Nghe Daos501 nói về 15 năm gắn bó của mình với graffiti ở Sài Gòn với đủ mọi cung bậc cảm xúc: vui vẻ cũng có mà tiếc nuối cũng nhiều. Những sáng tạo của Daos501 vượt khỏi giới hạn đường phố để đến với 3 triển lãm cá nhân trong gallery, chẳng lạ khi người ta gọi anh là “tay sơn” gạo cội của làng graffiti Việt.
“Tôi mê vẽ từ nhỏ” Daos501 bắt đầu câu chuyện như vậy. Tiếp đó là sự xuất hiện của nhạc rap, là những video âm nhạc anh hay xem lúc bấy giờ, rồi đến hình ảnh những người Mỹ gốc Phi vẽ lên những mảng tường trên đường phố New York hay Chicago, lúc đó cậu bé Daos501 không biết kiểu vẽ như vậy có một định danh riêng: graffiti, và anh sẽ gắn bó với nó đến tận bây giờ, thậm chí có hai triển lãm cá nhân với tư cách nghệ sĩ graffiti.
“Tôi còn nhớ bức vẽ bằng sơn đầu tiên ngay ở khu tôi sống, trước cửa nhà luôn, cứ ngồi ăn cơm là sẽ nhìn thấy.” Nghe Daos501 kể chuyện về đời sống graffiti ở Sài Gòn thì thấy cũng chẳng khác mấy so với những hoạt cảnh sôi động của người trẻ Mỹ gốc Phi vào những năm 1960-1970s ở đường phố Philidelphia hay New York. Tất nhiên đó là hai viễn cảnh khác nhau, nhưng tinh thần, thì rất đặc trưng. “Đó là tinh thần của văn hóa đường phố đích thực,” Daos501 nói. Cái tinh thần đòi hỏi Daos501 và những người có cùng đam mê tụ tập theo nhóm, cùng bỏ thời gian nghiên cứu về vẽ, cùng đi xin hay ăn cắp sơn, rồi cùng đi tới những bức tường được chọn để vẽ. May thì họ có thể hoàn thành, còn xui thì… bị đuổi. “Bị đuổi thì bọn tôi chạy, rồi quay lại vẽ tiếp. Bọn tôi nghe chửi cũng nhiều,” anh cười.
Phải nhốn nháo một chút như vậy thì mới là đường phố, phần còn lại của văn hóa ấy là những nhóm nhảy breakdance, là những ca khúc hip-hop bật xập xình. Tất cả tạo nên một tổng hòa đời sống của những người trẻ đô thị thời điểm người ta còn mặc định graffiti về cơ bản là vẽ bậy cho vui mà thôi. Nhưng bởi gắn liền với cuộc sống và thực tế nhiều hơn, nên graffiti cũng có những quy luật riêng của nó. Ví dụ là Daos501 sẽ không thể có sự tôn trọng những người vẽ graffiti mà chẳng đi “vẽ bậy” bao giờ, “Môn nghệ thuật đường phố này có tinh thần và tính cách riêng, gắn với những nỗi sợ và áp lực gặp phải khi vẽ trên phố, đó là sự đánh đổi cần thiết.”
Những tác phẩm của anh thường có concept nhất định nào không? Hay chỉ là tự do sáng tạo thích gì thì vẽ thôi?
Trước khi vẽ graffti thì tôi vẽ truyện tranh. Ở trong truyện tranh, người vẽ phải suy nghĩ về kịch bản, phác thảo bố cục, nghiên cứu về cảm xúc nhân vật và nội dung câu chuyện. Nó giống như một cuốn phim, rất phức tạp. Còn graffiti thì đơn giản hơn, và tôi cũng thích người ta biết đến tôi qua những hình vẽ. Có một nguyên tắc là khi vẽ graffiti thì mình có thể vẽ tên của mình trên tường, người ta sẽ nhắc đến người đó. Đó là cách thể hiện bản thân, được mọi người chú ý đến thông qua bức vẽ của mình.
Kể từ khi bắt đầu gắn bó với graffiti, mất bao lâu để mọi người bắt đầu chú ý đến anh?
Tôi cũng không rõ. Thời điểm đó tôi chỉ là một thiếu niên thôi. Những bạn mà chơi thể thao giỏi, nhảy đẹp hoặc rap thì rất được nhiều người nể. Còn tôi chỉ là một người vẽ giấu mặt, thời đó lại không có internet, muốn người ta biết đến mình thì chỉ có nhìn qua những bức vẽ ngoài đường thôi. Điều này tất nhiên cũng khiến tôi không tránh khỏi cảm giác ganh tị. Tôi thấy mình may mắn là dù ganh tị nhưng không có những ý niệm xấu, không đánh giá mình cao hơn tác phẩm của mình. Khi người ta đến nhìn ngắm và bàn luận về bức vẽ của mình, mà không biết mình là ai, tôi thấy vậy cũng được. Cho đến khi tôi lên đại học thì mới được một số người biết tới. Tôi thấy đó cũng là điều may mắn, vì mình không quá đặt nặng vấn đề hình ảnh cá nhân, những tác phẩm của mình sẽ được đánh giá một cách thuần khiết nhất.
