#ManCrushMonday: Người mẫu Anthony Hoàng nói về nhân dạng, bản sắc và Amy Tan
Man Crush MondayStyleTrends

#ManCrushMonday: Người mẫu Anthony Hoàng nói về nhân dạng, bản sắc và Amy Tan

Trong mỗi người đều tồn tại những mâu thuẫn, nhưng đối với người mẫu Anthony Hoàng, mâu thuẫn ấy còn đến từ sự giằng xé giữa hai nhân dạng: một cậu bé gốc Việt và trưởng thành tại Mỹ.

Anthony Hoàng

Anthony Hoàng đến với nghề người mẫu một cách rất tình cờ. Bốn năm trước, khi vẫn còn bị trói buộc với công việc văn phòng, anh được bạn nhờ làm mẫu vào cuối tuần. Cứ thế, anh bị công việc này cuốn hút và dấn thân vào nó đến nay đã được hơn một năm. Khi nói về Anthony, những người từng có dịp cộng tác đều khen ngợi anh vì sự hy sinh cho công việc, thậm chí sẵn sàng nhảy xuống suối để có những shoot hình đẹp nhất.

Anh miêu tả thời trang như một dạng nghệ thuật, một cách thể hiện bản thân và là một phương thức để diễn dịch thực tại. “Tôi chỉ là một mảnh ghép để thể hiện tác phẩm nghệ thuật ấy. Ngoài tôi ra, còn có cả một ê kíp đang cố gắng hết sức mình nên tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể, miễn là nó đẹp”. Cách tạo dáng của Anthony có sự uyển chuyển như múa và mang những rung cảm đặc biệt, khiến bức ảnh trở nên sâu sắc và rất có “thần”.

Cũng như bất kỳ cá thể làm nghề sáng tạo nào khác, Anthony theo đuổi sự hoàn mỹ. Anh chưa bao giờ thực sự hài lòng với các tác phẩm của mình: “Khi nhìn thấy một bức hình đẹp, tôi nghĩ mình có thể làm gì để cải thiện nó? Nếu bạn cảm thấy hoàn toàn hài lòng thì làm gì còn cái ‘sau đó’ nữa”.

Sự cầu toàn này một phần đến từ nỗi tự ti về ngoại hình của những năm tháng thiếu niên. Anh từng nghĩ rằng bản thân không ăn ảnh và hình ra rất xấu. Anh nhớ lại khoảnh khắc được bạn mời chụp hình, anh đã phải tự thuyết phục bản thân nhiều lần rằng phải có lí do thì họ mới chọn mình. Với anh, thứ kinh khủng hơn cả nỗi sợ chính là sự hối hận vì mình đã không thử.

Tôi nghĩ đó là bản chất của con người khi có một chút hoài nghi về bản thân. Nỗi sợ sẽ chiến thắng nếu nó ngăn cản được bạn làm một điều gì đó. Nếu bạn sợ, hãy cứ làm thôi.

Tựa như ý nghĩa cái tên của mình, Anthony mang đến sự ấm áp vô giá mà hiếm người nào có được. Nó thể hiện qua cách anh cư xử, từng lời nói và cả việc đối đãi với cuộc sống bằng cả sự chân thành. Anh vẫn xài một chiếc ba lô cũ đã từng theo anh qua rất nhiều quốc gia, hay một cây bút máy mà anh dùng trong mọi kì thi từ năm cấp một cho đến khi vào đại học. Khi làm mất nó, anh kể rằng mình cảm giác như mất đi một thứ gì đó rất thân thiết. Anh viết thư cho thương hiệu đã làm nên chiếc bút đó, bày tỏ sự tri ân rằng chiếc bút tốt đến mức nào. Có nhiều thứ chúng ta dùng mãi không phải vì nó đặc biệt tốt, mà vì chúng ta cảm nhận được chân tình từ những món đồ cũ kĩ ấy.

