Fashion Week là dịp để các thương hiệu ra mắt bộ sưu tập mới, ngoài ra tinh thần của Fashion Week cũng không thể thiếu sự kiện bên lề mà dân trong nghề gọi là street style.
Kết thúc một sự kiện thời trang thường niên danh tiếng tại Việt Nam, ấn tượng để lại trong lòng giới mộ điệu không phải là các thiết kế trong bộ sưu tập, mà là những màn phô diễn của các “chị đại” trên sàn diễn cũng như những màn phô trương phong cách có phần táo bạo và lập dị của các tín đồ thời trang tham gia buổi trình diễn. Song song đó, một sự kiện bên lề về phong cách đường phố cũng mang lại nhiều ý kiến trái chiều bởi tranh cãi giữa thời trang và hóa trang.
Tầm quan trọng của danh xưng Fashionista/ Fashion blogger trên thế giới?
Vào thập niên 1980, 1990 cụm từ Tín đồ thời trang hay Fashion blogger vẫn còn tương đối hiếm, đa phần những nhà mốt thường dành tấm thiệp mời danh giá đến các Giám đốc sáng tạo, hay những nhà phê bình chuyên môn. Tổng biên tập quá cố của Vogue Italy – Franca Sozzani từng chia sẻ, “Đối với tôi, blogger chẳng khác gì đàn thiêu thân mải mê bay tới danh vọng và tiêu tan sau một đêm”.
Mãi đến lúc thời đại công nghệ phát triển, khi các Fashion blogger hay Fashionista chứng minh được tư duy marketing nhạy bén, gout thẩm mỹ khác biệt. Họ bắt đầu trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho người xung quanh, không thua gì các cây bút thời trang chuyên nghiệp.
Bryanboy và Susie Lau là 2 gương mặt đầu tiên được các tạp chí dành tặng những bài viết riêng, mở ra thời đại hoàng kim cho danh xưng Fashion blogger, Fashionista hay Trendsetter như Yoyo Cao, Chriselle Lim, Amiee Song… Fashion blogger hay Fashionista làm “lố”, nhưng vẫn nằm trong sự chừng mực, lố văn minh, lố có xu hướng, lố có quy củ.
Tuy nhiên, Fashionista, Fashion Blogger hay nói đơn giản là những người yêu thích thời trang muốn được công nhận, họ phải có sự cống hiến cho cộng đồng, không chỉ là gu thời trang của chính mình, mà còn sự truyền tải về kiến thức đến mọi người, ít nhất họ cũng phải hiểu được những điều cơ bản của ngành thời trang từ đó áp dụng vào bản thân để trở thành một người có sức ảnh hưởng thật sự, chứ không phải đơn thuần chỉ là sở thích cá nhân, rồi ăn mặc phô trương không đúng chừng mực với mong muốn được mọi người chú ý.
Bryanboy từng cho rằng: “Tuần lễ thời trang là thời điểm các blogger chúng tôi tốn nhiều tiền nhất. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng các thương hiệu chi trả cho chúng tôi mọi chi phí di chuyển, ăn ở và sinh hoạt. Điều đó hoàn toàn sai sự thật. Tôi không thể nào quên được tuần lễ thời trang đầu tiên trong cuộc đời. Khi đó tôi đã phải ở nhờ nhà bạn tại Milan vì không đủ ngân sách chi trả cho việc thuê phòng khách sạn”.
View this post on Instagram
Ảo ảnh đằng sau “cuộc chiến” quần áo tại Tuần lễ thời trang
Mục đích chính tổ chức các tuần lễ thời trang là để thương hiệu ra mắt bộ sưu tập mới nhất. Tất nhiên, tinh thần của Fashion Week cũng không thể thiếu sự kiện bên lề mà dân trong nghề gọi là street style. Thậm chí, nhiều tờ báo còn dành chuyên trang chỉ để phân tích về xu hướng của dàn fashionista, fashion blogger…
Đây còn là dịp các tín đồ thể hiện phong cách, khả năng mix&match nhằm gây ấn tượng với truyền thông thế giới. Công cuộc đầu tư sinh lời và xuất hiện trên các ấn phẩm thời trang quốc tế đồng nghĩa với việc họ có thể xây dựng hình ảnh cá nhân, đồng thời quảng bá về “bộ mặt thời trang” của đất nước mình.
Ngoài thương trường, những đối thủ cạnh tranh nhau bằng con số thì tại nơi sang trọng thế này có phần tinh tế hơn bằng chính cái gọi là quần áo. Bạn mặc đẹp hay trang phục gì cũng được, miễn biết cách làm người khác chú ý đến mình. Thời trang là ngành rất dễ bị đào thải và luôn có một “cuộc chiến” khốc liệt. Hôm nay, bạn được nhiều người biết đến nhưng chưa chắc sau này cũng sẽ vậy.
