Men In Cine – Huỳnh Lập và nỗ lực nhắc nhớ về những thành trì trong quá khứ 

  • by Nhựt Chi
  • March 3, 2025

Một buổi chiều trò chuyện cùng đạo diễn, biên kịch và diễn viên Huỳnh Lập, thêm hai tiếng bên trong rạp phim với đủ đầy cung bậc cảm xúc, người viết nhận ra những giá trị văn hóa chưa phải là câu chuyện chính trong tác phẩm “Nhà Gia Tiên”. Huỳnh Lập đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu bật mối quan hệ giữa người với người, trong khi tín ngưỡng thờ cúng truyền thống hay văn hóa ẩm thực vẫn được nhắc nhớ xuyên suốt. Những thành trì trong quá khứ đó đã chạm sâu đến trái tim đông đảo khán giả Việt.

Đã có không ít đạo diễn chọn văn hóa làm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm điện ảnh nhưng mỗi khi có một bộ phim mới ra đời, khai thác sâu vào nét văn hóa Việt đều tạo được sự hứng thú, tò mò của cả công chúng lẫn giới làm nghề. Tuy nhiên, câu chuyện tìm về bản sắc và tính bản địa cho điện ảnh Việt Nam với đa dạng lối đi vẫn có một sai lầm dễ mắc phải: Làm phim để quảng bá văn hóa không nhất thiết phải xoay quanh chính yếu tố văn hóa đó từ đầu đến cuối.

Bởi lẽ, sau khi xem xong một bộ phim, điều đọng lại trong tâm trí khán giả là câu chuyện được xây đắp bởi tính cách, hành động của nhân vật. Văn hóa có thể là điểm nhân vật trong phim tìm đến để bộc lộ và giải quyết mâu thuẫn, nhưng hành động như thế nào để giải quyết lại là những lựa chọn thuộc về quyết định của nhân vật đó. Một bộ phim sâu sắc cần có một câu chuyện lớn, và những yếu tố về lịch sử văn hóa được cài cắm sẽ trở thành biểu tượng nói lên bản sắc Việt trên màn ảnh.

Huỳnh Lập là một người sáng tạo “độc lập”, tức làm phim dựa trên chất liệu cuộc sống cá nhân chứ không hẳn là chạy theo phong trào. Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi vì sao anh cứ mãi quanh quẩn với chất liệu miền Tây vốn có, những câu chuyện ma rùng rợn hay đề tài về tâm linh nhưng tôi nghĩ, nếu như đã có sẵn tài nguyên, tại sao mình không khai thác nó mà lại chạy theo những điều mới lạ khác? Làm sao chúng ta có thể định hướng được tư duy của một người làm nghệ thuật, huống hồ điện ảnh lại là loại hình nghệ thuật không biên giới? Đã là phim cá nhân thì nhân vật ở đó sẽ phảng phất cuộc đời, tư duy, vốn sống, cảm xúc của người tạo dựng nên phim.

Cũng như đạo diễn người Nhật Yasujiro Ozo đã từng nói: “Cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình”. Có lẽ rằng Huỳnh Lập cũng đang bước đi trên con đường sáng tạo dựa trên tiêu chí đó.

GIỜ KHÔNG PHẢI LÚC ĐỂ VUI ĐÙA

“Nhà Gia Tiên” là dự án anh giữ 3 vai trò cùng lúc: đạo diễn, biên kịch và diễn viên. Dù không phải lần đầu, có quá sức với anh không?

Tôi đã quen với công việc “đa nhiệm” và muốn làm thật hiệu quả. Có lẽ vì vậy nên tôi nghĩ dùng từ “tham công tiếc việc” là chính xác nhất để miêu tả về mình, tôi luôn mong muốn mọi thứ phải theo đúng kế hoạch, suy nghĩ của mình thế nào thì đích đến cuối cùng phải giống như mình từng tưởng tượng. Thật lòng tôi nghĩ không khó khi mình làm về những điều mình biết, những điều mình thích và quan trọng nhất là biết bản thân đang làm gì. Dù là khi diễn một vai diễn hay viết một kịch bản, tôi sẽ tự đặt câu hỏi “Mình đang muốn truyền tải điều gì đến khán giả?” hoặc “Mình muốn gì khi đặt câu thoại với ẩn ý như vậy?”, mục đích là để tôi hiểu rõ điều mình đang làm. Cũng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện kịch bản, tôi đã biết ai sẽ là người thực hiện vai diễn đó. Nếu như mình đã xác định được diễn viên thì phần việc còn lại trở nên đơn giản hơn.