Hoàng Tử Bé từng bảo tôi rằng: “Loài người tự đặt mình lên những chuyến tàu tốc hành, nhưng họ không hề hay biết họ đang tìm kiếm điều gì. Họ vội vã, phấn khích và quay mòng mòng trong những mớ bòng bong. Đây chẳng phải là điều tệ hại, nhưng họ cứ như thể những người mù. Một ai đó phải nhìn mọi thứ bằng trái tim chứ?”

Bằng cả trái tim – đó chính là cách mà Anthony Hoàng nhìn nhận cuộc sống. Sau buổi chụp ảnh, anh mang vào đôi giày thể thao và đi bộ về nhà. Anh bảo, việc đi qua phố phường giúp mình cảm nhận cuộc sống theo một góc nhìn mới.

Anthony Hoàng đam mê văn hóa và du lịch. Những năm trước đây, anh đã sống ở rất nhiều quốc gia như ở Anh 3 năm, Trung Đông 3 năm và cả Pháp nữa. Tuy nhiên, có thứ gì đó ở Việt Nam đã níu chân anh lại suốt mười năm nay.

Nghe có vẻ cliché, nhưng tôi cảm thấy có một sự kết nối về nguồn cội ở mảnh đất này. 

Anthony thích đọc sách và rất ngưỡng mộ nữ tác giả người Mỹ gốc Trung Amy Tan với tác phẩm The Joy Luck Club (Hoan lạc hội) từng được dựng thành phim. Các sáng tác của Amy Tan đặt ra những vấn đề bức xúc về văn hóa trong một xã hội đa văn hóa (multi-cultural), đa chủng tộc; những vấn đề xung quanh quá trình hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hoa nổi cộm không chỉ trong cộng đồng những người nhập Cư gốc Á ở Mỹ mà còn là một tiến trình vận động chung trong xã hội hiện đại.

Thuộc thế hệ con cháu đầu tiên của những người Việt Nam di cư qua Mỹ, Anthony cảm thấy một sự kết nối với nữ tác giả vì những chia sẻ của bà về việc là thế hệ đầu tiên của người châu Á tại Mỹ và mối quan hệ với mẹ. Họ rất khó để kết nối với nhau vì mẹ bà được sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc. Mối quan hệ giữa mẹ và con khi người con bị Mỹ hóa bên cạnh người mẹ muốn giữ truyền thống chính là thứ mà Anthony đã trải nghiệm khi là một người Mỹ gốc Việt. Anh luôn cảm nhận được sự mâu thuẫn đến từ nhân dạng của mình: “Tôi từng không biết mình thuộc về thế giới nào. Người Việt, người Mỹ hay cả hai”.

“Thế anh đã biết mình là ai chưa?” – tôi hỏi. Anthony Hoàng khẳng định chắc nịch: “Tất nhiên là rồi và tôi chưa bao giờ tự tin hơn lúc này”. Khi đặt sự mâu thuẫn qua một bên, ta sẽ nhìn thấy hai thế giới như một (Rumi). Những nét tính cách có được từ nguồn cội và môi trường trưởng thành đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một Anthony không thể lẫn vào đâu được. Bên cạnh phần Việt Nam cởi mở, giàu cảm xúc và khá ồn ào, phần Mỹ trong anh là sự lạc quan: “Chúng ta thường nghe cụm từ ‘giấc mơ Mỹ’ bởi vì người Mỹ vốn luôn tin rằng bạn có thể thành công trong mọi việc khi làm việc chăm chỉ. Cha mẹ tôi đã vượt biên để cho tôi một cuộc sống tốt hơn và cơ hội theo nhiều cách. Tôi luôn rất biết ơn”.

Cũng như trong các tác phẩm của Amy Tan, mẹ cũng là người ảnh hưởng nhiều nhất đến Anthony. Một trong những bài học mà bà đã dạy anh từ tấm bé đã trở thành kim chỉ nam suốt cuộc đời này: “Tôn trọng bất kỳ ai mà bạn gặp và hãy biết ơn vì mọi thứ”.

Ảnh: Rabhuu Studio
Trợ lý: Đặng Minh Hoàng
 

Related Article