“Longlegs”: Nicolas Cage mang đến một ác quỷ đầy mê hoặc
Music & FilmLifestyle

“Longlegs”: Nicolas Cage mang đến một ác quỷ đầy mê hoặc

Trong phim kinh dị mới của đạo diễn Osgood Perkins, Nicolas Cage vào vai Longlegs, gã sát nhân đại diện cho quỷ Satan. Không hào nhoáng, hút mắt như cách phim ảnh đương đại thường thể hiện, song “con ác quỷ” ghê rợn vẫn mê hoặc lòng người bởi diễn xuất xuất thần của tài tử. 

Được nhiều báo đài ca tụng “Phim kinh dị ghê rợn nhất năm 2024”, lịch công chiếu của “Longlegs” tại mỗi quốc gia đều được tín đồ điện ảnh đón chờ, trong đó có Việt Nam. Tại thị trường Việt, phim có tựa nội địa “Thảm kịch dị giáo”, phần nào giúp tác phẩm dễ tiếp cận đại chúng hơn, nhưng vô tình cũng dễ khiến kỳ vọng người xem đặt sai chỗ. Cần lưu ý “Longlegs” là tác phẩm kinh dị nặng tâm lý cũng như hình tượng tôn giáo, chứ không tập trung vào các cảnh giết chóc man rợ hay những pha jump scare (hù dọa).

Phim lấy bối cảnh những năm 90 tại Mỹ, xoay quanh hành trình truy lùng sát nhân khét tiếng Longlegs của đặc vụ FBI Lee Harker (Maika Monroe). Điều nghịch lý trong mỗi vụ án do Longlegs gây ra, xuyên suốt 30 năm, là hắn không cần phải tự tay đoạt mạng. Hắn gõ cửa nhà nào, người cha trong gia đình sẽ dần hóa điên và giết hai mẹ con. Điểm chung thứ hai là người con gái trong gia đình luôn sinh vào ngày 14 của bất kỳ tháng trong năm. 

Để thấu hiểu động cơ và cách thức gây án quái đản của Longlegs, Lee phải lần mò sâu hơn những manh mối mà gã để lại – bức thư và những con búp bê. Song càng dấn thân vào bóng tối, nữ điều tra viên nhận ra giữa cô và Longlegs có sự kết nối kỳ lạ từ quá khứ. 

Trở lại với nỗi sợ “chân phương”

Đánh giá “Longlegs” là phim kinh dị đáng sợ nhất năm 2024 không bởi vì phim tởm lợm nhất, mà bởi đây là tác phẩm rùng rợn một cách “chân phương” nhất. Trong thời điểm gout thưởng thức của khán giả ngày một khó chiều, đòi hỏi các nhà làm phim phải cố pha trộn nhiều plot twist, thể loại thì thay đổi “xoành xoạch” lúc hài – lúc kinh dị – khi thì tình cảm, phim của Perkins mang người xem trở về với nỗi sợ nguyên sơ: sự bất khả.

Chúng ta có các cảnh sát trong phim bất khả trong việc truy lùng Longlegs trong hơn 30 năm, dù hắn không hề cố che giấu thân phận hay phương thức gây án. “Hắn” gõ cửa, không làm gì cả, và vô lý thay sẽ có người xuống tay thay hắn. Những lá thư hắn để lại làm gì, ý nghĩa đằng sau con số 14 ra sao, không ai biết cả.  

Chỉ đến khi nữ chính Lee Harker (Maika Monroe) nhúng tay, vụ án phi lý bậc nhất mới hé lộ chút tia sáng. Song chính cô cũng bất khả trong việc chứng minh mình tìm ra Longlegs bằng trực giác (hoặc mối liên kết gì đó), chứ không phải nghiệp vụ. Cô bất khả khi luôn cảm nhận được sự thân quen từ Longlegs, dù ký ức nữ điều tra viên là một mê cung khác. 

Người xem được biết những gì nữ chính biết, từng góc quay, câu chuyện. “Longlegs” như thể một chuyến phiêu lưu vào mê cung tâm trí đã có sẵn bản đồ, nhưng rủi thay nó vô nghĩa trong tâm trí kẻ điên. “Longlegs” không đánh đố, nhưng thách thức người xem rằng kể cả khi họ hiểu rõ điều gì đang xảy ra, thì chắc gì điều đó không khiến họ chết lặng?

Những khung hình “giản dị” mà mạnh mẽ 

Nhà làm phim chủ đích kể một câu chuyện mạch lạc hết mức có thể, thậm chí phân định sẵn tỉ lệ khung hình 4:3 cho những cảnh hồi tưởng và 2:39 cho cảnh hiện tại. Osgood Perkins như muốn chứng minh rằng một kịch bản hay không nhất thiết phải đánh đố người xem về mốc thời gian. 

