LHP Cannes 2024: Lực hấp dẫn của hạng mục Queer Palm và những tựa phim ấn tượng
LifestyleMusic & Film

LHP Cannes 2024: Lực hấp dẫn của hạng mục Queer Palm và những tựa phim ấn tượng

Không chỉ là nơi quy tụ những nhà làm phim gạo cội với các chủ đề thời sự, Cannes còn là mảnh đất màu mỡ dành cho dòng phim LGBTQ+ (hay gọi tắt bằng cái tên mỹ miều là Queer), bằng chứng là từ 2010, Cannes tổ chức trao giải thường niên cho các phim Queer, thuộc mọi hạng mục. Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 14/5 – 25/5, có đến 16 phim đủ điều kiện tranh Queer Palm, trong số này thậm chí có những tác phẩm được dự đoán thắng Cành cọ vàng, hoặc các hạng mục tranh giải khác. Hãy cùng Men’s Folio đánh giá sâu hơn về những nhân tố đặc biệt này!

Dấu ấn và cột mốc

Queer Palm là giải độc lập, được trao dựa trên toàn bộ tác phẩm mới lần đầu đến Cannes, các phim này có thể nằm trong khuôn khổ tranh Cành cọ vàng, hoặc bất kì hệ thống giải thưởng nào tại Cannes. Nhà báo Franck Finance-Madureira là người sáng lập ra Queer Palm, sau khi Queer Lion của LHP Venice gây tiếng vang và tạo hiệu ứng tốt. Các phim lấy đề tài LGBTQ+ mỗi ngày một tăng, nếu như Cannes 2010 chỉ có 4 phim tranh giải thì đến 2023 con số này đã lên tới 13. Trong số những tác phẩm thắng Queer Palm, hiện mới chỉ duy nhất “BPM (Beats per Minute)” là suýt chạm tay tới Cành cọ vàng, khi thắng Grand Prix – giải cao thứ nhì tại LHP. 

Năm ngoái, “Monster” của đạo diễn nổi tiếng Hirokazu Kore-eda bất ngờ giành chiến thắng tại hạng mục này, sau đó ẵm thêm giải Kịch bản gốc, đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn tài năng này thử sức với dòng phim LGBTQ+ đặc biệt với các nhân vật thiếu niên. Phim xoay quanh hai đứa trẻ Saori Mugino và Yori Hoshikawa khát khao được sống với bản năng và cảm xúc tinh khôi đầu đời. Bằng kinh nghiệm làm việc với các diễn viên nhí trước đó, Kore-eda đã tạo ra những thước phim đẹp, mở ra thế giới trẻ con ít ai ngờ tới. “Monster” cũng dấy lên tranh cãi việc liệu công bố các tác phẩm dự tranh Queer Palm có vô tình khiến nội dung phim bị… lộ trước khi đến với đại chúng? 

Tuy vậy, chính vì Queer Palm được đánh giá có sức hấp dẫn không kém các hạng mục tranh giải khác, nên các nhà phê bình, báo chí và truyền thông đều hết sức quan tâm tới các tác phẩm có yếu tố LGBTQ+ dẫn tới việc danh sách phim tranh giải thường được công bố cận ngày diễn ra khai mạc LHP. 

Những lần đầu tiên

Trong hạng mục tranh Cành cọ vàng, “Bird” của nữ đạo diễn gạo cội Andrea Arnold đang được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho chính tác giả, cũng như đề tài LGBTQ+ vốn rất được ưu ái ở Cannes. Cách đây hơn 10 năm, “Blue Is the Warmest Colour” trở thành phim LGBTQ+ hiếm hoi chạm tay đến tượng vàng và từ đó đến nay, vẫn chưa tác phẩm cùng đề tài nào vượt qua được.

“Bird” là câu chuyện về một người bố đơn thân có hai con đang vật lộn với cuộc sống hiện đại, đồng thời tìm thấy sự bình yên bên cạnh một người cùng giới khác… Tác phẩm có sườn câu chuyện không khác nhiều so với phong cách phim hành trình, giả tài liệu của Arnold từ xưa tới nay. Điểm mới mẻ có chăng là lần đầu tiên, cô làm phim với phần lớn diễn viên nam, so với việc chỉ thực hiện các phim “nữ tính” trước đó. 

“Bird” có dàn diễn viên thực lực với hai cái tên nổi bật là Barry Keoghan và Franz Rogowski, được dự báo có khả năng đăng quang Ảnh đế nếu như phim trượt Cành cọ vàng. Với Queer Palm, “Bird” cũng là ứng viên sáng giá tuy nhiên những phim chiến thắng trước đó hầu như đều theo trường phái arthouse, hoặc là các phim yếu tố chính trị, thời sự… nên việc một tác phẩm mang hơi thở đương đại như “Bird” có sự cạnh tranh cũng đã là kỳ tích. 

Ngoài “Bird” còn có một phim khác cùng được đề cử Queer Palm lẫn Cành cọ vàng là “Emilia Pérez” của đạo diễn nổi tiếng người Pháp Jacques Audiard – ông là chủ nhân tượng vàng với “Dheepan” hồi 2015 và có một sự nghiệp khá vẻ vang ở châu Âu với loạt phim nghệ thuật đỉnh cao như “Rust and Bone”, “The Beat That My Heart Skipped”… Đáng chú ý, “Emilia Pérez” là lần hiếm hoi Audiard làm việc với các tên tuổi đến từ Hollywood bao gồm mỹ nhân da màu Zoe Saldaña và ngôi sao nhạc Pop Selena Gomez. Bất ngờ hơn khi Gomez lần đầu đóng phim có yếu tố LGBTQ+ và Audiard lần đầu tiên làm việc với diễn viên chuyển giới Karla Sofía Gascón cho vai nữ chính trong phim. 

Tuy sở hữu dàn cast nhan sắc đa dạng song câu chuyện của phim lại nhuốm màu đen tối khi xoay quanh cuộc đại phẫu tìm lại giới tính của một thủ lĩnh băng đảng khét tiếng Mexico, đồng thời trống chạy khỏi sự truy lùng của cảnh sát quốc tế sau những phi vụ làm ăn tồi tệ. Bằng các yếu tố giật gân kể trên, dự đoán “Emilia Pérez” khó có thể ra về tay không ở Cannes năm nay bất chấp việc Jacques Audiard gần như sưu tập đầy đủ các giải thưởng cá nhân quan trọng…

Queer Palm cũng chứng kiến cùng lúc hai đạo diễn lần đầu tiên cùng đề cử Cành cọ vàng và Queer Palm là Emanuel Parvu của Romania và Karim Aïnouz của Brazil, cả hai tuy không phải tên tuổi xa lạ nhưng họ đã phải trải qua quá trình làm phim đủ lâu để được mời vào vị trí tranh tài danh giá ở Cannes. Emanuel Parvu mang phong cách phim chủ nghĩa hiện thực, không hoa mỹ và có phần tương đồng với đạo diễn kỳ cựu Ken Loach khi phản ánh các vấn đề nhân sinh ngoài xã hội.

“Three Kilometres to the End of the World” đánh dấu phim LGBTQ+ đầu tiên của Parvu, xoay quanh thanh niên 17 tuổi Adi bị tấn công tình dục vào kỳ nghỉ Hè ở làng quê Danube, sự kiện này khiến cả thị trấn và cuộc sống chàng trai trẻ đảo lộn hoàn toàn.   

Emanuel Parvu vốn không phải tên tuổi phổ biến, ông cũng không có thói quen làm việc với dàn tài tử ngôi sao thế nên “Three Kilometres to the End of the World” rất kín tiếng, cũng như trở thành “ngựa ô” ở Cannes năm nay. Trong khi đó, Karim Aïnouz lại có sự nghiệp khởi sắc hơn, với loạt tác phẩm được đánh giá mức khá bao gồm “Madame Satã”, “Futuro Beach” và đặc biệt là phim tài liệu “The Invisible Life of Eurídice Gusmão” từng đoạt giải tại hạng mục Un Certain Regard của Cannes… Karim Aïnouz đã có cơ hội tranh Cành cọ vàng vào năm ngoái với “Firebrand” tuy nhiên phim bị chê bai thậm tệ, khiến Aïnouz nôn nóng… phục thù bằng “Motel Destino” – một phim nhuốm màu sắc ái tình cực kì được Cannes mến chuộng. 

“Motel Destino” xoay quanh ông chủ phòng trò tình nhân Elias cùng cô vợ tính khí thất thường, nhưng mọi trật tự bị đảo chiều khi xuất hiện Heraldo – chàng thanh niên trẻ thuê khách sạn để lẩn trốn khỏi sự truy đuổi của một băng nhóm giang hồ. Mối quan hệ tay ba phức tạp bắt đầu ngay sau đó, đưa các nhân vật vào thế phải phân định đúng sai, lòng chung thủy và sự ham muốn cái nào sẽ bảo toàn mạng sống… Phim được dự báo ngập tràn cảnh nóng táo bạo và sẽ là ứng viên tiềm năng của Queer Palm năm nay.

Trong số những “lần đầu tiên” kể trên, lần đầu tiên cải trang thành nam giới của nữ diễn viên Pháp Chiara Mastroianni có lẽ là khó quên nhất. Từng được biết đến là hiện thân của tinh hoa, khi là con gái minh tinh huyền thoại Catherine Deneuve và đạo diễn Ý lừng danh Marcello Mastroianni, Chiara nỗ lực để có chỗ đứng vững chắc tại Pháp cùng nhiều vai diễn thành công trong đó phải kể đến hai tác phẩm của đạo diễn Christophe Honoré là “On a Magical Night” và “Beloved” đều cùng ra mắt ở Cannes. Vốn là “con cưng” tại Pháp, việc Chiara Mastroianni tái hiện lại chính hình tượng bố mình trong “Marcello Mio” gây chú ý, đặc biệt khi phim cùng lúc được đề cử cả Queer Palm lẫn Cành cọ vàng.

Theo như nội dung công bố, Chiara Mastroianni vào một ngày đẹp trời bỗng muốn trở thành… bố mình bằng cách cải trang, ăn mặc sao cho giống hệt ông hồi trẻ. Không chỉ mang phong cách trào phúng, “Marcello Mio” còn gây bất ngờ bởi yếu tố tính dục khi Chiara trong hình hài Marcello vẫn thu hút đàn ông… cộng với yếu tố nhân vật cải trang khác giới khiến phim có giá trị nhất định để phim tranh Queer Palm, dù ai cũng biết Honoré vốn là đạo diễn đồng giới công khai và nhiều phim của ông cũng từng tranh hạng mục này. Trong khi cả Honoré và Chiara Mastroianni đều là những nghệ sĩ được yêu thích ở Pháp, “Marcello Mio” có thể là cơ hội lớn để họ chạm tay đến các giải thưởng giá trị hơn ở Cannes. 

Những tiềm năng chờ… ló dạng!

Ở phần còn lại của danh sách tranh giải Queer Palm, hầu hết đều là những nhà làm phim trẻ, có hoặc ít có tên tuổi trên bản đồ điện ảnh thế giới, nhưng họ vẫn có cơ hội thể hiện góc nhìn riêng tư, mang cái tôi nghệ sĩ lớn. Hứa hẹn trong số này có Noémie Merlant, nữ diễn viên trẻ người Pháp từng ba lần được đề cử César (Oscar Pháp) và đang chuyển hướng sang làm đạo diễn phim. Đến Cannes với vai trò đạo diễn, “The Balconettes” lấy thể loại kinh dị hài – một dòng phim đang “trend” ở Pháp mấy năm gần đây, làm thử thách mới. 

Phim xoay quanh ba cô bạn thân (Noémie Merlant cũng sắm một vai), sống trong căn hộ cao tầng, cả ngày trốn nắng và đêm xuống thì… rình mò người đàn ông điển trai lạ mặt ở căn đối diện. Từ cảm xúc thích thú, tò mò, xen lẫn hài hước… câu chuyện chuyển hướng sang giật gân sau một vụ tấn công đẫm máu giữa đêm, khiến các nhân vật rơi vào cuộc hỗn loạn không thể ngờ. “The Balconettes” mang nhiều yếu tố… câu khách, hoàn toàn có khả năng làm nên chuyện tại phòng vé nếu biết cách quảng bá, phim cũng được Cannes chọn chiếu tại hạng mục không tranh giải chính là Midnight Screening cho thấy ngoài yếu tố cảnh nóng, phim chắc chắn sẽ có nhiều phân đoạn nghẹt thở!

Một trong những phim chưa chiếu đã gây tranh cãi, là “Viet and Nam” của Trương Minh Quý – phim hiện đang bị Cục điện ảnh trong nước kiên quyết từ chối cấp phép vì không thông qua kiểm duyệt. Mặc dù số phận của “Viet and Nam” sẽ hết sức cam go tại thị trường nội địa, phim vẫn còn cơ hội tiến ra quốc tế nếu đủ chất lượng, trong đó việc thắng Queer Palm hoặc thắng tại hạng mục tranh giải Un Certain Regard là điều kiện tiên quyết.

Tác phẩm của Quý – nhà làm phim 8x, xoay quanh hai chàng trai tên Việt và Nam, cùng làm thợ mỏ nhưng quá khứ không ngủ yên khiến cho tương lai họ trở nên bất định. Không nhiều thông tin hoặc hình ảnh về tác phẩm ở thời điểm nhạy cảm hiện tại, song với người hâm mộ dòng phim arthouse thuần túy, tác phẩm được kì vọng nối gót thành công của “Bên trong vỏ kén vàng” ở Cannes hồi năm ngoái. 

Cũng thuộc thế hệ 8x, Marcelo Caetano nổi lên với vài trò giám đốc casting chuyên săn tìm các diễn viên cho các dự án điện ảnh. Bản thân Caetano cũng đã thử sức làm phim với “Body Electric” cũng thuộc đề tài LGBTQ+ và lần này đến Cannes, Marcelo Caetano mang tới “Baby” – phim đồng thời nằm trong hạng mục tranh giải phụ là Critics’ Week, với cốt truyện không quá mới: một thanh niên điển trai vừa ra tù, sống nương nhờ vào một người đàn ông từng trải, mối quan hệ giữa họ phát triển theo chiều hướng đầy kịch tính và sóng gió… Có thể thấy câu chuyện phim khiến người xem liên tưởng tới tác phẩm cùng đề tài là “Our Paradise” hoặc “Burnt Money” khi các nhân vật đồng giới đồng thời là tội phạm đường phố… 

Cùng tranh Critics’ Week là “Block Pass” của Antoine Chevrollier – đạo diễn trẻ tiềm năng đến từ Pháp, cùng bộ phim đáng chú ý về trẻ vị thành niên – yếu tố đang được Cannes để mắt gần đây. “Block Pass” xoay quanh hai thiếu niên Willy và Jojo – hai người bạn thân từ thuở ấu thơ, chưa từng rời xa nhau kể cả khi cùng tập luyện tại một đường đua xe mô-tô. Mối quan hệ đang yên lành bỗng chốc trở nên căng thẳng khi một trong hai phát hiện ra bí mật giới tính của người kia… Nội dung phim tương đồng với “Monster” và “Close” – hai phim từng giành giải thưởng tại Cannes các năm trước, và có thể nó sẽ một lần nữa xảy ra với “Block Pass”. 

Sinh năm 1996, Hiroshi Okuyama là đạo diễn trẻ nhất tranh tài tại Queer Palm năm nay với “My Sunshine” – một phim nhuốm màu thanh xuân với hình ảnh tuyết rơi ở Hokkaido cùng các nam thanh nữ tú đam mê các môn thể thao như khúc côn cầu, trượt băng nghệ thuật. Nếu như mùa đông là mùa hạnh phúc nhất của chàng trai Takuya dành cho Sakura, họ là một đôi tuyệt đẹp cho đến khi huấn luyện viên của Takuya lại yêu thầm anh, và mùa Xuân đến khiến tuyết tan, mối quan hệ tay ba cũng tan đàn xẻ nghé… Với câu chuyện không “nặng nề”, “My Sunshine” khó có cơ hội chiến thắng tuy nhiên nó lại rất dễ tiếp cận với số đông khán giả vì yếu tố tình cảm lãng mạn và gần gũi người xem Á đông. 

Queer Palm sẽ… gọi tên người quen?

Một trong những ứng viên sáng hàng đầu và có khả năng rất cao thắng giải này (theo quan điểm người viết) là “Misericordia” của Alain Guiraudie. Nếu điều đó xảy ra, Alain Guiraudie sẽ lập kỷ lục hai lần chiến thắng, sau khi đã ẵm một giải hồi 2013 với “Stranger by the Lake” – một trong những phim Queer Palm thành công nhất sau khi bước ra khỏi Cannes. Tác phẩm này từng giúp Guiraudie thắng giải đạo diễn trong khuôn khổ Un Certain Regard, sau đó được 8 đề cử César và lọt vào danh sách Top 10 phim hay nhất của loạt báo chí phương Tây, trở thành một cult classic đối với cộng đồng LGBTQ+. 

“Misericordia” có cốt truyện giật gân không kém “Staying Vertical” – phim duy nhất của Guiraudie tranh Cành cọ vàng, xoay quanh nhân vật Jérémie trở về Saint-Martial dự lễ mai táng của người sếp cũ, nhưng chịu sự phản đối kịch liệt của con trai anh ta. Trong một cuộc ẩu đả, Jérémie lỡ tay giết chết chàng trai và để tìm cách che giấu tội lỗi, Jérémie lợi dụng ham muốn xác thịt của người linh mục trong làng để có được bằng chứng ngoại phạm… 

Bằng thủ pháp điện ảnh độc đáo, cách kể chuyện trần trụi với những cú twist khó đoán khơi gợi sự tò mò và trí tưởng tượng của người xem, Alain Guiraudie được đánh giá là nhà làm phim “mát tay” với đề tài LGBTQ+. Việc ông chỉ có mặt ở duy nhất hạng mục Queer Palm có hai lý do: hoặc “Misericordia” không đủ hay để tranh giải ở những hạng mục khác, hoặc ngược lại: phim quá hay để xác lập kỷ lục! Hãy cùng chờ xem!

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article