Đối với người ngoài chỉ là ánh hào quang chớp nhoáng nhưng với người trong cuộc, có lẽ đây là tuần lễ dài nhất trong năm. Từ sàn diễn, hậu trường đến cả ngoài phố đều là những cuộc cạnh tranh khốc liệt mang tên “toả sáng”.
Người mẫu, nhiếp ảnh, fashion blogger… đâu đó mỗi góc phố đều là “cuộc chiến” thầm lặng. Sự bề thế của Fashion Week lôi cuốn hàng nghìn nhiếp ảnh gia, phóng viên và hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới tham gia sự kiện. Có giá trị truyền thông nào hiệu quả bằng khi chỉ trong một tuần, thương hiệu cá nhân của bạn đến gần hơn với thế giới.
Hy vọng là thứ rất dễ gây nghiện. Nó đủ mạnh để khiến người ta đầu tư cả ê-kíp hay hàng tá quần áo, đồ đạc chỉ để chuẩn bị cho sự xuất hiện ngắn ngủi ở các tuần lễ thời trang.
Các bạn trẻ có đang “tàn phá” thời trang?
Nếu như, ở quốc tế những bộ hình street style của khách mời, dàn fashionista được ghi lại khi họ chuẩn bị xuất hiện bên ngoài địa điểm tổ chức show diễn, thì câu chuyện Street style tại đây lại hoàn toàn trái ngược, khi những show diễn bộ sưu tập nằm ở một nơi khác và khoảng cách thời gian khá dài so với buổi tổ chức cuộc thi mang tên “The Best Street Style”, điều này trở nên vô nghĩa khi những bạn trẻ ăn mặc “lồng lộn” không hề giúp người xem chú ý đến buổi diễn của nhà thiết kế, thậm chí không truyền tải được những xu hướng thời trang cho giới mộ điệu, mà đâu đó người xem chỉ cảm thấy đây là hội chợ hóa trang không hơn không kém.
Tôi thật sự không thích tư tưởng “Phải ăn mặc thật over để gây chú ý. Bất chấp người xung quanh nghĩ gì, cứ thoải mái thể hiện cá tính nhằm thỏa mãn cái tôi khác biệt”. Có thể, những bạn trẻ này nghĩ rằng càng làm lố sẽ càng trở nên nổi bật. Đúng, ai cũng có quyền tự do để làm bất cứ điều gì. Thời trang vốn không có khái niệm đẹp hay xấu, vì còn tùy thuộc vào cảm nhận của từng người. Hơn nữa, một điều được cho là thất bại trong thời trang chính là sự nhàm chán, không có gì để nói.
Nhưng phải hiểu rằng thời trang là sự tinh tế chứ không phải đại nhạc hội giải trí dành cho những người thích thể hiện. Muốn mặc đẹp trước tiên phải hiểu rõ phong cách cá nhân và kiến thức cơ bản. Lố trong thời trang là bạn phải hiểu và dựa trên những quy tắc nhất định như màu sắc, chất liệu, họa tiết và hoàn cảnh. Lố mà công chúng thấy trong đợt street style vừa rồi chỉ là thể hiện bản thân, nhưng thiếu sót trầm trọng về kiến thức cốt lõi của thời trang, cũng như tính thẩm mỹ.
Có nhiều bạn sẽ phản biện tại sao Hàn Quốc và Nhật Bản có thể mặc quái dị và được chấp nhận. Xin thưa rằng, không phải ai cũng mặc đẹp và nhìn chung họ thoải mái khi diện bất cứ trang phục nào và hiểu mình mặc gì. Riêng, Nhật Bản thì văn hóa mặc dị đã rất lâu đời và ăn sâu vào tâm trí của từng người rồi. Nếu chịu để ý những năm gần đây giới trẻ Nhật đã văn minh hơn trong cách lựa chọn trang phục, cập nhật và chạy theo xu hướng thế giới rồi.
Yêu thời trang không phải là việc cố gắng thể hiện cái tôi cá nhân đi ngược lại quy chuẩn, mà cần hiểu rằng bản thân phải làm gì để giữ lửa cho tình yêu đó. Hãy đặt tình yêu của bạn vào đúng chỗ. Đừng để mọi thứ dần trở nên mất kiểm soát chỉ vì một phút “bốc đồng”. Nên nhớ rằng, Tuần lễ thời trang không phải là nơi để “Tàn phá” thời trang.