Men’s Folio Wrapped 2023: Cận cảnh dòng chảy công nghệ trong năm qua
LifestyleTech

Men’s Folio Wrapped 2023: Cận cảnh dòng chảy công nghệ trong năm qua

12 tháng qua, cả thế giới liên tục chứng kiến những bước ngoặt, bước nhảy vọt của nền công nghệ toàn cầu. Sự thống trị của trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng mạng xã hội biến động, làn sóng sa thải mạnh mẽ,… đều là những sự kiện đáng chú ý trong một năm qua cần nhìn lại trước khi bước vào một chương mới nhiều thách thức hơn. 

1. Cuộc chiến của những chatbot

Có thể nói 2023 là một cuộc chiến giữa các công cụ chatbot. Kể từ khi ChatGPT ra đời vào cuối năm 2022, dù nhận về nhiều tranh cãi liên quan đến bản quyền, đạo văn, chất xám con người,… nhưng nó vẫn nhanh chóng vươn lên để trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, là cú hích mạnh mẽ với nền công nghệ toàn cầu. Sự vươn lên của ChatGPT cũng khiến các “ông lớn” công nghệ phải lập tức “nhảy” vào làn sóng này.

Tháng 2, Microsoft công bố Bing AI – công cụ tích hợp AI với trình duyệt Bing để trả lời những câu hỏi từ người dùng tương tự như ChatGPT. Đồng thời, Microsoft tích hợp những tính năng mới của Bing AI vào Microsoft 365, Microsoft Edge và Windows. Tháng 11, Microsoft còn tiến một bước quan trọng bằng cách tổng hợp tất cả những thành tựu này dưới tên một thương hiệu, một trải nghiệm, mang tên Copilot. 

Google cũng không muốn làm kẻ bên lề cuộc chơi nên tháng 3, công ty này nhanh chóng ra mắt công cụ Bard AI được xây dựng trên một mô hình ngôn ngữ lớn, căn cứ theo các thông tin trên web để đưa ra các phản hồi chất lượng tốt nhất, đối đầu trực tiếp với ChatGPT và Bing AI. Không đứng ngoài xu hướng công nghệ toàn cầu, tháng 12, VinAI cũng đã ra mắt “ChatGPT phiên bản Việt” với tên gọi PhởGPT với các tính năng phù hợp văn hóa và văn phong của người Việt. 

Khi những ông lớn đều nhảy vào sân chơi chatbot, một viễn cảnh vừa thú vị vừa đáng sợ được mở ra. Một mặt, chatbot hỗ trợ nhiều mặt trong cuộc sống: tìm kiếm và tra cứu thông tin; tự động hóa và tối ưu chi phí cho các doanh nghiệp trong việc chăm sóc khách hàng;… Song, một loạt những mặt trái của chatbot cũng được vạch ra, như: mối lo cho ngành giáo dục vì học sinh dễ bị phụ thuộc hoặc dùng nó như một công cụ phục vụ cho gian lận; đe dọa sức lao động và việc làm của con người; gia tăng nạn lừa đảo;…

2. Apple Vision Pro – Tái định nghĩa thực tế ảo

Sự quan tâm tới metaverse và thực tế ảo đã bắt đầu giảm dần từ năm ngoái. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Apple trình làng mẫu tai nghe Vision Pro kết hợp công nghệ thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR, vào mùa hè 2023. Theo Tim Cook – CEO Apple, Vision Pro được xem là một loại máy tính mới giúp tăng cường trải nghiệm bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn thế giới thực với thế giới kỹ thuật số. Người dùng có thể nhìn, nghe và tương tác với nội dung kỹ thuật số như đang trong không gian vật lý mà không bị giới hạn bởi màn hình. Apple Vision Pro được kỳ vọng sẽ trở thành thiết bị điện tử cá nhân tiên tiến nhất, thậm chí có thể thay thế chiếc iPhone. 

Kể từ khi công bố, Vision Pro đã gây ấn tượng mạnh với cả các công ty công nghệ và phi công nghệ bởi đây là một bước ngoặt mới đưa giải trí và liên lạc lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng nhu cầu về kính thực tế ảo đang rất thấp trong khi giá bán khoảng 85 triệu VND từ Apple lại khá cao.

3. Vụ sa thải chóng vánh của CEO OpenAI – Sam Altman

Không thể phủ nhận rằng 2023 đã khiến công dân toàn cầu liên tục ngỡ ngàng trước những sự kiện công nghệ nổi bật. Trong dòng chảy ấy, không thể quên nhắc đến vụ việc “cha đẻ” ChatGPT – Sam Altman – bị sa thải khỏi vị trí Giám đốc điều hành của OpenAI đầy chóng vánh. Lý do được đưa ra là Hội đồng quản trị nhận thấy ông không nhất quán trong cách điều hành với ban quản trị, cản trở khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình nên họ không còn tin tưởng vào khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI của Altman.

Tuy nhiên, khi giới công nghệ còn chưa hết bàng hoàng vì thông tin này thì Hội đồng quản trị của OpenAI lại rục rịch đàm phán để đưa Sam Altman trở lại vị trí CEO. Theo The New York Times, áp lực từ phía 740 trên tổng 770 nhân sự ủng hộ Sam Altman, đặc biệt là sự từ chức của Greg Brockman – Chủ tịch Hội đồng quản trị và một người đồng sáng lập khác, đã dẫn đến quyết định xoay chuyển 180 độ này. Cuối cùng, chưa đầy 5 ngày chóng vánh, Sam Altman đã quay trở lại với tư cách CEO đồng thời OpenAI cũng thành lập hội đồng quản trị mới. 

OpenAI là một công ty đang có sức ảnh hưởng lớn với nền công nghệ toàn cầu, vì vậy, vấn đề lục đục nội bộ này có thể tác động đến sự vận hành của công ty cũng như những mối quan hệ hợp tác xung quanh. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Sam Altman cùng những cộng sự thành lập công ty khác, đối đầu trực tiếp với Open AI, dẫn đến một cuộc chiến mới trong ngành.

4. Twitter, X và Threads – Biến động mạng xã hội

Tháng 7 là thời điểm các mạng xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi Meta cho ra mắt một ứng dụng hoàn toàn mới mang tên Threads, đối đầu trực tiếp với Twitter – công ty đang gặp nhiều rắc rối kể từ khi Elon Musk tiếp quản.

Threads là một ứng dụng liên kết với Instagram, cho phép người dùng đăng tải văn bản, hình ảnh, đường dẫn hoặc chia sẻ lại bài đăng của người khác,… tương đồng với nhiều tính năng của Twitter. Sau khi ra mắt, Mark Zuckerberg – CEO của Meta đã chấm dứt 11 năm im lặng trên Twitter cá nhân bằng cách đăng một meme người nhện hài hước để nói về sự tương đồng giữa Twitter và Threads.

Chỉ trong 7 giờ ra mắt, Threads đã thu hút được 10 triệu lượt đăng ký và cán mốc 100 triệu sau 5 ngày, soán ngôi ChatGPT để trở thành nền tảng phát triển nhanh nhất trong lịch sử ứng dụng. Tuy nhiên, lượng người dùng sau đó bắt đầu tụt dốc không phanh, giảm 82% sau gần 1 tháng ra mắt do thiếu những tính năng cốt lõi như tìm kiếm chủ đề, nhắn tin trực tiếp,…

Trong khi đó, ở cục diện phía đối thủ – Twitter lại khiến cả thế giới ngỡ ngàng vì “chú chim xanh” tồn tại 17 năm chính thức bị khai tử và “lột xác” với logo mới: một chữ X màu đen, sau 8 tháng kể từ khi Elon Musk hoàn tất thương vụ trị giá 44 tỷ USD thâu tóm Twitter. Việc mua lại và đổi logo thương hiệu Twitter nằm trong chiến lược của Elon Musk nhằm tạo ra một siêu ứng dụng kết hợp các tính năng trò chuyện video, nhắn tin, phát và thanh toán trực tuyến, tương tự WeChat của Trung Quốc. 

Mạng xã hội ngày càng chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình đối với cuộc sống của con người, những màn “sinh – tử” của chúng đều nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đồng thời dấy lên mối lo ngại đối với sức khỏe tâm thần, đặc biệt là của trẻ em, điển hình tháng 10 vừa qua, hàng chục bang của Mỹ đã khởi kiện Meta thiết kế các tính năng trên Instagram và Facebook khiến trẻ em nghiện,…

5. Mặt tối của công nghệ Deepfake

Trong thời đại kỹ thuật số, Deepfake nổi lên như một mối đe dọa đáng kể đối với tính xác thực của các nội dung, hình ảnh, video, âm thanh,… trên nền tảng trực tuyến. Những sản phẩm phức tạp do công nghệ này tạo ra giống như người thật một cách thuyết phục, khiến việc phân biệt thật giả trở nên vô cùng khó khăn.

Từ một công nghệ phục vụ mục đích giải trí, Deepfake ngày càng tinh vi để trở thành công cụ lừa đảo tuyệt hảo. 2023 ghi nhận số lượng lớn các trường hợp là nạn nhân của Deepfake: một gia đình tại Texas đã mất hàng nghìn USD chuyển cho kẻ gian sau khi chúng sử dụng AI và Deepfake để giả giọng con trai họ thông báo vừa gặp tai nạn xe hơi; video cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát đưa đi;… Rõ ràng, Deepfake đã trở thành vấn nạn trên thế giới, khiến nhiều người bị lâm vào tình cảnh khó khăn sau khi bị phát tán những sản phẩm giả mạo trên không gian mạng.

Tóm lại, so với những tính năng hiện đại mà Deepfake đem lại, dường như người ta đang sử dụng nó để phục vụ những mục đích trục lợi nhiều hơn. Vì vậy, các cơ quan pháp lý, chuyên gia cũng đã đề ra một số cách thức đối mặt với vấn đề này: phức tạp hóa thuật toán, nâng cao nhận thức, chú ý bảo mật thông tin cá nhân,…

6. AI và người làm nghệ thuật – Loạt tranh chấp không hồi kết

2023 là một năm nghệ thuật chịu nhiều tác động từ sự phát triển của AI. Các nghệ sĩ hoạt động khắp lĩnh vực từ âm nhạc, phim ảnh đến hội họa đều bắt đầu nhận ra AI đem đến nhiều mối đe dọa đáng sợ hơn là hỗ trợ cho sự sáng tạo của họ. Còn nhớ cuộc đình công tại Hollywood vào nửa cuối năm nay thu hút truyền thông toàn cầu, cũng xuất phát từ chính hệ lụy của AI.

Ngọn nguồn bắt đầu từ tháng 5, khi Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ đồng loạt xuống đường phản đối vì những nhà sản xuất tại Hollywood muốn sử dụng các công cụ AI mới như ChatGPT, Runway,… tạo ra các kịch bản thay vì sử dụng sức sáng tạo vốn có của con người. Sau các nhà biên kịch, đến lượt Hiệp hội diễn viên cũng bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ khi các nhà sản xuất ở Hollywood đưa ra đề nghị mua bản scan gương mặt của họ và sử dụng dài hạn trong các dự án phim ảnh trong tương lai mà không cần trả công cho diễn viên đó. 

Chưa kể đến, hàng loạt “thành phẩm” khác do AI tạo ra ở mọi ngóc ngách trong lĩnh vực nghệ thuật cũng dấy lên nhiều sự e ngại: bộ phim “The Dog and the Boy” sử dụng nhiều hình ảnh do AI vẽ; bức ảnh “The Electrician” đứng đầu trong một hạng mục tại Giải thưởng “Nhiếp ảnh Thế giới Sony 2023”; hay “Cyberpunk: Peach John” – bộ truyện manga đầu tiên do AI vẽ;…

Mặc dù công nghệ chưa thể thay thế hoàn toàn sức lao động của con người nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt của chúng thì nỗi lo và bất bình của những người hoạt động nghệ thuật ngày càng dâng cao, đòi hỏi phải có những điều luật nghiêm ngặt, rạch ròi trong vấn đề bản quyền và chất xám của con người.

7. Làn sóng sa thải từ các “ông lớn” công nghệ

Việc sa thải nhân viên trong lĩnh vực công nghệ không có gì mới, nhưng 2022 nó lại trở thành một xu hướng toàn ngành khi hàng loạt các công ty lớn cắt giảm ngày càng nhiều nhân viên. Tính đến tháng 11/2023, có tổng cộng hơn 240.000 nhân viên phải thôi việc trong lĩnh vực này vì kinh tế suy thoái, tái cơ cấu tổ chức hoặc những lý do khác. 

27.000 là số lượng nhân viên mà “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon sa thải tính đến tháng 11/2023, sau rất nhiều đợt cắt giảm ở nhiều bộ phận khác nhau. Vào giữa tháng 1, Alphabet – công ty mẹ của Google cũng tuyên bố cắt giảm 12.000 nhân viên ở các bộ phận, tức gần 6% lực lượng lao động toàn cầu. Lý do bao gồm suy thoái kinh tế, tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch và nhu cầu hợp lý hóa hoạt động. Phía Microsoft cũng đã cắt giảm khoảng 11.158 vị trí công việc bởi tình trạng tuyển dụng quá mức và muốn cắt giảm chi phí. 21.000 nhân viên của Meta cũng đã phải rời bỏ công việc sau những đợt cắt giảm xuyên suốt cả năm. Ngoài ra, Stripe hay Spotify cũng là những công ty không nằm ngoài làn sóng này. 

Tựu trung, bức tranh công nghệ của năm 2023 được “điểm xuyết” với những sự ra đời và phát triển của hàng loạt ý tưởng hữu dụng. Tuy nhiên, nền công nghệ toàn cầu 2023 cũng đối diện với rất nhiều vấn nạn, tranh cãi, bức xúc,… mà một trong những lý do luôn được đề cập đến chính là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Do đó, 2024 là một năm mà các chuyên gia dự đoán sẽ có nhiều kế hoạch cải tiến và định hình lại tác động của AI theo cách thận trọng hơn.

Nguồn: Tổng hợp
 

Related Article