PSI (Phạm Hà Phương) là cái tên hoạt động lâu năm trong ngành trang điểm, được các nghệ sĩ và thương hiệu thời trang “chọn mặt gửi vàng” cho rất nhiều dự án lớn. Nhìn lại hành trình 14 năm theo nghề, bí quyết của Phương chỉ có một, khi biết mình đi đâu thì mọi con đường đều mở lối.
“Nghề chọn người” có đúng khi nói về mối duyên của chị với nghề trang điểm không?
Có lẽ đúng. Tôi biết đến nghề trang điểm trong một lần tình cờ làm mẫu cho một người bạn hồi năm 2008. Lúc đó, tôi đã rất thích thú việc tô vẽ trên mặt. Sau khi học xong một tháng thì quyết xông pha đi làm “freelance” cho các nhiếp ảnh bên ngoài. Hồi đó khái niệm “freelance make-up artist” vẫn còn khá mới mẻ, hầu hết mọi người chọn theo hướng làm thợ trang điểm cô dâu. Nghề này không phổ biến vào khoảng 10 năm trước, nên cha mẹ rất lo lắng với lựa chọn của tôi, nhưng tính tôi một khi đã quyết là sẽ theo đến cùng.
Đâu là những cột mốc đáng nhớ trong quá trình làm nghề của chị?
Lần đầu tiên là năm 2014, tôi được học bổng quốc tế “Makeup Forever Academy” – giải thưởng nằm trong cuộc thi toàn thế giới. Nó không chỉ giúp tôi có được cơ hội làm việc tại các nước khác như các chuyên gia trang điểm trên toàn thế giới, mà còn có thể làm việc với các nghệ sĩ quốc tế như Bond, Clean Bandit… khi họ sang Việt Nam biểu diễn và đi lưu diễn, hoặc những hãng thời trang có tiếng như Hermes, Chanel, Dior…
Lần thứ hai là năm 2018, tôi trở thành một trong hai người đạt giải thưởng lớn – học bổng toàn phần của trường DFMA (Anh) và được chuyên gia trang điểm Lisa Eldridge lựa chọn. Sau đó, làm việc với Hermes Global – Asia Pacific cũng là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi.
Một (vài) dự án đánh dấu bước ngoặt giúp chị được biết đến nhiều hơn trong giới thời trang?
Dự án trang điểm nhằm tôn vinh và truyền cảm hứng về nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam hiện đại, như “Vietinsideout” (2015), “Beauty of Vietnamese Women” (2019-2021). Hay dự án “Ngược dòng thời gian” (2021), sợi dây nối liền ký ức thông qua nét đẹp của phụ nữ Việt Nam khi ngược dòng thời gian, trở về cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, tạo ra nhiều dòng cảm xúc, được khắc họa qua lăng kính nghệ thuật một cách rất riêng.
Trước và sau 14 năm bắt đầu công việc trang điểm, chị đã “lột xác” thế nào?
Về cốt lõi thì con người tôi vẫn thế, luôn tự do và sống hết mình với điều mình chọn; còn khác là tôi trưởng thành hơn rất nhiều, từ chính mình và từ những vấp ngã trong công việc. Thời điểm khi mới bắt đầu con đường chuyên nghiệp, tôi cũng rất mông lung, nhưng tôi chọn cách tiến về phía trước cùng sự quyết tâm khám phá những điều mình chưa biết trong thế giới của những bảng màu. 14 năm qua là quá trình của sự kiên trì, nỗ lực, học hỏi, tìm hiểu và không ngừng đặt câu hỏi.
Trang điểm là một công việc liên quan đến sáng tạo, làm sao để giữ chân chạm đất?
Khi làm sáng tạo, bạn được phép tự do làm cho chính mình, nhưng bản thân công việc trang điểm lại đòi hỏi sự chính xác cao, nên cũng cần có kỷ luật. Muốn chuyên nghiệp, bạn càng cần đề cao sự chỉn chu và cầu toàn. Nên tôn chỉ của tôi là tự do trong sáng tạo, nhưng kỷ luật trong cách làm việc.
Thế giới thay đổi mỗi ngày, chị đã “dịch chuyển” thế nào để sống được với nghề?
Việc chưa thoả mãn với những điều mình biết khiến tôi mày mò tìm hiểu về trang điểm thời trang trên thế giới. Có thời gian ngắn tôi làm cho một hãng mỹ phẩm, và công việc đã từng bước đưa tôi đến với thứ sâu hơn liên quan đến trang điểm thời trang – trang điểm nghệ thuật và hoá trang. Kết hợp các cách thức trong hội hoạ mỹ thuật, từ màu sắc đến các sắc thái chất liệu mà trang điểm mang lại, làm tôi càng say mê hơn, tạo nên một số bất quy tắc trong phong cách trang điểm của mình.