“Lục Vân Tiên cổ tích truyện” – Đánh thức một di sản ngủ yên dưới lớp bụi thời gian
LifestyleArts & Culture

“Lục Vân Tiên cổ tích truyện” – Đánh thức một di sản ngủ yên dưới lớp bụi thời gian

Cách đây 10 năm, một “bản thảo chiếu sáng” hơn 100 năm tuổi có nguồn gốc Việt Nam, minh hoạ một truyện thơ lục bát nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn của nền văn học miền Nam Việt Nam, tưởng chừng đã vùi chôn dưới lớp bụi thời gian nhưng cuối cùng được “đánh thức” bởi một học giả người Việt trong một dịp ghép thăm một thư viện Pháp.

Bộ sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” (xuất bản năm 2016), trưng bày tại Trường đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Khoảng giữa năm 2011, giáo sư Phan Huy Lê (1934 – 2018), người được vinh danh là một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam, được phong Viện Sĩ Thông Tấn Nước Ngoài của Học Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres [*1]). Sau đó, giáo sư và vợ được mời đến thư viện của học viện để giao lưu vào ngày 30/9/2011 và đi tham quan phòng lưu trữ, cùng các học giả người Pháp: Philippe Papin, Pascal Bourdeaux, Andrew Hardy và Marcus Durand.

Giám đốc thư viện là bà Pastoureau đã giới thiệu đến giáo sư nhiều tác phẩm sách và bản đồ cổ của Viễn Đông, trong số đó có một tập bản thảo dày, ngoài bìa có dòng chữ viết tay đề: “Histoire de Luc Van Tien isllustrée par Lê Dui Trach, par les soins de E.Gibert, Capitaine d’artillerie de marine, sous-directeur d’artillerie à Hué (Annam), offer à l’Académie dans la séance de 26 Mai 1899” (Tạm dịch: Lịch sử Lục Vân Tiên do Lê Dui Trach minh hoạ, với sự bảo trợ của E. Gibert, Đại uý pháo binh hàng hải, phụ tá chỉ huy pháo binh tại Huế (An Nam), chính thức trao tặng cho Học Viện vào ngày 26/5/1899).

Lời Giới Thiệu của bộ sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”, viết bởi nhà sử học Việt Nam Phan Huy Lê

Ngoài ra, trên trang bìa còn có 3 dòng chữ Hán, đọc là “Đồng Khánh nguyên niên xuân, tân san Vân Tiên cổ tích tân truyện, Lăng Vân Đường…“. Giáo sư Phan Huy Lê giải nghĩa rằng: “Mùa xuân năm Đồng Khánh thứ nhất [1886] khắc in lại Vân Tiên cổ tích tân truyện, Lăng Vân Đường…”.

Theo giáo sư Phan Huy Lê, đây là “một văn bản quý của truyện Lục Vân Tiên do một người Việt Nam tên là Lê Đức Trạch (phiên âm sang tiếng Pháp viết không dấu là “Lê Dui Tranh”) minh hoạ và do một sĩ quan người Pháp là đại uý Gibert tổ chức bản thảo”.

Eugène Gibert là người đã thúc đẩy công trình độc đáo hiếm hoi này bằng niềm mến mộ đối với truyện thơ Lục Vân Tiên nói riêng, và các tác phẩm kinh điển của người Việt Nam nói chung

Nhà sử học Việt Nam cũng cho biết thêm, ông Lê Đức Trạch là “thư lại chế hoạ đồ thức”, hay có thể hiểu là “một Nho sĩ, một viên chức làm việc trong một cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình nhà Nguyễn. Đây có thể là một cơ quan trong đội Giám thành của Kinh thành Huế”.

GS Phan Huy Lê (đeo kính) phát hiện bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên ngày 30/9/2011. Nguồn ảnh: Thethaovanhoa.vn

Một “illuminated manuscript” quý hiếm có nguồn gốc Việt Nam

Xét bối cảnh, quyển truyện thơ minh hoạ tranh màu này của Đại uý Gibert có thể xem là một “bản thảo chiếu sáng” – theo cách gọi “illuminated manuscript” phổ biến ở phương Tây. Hơn nữa, còn là một độc bản quý hiếm chưa từng được công bố kể từ khi hoàn thành vào cuối thế kỷ XIX, năm 1897.

Theo nhận định trên Amis-musee-cernuschi.org (trang web của Hiệp hội những người bạn của Bảo tàng Cernuschi [*2]), Eugène Gibert là người đã thúc đẩy công trình độc đáo hiếm hoi này bằng niềm mến mộ đối với truyện thơ Lục Vân Tiên nói riêng, và các tác phẩm kinh điển của người Việt Nam nói chung.

