[MF Opinion]: Bao tiền một mớ riêng tư?
Lifestyle

[MF Opinion]: Bao tiền một mớ riêng tư?

Bạn bắt gặp từ “Riêng tư” chắc cả tỷ lần trong đời, bởi nó là một thuật ngữ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, chính trị, triết học, luật pháp, và… như cơm bữa trên mạng. Nhưng lạ lùng là không có một định nghĩa chính thức hay diễn giải ý nghĩa của từ này.

Ở thời nhà triết học Aristotle, sự riêng tư được hiểu như một kiểu phân biệt giữa những gì thuộc về quốc gia và những chuyện lẻ tẻ vụn vặt diễn ra dưới một mái nhà. Và chỉ thế mà thôi! Định nghĩa cụ thể của nó thế nào, giá trị và phạm vi của nó ra sao, chẳng ai biết rõ. Buồn cười hơn nữa, trong khi con người đã kịp phóng lên Mặt trăng và đi du lịch sao Hoả đến nơi, thì từ cổ chí kim, các nhà triết học và xã hội học đã và vẫn còn chí choé bàn cãi xung quanh một từ đơn giản (nhưng cũng lại) quá phức tạp như vậy.

Bạn biết mình có quyền riêng tư, nghĩa là chẳng ai có quyền xía mũi vào chuyện của bạn nếu bạn không cho phép. Sẽ chẳng ai được phát tán ảnh nude của bạn lên mạng, vì luật pháp đảm bảo quyền lợi này trong hiến pháp. Bạn hoàn toàn có thể kiện một bài báo, nếu người viết bưng nguyên câu trả lời đã được bạn nhấn mạnh là “off record”- “không được công khai”. Danh sách những ví dụ cụ thể ấy sẽ còn dài nếu bạn tiếp tục liệt kê, như một chứng minh của “quyền lợi” được hiến pháp và xã hội (ít nhất là) cố gắng đảm bảo. Nhưng lại cũng có những học giả như Judith Jarvis Thomson, một ngày đẹp trời năm 1975, bà khẳng định chẳng có cái gọi là quyền riêng tư, và cũng chẳng có gì quá đặc biệt về sự riêng tư cả, “bởi bất cứ thứ gì riêng tư có thể được bảo vệ bằng luật pháp thì cũng sẽ được giải thích và bảo vệ tương tự với bất cứ quyền con người nào khác.”

Thomson có đúng hay không, chưa ai có thể khẳng định. Nhưng nếu nhìn vào sự tiến hoá của xã hội trong chỉ vài thập kỷ trở lại đây, thì có vẻ chẳng ai tin bà. Bởi nếu không, đã chẳng có những cửa sổ màn hình hiện lên chình ình trên màn hình máy tính mỗi khi bạn truy cập vào một trang web nào đó, cam kết tôn trọng hoàn toàn quyền riêng tư của bạn và đảm bảo dữ liệu của bạn sẽ được bảo mật nghiêm túc (rồi vài ngày sau bạn nhận được cuộc gọi môi giới bất động sản, mở thẻ ngân hàng, hay lô xích xông những dịch vụ khác!). Cần câu cơm của phần đông dân số dựa cả vào mạng internet, rồi tri thức, rồi kết nối, không ai có thể tranh cãi những lợi ích của nó. Nhưng con dao hai lưỡi này cũng cứa vào quyền riêng tư của bạn. Nó nghiễm nhiên đưa bạn vào một tình huống dở khóc dở cười khi vẫn luôn tin rằng mình vẫn đang có cái quyền ấy, rồi cùng lúc thoả hiệp với việc sự riêng tư của bạn đang bị xâm hại từng ngày, từng giờ.

Cảm giác tốn vài phút tiếp nhận những cuộc gọi trên trời rơi xuống khó chịu thế nào cũng sẽ vẫn chỉ là cái giá tối thiểu cho một sự riêng tư bị xâm nhập. Tin mừng là, bạn có thể mua lại nó bằng tiền, rất nhiều tiền. Với những người có đủ khả năng chi trả, sự riêng tư chẳng khác gì một món đồ xa xỉ mỗi ngày lên một giá mới. Theo một khảo sát trên tờ Luxury Porfolio vào năm 2016, 10% những người giàu nhất thừa nhận yếu tố riêng tư được xếp vào hàng quan trọng nhất khi họ quyết định mua nhà. Elon Musk và Mark Zuckerberg thì chọn mua hết mấy nhà hàng xóm, trong khi những người giàu có ở nước Anh như David và Frederick Barclay còn muốn yên thân và yên tâm hơn, nên xây luôn một cái lâu đài trên một trong những hòn đảo ở Channel Islands. Vấn đề sẽ chẳng có gì bàn cãi nếu người ta không nhìn vào một sự thật phũ phàng giữa cái giá ngấm ngầm xã hội phải trả cho sự riêng tư của người giàu. Càng cố gắng tránh xa xã hội bao nhiêu, thì họ sẽ càng chẳng thể kết nối với những gì người khác trải qua, càng bỏ tiền ra mua sự riêng tư từ thế giới thực đến thế giới ảo, thì người nghèo hơn càng dễ bị bỏ lại như con mồi béo bở cho những sơ hở dữ liệu cá nhân.

Tóm lại, chúng ta đang trả một mức giá nào đó cho những người có tiền để họ được riêng tư, không bằng cách này thì cũng là cách khác. Và nói xa thì cũng nói gần, câu chuyện một ngôi sao mua nguyên rạp phim để được riêng tư gần đây cũng khiến các anh hùng bàn phím lại được dịp xôm xả luận bàn. Người nhất nhất tin rằng ai có tiền, riêng tư cũng mua được thôi, nhưng cũng có người trách móc sự rành rành và làm quá của khái niệm có tiền là có tất cả.

Trớ trêu ở chỗ, sự riêng tư được mua trong rạp chiếu phim hôm đó, cũng chính là một đánh đổi cho những riêng tư bị đánh cắp khi câu chuyện của ngôi sao này trở thành chủ đề bàn tán công khai trên mạng. Và, trong khi chúng ta vẫn chưa có một định nghĩa ngắn gọn về sự “riêng tư”, có lẽ hãy cứ mô tả về nó bằng từ “trớ trêu” vậy.

Ảnh: Tổng hợp
Bài: Vân Anh
 

Related Article