Quang Phạm: “Trên người tôi chẳng có hình xăm nào cả!”
Arts & CultureFeature

Quang Phạm: “Trên người tôi chẳng có hình xăm nào cả!”

Giành 11 giải thưởng cao liên tiếp trong 3 năm ở cả Việt Nam và các cuộc thi thế giới và được mời làm giám khảo trong các cuộc thi xăm thế giới tổ chức ở Thái Lan và Philipine, Quang Phạm là một trong những tattoo artist thành công nhất Việt Nam hiện nay.

Nhưng cũng với từng ấy thành tích, Quang Phạm vẫn rất ngạc nhiên khi biết tôi có nghe nói đến tên anh. Thế giới xăm hình, như anh nói, tưởng lớn mà lại cũng rất nhỏ, và “trước đây thì người thợ xăm phải trầy da tróc vẩy lắm mới có thể được công nhận trong giới.” Cựu kĩ sư thi công Quang Phạm bắt đầu học xăm chuyên nghiệp khi đã 26-27 tuổi, vào năm 2009, khi xăm hình còn chưa được gọi là một nghề mà giống thú chơi mới hơn. “Tôi nhận ra mình không có đam mê với công việc cũ, nhưng lúc nào tôi cũng mê vẽ nên có lẽ nghề xăm là phù hợp nhất để theo đuổi.”

Quang Phạm mê vẽ từ nhỏ, và vẽ đẹp đến mức từng có “ông chú hàng xóm” nhờ xăm nốt hộ ông một hình trên lưng dù lúc đó anh còn quá trẻ và còn chẳng biết xăm hình rốt cuộc để làm gì. Đó cũng là lần đầu tiên Quang Phạm tiếp xúc với hình xăm. Kĩ thuật đơn giản trước đây được Quang Phạm áp dụng từ thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành, nhưng chỉ để “xăm chơi cho bạn bè”, anh nhớ lại. Quang Phạm đã có 12 năm gắn bó với nghệ thuật xăm, nhưng thừa nhận 6 năm đầu hầu như không có dấu ấn gì vì anh chưa thực sự định hình phong cách ở thời điểm đó. “Một tattoo artist luôn bắt đầu là một người thợ, chủ yếu là sao chép và hoàn thiện về kĩ thuật. Rồi sau đó, khi có thể có những sáng tạo của riêng mình, để ai nhìn vào đó sẽ nhận ra ngay dấu ấn của mình, đó là lúc họ có thể được coi là artist.”

Tự xăm cho mình thì có khó hơn xăm cho người khác không?

Xăm về căn bản thì phải dùng cả hai tay, một tay xăm một tay căng da. Nếu một người mà chịu đau kém thì cơn đau sẽ ảnh hưởng tới tinh thần, da bị chùng xuống làm chất lượng hình xăm không được tốt. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết trên người tôi không có hình xăm nào cả. Xăm qua nhiều hình rồi chẳng có hình nào tôi đặc biệt thích, thứ hai là tôi đòi hỏi kĩ thuật cao, nên không tin tưởng người khác xăm cho mình, sợ nó không ra được như mình mong đợi. Vấn đề không phải là tôi xăm hình gì mà là ai xăm cho tôi thôi.

Ai là người định hình phong cách bây giờ của anh?

Nghệ sĩ xăm người Ukraine Dmitriy Samohin, người mà có thể coi là đỉnh cao, huyền thoại của thế giới xăm tả thực. Thời điểm tôi bắt đầu nghiên cứu tìm tòi về xăm, tôi tìm ra ông và biết rằng đây là phong cách mà mình muốn đi theo.

Tả thực là như thế nào trong nghệ thuật xăm? Nó khác như thế nào so với tả thực trong hội họa?

Kĩ thuật xăm Việt Nam hiện nay có hai trường phái chính: tả thực và truyền thống. Truyền thống thì là về đường nét cách điệu, mảng khối, nó yêu cầu về văn hóa, tích lũy văn hóa nhiều hơn. Còn bản chất tả thực trong xăm hình thì yêu cầu người nghệ sĩ phải có kiến thức về hội họa như không gian, chiều sâu, độ đậm nhạt. Tả thực trong xăm hình thiên về thể hiện hơn. Có thể nói là, một cái khó về thiết kế một cái khó về thể hiện. Tả thực là vẽ lại hình ảnh thực, chứ không phải cách điệu hay biến tấu. Nó giống như là mình vẽ lại một bức tranh có chiều sâu không gian trông y như thật. Bởi vậy tả thực trong xăm hình không yêu cầu nhiều về sáng tạo, chỉ yêu cầu nhiều về kĩ thuật, về mực xăm, về dụng cụ xăm.

Tôi nghe nói anh là nghệ sĩ xăm tự học?

Đúng vậy! Qúa trình bước vào xăm cho đến nay là 12 năm. 6 năm đầu coi như là vứt đi, vì tôi không hiểu biết, không định hình được mọi thứ, mình phải tự mò mẫm. Vào thời điểm đó tôi cũng không biết xăm tả thực là phong cách gì, nó là thứ vượt ngoài tưởng tượng của tôi, không hiểu tại sao người ta có thể làm ra một cái hình như thế! Hồi đó thì internet chưa được như bây giờ, mình chỉ có thể tìm hiểu bằng cách đọc các bài trên mạng, tìm hiểu trên các diễn đàn, forum, xem các video ngắn đơn giản rồi đúc rút mỗi chỗ một tí, rút ra được nhiều kinh nghiệm, cộng với tôi thực hành nhiều, xăm nhiều. Phải xăm nhiều thì mới có thể cho ra được những tác phẩm đẹp.

Theo anh, định nghĩa về một nghệ sĩ xăm chuyên nghiệp sẽ như thế nào?

Theo tôi, khái niệm ấy cũng chẳng có gì hoành tráng, phức tạp cả. Một người mới bước vào làm quen xăm thì họ chủ yếu sao chép trước, sao chép mọi thứ một cách hoàn hảo, nắm giữ kĩ thuật nhuần nhuyễn. Từ đó để chuyển qua giai đoạn “nghệ sĩ”, nghĩa là phải biết cách sáng tạo ra cái của riêng mình, tác phẩm không còn là thứ của người khác nữa mà là mình phài tạo ra được thiết kế và dấu ấn riêng. Nếu người ta nhìn vào tác phẩm mà nhận ra ngay đấy chính là phong cách của mình, thì lúc đấy mình có thể tự gọi bản thân là nghệ sĩ xăm.

Để định hình được một phong cách vững chãi như thế thì có mất nhiều thời gian không?

Tôi mới định hình phong cách cách đây khoảng 5 năm thôi. Mục tiêu là vì muốn được thế giới công nhận, nhận được những tài trợ nước ngoài. Tôi bắt buộc phải giữ hình ảnh chuyên nghiệp như thế.

Anh nghĩ lí do tại sao mình lại có giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi xăm tầm cỡ quốc tế như vậy?

Thứ nhất là vì tôi muốn nhìn nhận bản thân trên khu vực và quốc tế. Thứ hai là tôi cũng muốn ra nước ngoài để nói với người ta là ở Việt Nam cũng có những người thợ xăm đẳng cấp, có trình độ không thua kém gì nước ngoài. Xăm ở Việt Nam còn quá mới, mới có mười mấy hai mươi năm, trong khi ở Thái Lan đã 40 năm rồi, hay những nước khác còn lâu hơn thế nữa. Vì vậy người nước ngoài cũng không chú ý gì, không biết là mình cũng có một nền công nghiệp xăm đang phát triển.

Quá trình lên ý tưởng và thực hiện hình xăm của anh thường diễn ra như thế nào?

Khi người ta muốn xăm theo phong cách của tôi, thì tôi sẽ hỏi họ có ý tưởng như thế nào, muốn xăm kiểu nào, có những mong muốn hay câu chuyện gì. Khi người ta nói chuyện với tôi thì họ sẽ đưa ra những tiêu chí chủ đạo như muốn xăm con sói, chiến binh, gia đình… Tôi sẽ bắt đầu thiết kế dựa trên những ý tưởng đó.

Có bao giờ anh từ chối một ý tưởng nào chưa?

Về mặt ý tưởng thì tôi chưa từ chối bao giờ. Tôi chỉ đưa ra những lời khuyên cái nào tốt cái nào không tốt thôi.

Tôi thắc mắc trong lúc xăm, anh hay nghĩ tới điều gì hay có cảm xúc như thế nào?

Khi xăm thì phải có tinh thần vững. Nếu tôi bị ảnh hưởng bởi khách hàng thì không thể gọi là thợ xăm chuyên nghiệp được. Bản chất của hình xăm chính là “hành xác”. Chấp nhận đi xăm có nghĩa là chấp nhận hành xác, cơn đau phải có. Có nhiều cách hạn chế cơn đau như uống thuốc hay dán thuốc tê, không nhất thiết phải chịu cơn đau nhiều thế. Kỹ thuật của tôi giúp người đi xăm chỉ hơi đau thôi, nên cũng thuận lợi hơn.

Kỹ thuật có quan trọng và khó trong xăm hình hay không?

Trong xăm hình, để gọi master không chỉ dựa vào việc bạn xăm đẹp hay không, mà là đẹp trong bao lâu. Cái khó là ở chỗ đó.

Anh đúc kết gì về nghệ thuật xăm hình?

Thứ nhất, tôi thích làm nghệ thuật cụ thể là nghệ thuật xăm. Thứ hai tôi muốn tạo hình ảnh cho Việt Nam về nghệ thuật xăm, để lứa sau này sẽ dễ dàng, có nhiều thuận lợi hơn.

Sự phát triển của nghệ thuật xăm hình Việt Nam đang ở giai đoạn nào theo sự quan sát của người trong cuộc như anh?

Nó đang ở giai đoạn cực kì rực rỡ. Học xăm ở nước ngoài vốn dĩ rất khó, như một cái vòng tròn, ai cũng phải trầy da tróc vảy rồi mới vào được cái vòng tròn ấy. Ở Việt Nam thì khác, ai cũng được xăm, ai cũng đi xăm, thích xăm thì xăm, xăm xấu xăm đẹp gì cũng được. Mua bộ đồ nghề vài triệu chịu khó học từng chút từng chút rồi cũng xăm được. Người xăm thì quá yêu cầu về độ nghệ của hình xăm.

Vậy nên xăm hình ở Việt Nam đang phát triển rất nhiều trong năm vừa qua. Điều này tích cực ở chỗ tự do phát triển thoải mái, nhưng tiêu cực ở chỗ sẽ có những người họ không thực sự nghiêm túc với nghề, tạo ra hình ảnh xấu. Người trẻ bây giờ cũng được tạo điều kiện để phát triển hơn, mất vài tháng đi theo thầy là đã có kinh nghiệm căn bản để thực hành xăm rồi, không như bọn tôi trước kia phải tìm tòi mất rất nhiều thời gian. Cơ hội dành cho họ là rất nhiều.

Theo anh, xăm hình gắn kết như thế nào với nghệ thuật đường phố?

Hình xăm nói lên cá tính con người, cách sống con người. Đối với tôi hình xăm nó chỉ đơn giản là tạo nên con người như vậy!

Cảm ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị!

Bài viết thuộc ấn phẩm MF#7 – The Street Culture Issue. Đặt mua ấn phẩm tại ĐÂY:

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

Bài: Vân Anh
Ảnh: NVCC
 

Related Article