Lịch sử thời trang qua 5 hoa văn biểu tượng
StyleEditor's Pick

Lịch sử thời trang qua 5 hoa văn biểu tượng

Đằng sau những lớp hoa văn độc lạ gắn liền với hình ảnh của từng thương hiệu, bạn thấy gì? Hơn cả sự thích thú về phần nhìn mang tính bề mặt hay dấu ấn khẳng định đẳng cấp, 5 lớp hoa văn biểu tượng sau còn cô đọng nhiều giai thoại lịch sử ly kì và thú vị.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Tranh vẽ được thực hiện bởi họa sĩ minh họa Ben Nguyễn.

LV Monogram

Năm 2017, Kim Jones khiến cả thế giới điên đảo với màn kết hợp Louis Vuitton cùng Supreme, mang đến cơn sốt logomania. Và lớp hoa văn LV Monogram được nhớ đến như một biểu tượng kiểu mẫu cho xu hướng. Tuy nhiên, vượt xa khỏi những cơn sốt hiện đại, LV Monogram có sức ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới thời trang từ rất lâu.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Những ngày đầu thành lập vào năm 1854, Louis Vuitton là một thương hiệu nổi tiếng về… rương du lịch, với cơ sở tọa lạc tại 4 Rue Neuve des Capucines, Paris. Được yêu thích bởi nhiều tên tuổi đình đám đương thời như Paul Poiret, Dora Maar và Francis Picabia, những chiếc rương Louis Vuitton không chỉ là món hành lý tiện dụng – với khả năng chống nước tối ưu – mà còn là biểu tượng cho sự quyền quý. Và năm 1896, những chiếc rương sang trọng mang trên mình “lớp áo mới” của LV monogram.

Bước vào thập niên 1950-1960, giai đoạn mà người ta vẫn thường gọi là kỷ nguyên jet-set (trào lưu du lịch hưởng thụ của giới thương lưu), những chiếc rương Louis Vuitton đi muôn nơi cùng các nữ diễn viên thời thượng. Dần dần, theo dòng chảy của xu hướng, LV Monogram xuất hiện ngày càng rộng rãi trên những dòng túi xách và ví tiền cho nữ.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Thập niên 1990, LV Monogram thâm nhập thị trường khách hàng da màu theo một cách vô tình và đầy tranh cãi – những cửa hàng bán đồ nhái của Dapper Dan tại Harlem. Hàng loạt các rapper nổi tiếng thời bấy giờ như Run-D.M.C, LL Cool J, Public Enemy… đều rất hay lui tới nơi đây, và thường xuyên diện những món thời trang này trên sàn diễn. Sự kết nối giữa thời trang cao cấp và văn hóa đường phố đã bắt đầu nhen nhóm từ đây

Đến 1997, Marc Jacobs đặt chân đến Louis Vuitton, và lần đầu tiên, người ta được thấy những biến thể mới của LV Monogram qua các bộ sưu tập Monogram Vernis hay những màn kết hợp cột mốc cùng nghệ sĩ đương đại Takashi Murakami, nghệ sĩ graffiti Stephen Sprouse…

Qua các dự án hợp tác đình đám, họa tiết LV Monogram dần trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong đó, nữ họa sĩ người Thụy Điển Sylvie Fleury đã tự tay làm nên bức điêu khắc chiếc túi duffel của Louis Vuitton bằng chất liệu đồng.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Thậm chí, Takashi Murakami còn áp dụng cả họa tiết đình đám này vào những tác phẩm pop art sau này của ông.

Từ 2013, Nicolas Ghesquière nối tiếp các vị tiền nhiệm trong việc duy trì sức nóng của họa tiết LV Monogram ở thời đại mới, tiêu biểu là chiếc túi Petite Malle nổi tiếng một thời của bộ sưu tập mùa Xuân 2015.

Sau đó, bộ 6 phiên bản ví cầm tay LV Monogram của Karl Lagerfeld, Frank Gehry, Cindy Sherman, Marc Newson, Christian Louboutin và Rei Kawakubo nhân dịp 160 năm thành lập thương hiệu trở thành cột mốc lịch sử đáng nhớ của Louis Vuitton.

Và cứ thế, sau Kim Jones, đến Virgil Abloh, cho đến nay, LV Monogram chưa hề đánh mất đi giá trị xu thời của mình, mà không ngừng biến hóa theo bản sắc của mỗi vị Giám đốc Sáng tạo, đã độc đáo nay càng đột phá hơn.

CD Diamond

Năm 2022, Kim Jones chính thức giới thiệu lớp hoa văn hình học “hoàn toàn mới” với cái tên CD Diamond. Bộ ký tự CD thường thấy của nhà mốt nước Pháp được tái hiện qua những đường vẽ góc cạnh, tạo thành một hình khối như kim cương. Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ sưu tập Xuân Hè 2022, CD Diamond thực chất đã ra đời từ năm 1974 dưới sự sáng tạo của nhà thiết kế Marc Bohan, và vẫn luôn ẩn mình trong kho lưu trữ của nhà mốt suốt gần 50 năm, trước khi được Kim Jones đem vào ứng dụng.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Nói đến Marc Bohan, thì chắc chắn không một nhà thiết kế nào có thời gian phục vụ cho nhà mốt lâu bằng ông, kể cả vị sáng lập Monsieur Dior. Xuyên suốt 30 năm cống hiến từ 1958-1989, Marc Bohan vừa là nguồn động lực sáng tạo thúc đẩy nhà mốt vươn xa, vừa là người gác đền của những giá trị duy mỹ cốt lõi mà Christian Dior luôn gìn giữ. Nối gót Yves Saint Laurent và tôn vinh con đường của Monsieor Dior, Marc Bohan đi theo phong cách thiết kế thanh lịch, lãng mạn, tinh tế và tràn đầy sức trẻ.

Không chỉ vậy, Bohan còn là người góp phần kết nối hai thế giới sáng tạo thời trang và nghệ thuật. Nhờ có ông, thế giới thời trang được biết đến Niki de Saint Phalle – một trong những nghệ sĩ điêu khắc, hội họa và nhà làm phim nổi tiếng thời bấy giờ. Niềm yêu thích dành cho các nền văn hóa xa xôi đã thôi thúc ông hòa quyện thẩm mỹ nền tảng của Dior cùng tinh thần khám phá, tự do, với câu châm ngôn nổi tiếng: “To make sophisticated clothes simply, with a touch of insolence every now and then.” (tạm dịch: Tạo nên những bộ quần áo tinh xảo một cách đơn giản, với một chút điểm nhấn tinh tế đó đây)

Chính từ lối sáng tạo đầy linh hoạt, Marc Bohan sáng tạo nên lớp hoa văn CD Diamond với sự hội tụ đủ đầy của những giá trị duy mỹ mà ông theo đuổi – lời tôn vinh đến vị cha đẻ Christian Dior bằng những tạo hình hiện đại, gảy gọn. Đáng tiếc, hoa văn này, sau khi được vẽ nên vào 1974, lại bị “thất sủng” trong kho lưu trữ suốt gần 50 năm. Và cuối cùng, nhà mốt cũng có một vị Giám đốc Sáng tạo thấu cảm được giá trị của lớp hoa văn vượt thời gian này, và quyết định sử dụng nó như một biểu tượng mới của Dior.

Việc Kim Jones sử dụng hoa văn CD Diamond vào những thiết kế Xuân Hè của mình không chỉ cho thấy tầm nhìn thời trang xa rộng của Marc Bohans, mà còn là biểu hiện cho sự kết nối xuyên thế hệ của hai nhà thiết kế tài ba. Và nếu tìm hiểu kỹ hơn triết lý sáng tạo của Kim Jones, ta có thể thấy được sự tương đồng rất lớn với những gì Marc Bohans từng theo đuổi – vẻ đẹp tinh giản mà tinh xảo, tái hiện giá trị cốt lõi bằng đường nét hiện đại. Có lẽ, 50 năm ngủ yên trong kho lưu trữ của CD Diamond thực ra cũng không quá uổng phí, khi giờ đây, lớp hoa văn cũ mà mới này bắt đầu có chuyến hành trình đầu tiên của mình cùng nhà thiết kế thực sự xứng đáng.

