Men’s Folio Wrapped 2023: Nhìn lại thế giới nghệ thuật đầy biến động
LifestyleArts & Culture

Men’s Folio Wrapped 2023: Nhìn lại thế giới nghệ thuật đầy biến động

Thế giới nghệ thuật năm 2023 được tạo nên bởi những mảnh ghép hoàn mỹ nhưng cũng không kém phần táo bạo, để lại những ảnh hưởng lâu dài đối với nền văn hóa đại chúng. 2023 có thể nói là một năm bùng nổ sự giao thoa giữa nghệ thuật, các hoạt động xã hội và văn hóa, định hình câu chuyện về nghệ thuật đương đại trên toàn thế giới. 

Mái nhà The Met “thay áo” dưới bàn tay của Lauren Halsey

Kết hợp giữa sự hiện đại của vùng South Central Los Angeles với kiến trúc Ai Cập cổ đại, hồi tháng 4 năm nay, Lauren Halsey đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật nổi bật với tựa đề “the eastside of south central los angeles hieroglyph prototype architecture (I)” (Tạm dịch: Kiến trúc chữ tượng hình Ai Cập cổ đại phía Đông South Central Los Angeles). Công trình này đã chiếm lĩnh sân thượng của The Metropolitan Museum of Art, sử dụng 750 viên gạch lát bê tông sợi thủy tinh, một số cao đến 22 feet. 

Tác phẩm xoay quanh văn hóa và cộng đồng ở South Central, nơi Halsey sinh sống và tạo ra các tác phẩm của mình. Cô chia sẻ rằng tác phẩm trên sân thượng The Met phản ánh sự hứng thú của mình đối với việc kết nối câu chuyện hiện đại từ South Central Los Angeles với tinh hoa của kiến trúc pharaoh cổ điển và hy vọng rằng người xem ở New York sẽ cảm nhận được sự liên kết này.

Phiên đấu giá JOOPITER “Just Phriends” của Pharrell và Sarah Andelman – nhà sáng lập Colette

Pharrell đã hợp tác với người bạn trong ngành lâu năm Sarah Andelman để tổ chức một phiên đấu giá độc đáo mang tựa đề “Just Phriends”, trưng bày hơn 50 vật phẩm, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật hiếm có, món đồ mang ý nghĩa văn hóa và các màn hợp tác thú vị giữa các lĩnh vực. Điều đặc biệt là một số vật phẩm thậm chí còn chưa từng được công bố hoặc được tạo ra dành riêng cho sự kiện này. 

Những đóng góp đáng chú ý bao gồm các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như chính Pharrell, cùng với những tên tuổi như Takashi Murakami, KAWS, Daniel Arsham, Futura, JR, Paola Pivi, Invader, Xavier Veilhan, MSCHF, Chanel, Tiffany & Co., Louis Vuitton, Richard Mille và Jean-Charles de Castelbajac. Nổi bật trong phiên đấu giá là tác phẩm “The Simple Things” (2009) của Takashi Murakami và Pharrell Williams, được ra mắt lần đầu tiên tại Paris.

Màn trình diễn của Ryuichi Sakamoto trong buổi hoà nhạc thực tế ảo tại The Shed

Tháng 5, thế giới đã tiễn đưa sự mất mát không thể thay thế của Ryuichi Sakamoto. Ảnh hưởng của ông không chỉ dừng lại ở thể loại nhạc điện tử và City Pop, mà còn bao gồm lĩnh vực điện ảnh và hoạt động bảo vệ môi trường. Đối với những người chưa có cơ hội chứng kiến buổi biểu diễn trực tiếp của ông, The Shed ở New York đã giới thiệu một trải nghiệm độc đáo, đưa nghệ sĩ và nhà soạn nhạc huyền thoại người Nhật Bản quay trở lại trong thế giới thực tế ảo.