Lục Vân Tiên là truyện thơ lục bát nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, một tác phẩm dễ đọc dễ nhớ cốt bàn về tam cương ngũ thường và những đạo nghĩa của một chính nhân quân tử, có ảnh hưởng lớn đối với văn hoá dân gian của người Nam Bộ

Eugène Gibert đến Tonkin (Bắc Kỳ) lần thứ nhất từ 1890 – 1892.  Ở lần thứ hai, Gibert được bổ nhiệm làm đốc trưởng pháo binh ở Huế, và lưu lại trong khoảng thời gian từ 15/6/1895 – 27/9/1897. Trong lần lưu trú thứ hai này, ông đã đề nghị hoạ sỹ Lê Đức Trạch thực hiện các bức tranh minh hoạ theo phong cách “bản thảo chiếu sáng” truyền thống của phương Tây. Ngoài ra, có một nghệ sỹ vô danh khác đã thực hiện một vài bức đơn giản hơn ở cuối trang.

Trong nền văn học Việt Nam, Lục Vân Tiên là truyện thơ lục bát nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), một tác phẩm dễ đọc dễ nhớ cốt bàn về tam cương ngũ thường và những đạo nghĩa của một chính nhân quân tử.

Mặc dù bị mù hai mắt từ khi 27 tuổi (1849), nhưng trong hoàn cảnh gia đình sa sút, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã phải vừa dạy học, vừa làm thuốc để kiếm sống và sáng tác. Truyện thơ Lục Vân Tiên được cụ Chiểu sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1851 đến trước 1859, bằng cách đọc lại cho học trò và bạn bè khi chép, trở thành một tác phẩm văn học dân gian truyền miệng.

© Institute library, 2014. Nguồn ảnh: Amis-musee-cernuschi.org

Trích Lời Giới Thiệu của giáo sư Phan Huy Lê [*3], “bản chữ Nôm đầu tiên xuất bản do nhà văn Duy Minh Thị (một viên chức hành chánh thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ) thu thập, đính chính và khắc in tại Bảo Hoa Các tàng bản ở Nam Hải, Quảng Đông (Trung Quốc) khoảng năm 1864 và năm 1865 in lại ở Chợ Lớn do hiệu sách Quảng Thạnh xuất bản. Bản phiên âm sang chữ Quốc ngữ đầu tiên của Gustave Jan-neau in tại Sài Gòn năm 1867 rồi in lại ở Paris năm 1873. Năm 1883, Abel des Michels [*2] cho xuất bản Lục Vân Tiên ca diễn bằng ba thứ tiếng: chữ Nôm, phiên âm Quốc ngữ và bản dịch tiếng Pháp. Một năm sau khi Nguyễn Đình Chiểu mất, năm 1889 Trương Vĩnh Ký đã thu thập, tham khảo các bản và chỉnh lý công phu, cho xuất bản tại Sài Gòn Lục Vân Tiên truyện, được coi là văn bản chữ Quốc ngữ có giá trị nhất.

“Lục Vân Tiên ca diễn” xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1883, bởi nhà Đông Phương học Abel des Michels. Nguồn ảnh: Amis-musee-cernuschi.org

Bản thảo của Gibert đã cung cấp một văn bản chữ Nôm mang tên “Lăng Vân Đường” mà Lê Đức Trạch đã sử dụng. Nguồn gốc của bản thảo Lăng Vân Đường vẫn chưa rõ, và mặc dù là một dị bản nhưng bản thảo minh hoạ bởi Lê Đức Trạch đã đóng góp vào việc nghiên cứu của các học giả, với chung một mục tiêu là “cố gắng khôi phục một văn bản gần nhất với nguyên tác” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Một trang bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên. Ảnh: Marcus Durand. Nguồn ảnh: Thethaovanhoa.vn

Đánh thức một di sản

Dường như không có ai xem qua bản thảo Lục Vân Tiên đã được “chiếu sáng” này kể từ khi được Đại uý Eugène Gibert trao tặng thư viện của Học Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp (năm 1899), và điều này thực sự gây ngạc nhiên cho giáo sư Phan Huy Lê và các thành viên nhóm nghiên cứu.

Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu kể từ khi ra đời đã luôn được đề cao là một tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam, nhưng điều đặc biệt ở bản thảo bị quên lãng này là đã được minh họa “chiếu sáng” (illuminated) trọn vẹn bài thơ hơn 2000 câu. “Bản thảo chiếu sáng” truyện thơ Lục Vân Tiên mang số hiệu lưu kho MS3816 này được ví như cuộc gặp gỡ của 4 nhân vật: nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhà Đông Phương học Abel des Michels [*4], đại uý Eugene Gibert và hoạ sỹ Lê Đức Trạch.