Trung thành với thể loại như kinh dị, tâm linh và hài, anh thấy bản thân cần chuyển mình ra sao để các nội dung, tư duy không đi vào lối mòn?

Tôi nghĩ rằng sự chuyển mình nằm ở việc xử lý hình ảnh một cách thú vị. Trong “Nhà Gia Tiên”, tôi mô tả hồn ma bằng da bằng thịt, xóa phần bóng phản chiếu trên nền để khán giả không thắc mắc vì sao ma lại có bóng. Việc ông bà hiện về dưới dạng linh hồn cũng được tôi xử lý trắng đen như hình ảnh cũ ngày xưa. Cũng là linh hồn, cũng là người âm nhưng mỗi bộ phim tôi sẽ tìm tòi, thể hiện theo nhiều cách khác nhau nhằm đem đến cảm giác mới mẻ cho khán giả. Tôi nghĩ mình vẫn giữ nguyên bản sắc vốn có nhưng cũng không quên tiếp thu ý kiến từ công chúng để đa dạng hóa cách tiếp cận và xử lý.

Không ít nghệ sĩ khi chuyển từ kịch sang phim ảnh bị nhận xét là diễn lối “quá kịch”. Dường như anh cũng không ngoại lệ?

Tôi có thời gian dài diễn và sống với nhiều vở kịch, nên khi bước sang phim ảnh, không ít thì nhiều, vẫn chưa thể phân tách rõ ràng hai sắc thái diễn xuất. Tôi vẫn đang cố gắng chuyển hóa nguồn năng lượng, phân định cách diễn trong phạm vi của mỗi thể loại. Ở phim “Nhà Gia Tiên”, tôi tự nhìn thấy vẫn có vài phân đoạn mang hơi hướng kịch chưa được tiết chế, và đó là điều tôi phải học hỏi nhiều hơn. Tôi biết mình đang gặp vấn đề gì và đang mày mò, nỗ lực hơn qua mỗi tác phẩm. Tôi không muốn lặp lại những thiếu sót mà mình đã rõ hơn ai hết.

Những năm tuổi 30 của anh thế nào?

Bạn biết đó, khủng hoảng ập tới. Cột mốc tuổi 30 đánh dấu những thay đổi lớn trong tư duy và những sự chiêm nghiệm của tôi. Tôi không vui đùa với thanh xuân của mình nữa mà quyết liệt thật nhiều để sự nghiệp ngày càng vững vàng hơn, mọi thứ giờ không còn là trải nghiệm nữa.

Trong tương lai, có thiết lập nhân vật nào khiến anh khao khát được khám phá và xây dựng nhất?

Nói về khám phá xây dựng thì tôi hy vọng có cơ hội xây dựng nhân vật phản diện. Dường như các vai diễn tôi viết cho mình đều hướng thiện, hình tượng dễ thương, hoạt ngôn hay đôi lúc là sự đốp chát liên tục. Có một nhân vật nằm ở tuyến phản diện từ đầu đến cuối cũng là một cách mình làm mới mình, cải thiện các kỹ năng diễn bằng mắt hoặc bằng sự vô thanh, đủ để tạo được mạch cảm xúc cho khán giả.

VĂN HÓA LÀ ĐỜI SỐNG

Quay trở lại với câu chuyện lồng ghép văn hóa vào điện ảnh, sau cuộc gặp với đạo diễn Huỳnh Lập cùng trải nghiệm cá nhân, tôi nghĩ ngay đến câu nói “Văn hóa là đời sống”. Bởi lẽ tất cả chi tiết xuất hiện trong “Nhà Gia Tiên”, không có điều nào cần đến sự giải thích. Và giữa biết bao cuộc đổi dời nhanh chóng, thậm chí là vô tình và khắc nghiệt trong tư duy về văn hóa truyền thống của người trẻ, Huỳnh Lập vẫn cùng khán giả tìm lại những giá trị nguyên bản của văn hóa. Chọn đi trên con đường chông gai đồng nghĩa với việc phải chấp nhận sự đánh giá khắt khe hơn, những sai sót về mặt kiến thức văn hóa ít nhiều sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Nhưng xét cho cùng, con đường gập ghềnh này vẫn xứng đáng để các nhà làm phim trẻ một lần dấn thân vào, miệt mài tìm kiếm ý nghĩa từ những thành trì của quá khứ.

Anh từng chia sẻ có đến tám hướng xây dựng kịch bản và hoàn thiện tác phẩm với hướng thứ chín. Quá trình thai nghén dự án với đa dạng lối đi có làm anh cảm thấy hoang mang? Và hướng đi cuối cùng này có điểm gì đặc biệt? 