Để tăng độ bí bách, các nhân vật thường xuyên bị “đóng khung”, không bởi khung hình thì bởi bố cục, cảnh trí. Nếu một nhân vật may mắn thoát khung, người đó lại sớm lạc vào “khung hình” khác. Tác phẩm của Perkins tựa như một showcase nghệ thuật, nơi mỗi hình ảnh, mỗi hình ảnh biểu tượng đều kể câu chuyện riêng.

Thông qua những bức hình treo tường, gout âm nhạc, dung mạo quái dị của Longlegs, nhà làm phim để người xem hòa mình với nhân vật chính, lần mò về nguồn gốc thực sự của tên đồ tể. Nếu như là “boss” trong một tựa game sinh tồn, thì điều người chơi phải làm để chiến thắng chỉ là “hiểu” về hắn, nhưng việc đó khó vô cùng. 

Nếu có kiến thức hay nghiên cứu về Kinh Thánh, tín đồ điện ảnh sẽ “soi” được những hình tượng đậm tính biểu tượng như Đức Mẹ sầu bi, thập tự giá, sự ra đời của chúa Jesus,… nhưng theo một cách vặn vẹo, méo mó. Loạt chi tiết này không nhằm mục đích đả kích tôn giáo, mà muốn nhấn mạnh Quỷ dữ là thực thể ưa giả danh và thoá mạ hình ảnh Chúa, giả thần thánh gõ cửa từng nhà để hại người. 

Nicolas Cage, Maika Monroe “tỏa sáng” từ trong bóng tối

Trong bộ phim chính tay mình sản xuất, Nicolas Cage diễn xuất một cách  thuyết phục, dù thời lượng xuất hiện giới hạn. Vài năm trở lại đây, tài tử 60 tuổi nỗ lực tìm lại hào quang ngày xưa, chứng minh rằng bản thân không chỉ đóng những nhân vật hề hước,  mà còn có thể vào vai một gã hề nghiêm túc đến đáng sợ. 

Lần trở lại này, cháu ruột của đạo diễn Francis Ford Coppola như có dịp “xõa” hết ga, rũ bỏ nét thăng trầm thường ngày.  Ở mỗi phân cảnh độc diễn, Cage biến khung hình thành sân khấu, còn anh là tay nghệ sĩ lão làng đang hóa thân thành con quỷ điên loạn. Mới chớp mắt gã vượt khiến khán giả phá lên cười vì hành động ngô nghê của mình, thì cảnh sau đã khiến người xem lạnh gáy. 

Trên thực tế, việc nhân vật của Cage ít khi xuất hiện trên một khung hình trong “Longlegs” lại khiến gã trở nên đáng nhớ. Không ai biết Longlegs, hay Nicolas Cage sẽ thể hiện cảm xúc gì tiếp theo: Phẫn nộ, hoài nghi, hay phấn khích? Longlegs không phải Joker, nhưng lại giống từ tạo hình, tính cách vừa méo mó vừa ngây ngô, cho đến điệu cười đáng sợ – đúng với những gì lẽ ra Joker phải được thể hiện trên màn ảnh. 

Trái ngược Nicolas Cage, Maika Monroe vào vai một nữ chính có nhiều thăng trầm, tâm lý bất ổn cho cô nhiều đất diễn hơn; tuy nhiên, cũng khiến vai Lee bị dàn trãi, ít điểm nhấn hơn Longlegs. Một bộ phim mà khán giả luôn mong chờ kẻ ác ra mặt, điều này đồng nghĩa với việc Monroe phải dùng diễn xuất, sự tâm huyết để “lôi kéo” khán giả về phía ánh sáng. 

Từng gây tiếng vang với phim kinh dị “It Follows” (2014), nữ diễn viên sinh năm 1993 trong phim mới đã phô bày được sự trải đời, kinh nghiệm diễn xuất ngày một thăng hạng của mình. Khác với Longlegs chỉ cần nở nụ cười trong bóng tối, Lee Harker phải thể hiện thật nhiều cảm xúc, thật nhiều hành động. Maika Monroe từ đây ghi điểm với đôi mắt cương trực, thoáng u hoài, dùng biểu cảm gương mặt thay cho hội thoại. Cô cũng có sự tung hứng ăn ý, hay nói đúng hơn là lạnh sống lưng, ở cảnh cao trào khi người hùng và kẻ ác đối mặt nhau. 

Với cách kể chuyện rõ đầu đuôi, lối dẫn truyện cuốn hút, Longlegs gần như không sở hữu điểm trừ. Điều khiến phim khó tiếp cận khán giả có lẽ là yếu tố tâm lý nặng đô, cũng chuỗi hình ảnh biểu tượng ngập ngụa trong phim. Tín đồ phim kinh dị mong chờ những cảnh máu mẹ xối xả hẳn sẽ thất vọng, bởi Longlegs là tác phẩm thiên về nỗi ám ảnh tâm lý, với những vụ án chủ yếu chỉ được thể hiện off-screen, hoặc qua các hình ảnh, tư liệu xuất hiện trên bàn làm việc của nữ chính.

Ảnh: Tổng hợp
Bài: Phúc Logic
 

Related Article