Truyện thơ “Lục Vân Tiên” được minh họa “chiếu sáng” với màu sắc rực rỡ, nổi bật. Hoàn thành từ năm 1897, “ngủ say” trong thư viện Pháp từ năm 1899, được xuất bản thành sách vào năm 2016. Ảnh: Việt Hà

Theo Amis-musee-cernuschi.org, “bản thảo chiếu sáng” của truyện thơ Lục Vân Tiên chính thức hoàn thành vào ngày 18/6/1897, được thực hiện trên giấy Canson & Mongolfier (có chất lượng tốt về khả năng bảo tồn màu sắc). Phía trước mỗi trang minh hoạ “chiếu sáng” được chèn một trang trống, dùng để dán một tờ giấy trắng do địa phương sản xuất để đại uý E. Gibert viết ghi chú và giải thích của mình. Cuối cùng, một tờ giấy được chèn xen kẽ vào để bảo vệ những trang tranh minh hoạ của Lê Đức Trạch. Bản thảo được đọc theo cách truyền thống của người Châu Á (trái với phương Tây), tức từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Quyển sách được khâu thủ công và đóng lại bằng bìa cứng.

Nhờ những ghi chú của E. Gibert, các nhà nghiên cứu có thể xác định khi nào và bằng cách nào bản thảo được hoàn thành và có mặt ở Pháp. Sau phát hiện của giáo sư Phan Huy Lê, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (École francaise d’Extrême-Orient, EFEO) đã phối hợp với Thư viện Viện Pháp và tổ chức một Dự án nghiên cứu và công bố bản thảo minh hoạ truyện Lục Vân Tiên của Gibert, do PGS.TS. Pascal Bourdeaux và PGS.TS. Olivier Tessier phụ trách.

Học giả Olivier Tessier (trái) và Pascal Bourdeaux. Nguồn ảnh: Cuoituan.tuoitre.vn

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành scan chụp 139 tấm, thực hiện trực tiếp tại Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp bởi một chuyên gia làm việc cho bảo tàng Pháp và dưới sự giám sát của học giả Marcus Durand, con trai của Maurice Durand (tác giả quyển “Điện thần và nghi thức Hầu đồng Việt Nam”, bản in bằng tiếng Pháp năm 1959, tái bản bằng tiếng Việt năm 2019).

Tháng 1/2014, tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra một triển lãm đặc biệt, trưng bày một số bản vẽ minh hoạ truyện Lục Vân Tiên do Lê Đức Trạch thực hiện. Sau hơn 112 năm nằm im trong kho lưu trữ của Pháp (kể từ 1899 đến 2011), bản thảo chưa từng được công bố này đã được các nhà học thuật phát hiện, nghiên cứu và giới thiệu đến công chúng. Triển lãm do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và Cơ Quan Phát Triển Pháp đồng tổ chức, kết thúc ngày 28/2/2014.

Sau 5 năm phát hiện, 120 năm hoàn thành

Bộ 2 quyển “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” chính thức được ấn hành vào năm 2016 (5 năm kể từ khi được phát hiện vào năm 2011) bởi NXB Văn Hoá Văn Nghệ TP.HCM. Theo đó, tập 1 chủ yếu in bản thảo Hán tự có minh hoạ bởi hoạ sỹ Lê Đức Trạch, tập 2 là ấn bản phê bình với nhiều chú thích, diễn giải của các nhà nghiên cứu, biên soạn bằng chữ quốc ngữ, và dịch sang tiếng Anh, Pháp.

Đến tháng 3/2017 (sau 120 năm), Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và ĐH KHXH&NV Hà Nội đồng tổ chức sự kiện ra mắt sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” tại TP.HCM, với sự có mặt của giáo sư Michel Zink (Thư ký của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp), PGS.TS. Olivier Tessier (trưởng nhóm biên tập sách), giáo sư Phan Huy Lê và giáo sư Trần Ngọc Vương (ĐH KHXH &NV Hà Nội).

Hội thảo “Cùng đọc và chiêm ngưỡng tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Đình Chiểu” – hành trình khám phá một bản thảo kèm minh họa chưa từng được xuất bản (1897) và tác phẩm xuất bản kèm bình chú (2016), tổ chức tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp (Hà Nội), ngày 1/6/2016. Nguồn ảnh: Hanoigrapevine.com

Chia sẻ với tạp chí Tia Sáng, giáo sư Phan Huy Lê nói: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi tìm thấy cuốn sách có đề dòng chữ năm thứ nhất thời Đồng Khánh, ngay ở giữa có những câu thơ của Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm, bốn phía xung quanh được minh hoạ bằng tranh một cách trung thành với nội dung tác phẩm. Sau cả thế kỷ nhưng màu sắc của cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn”.

