Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim
Thời điểm ra mắt thị trường Trung, “Mặc sát” của hai đạo diễn Trần Tư Thành và Kha Vấn Lợi cán mốc doanh thu 2.400 tỷ Nhân dân tệ chỉ sau 9 ngày. Từ tháng 7, phim đã được kỳ vọng và chờ đón tại thị trường Việt Nam, nhờ những trích đoạn nặng tâm lý được lan truyền trên mạng xã hội. Vì thế, cũng không ngạc nhiên khi vừa cập bến nền tảng Netflix Việt Nam, tác phẩm ngay lập tức đứng top 1 lượt xem, đồng thời trở thành từ khóa về phim ảnh được quan tâm nhất mạng xã hội.
Chuyện phim bắt đầu bằng một loạt vụ mất tích bí ẩn, với nạn nhân là những học sinh thuộc trường trung học nữ sinh Tĩnh Hoa (Đài Loan). Họ thuộc một nhóm “có máu mặt” trong trường, chuyên bắt nạt những bạn cô thế, trong đó có cô bé câm Ngữ Đồng (Vương Thánh Địch thủ vai). Ngữ Đồng có mẹ là Lý Hàm (Trương Quân Ninh), làm lao công tại trường. Bà nhiều lần tìm cách bảo vệ cô bé, nhưng đều bất lực.
Cho đến khi chính Ngữ Đồng mất tích, Lý Hàm trở nên hoang mang tột độ. Cô lùng sục mọi nơi để tìm kiếm con. Lần mò sâu hơn vào vụ trọng án, người mẹ tội nghiệp, cũng như chính những khán giả xem phim, chợt vỡ òa trước những bí mật đen tối bị chôn giấu từ lâu.
Nhà lý luận người Ireland Edmund Burke từng cho rằng: “Điều duy nhất khiến cái ác trên thế giới này chiến thắng, chính là khi người tốt chọn làm ngơ”. Bạo lực và sự tà ác của con người vốn không phải phản ứng hóa học diễn ra trong vài giây, mà là kết quả của những lần “người tử tế” chọn cách im lặng, thay vì đứng lên chống lại áp bức, bóc lột.
Điện ảnh thế giới, đặc biệt là ở Châu Á, không ít lần lên tiếng về tình trạng bạo lực học đường. Điểm khiến “Mặc sát” tạo dấu ấn nằm ở việc phim “truy cùng đuổi tận” đến gốc rễ vấn đề, đưa ra luận điểm rằng bạo lực học đường là kết quả của “hiệu ứng cánh bướm”, mà mỗi cá nhân đều góp một phần nhỏ dẫn đến tội ác. “Mặc sát” mang ý nghĩa “giết người thầm lặng”, ám chỉ các cá nhân đã chọn cách làm ngơ dù chứng kiến bạn bè, con em mình bị bắt nạt. Trên hết, bạo lực học đường chỉ là hệ quả tất yếu từ bạo lực gia đình, cũng như vấn nạn lạm dụng trẻ em đang nhiễu nhương ngoài xã hội.
Tác phẩm của Trần Tư Thành và Kha Vấn Lợi liên tục đổi góc nhìn qua từng nhân vật, nhưng không cố gắng tô hồng hay hợp lý hóa việc họ đang làm. Người bảo vệ chọn đuổi các học sinh hiếu kỳ thay vì ngăn cản việc bọn trẻ giàu ức hiếp Ngữ Đồng, người thầy đạo đức ngời ngời chọn thỏa hiệp để được yên thân. Hay thậm chí, người mẹ Lý Hàm hết mực yêu thương con, cũng chỉ biết câm nín khi thấy bọn trẻ dùng keo dính dán chặt con mình vào tường.
Tác phẩm của Trần Tư Thành và Kha Vấn Lợi khắc họa bạo lực như một hiệu ứng domino, trong đó bạo lực học đường là hệ quả của bạo lực gia đình và sự thờ ơ từ nhà trường.
Như vậy, hai nhà làm phim muốn gửi gắm thông điệp rằng, kẻ ác có thể làm chuyện ác, vì người tốt cho phép chúng. Đáng sợ hơn cả, những hành vi bạo lực tưởng chừng được kịch tính hóa trên phim, thực chất còn rất nhẹ nhàng với các vụ án thương tâm ngoài đời thực.