GG Interlock – GG Monogram

Năm 1897, chàng trai Guccio Giovanbattista Giacinto Dario Maria Gucci rời khỏi Florence để đến Paris, và đến London để làm việc cho Savoy Hotel. Tại đây, cậu đã quan sát phong cách của hàng nghìn vị khách thượng lưu, ghi nhớ chúng, trước khi trở thành Giám đốc Điều hành của khách sạn cao cấp này. Để rồi sau này, 1921, Guccio Gucci thành lập thương hiệu hành lý từ da trứ danh của riêng mình House of Gucci tại số 7, Via della Vigna Nuova, Florence.

Khi ấy, logo của thương hiệu không thực sự là một logo, khi chỉ là dòng ký tự ghi họ của nhà sáng lập và in nghiêng. Đến năm 1929, logo chỉ có một chút thay đổi – dòng ký tự in nghiêng thêm một ký tự G in hoa vào đằng trước, đại diện cho tên ông là Guccio. Tuy nhiên, khi Aldo Gucci, con trai của Guccio, dần trưởng thành và bắt đầu tiếp quản một phần công việc tại thương hiệu cùng cha, anh đã tạo nên một trong những biểu tượng gắn bó lâu dài nhất cùng thương hiệu.

Năm 1933, Aldo giới thiệu phiên bản logo hoàn chỉnh đầu tiên của thương hiệu đồ da trứ danh. Đó là hai ký tự G cùng chiều, quay mặt và móc nối vào nhau. GG, theo Aldo, là viết tắt cho tên cha mình – Guccio Gucci; trong khi đó, hình ảnh móc nối (Interlock) là sự liên tưởng đến chiếc vòng đeo tay, tượng trưng cho sự sang trọng mà thương hiệu này luôn theo đuổi. Mặt khác, hình ảnh GG Interlock còn được cho là giống các vòng lặp kép của biểu tượng vô cực, thể hiện tinh thần kiên cường.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Năm 1953, Guccio Gucci qua đời, để lại thương hiệu danh giá cho Aldo và hai anh em, Rodolfo và Vasco, điều hành về thiết kế lẫn sản xuất. Xuyên suốt giai đoạn đầu thập niên 1960, logo được áp dụng như một hoa văn đặc trưng trên hàng loạt các dòng túi, hành lý, các sản phẩm thuộc da nhỏ…

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Và cũng từ đây, GG Interlock có cho mình biến thể đầu tiên là hoa văn GG Monogram, với một chữ G dựng xuôi, một chữ xoay ngược. Hơn cả logo GG Interlock, GG Monogram trở thành lớp hoa văn thịnh hành bậc nhất của Gucci cho đến ngày nay.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Với súc hút thời trang mãnh liệt của GG Interlock và GG Monogram, Gucci cũng là một trong những thương hiệu thời trang bị làm giả nhiều nhất. Tiêu biểu trong đó chính là Dapper Dan, chủ doanh nghiệp thời trang đồ nhái khét tiếng tại Harlem vào thập niên 1980 và 1990. Những thiết kế đồ nhát của Dapper Dan góp phần đưa tên tuổi Gucci lan rộng khắp thế giới hip hop.

Trái ngược với sự phản đối của đa số thương hiệu cao cấp, Gucci thời Alessandro Michele lại dành sự trân trọng đến nhà thiết kế lém lỉnh người da màu. Năm 2018, Dapper Dan chính thức có bộ sưu tập thời trang kết hợp cùng Gucci.

Trải qua thời đại của Tom Ford (1994 – 2004) với ký tự G góc cạnh hay Alessandro Michele (2015 – nay) với biến thể GG xoay cùng chiều với nhau, biểu tượng GG Interlock và hoa văn biến thể GG Monogram vẫn là hai hình ảnh để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất. Đúng với ý nghĩa mà GG Interlock bao hàm, Gucci vẫn sẽ là tên tuổi thời trang còn sống mãi, bền bỉ trong lòng từng người yêu thời trang.

Burberry Nova Check

Đầu năm 2018, thương hiệu cao cấp nước Anh Burberry gây chấn động với làng thời trang thế giới với bộ sưu tập hợp tác cùng Gosha Rubchinskiy. Màn hợp tác nhận về không ít lời ngợi khen, nhưng cũng không thiếu những lời chỉ trích: Burberry bị xem là “giả tạo”, khi dùng chính thời trang của tầng lớp lao động để làm hình ảnh cho thương hiệu, nhưng lại từng hắt hủi tầng lớp này khỏi những sản phẩm cao cấp của mình. Chuyện gì đã xảy ra? Tất cả đều từ hoa văn biểu tượng Nova Check mà ra.

Burberry khởi đầu là một thương hiệu chuyên áo khoác chống mưa từ năm 1857. Thương hiệu nổi tiếng với dòng áo khoác đi hào (trench coat) được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến Thứ nhất. Sau chiến tranh, thương hiệu cũng trở thành cái tên ưa thích của những nhà thám hiểm, nhưng vẫn chưa được xem là một thương hiệu cao cấp. Vào thập niên 1920, Burberry tạo ra lớp vải hoa văn Nova Check, dùng làm lớt lóp bên trong các áo khoác của mình. Ít ai ngờ rằng, đây chính là chất liệu “đổi đời” cho Burberry.

Năm 1967, Jacqueline Dillemman, một người mua hàng Burberry tại Paris, đã nảy ra một ý tưởng đột phá. Nhằm chuẩn bị bài thuyết trình thời trang với Đại sứ Anh Sir Patrick Reilly, cô tách lớp vải lót Nova Check từ chiếc áo khoác để làm lớp bọc hành lý và thiết kế vỏ đựng ô. Sự ứng biến nhanh chóng thu hút sự tò mò từ vị Đại sứ, khơi mào cho việc áp dụng hoa văn Nova Check trên rộng rãi các phụ kiện của Burberry. Tiêu biểu trong số đó là chiếc khăn choàng cổ cashmere biểu tượng, ra đời vào thập niên 1970. Từ đây, hình ảnh Burberry và Nova Check bắt đầu gắn liền với tầng lớp trung-thượng lưu nước Anh, hay còn được gọi là Sloane Rangers, trải dài suốt hai thập niên 1970 và 1980.

Bước sang thập niên 1990, tầm ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của Burberry khiến sự khao khát lan rộng đến tầng lớp bình dân. Xã hội Anh, lúc bấy giờ, bị ảnh hưởng rất nặng bởi chủ nghĩa giai cấp. Do đó, việc Nova Check trở nên phổ biến ở chavs (từ miệt thị báo chí Anh dành cho tầng lớp lao động) khiến Burberry phần nào lo ngại với vị thế cao cấp của mình, nhưng vẫn hài lòng vì độ lan tỏa mà trào lưu này mang lại.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Năm 2002, vị thế cao cấp của Nova Check tiếp tục lung lay sau khi bức ảnh của nữ diễn viên tai tiếng vì nghiện cocaine Daniella Westbrook xuất hiện. Trong bức ảnh, cô và đứa con gái của mình đều diện quần áo, phụ kiện hoa văn Nova Check của Burberry; đến cả chiếc xe đẩy cũng được bọc hoa văn này. Tầng lớp nhà giàu tại Anh bắt đầu xa lánh Burberry, nhưng với các chavs thì khác.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Đầu những năm 2000, Nova Check không chỉ thịnh hành ở tầng lớp lao động, mà còn là hoa văn yêu thích của nhiều fan cuồng bóng đá tại Anh và Đông Âu, hay còn được gọi là Burberry Lads (những gã trai Burberry). Burberry không chỉ điều chỉnh giá cả của một số sản phẩm như nón bóng chày và áo sơ mi Nova Check phù hợp hơn với đại chúng, họ còn cấp phép sản xuất nhiều mặt hàng khác được mang hoa văn biểu tượng của hãng. Nhưng cũng chính hành động này đã khiến hình ảnh Burberry bị xuống cấp nặng nề, cộng thêm vấn nạn làm đồ giả tràn lan. Đứng trước tình hình này, Christopher Bailey, Giám đốc Sáng tạo và cũng là Giám đốc Điều hành của Burberry đương thời, cho rút hàng loạt giấy phép, cũng như ngừng sản xuất gần như mọi thiết kế có hoa văn Nova Check của hãng, trừ một số sản phẩm cao cấp. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Burberry và tầng lớp lao động rạn nứt từ đây.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Rõ ràng, quyết định khôi phục vị thế xa xỉ mang lại hiệu quả khả quan cho Burberry, bằng chứng là mức tăng trưởng 21% trong năm 2011. Tuy nhiên, thành công nhanh chóng suy tàn, và Burberry rơi vào tình trạng hoạt động tồi tệ vì sức mua giảm. Đặc biệt, doanh thu Burberry giảm mạnh vào 2015, khi mất đi phần lớn chi tiêu từ các khách hàng Trung Quốc, buộc các cổ đông phải cắt 75% lương của Christopher Bailey từ 7,5 triệu còn 1,9 triệu bảng. Và lời đồng ý hợp tác cùng Gosha Rubchinskiy được xem như biện pháp cứu vãn sau cùng, cùng bộ sưu tập ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, của ngài CEO trước khi nhường lại chiếc ghế cho Marco Gobbetti vào cuối 2018.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Ngày nay, Nova Check vẫn xuất hiện đều đặn trong các bộ sưu tập của Burberry, như một biểu tượng không thể thiếu. Hơn nữa, khi thời trang cao cấp và đường phố không còn phân định rạch ròi như trước, lớp hoa văn này cũng không còn mang nặng ý nghĩa phân chia giai cấp như trước đây. Thế nhưng, câu chuyện về Nova Check vẫn sẽ luôn là dấu tích không phai mờ, như một bài học dành cho các thương hiệu cao cấp trong việc tôn trọng khách hàng của mình.

Onitsuka Tiger Stripes

Năm 1968, toàn bộ phái đoàn Nhật Bản bước vào sân vận động cùng dòng giày này phiên bản MEXICO DELEGATION, đưa lớp hoa văn hai sọc đặc trưng của Onitsuka Tiger trở thành biểu tượng mới của thời trang thế giới. Trải dài hơn 70 năm hoạt động, những đôi giày Onitsuka Tiger với lớp hoa văn đường sọc hai bên thân là một trong những điểm nhấn thời trang được giới mộ điệu thời trang theo đuổi.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Và nếu để chọn một dòng giày nào có thể lột tả đậm nét lớp hoa văn này, đó chính là dòng sản phẩm với họa tiết ba màu xanh-trắng-đỏ. Dòng giày mang tính biểu tượng của Onitsuka Tiger luôn để lại sự say mê, cuồng nhiệt với các tín đồ thời trang và thể thao. Trong đó, thiết kế MEXICO 66 với họa tiết độc đáo này đã ra mắt trong các trận đấu ở Mexico những năm 1960, từ đó nó đã giành được sự công nhận.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Xuyên suốt hơn 50 năm lịch sử kể từ khi thiết kế vĩ đại ra đời, Onitsuka Tiger vẫn không ngừng đa dạng hóa hoa văn biểu tượng Tricolor qua nhiều tông màu và các chi tiết thêm thắt khác. Cho đến năm 2022, dòng giày Tricolor vẫn tiếp tục là một trong những kiểu họa tiết không thể thiếu cho đa dạng kiểu người mặc. Từ các phiên bản hiện đại của thiết kế kinh điển như DELEGATION EX đến GIGATIA, Onitsuka Tiger cũng hoàn toàn sẵn sàng mang đến các lựa chọn giày sành điệu và năng động cho những con chiên thời trang khó tính nhất.

MFDirectory - hoa văn biểu tượng

Hình minh họa: Ben Nguyễn
 

Related Article