Qúa trình vẽ graffiti của anh thường diễn ra như thế nào? Bao gồm những công đoạn/bước nào?
Trước khi vẽ, tôi sẽ vẽ thử những font chữ muốn vẽ trên giấy. Sau đó đi tìm bức tường mà mình muốn vẽ, chọn màu, mua sơn, rồi bắt đầu vẽ thật. Sau đó khi vẽ nếu bị rượt thì chạy mà không thì vẽ tiếp. Lúc mới bắt đầu thành phố chưa có nhiều công trình để tôi có thể vẽ lên tôn, tôi chỉ đi tìm các mảng tường lớn của khu xí nghiệp hay nhà dân thôi. Sau một vài sự kiện, tôi càng trở nên thận trọng hơn trong việc mình sẽ vẽ lên đâu.
Phong cách vẽ của anh đã thay đổi như thế nào sau quá trình hơn chục năm gắn bó với graffiti?
Nó hoàn thiện hơn. Bạn đầu, tôi là người thích phong cách cũ. Tôi thích những tác phẩm mang tính cổ điển và hiện thực và không thích những tác phẩm mang nhiều tầng ý nghĩa quá. Khi vẽ graffiti tôi cũng chí có một tầng ý nghĩa duy nhất: Bạn đọc được tên của tôi thì bạn đang hiểu tôi đang muốn truyền tải cái gì, cả thế giời biết tôi là ai. Cách tư duy đó ảnh hưởng đến cách tôi vẽ và cách tôi nhìn về chuyện vẽ. Tôi phát triển style cổ điển cho tới bây giờ, nó chỉ ngày càng được trau chuốt ngày càng đẹp hơn thôi, chứ tôi chưa chuyển qua cái tầng ý tưởng khác hay cách thể hiện khác.
Graffti là sản phẩm của đô thị. Hôm nay nó ở đó, ngày hôm sau đã không còn nữa. Chính điều đó thôi thúc mình vẽ thêm nhiều nữa thay vì dậm chân tại chỗ. Mình sẽ không bị cái gọi là ‘hoài niệm quá khứ’.
Việc “vẽ xong rồi mất” có phải một phần đến từ việc nhiều người không coi graffiti là một hình thái nghệ thuật?
Có lẽ vậy, thú thực nếu ai tới vẽ bậy nhà tôi thì tôi cũng đuổi thôi. Cái hay của việc vẽ rồi mất ngay là là tôi được làm người bình thường để nhìn nhận những gì mình đang làm, biết cái nào hay cái nào tốt. Nhưng nếu bảo tôi chỉ làm theo cái gì tốt thôi thì rất khó, vì nó sẽ bó hẹp tư duy và cảm xúc dành cho tác phẩm. Sự thú vị của văn hoá graffiti là, nếu nó hay nó đẹp thì nó sẽ không bị xóa, nếu người ta thấy nó kì cục thì người ta sẽ xóa. Khi muốn vẽ đè lên tác phẩm của người khác, bạn buộc phải che hết tác phẩm cũ để tỏ sự tôn trọng với tác giả. Ở Việt Nam cũng có vài người vẽ đè lên tác phẩm của tôi nhưng không che hết. Nhưng dù thế nào khi nhìn lên đống hỗn độn đó tôi có thể biết nó là của ai nếu họ thực sự có tiếng nói và phong cách riêng trong cộng đồng. Nhưng với người không vẽ graffiti hay không thấy nó đẹp thì họ sẽ không hiểu. Mình cũng không thể ép cho họ hiểu. Vì có người thấy xấu mà người kia thấy đẹp, đổi ngược lại có người thấy đẹp mà người kia thấy xấu. Để dung hòa chuyện đó hay không thì đó là việc của người tạo ra tác phẩm đó.
Những tác phẩm vẽ trên tường công cộng trong các dự án có hỗ trợ về truyền thông có phải là một dấu hiệu tốt mở đường cho graffiti trở thành loại hình nghệ thuật chính thức?
Với người có tư tưởng nửa bảo thủ nửa cấp tiến như tôi thì câu trả lời sẽ nửa vời lắm. Tôi có được cơ hội để mọi người đón nhận và tôi cũng có những suy nghĩ ích kỉ của một người vẽ graffiti. Ví dụ, con chó sói đẹp vì có nét hoang dã, nếu nó không còn nét hoang dã nữa thì nó với con chó phốc ở nhà chẳng khác gì nhau. Graffiti cũng vậy, nó có vẻ đẹp của hoang dã, sự mạnh mẽ và cái thuộc về tự nhiên. Khi graffiti được công cộng hóa như thế thì nó không còn là graffiti nữa, nó mất đi tính chất nguyên thủy.