KAGAMI (nghĩa là “gương” trong tiếng Nhật) đã mang đến một trải nghiệm hòa nhạc mới lạ qua sự hợp tác với đạo diễn Todd Eckert, Tin Drum và Manchester International Festival. Các vị khách sẽ được trang bị các thiết bị quang học đặc biệt để thưởng thức 10 bản nhạc mạnh mẽ của Ryuichi Sakamoto “ảo”, bao gồm các tác phẩm kinh điển của ông như “Energy Flow” và “Merry Christmas Mr. Lawrence”, được “phụ hoạ” bởi tác phẩm nghệ thuật tương ứng. 

Angelina Jolie mua studio từng thuộc sở hữu của Warhol và Basquiat

Tháng 7 vừa qua, Angelina Jolie công bố một dự án mới mời gọi người dùng tham gia vào vai trò nhà thiết kế. Qua sự hợp tác với các thợ may và nghệ nhân trên khắp thế giới, dự án của cô với cái tên “Atelier Jolie”, nhằm mục đích “dân chủ hóa” thời trang, đồng thời làm mới các vật liệu cũ hay bị bỏ đi.

Studio toạ lạc tại không gian trước đây thuộc sở hữu của nghệ sĩ nổi tiếng Andy Warhol và sau đó được sử dụng bởi bạn đồng niên của ông, Jean-Michel Basquiat. Nữ diễn viên đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ tòa nhà từ thế kỷ 19, nơi hai nhân vật biểu tượng này đã sống và làm việc trong những năm 1980. Cô dự định thuê mặt bằng này trong khoảng 8 năm.

Lewis Hamilton và Hajime Sorayama kết hợp cho ra mắt chiếc mũ bảo hiểm đua xe

Lewis Hamilton, nhà vô địch thế giới giải F1 bảy lần, và nghệ sĩ nổi tiếng người Nhật Bản Hajime Sorayama đã hé lộ một sự hợp tác đầy bất ngờ cho giải đua Grand Prix Nhật Bản, một chiếc mũ bảo hiểm và bộ đồ đua xe độc đáo.

Chiếc mũ Lewis Hamilton x Hajime Sorayama mang đậm cảm hứng từ phong cách robot màu bạc kim loại đặc trưng của Sorayama. Trên sản phẩm xuất hiện các nhà tài trợ của Hamilton, tích hợp các tính năng robot với sọc vàng tương phản. Bộ sưu tập dự kiến sẽ ra mắt một loạt các item như áo khoác, áo thun, quần và phụ kiện, nổi bật với những chú robot đặc trưng của Sorayama cùng với logo thương hiệu “+44” của Hamilton.

Màn cá cược thú vị về danh tính thực sự của nghệ sĩ Banksy

Các trang web cá cược thể thao đã mở phiên đặt cược về việc ai là người thật sự đứng sau cái tên Banksy. Điều này bắt nguồn từ một vụ kiện liên quan đến Banksy và công ty thiệp chúc mừng ở Anh tên Full Colour Black. Chủ sở hữu công ty – Andrew Gallagher đã nộp đơn khiếu nại về lời phỉ báng, xuất phát từ một bài đăng trên Instagram vào tháng 11/2022, có thể dẫn đến việc tiết lộ danh tính thực sự của Banksy thông qua Pest Control – tổ chức chứng thực tác phẩm của Banksy.

Tận dụng cơ hội này, BetOnline, có trụ sở tại Antigua và Barbuda, đã cho phép người chơi đặt cược cho đến ngày 30/11. Vụ cá cược bao gồm các trường hợp như “Gallagher thắng Pest Control trước ngày 1/6” và “Xác nhận Robin Gunningham là Banksy trước ngày 1/6”, do Gunningham trước đây từng được đồn là Banksy. Các “ứng viên” khác bao gồm các nhân vật như Robert Del Naja của Massive Attack, các nghệ sĩ đến từ Bristol giống Banksy, và vài lựa chọn có khả năng thấp hơn như Tom Brady, Morgan Freeman và Donald Trump.

Vụ các nhà hoạt động môi trường đập vỡ tấm kính bảo vệ bức tranh “The Toilet of Venus”

Vào tháng 11, một số nhà hoạt động của Just Stop Oil đã bị bắt vì dùng búa đập vỡ lớp kính bảo vệ bức tranh thế kỷ 17 của Diego Velázquez – “The Toilet of Venus” tại Phòng trưng bày Quốc gia London. Vụ việc này là một trong loạt cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở nghệ thuật châu Âu bởi những người biểu tình nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng khẩn cấp của khí hậu.