Một “bản thảo chiếu sáng” có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam, minh hoạ tác phẩm thi ca đậm bản sắc dân tộc mang tên “Lục Vân Tiên”, sau trăm năm thầm lặng, cuối cùng đã được ra mắt trước công chúng…giúp chúng ta hiểu thêm về sự tồn tại của nền nghệ thuật Việt Nam trước thời kỳ thuộc địa

Tháng 9/2018, PGS.TS. Pascal Bourdeaux cũng đã có buổi trình bày về việc khám phá, nghiên cứu và xuất bản một bản thảo đặc biệt này. Theo Amis-musee-cernuschi.org, công việc phân tích bút pháp minh hoạ của hai họa sỹ cũng được nhóm nghiên cứu chú trọng, nhằm hiểu rõ hơn về cách thực hiện cũng như các kỹ thuật được ứng dụng vào thời điểm đó. Điều này giúp chúng ta hiểu thêm về sự tồn tại của nền nghệ thuật Việt Nam trước thời kỳ thuộc địa. Ví dụ, một câu hỏi được đặt ra là liệu các chất màu được sử dụng là màu địa phương truyền thống hay nhập khẩu. Cần lưu ý rằng các hình ảnh đầu tiên đã được vẽ bằng bút chì, sau đó được “chiếu sáng”.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là liệu họa sỹ có được truyền cảm hứng trực tiếp từ những cảnh quan và môi trường đương đại của ông không, hay tất cả xuất phát từ trí tưởng tượng của riêng ông. Một số chi tiết, chẳng hạn như hình ảnh kinh thành Huế, sẽ gợi ý cho giả thuyết đầu tiên.

Một đặc điểm khác của các bức tranh minh hoạ là sự rối loạn giữa thế giới thực và thế giới tâm linh trong cùng một trang. Điều này cho thấy những linh hồn thiện hoặc ác đến từ tư tưởng chịu ảnh hưởng bởi Phật Giáo, Đạo Giáo và Nho Giáo. Nhìn chung, chúng ta có thể thấy rằng các minh hoạ vẫn khá trung thành với phong tục và đạo lý chuẩn mực của thời đại vua chúa.

Hội thảo “Cùng đọc và chiêm ngưỡng tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Đình Chiểu” – hành trình khám phá một bản thảo kèm minh họa chưa từng được xuất bản (1897) và tác phẩm xuất bản kèm bình chú (2016), tổ chức tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp (Hà Nội), ngày 1/6/2016. Nguồn ảnh: Hanoigrapevine.com

Nhờ vào sự cống hiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu, một “bản thảo chiếu sáng” có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam, minh hoạ tác phẩm thi ca đậm bản sắc dân tộc mang tên “Lục Vân Tiên”, sau trăm năm thầm lặng, cuối cùng đã được ra mắt trước công chúng, không chỉ giới hạn trong phạm vi ngôn ngữ Pháp – Việt mà còn sẵn sàng được đón nhận bởi công chúng quốc tế. Bộ sách không chỉ có giá trị học thuật, mà còn góp phần lý giải quá trình chuyển đổi nghệ thuật Việt Nam đã diễn ra như thế nào vào cuối thế kỷ XIX, trước khi chuyển qua một giai đoạn nghệ thuật Đông Dương vốn thu hút rất nhiều sự quan tâm trong suốt những năm gần đây.

Chú thích

[*1] Học Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres) là một học viện xã hội học của Pháp, dành cho các ngành Khoa Học Nhân Văn, được thành lập vào tháng 2/1663, là một trong 5 học viện của Viện Pháp (Institut de France)

[*2] The Society of Friends of the Cernuschi Museum (tạm dịch: Hội những người bạn của bảo tàng Cernuschi) là một bảo tàng nghệ thuật Châu Á, thành lập vào năm 1922 theo sáng kiến của vị giám đốc đầu tiên: Henri d’Ardenne de Tizac.

[*3] Lời Giới Thiệu của bộ sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”, viết bởi nhà sử học Việt Nam Phan Huy Lê, theo lời mời của PGS.TS.Pascal Bourdeaux và PGS.TS.Olivier Tessier, đăng trên tạp chí Xưa Nay, số 473 (tháng 7/2016).

[*4] Abel des Michels (1838-1910): nhà Đông Phương học, giáo sư Trường Ngôn ngữ Phương Đông (Pháp) từ 1872 đến 1892. Ông đã dịch nhiều tác phẩm kinh điển của Việt Nam sang tiếng Pháp. Chẳng hạn như “Lục Vân Tiên ca diễn”, “Kim Vân Kiều Tân Truyện”, “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”… cùng một số công trình nghiên cứu như “Sáu thanh trong tiếng An Nam” (1869), hay “Một vài quan sát về ý nghĩa của chữ “Giao Chỉ”, “Tên của tổ tiên dân tộc An Nam” (1889)…

Xu
Luxuo.vn
Tham khảo từ: Amis-musee-cernuschi.org, Thivien.net, Elearning.tdmu.edu.vn, Vnexpress.net, Tiasang.com.vn
 

Related Article