyết ở eo hay áo khoác lược bỏ cổ áo với phom dáng dựng theo khối hình học đều đến từ sự trải nghiệm của Lee về xu hướng thời trang đương đại, chất tối giản hiện đại mà giới thượng lưu đang cần.

Khi Daniel Lee rời khỏi Bottega Veneta, Matthieu Blazy đến và viết tiếp câu chuyện của nhãn hàng. Anh cũng chứng tỏ tầm nhìn vượt thời gian với những thiết kế tôn vinh tay nghề thủ công tinh xảo, mang tính ứng dụng cao, và đặc biệt là kỹ thuật chế tác da thượng thừa trong một phong cách thời trang gọn gàng, sắc sảo và hiện đại. Bộ sưu tập đầu tiên ra mắt của Matthieu đã chứng tỏ được điều đó, chứng minh về cách anh đủ sức nhìn nhận về sự sang trọng thầm lặng mà Bottega hướng theo trong suốt hành trình.

Người mẫu xuất hiện trong một chiếc áo tank top trắng phối cùng quần jeans tưởng chừng đơn giản, nhưng ai cũng thán phục rằng Matthieu Blazy đã biến chiếc áo tank-top thường làm bằng chất liệu cotton, trở thành một sản phẩm xa xỉ đúng nghĩa với cách xử lý chất liệu da thật.

Sự tiếp nối của các kỹ thuật đan da điêu luyện trên thiết kế Bottega Veneta tiếp tục giúp thương hiệu khẳng định tuyên ngôn về câu chuyện xa xỉ thầm lặng. Những trang phục trông giống như làm bằng denim, flannel, cotton thực chất đều làm bằng da. Đây là đỉnh cao của phong cách ăn mặc xa xỉ hiện đại. “Quiet Luxury” của Matthieu còn là những cấu trúc trang phục lạ mắt, thể hiện khéo léo qua cách sắp đặt chất liệu, đường may sắc nét với kỹ thuật cắt rập độc đáo bằng góc nhìn mới lạ, nhưng vẫn đáp ứng cho người mặc về sự thoải mái và đặc biệt chính là tạo nên tính bền vững, thể hiện trình độ hiểu biết và gu thẩm mỹ của khách hàng. 

Cuộc chơi với dáng hình trang phục còn được Matthieu sử dụng trên phom dáng phồng nhẹ như chiếc kén của loạt áo khoác hải quân. Từ cô người mẫu trong chiếc quần giả denim, được làm từ da nubuck mềm và in mô phỏng denim đến việc đeo chiếc túi Kalimero trên vai – một kiệt tác thủ công, da được đan thủ công theo kỹ thuật Intrecciato vô cùng độc đáo đã cho thấy chất liệu được xử lý tỉ mỉ với kỹ thuật riêng biệt để đạt tới độ siêu nhẹ, dày dặn, kết cấu độc đáo theo sự uyển chuyển theo từng bước đi, trên cả trang phục nam và nữ.

Bottega Veneta về bản chất là thực dụng với niềm kiêu hãnh về một thương hiệu chế tác đồ da chọn cho mình con đường đi riêng, Bottega Veneta là tuyên ngôn về tính độc lập cùng sự bản lĩnh của những con người sở hữu món đồ xa xỉ. “Quiet Luxury” của Bottega là một thứ thẩm mỹ không đòi hỏi sự định danh, định giá từ xã hội.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article