Tôi không thể đánh giá chuyện đó đúng hay sai. Tôi chỉ muốn người ta tôn trọng những tác phẩm của tôi khi nó ở trong triển lãm hay trong dự án cộng đồng. Còn với những tác phẩm graffiti tôi vẽ xưa nay thì tôi chỉ muốn họ đánh giá đúng chất như là graffiti thôi. Graffiti với tụi tôi chính là nét văn hóa, giống ăn cơm mặc đồ. Nó không còn là nghệ thuật nữa rồi. Nghệ thuật là những tác phẩm mà tôi ứng dụng văn hóa “graffiti” để đưa nó đến công chúng.
Anh có thể nói cụ thể hơn về văn hóa “graffiti” được không?
Để graffiti là một văn hóa, những người làm graffiti sẽ có cách sống, cách sinh hoạt, tính cách tôn vinh graffiti của mình, tạo sự kết nối với nhau. Hoặc là họ sẽ có tư tưởng hiphop vì graffiti cũng là một phần của văn hóa hiphop. Tuy nhiên, không phải ai có máu hiphop cũng có thể vẽ được graffiti. Xưa chúng tôi hay nghe nhạc hiphop, gặp gỡ anh em, tôn trọng mọi người, nhiều khi cũng có luật lệ riêng.
Quốc gia nào có văn hoá graffiti để lại ấn tượng mạnh về graffiti?
Indonesia. Có lẽ họ không phải là quốc gia có bề dày lịch sử graffiti lâu đời nhất hay có những nghệ sĩ graffiti nổi tiếng nhất, nhưng họ là quốc gia đón nhận graffiti một cách tự nhiên và giành cho nó nhiều tình cảm. Vì thế graffiti ở quốc gia họ được phát triển rất tốt. Những người trẻ ở đó có cơ hội để chinh phục thông qua tác phẩm của mình. Nó cũng đến từ sự đơn giản của người dân. Người ta thấy không phải mất công tốn tiền bôi nó đi làm gì, để vậy có khi ngày hôm sau chúng nó lại vẽ đẹp hơn.
Theo anh, vì sao có rất nhiều nghệ sĩ graffiti nhưng cái tên Danny Dao vẫn luôn được coi là một trong những nghệ sĩ graffiti gạo cội?
Tôi nghĩ tại tôi vẽ nhiều. Cũng có nhiều người vẽ nhưng chán rồi dừng lại, nhưng có những người như tôi tiếp tục vẽ. Tôi nghĩ một phần vì tôi cố chấp hơn người khác, cố chấp vì ngoài vẽ ra tôi có lẽ không giỏi cái gì khác nên tôi cứ vẽ tiếp thôi. Có thời gian tôi bị loạn màu, tôi vẽ một thời gian rồi tôi. Tôi cứ vẽ nhiều với mong muốn chinh phục người khác, có thể họ sẽ thích không nhiều mà chỉ một tác phẩm của tôi thôi cũng được. Tôi đã chạy theo cái lý tưởng nghe hơi cũ hơi sến như thế.
Graffiti có thể dùng để tuyên truyền được không?
Graffiti dùng để truyền cảm hứng thì đúng hơn, nói tuyên truyền thì cứng nhắc quá.
Anh nghĩ gì về graffiti ở Việt Nam bây giờ và trong tương lai?
Sẽ đến lúc thế hệ của tôi lớn tuổi hơn, lo nhiều về gia đình và cuộc sống sau này, những tình cảm dành cho graffiti sẽ dần dần ít lại, tư tưởng thuần khiết về graffiti lúc ban đầu cũng dần dần mất đi và không được truyền lại cho đời sau. Họ sẽ không còn được nghe câu chuyện về những lần dũng cảm hay đáng nể của người làm graffiti khi họ không có điều kiện nhưng có nhiệt huyết. Thế hệ mới sẽ tập trung nhiều vào cá nhân của họ. Họ sẽ giấu mình dưới công nghệ và không còn thể hiện nó ngoài đường nữa.
Không còn cuộc hội họp hay đánh giá nét vẽ của họ một cách trực tiếp. Dần dần người trẻ không còn giữ được tinh thần máu lửa như vậy nữa. Tôi mong là mình vẫn vẽ để có thể giữ ước mơ cho những người bạn từng vẽ graffiti của tôi và những người đã tiếp sức tôi, để có thể kể cho thế hệ sau về tinh thần graffiti nguyên bản như 20 năm trước. Còn graffiti sống hay chết có lẽ là kết quả của thời đại…
Cảm ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị!
Bài viết thuộc ấn phẩm MF#7 – The Street Culture Issue. Đặt mua ấn phẩm tại ĐÂY:
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!
Bài: Vân Anh
Ảnh: Andi, Rei ArtSpace, Daos501