Ngay lần soạn kịch bản đầu tiên, tôi xây dựng rất nhiều nhân vật. Nếu như phiên bản đầu được thực thi, poster nhân vật bây giờ cũng lên đến 20 người. Nếu đó là một bộ phim dài tập thì tôi có thể chia nhỏ vấn đề để giải quyết, nhưng ở bản điện ảnh làm vậy thì thành ra lan man.

Ban đầu tôi còn chưa nghĩ đến nhân vật bạn thân Phát Phì mà thay vào đó là một anh bạn điển trai. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, tôi cho rằng việc đưa một nhân vật có ngoại hình đẹp mắt vào sẽ làm loãng mạch phim, dễ chuyển hướng phim sang đề tài tình yêu, trong khi tôi chỉ muốn tập trung chủ đề gia đình. Đó là lý do tôi quyết định chọn xây dựng hình tượng Phát Phì như các bạn đã biết.

Bên cạnh đó, gia đình ở phiên bản đầu cũng chia ra nhiều nhánh. Ngoài các nhân vật cố định như ba mẹ, ông nội, còn có thêm chú Ba, cô Tư, dì Sáu, bác Bảy,… và mỗi người như vậy sẽ có tính cách và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi một lần thay đổi kịch bản là mỗi lần mọi thứ được tinh gọn hơn. “Nhà Gia Tiên” hiện tại là một kịch bản “vừa đủ”.

Văn hóa là một phạm trù rộng lớn. Khi bắt tay thực hiện “Nhà Gia Tiên”, anh gặp khó khăn gì trong việc định hình dạng thức văn hóa mình muốn khai thác?  

Ban đầu câu chuyện chỉ gói gọn bên trong căn nhà cổ miền Tây với tín ngưỡng thờ cúng ông bà. Đạo diễn Lý Minh Thắng là người hướng dẫn tôi rất nhiều hình tượng để có thể bám vào đó phát triển mạch phim, bởi nếu chỉ làm câu chuyện đơn giản như nhà cổ thì chưa thể mang đến được tính sâu sắc của biểu tượng. Trong rất nhiều ý tưởng, từ miếng gạch bông cho đến những bức hình trắng đen của ông bà, tôi chọn tranh kiếng – nét đẹp văn hóa dân gian vừa lạ vừa quen.

Tranh kiếng không chỉ có riêng ở miền Tây Nam Bộ mà còn trải dài trên cả nước. Mỗi miền sẽ có những câu chuyện riêng với những mục đích khác nhau. Có những nơi sử dụng tranh kiếng để trang trí hoặc để diễn tả một câu chuyện, một giai thoại nào đó; nhưng khi về miền Tây Nam Bộ thì tranh kiếng chủ yếu mang màu sắc thờ phụng. Khi bước vào một căn nhà cổ ở khu vực miền Tây, bạn đều sẽ nhìn thấy bức tranh kiếng “Cửu Huyền Thất Tổ” quen thuộc.

Đã có biểu tượng về phần nhìn thì cũng phải có biểu tượng về mặt vị giác, đó lúc tôi lồng ghép văn hóa ẩm thực. Tôi muốn cho mọi người biết bánh xèo là món bánh truyền thống của người Việt, và bánh xèo miền Tây tượng trưng cho sự sum họp.

Trong kịch bản mà anh phải cân đo đong đếm nhiều lần, yếu tố về văn hóa nhiều đến vậy có làm anh cảm thấy bị quá tải? 

Tôi thấy may mắn vì những nét văn hóa đưa vào phim đều xuất hiện trong đời sống thường nhật. Hình ảnh chiếc bánh xèo thân thuộc lặp đi lặp lại trong cuộc sống của tôi, từ những chiếc bánh tôi ăn ở hàng quán cho đến những chiếc bánh do ông bà đổ ở quê nhà. Tôi muốn đưa những bức tranh kiếng lên phim, để tái hiện nét đẹp và để chúng không bị mai một. Ở thành phố, người ta không thờ phụng nhiều như ở dưới miền quê.

Trong “Nhà Gia Tiên” có truyền thống đổ bánh xèo từ nhiều đời, hoặc bức tranh kiếng vẫn luôn hiện hữu trong nhà, và đó chính là đời sống của câu chuyện. Những biểu tượng văn hóa không hề bị tách rời khỏi câu chuyện tôi kể, nó ở đó, là một điều hiển nhiên không thể thiếu, trở thành cầu nối đưa các nhân vật đến những xung đột cao trào và sau đó là những thời khắc hóa giải hiểu lầm. Nên tôi thấy mọi thứ mình kể trông có vẻ ngồn ngộn nhưng nhẹ nhàng lắm.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

library