Cái hay của kịch bản là trong một mạch phim dài chưa đến hai tiếng, “Mặc sát” xoay chuyển thành nhiều thể loại phim, đưa người xem lên một chuyến tàu lượn cao tốc của cảm xúc. Mở đầu phim, hình ảnh kẻ thủ ác tấn công các nữ sinh dễ khiến tín đồ phim kinh dị liên tưởng đến dòng slasher film (phim sát nhân). Nhưng khi danh tính của “sát nhân” được tiết lộ, tác phẩm chuyển hướng thành thể loại kịch tính, tâm lý. Ở một cảnh cao trào, “Mặc sát” lại mang dáng dấp phim hành động truy đuổi, khi người mẹ vứt bỏ vẻ ngoài yếu đuối, tham gia vào cuộc rượt đuổi kẻ đã hại con mình.
Để nâng tính triết lý, nhân quả cho đứa con tinh thần, hai đạo diễn không chọn để vụ án mất tích làm trọng tâm câu chuyện. Kẻ thủ ác được tiết lộ từ rất sớm, song nhà làm phim mang đến người xem một cú shock khác, khi tiết lộ rằng hắn chỉ là một chiếc bánh răng, một mảnh ghép cho bức tranh mang tên Địa ngục trần gian. Phim liên tục đánh đố cảm xúc của khán giả, đưa người xem qua hàng loạt cú twist, để rồi đọng lại là nỗi buồn man mác, triền miên không lối thoát.
Đến với “Mặc sát”, ngôi sao nổi tiếng xứ Đài trút bỏ vẻ quý phái thường thấy, hóa thân trọn vẹn người mẹ gầy gò, khắc khổ, thường xuyên nhịn nhục vì con. Sao của Hậu cung Như Ý truyện khắc họa một hình tượng phụ nữ tưởng chừng gần gũi, có thể thấy ở bất cứ đâu trong xã hội hiện đại. Nhưng đến hồi cuối, nhân vật của cô có vài phân cảnh xuất thần, thể hiện được sự khó đoán, ẩn tâm khó lường của người mẹ này.
Chẳng thế mà khi “Mặc sát” ra mắt tại thị trường phim nói tiếng Hoa, nhiều chuyên gia điện ảnh đã dùng những lời có cánh để khen ngợi diễn xuất của Trương Quân Ninh. Hầu hết đề cao lối diễn đẩy tâm lý đến cao trào của cô, được truyền tải thông qua biểu cảm đa dạng, cùng đôi mắt sâu thẳm, long lanh như luôn trực chờ bật khóc. Dù không phải kiểu “bà mẹ giỏi võ” thường thấy trong các phim có tiền đề tương tự, vai Lý Hàm có nhiều cảnh hành xác “nặng đô”, dễ khiến người xem phải đau xót thay cho nhân vật.
Thế nhưng, bàn về diễn xuất trong Mặc sát, chỉ nói đến Trương Quân Ninh là chưa đủ. Không có nhiều cảnh mạo hiểm, song Vương Thánh Địch gặp nhiều thách thức, khi vai của cô không có thoại xuyên suốt phim. Ngữ Đồng không thể nói, nên Vương Thánh Địch phải sử dụng hàng loạt ngôn ngữ hình thể để thổi hồn cho nhân vật. Sao nữ Gen Alpha nhiều lúc khiến người xem phải chua xót, ngậm ngùi, bởi có thể nhìn thấy hình ảnh con em mình qua Ngữ Đồng. Những gì Ngữ Đồng phải chịu đựng cũng có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào ngoài đời thực, chỉ cần một phút thờ ơ của người lớn là đủ.
Cùng với hai nữ chính, nhóm diễn viên thứ chính cũng có sự tròn trịa, là những mảnh ghép cần thiết cho bức tranh toàn cảnh. Hai sao nam Ngô Tuấn Vũ và Vương Triều Quân tuy không có nhiều đất diễn, song vẫn mang đến cho người xem những phút giây lắng đọng. Diễn vai người tốt hay kẻ xấu vốn đã khó, nay nhóm diễn viên của Mặc sát còn phải thể hiện những nhân vật “vùng xám”, đa chiều hơn, khắc khoải hơn.
Với diễn xuất chất lượng cùng kịch bản hấp dẫn, mạch lạc, Mặc sát gần như không có điểm trừ. Có chăng là phim sẽ gây khó khăn với nhiều khán giả chỉ tìm kiếm nội dung giải trí thuần túy, vì trong Mặc sát khó có thể phân biệt được ai thiện, ai ác. Nhìn chung, đây là tác phẩm có chiều sâu và giá trị cảnh tỉnh xã hội cao; một bộ phim xứng đáng với những lời tán dương.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn