Mọi chu trình làm đẹp đều phải bắt đầu từ bước làm sạch. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ bó hẹp khái niệm “sạch” trong bước tẩy trang và rửa mặt. Vì đó chỉ mới là bước hoạt động bề mặt, thực tế mọi làn da đều cần phải được trải qua quá trình tẩy tế bào chết thường xuyên, đúng liều lượng để làm sạch cả những phần ẩn sâu bên trong lỗ chân lông.
Trong cơ thể một ngày sẽ có nhiều tế bào chết đi và nhiều tế bào được tái tạo. Làn da cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, lớp sừng chết trên da sau khi kết thúc vòng đời và hết tác dụng của nó vẫn nằm lại trên da mà không dễ dàng được rửa trôi bởi nước hay các loại sữa rửa mặt thông thường. Những tế bào chết này nếu không được lấy đi kịp thời sẽ khiến làn da xỉn màu, tạo rào cản để các dưỡng chất hấp thu qua da và đồng thời góp phần gây bít tắc lỗ chân lông sinh ra mụn và các triệu chứng thường gặp khác.
Đối với làn da nam giới, với cấu trúc lớp sừng dày hơn và tuyến bã nhờn (ở một số cơ địa) hoạt động mạnh mẽ hơn, kết hợp với nếp sinh hoạt thích vận động, ra mồ hôi nhiều đều sẽ tạo áp lực lên các lỗ chân lông. Và nếu chúng không được “khai thông” thường xuyên thì tình trạng da sẽ không được cải thiện. Do vậy, việc tẩy tế bào chết là một phần quan trọng trong mọi chu trình dưỡng da, không phân biệt loại da lẫn, giới tính hay độ tuổi (trừ trẻ em và trẻ sơ sinh).
Những sự lựa chọn thường gặp
Trên thị trường hiện tại sẽ có rất nhiều phương pháp tẩy tế bào chết cho da, nhưng tựu chung lại, tẩy tế bào chết vật lý và hóa học là hai sự lựa chọn phổ biến nhất và có thể áp dụng tại nhà.
Tẩy tế bào chết vật lý
Tẩy tế bào chết vật lý chính là dùng lực tác động lên bề mặt, thông qua các loại hạt để lấy đi lớp sừng đã từ lâu không còn tác dụng gì cho da. Đường và muối chính là 2 thành phần thường gặp nhất trong phương pháp này. Đây đều là những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên nên mang đến ưu điểm lớn đó là an toàn cho da khi ít gây nên các hiện tượng dị ứng hay châm chích. Tuy nhiên, dù là hạt đường hay muối đã được xay nhỏ nhưng kích thước phân tử vẫn còn lớn và khó có thể tránh khỏi một số hạt còn góc cạnh dễ khiến da trầy xước trong quá trình ma sát. Do vậy, với các loại da mỏng như mặt và cổ, các bác sĩ vẫn khuyến cáo hạn chế các phương pháp sử dụng lực. Thay vào đó, tẩy tế bào chết vật lý thường được sử dụng cho phần da cơ thể hơn.
Tẩy tế bào chết bằng muối
Bạn nên lựa chọn những sản phẩm có thành phần là muối hồng Himalaya, muối espom vì chúng giàu khoáng chất có lợi cho da như magie, canxi, bên cạnh đó còn tăng cường đặc tính thải độc. Tuy nhiên, các loại tẩy tế bào chết với muối thường sẽ dễ khiến da mất nước nên sản phẩm này không được khuyến kích sử dụng cho các làn da khô.
Tẩy tế bào chết bằng đường
Đường là thành phần chứa nhiều vitamin, khoáng chất và axit amin, Không những vậy, đường dừa còn có tác dụng giữ ẩm tự nhiên, cũng ít gây bào mòn nên được sử dụng như một loại tẩy tế bào chết yêu thích bên cạnh muối. Thế nhưng, cũng có một số quan ngại đã được nêu lên, cho rằng phương pháp này khi sử dụng nhiều sẽ khiến đường tích tụ vào da gây nên tình trạng glycation – hiện tượng các protein glycated dần dần phá hủy collagen và elastin gây dẫn đến lão hóa da. Mặc dù vậy, lo ngại này cần thêm cơ sở chứng minh tính đúng đắn của nó trong thời gian tới.
Tẩy tế bào chết hóa học
Đây là phương pháp sử dụng các loại axit đặc trị như AHA hay BHA để phá vỡ liên kết của các tế bào da, tạo lỗ hổng để loại bỏ lớp da chết. Từ đó, quá trình này cũng đồng thời kích thích sản sinh collagen thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới, làm chậm tốc độ lão hóa. Điều quan trọng hơn, phương pháp này có thể xâm nhập sâu vào lớp ngoài cùng của da, tiếp cận được các lỗ chân lông mà không cần tác dụng lực, không gây bỏng rát hay trầy xước nên thích hợp sử dụng cho vùng da mặt, cổ. Tùy theo loại axit mà chúng ta sẽ có các chọn các loại sản phẩm tương ứng:
AHA (viết tắt của Alpha Hydroxy Acid) là thành phần tan trong nước, có trong trái cây, thực vật, đường sữa…Chúng hoạt động dựa trên nguyên lý thâm nhập vào bề mặt da làm suy yếu lớp tế bào sừng, bóc tách lớp da chết, sản sinh ceramide giúp lỗ chân lông thông thoáng từ đó loại bỏ chúng theo cơ chế tự nhiên. Do vậy, đây là loại axit thích hợp cho các làn da thô ráp, lớp sừng dày, khô, da lão hóa, da bị nám và tàn nhang, da có xuất hiện mụn cám, mụn đầu trắng.
BHA (viết tắt của Beta Hydroxy Acid) là thành phần tan trong dầu. Chúng có khả năng đi sâu vào lỗ chân lông, loại bỏ tế bào chết và bã nhờn, mang hiệu quả làm sạch đạt 90%. Cộng thêm đặc tính chống viêm, khử khuẩn nên BHA có tác dụng đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị mụn đầu đen, mụn trứng cá và các sợi bã nhờn dư thừa trên da.
Vì là sản phẩm hóa học nên việc sử dụng cũng sẽ chia theo nhiều mức nồng độ. Với AHA, làn da lần đầu sử dụng nên bắt đầu với nồng độ 0.5%, dùng 1 tuần/ lần và theo dõi phản ứng của da. Đến khi da đã quen với sản phẩm, bạn có thể tăng lên tần suất 2 lần/ tuần và tăng nồng độ sử dụng, nhưng tốt nhất không vượt quá 10%. Nếu có, bạn nên sử dụng theo khuyến cáo hoặc liều dùng kê đơn của bác sĩ. Điều này cũng tương tự cho sản phẩm BHA, nhưng nồng độ tối đa để bạn có thể sử dụng tại nhà không nên vượt quá 2%. Nếu cảm thấy có hiện tượng châm chích hay bỏng rát kéo dài thì bạn nên dừng lại và nhờ các bác sĩ/chuyên gia cho lời khuyên trước khi sử dụng tiếp.
Cách sử dụng tẩy tế bào chết
Mỗi loại tẩy tế bào chết đều có cách sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có công thức chung về tần suất sử dụng trong tuần. Mặc dù loại sản phẩm này mang đến nhiều ích lợi cho da, đặc biệt là hiệu quả cải thiện da lẫn quá trình điều trị mụn nhưng cũng không vì vậy mà chúng ta có thể lạm dụng chúng. Các bác sĩ khuyến khích bạn chỉ nên tẩy tế bào chết 1-2 lần/ tuần và sau khi đó cần có bước dưỡng ẩm đi kèm để bảo vệ hàng rào pH cho da cũng như tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất trong chu trình.
Các sản phẩm tẩy tế bào chết nên được dùng sau bước làn sạch cơ bản (double cleasing với tẩy trang và sữa rửa mặt). Nếu tẩy tế bào chết vật lý đòi hỏi bạn phải dùng nước ấm tẩy sạch sau khi sử dụng thì sản phẩm hóa học lại hoàn toàn ngược lại. Sau khi thoa sản phẩm, bạn nên để da nghỉ từ 15-20 phút để các axit hoạt động, sau đó bạn tiếp tục quy trình chăm sóc da với các loại serum dịu nhẹ và khóa ẩm bằng kem dưỡng chứ không nên rửa mặt lại với nước.
Ngoài ra, bạn không nên sử dụng các sản phẩm có chứa thành phần vitamin C hay retinol sau khi thoa tẩy tế bào chết hóa học vì chúng là các thành phần tương khắc có thể làm giảm hiệu quả của nhau. Thay vào đó, hãy lựa chọn các loại serum và kem dưỡng có chứa thành phần ceramides, acid hyaluronic, peptide…để nâng cao hiệu quả dưỡng da. Sau cùng, vì các thành phần axit này sẽ khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng và đòi hỏi phải có những biện pháp chống nắng hiệu quả đi kèm nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”, do vậy bạn nên tẩy tế bào chết vào buổi tối để và kết thúc chu trình chăm sóc da một ngày của mình thật thư thả và thoải mái.