Từ tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc đến video và tài sản truyền thống, NFT (non-fungible token) là một không gian đang phát triển, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Gen Z.
Một số dấu ấn nổi bật của thị trường NFT trong năm 2022
Về lý thuyết, mọi thứ đều có thể được mã hóa, miễn sự khan hiếm là một phần có ý nghĩa trong giá trị của tài sản ngay từ đầu. NFT có thể là bất kỳ thứ gì, chẳng hạn như ô tô, một phần bất động sản hoặc tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.
Giá tiền điện tử đã giảm mạnh vào năm 2022, dội một gáo nước lạnh vào thị trường NFT. Giá đã dao động đáng kể kể từ đó và khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với năm 2021. Nhìn chung, khối lượng giao dịch NFT vào năm 2022 đã chậm lại đáng kể. Theo dữ liệu do sàn giao dịch tiền điện tử Bitay cung cấp, từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2022, khối lượng giao dịch NFT đã giảm 97%, từ 17 tỷ USD xuống chỉ còn 466 triệu USD.
Ngày 1/5/2022 vẫn là ngày giao dịch có giá trị cao nhất trong lịch sử NFT, khi 118.577 NFT được bán với tổng giá trị là 780.4 triệu USD. Tuy nhiên, khi thị trường tiền điện tử tiếp tục kéo dài trong “mùa đông tiền điện tử”, giá và giao dịch NFT không cho thấy bất kỳ dấu hiệu phục hồi đáng kể nào. Theo đó, “mùa đông crypto” là thuật ngữ chỉ giai đoạn ảm đạm của thị trường tiền số, khi giá các đồng coin liên tục giảm và khó phục hồi trong thời gian dài. Song song với đó là hàng loạt tin xấu ập đến như trộm cắp, lừa đảo và các lệnh cấm của các nhà quản lý. “Mùa đông” thường diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm và đợt gần nhất là vào cuối năm 2017, đầu 2018. Khi đó giá Bitcoin giảm từ 20.000 USD xuống dưới 4.000 USD.
Sự kiện Cristiano Ronaldo rời Manchester United FC vào ngày 15/11/2022 cũng là một cột mốc đáng nhớ. Phân tích dữ liệu tìm kiếm của Google cho thấy rằng các lượt tìm kiếm trực tuyến cho “Ronaldo NFT” đã bùng nổ 206% trên toàn thế giới vào ngày 15/11, khi siêu sao bóng đá này hợp tác với Binance Marketplace, ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên của mình.
Mặt khác, nhận thấy tiềm năng của Web 3.0 và mong muốn cung cấp trải nghiệm kỹ thuật số độc quyền cho khách hàng trong metaverse, các thương hiệu như Nike, Flipkart, Pepsi, Bulgari và thậm chí Louis Vuitton đã bắt đầu tạo ra những trải nghiệm kỹ thuật số độc đáo cho khách hàng của họ được hỗ trợ bởi NFT.
“Sân chơi” NFT đầy bất an
Khi các xu hướng lên đến đỉnh điểm, các sự cố gian lận cũng vậy. Và bởi vì không gian còn quá mới nên có rất ít cách bảo vệ người dùng khỏi những kẻ lừa đảo. Các chuyên gia cho rằng tình trạng suy thoái hiện nay là một điều tích cực, vì nó là cơ hội để điều chỉnh hướng đi. Thực tiễn là các đỉnh xu hướng đã làm tăng giá của nhiều NFT một cách sai lệch, dẫn đến việc khách hàng thấy tài sản của họ nhanh chóng mất giá khi bong bóng vỡ. Một vấn đề khác với thị trường là số lượng NFT lừa đảo trôi nổi ngoài kia. Phần tồi tệ nhất là tìm ra danh tính của những kẻ lừa đảo này. Không ai biết họ là ai. Các thủ tục pháp lý của một số nền tảng NFT cũng bất hoạt khi người dùng khiếu nại.
NFT và tầm nhìn xa
Vậy thị trường NFT sẽ ở đâu trong một thập kỷ tới? Nó sẽ trở thành một phần tích hợp của nền kinh tế tài chính của chúng ta chứ? Khả năng cao sẽ là như vậy. Trong nhiều trường hợp, bạn thậm chí sẽ không nhận ra đó là NFT – công nghệ cơ bản trong các ứng dụng bạn đang sử dụng. Dù không nghi ngờ gì về việc thị trường NFT đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2022, một số nhà phân tích lạc quan và những người trong ngành vẫn xem năm 2023 là năm tốt hơn nhiều đối với thị trường.
Lý thuyết đằng sau triển vọng này là NFT sẽ tiếp tục được áp dụng bởi các ngành công nghiệp trò chơi điện tử, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và sưu tập kỹ thuật số. NFT có thể có sức mạnh bền bỉ nếu cuộc sống trở nên “ảo” hơn trong những năm tới, tức là người tiêu dùng càng yêu thích sử dụng/sở hữu tài sản ảo. Một báo cáo từ nghiên cứu thị trường đã được xác minh cũng dự đoán rằng, giá trị thị trường của NFT sẽ tăng lên 231 tỷ USD vào năm 2030.