Bức tranh còn được gọi là “The Rokeby Venus”, miêu tả Venus – nữ thần tình yêu, đang ngả lưng và nhìn vào chiếc gương do con trai Cupid cầm trên tay. Velázquez cố tình làm mờ hình ảnh phản chiếu của Venus, tượng trưng cho vẻ đẹp phụ nữ mà không cần những chi tiết nhận dạng. Những người phụ trách Phòng trưng bày Quốc gia coi đây là tác phẩm khỏa thân nổi tiếng nhất của họ và là tác phẩm mang tính biểu tượng trên toàn nước Anh.

Một người biểu tình sau khi đập vỡ kính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động thay vì những lời nói suông. Một nhà hoạt động khác nhấn mạnh những thất bại của chính trị và kêu gọi hành động để ngăn chặn những cái chết có thể xảy ra do chính sách cấp phép dầu khí. Tác phẩm nghệ thuật đã được gỡ bỏ để đánh giá thiệt hại.

Những nhà hoạt động phản đối các cuộc không kích của Israel tại Bảo tàng Guggenheim 

Vào ngày 11/11, bảo tàng Guggenheim ở New York tạm thời đóng cửa lối vào khi 8 nghệ sĩ sử dụng đoạn đường dốc xoắn ốc mang tính biểu tượng để phản đối các hoạt động của quân đội Israel ở Gaza. Họ trưng bày các biểu ngữ có hình người Palestine đang để tang bên cạnh thi thể trẻ em. Ngoài ra, biểu tượng tắt âm lượng đóng vai trò đại diện cho các sự cố kiểm duyệt gần đây liên quan đến tình đoàn kết của người Palestine.

Vào lúc 4g30 chiều, các nhà hoạt động đã giương các biểu ngữ từ tầng ba của bảo tàng, gây ra nhiều phản ứng khác nhau từ du khách. Một số đáp lại bằng những tràng pháo tay và huýt sáo, trong khi những người khác tụ tập lại để chụp ảnh sự việc. Ngay sau đó, một nhân viên bảo tàng đã cố gắng gỡ các biểu ngữ xuống khiến một số du khách phản đối. Tuy nhiên, vài phút sau, nhiều nhân viên bảo tàng đã đến và cố gắng gỡ hết xuống, khiến đám đông càng thêm bất mãn.

Vụ chìm tàu ngoài khơi bờ biển Colombia có thể chứa đựng kho báu có giá trị lên đến 20 tỷ USD

Tổng thống Colombia đã bắt tay vào cuộc truy tìm kho báu ngoài đời thực nhằm trục vớt một con tàu đắm hàng thế kỷ ngoài khơi bờ biển phía Bắc của đất nước. Theo các nhà sử học, con tàu San José đã bị chìm cách đây hơn 300 năm và được cho là chứa đựng kho báu trị giá lên tới 20 tỷ USD. Vào năm 1708, chiếc tàu chiến của Tây Ban Nha đang vận chuyển khối tài sản hàng tấn vàng bạc và ngọc lục bảo từ Panama thì bị tiêu diệt gần Cartagena, Colombia trong một cuộc phục kích của hải quân Anh giai đoạn Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. Tổng thống Gustavo Petro mong muốn cứu vãn khối tài sản này trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2026.

Trong nhiều thế kỷ, vị trí của San José là một bí ẩn làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Năm 2015, chính phủ Colombia tuyên bố đã phát hiện ra con tàu được tìm kiếm từ lâu nhưng quyết định giữ bí mật tọa độ chính xác của nó. Trong khi chính phủ đã tiết lộ kế hoạch ban đầu cho hoạt động trục vớt vào năm 2017, có nhiều báo cáo cho rằng Tổng thống Petro đang thúc giục các quan chức đẩy nhanh quá trình này.

Bài: Hà Đào
 

Related Article