Lăng LD: “Khi biết âm nhạc cũng có thơ, thì tôi chơi với nó!”
Arts & CultureFeature

Lăng LD: “Khi biết âm nhạc cũng có thơ, thì tôi chơi với nó!”

Lăng LD dù có diện bộ đồ hầm hố đến thế nào vẫn mang một vẻ lãng tử rất duyên từ những tháng ngày Rap Việt mùa đầu tiên. Nhưng sau hào quang của Rap Việt thì sao? Khi gặp Lăng thì tôi nhận ra… đường dài sẽ biết ngựa hay.

Hành trình đến với một Lăng LD – nhà sản xuất âm nhạc, rapper, nhạc sĩ ngày hôm nay như thế nào, những người hâm mộ Rap Việt có lẽ cũng đã có những thông tin nhất định sau khi cái tên Lăng LD để lại những ấn tượng rất riêng trên sân khấu nhạc Rap “hot” nhất sóng truyền hình thời điểm đó. Họ gọi Lăng LD là “rapper đường phố”, Lăng cũng không phủ nhận điều này. Nhưng “đường phố” đến mức nào, thì không cần phải nghe Lăng bóc tách mà chỉ cần quan sát cách cậu chia sẻ về âm nhạc, về cách Lăng suy nghĩ thì cũng đủ hiểu. Lăng LD đường phố thế nào, cứ nghe cách anh chàng nói về việc đi tìm cảm hứng. Từ báo ngày cho đến những ngóc ngách ngoài đường phố, từ những câu từ biển hiệu cho đến tình huống xảy ra trong đời sống bạn bè… tất cả đều có thể là ý tưởng để Lăng LD biến nó thành âm nhạc.

Lăng bắt đầu nghe rap khi thấy mình bị những flow, những nội dung và vấn đề trong đó thu hút. Rồi để thỏa mãn thú vui mới của mình, cậu cover nhạc bằng cách sử dụng nguyên lời rap nhưng chọn một beat khác. “Tâm thế của tôi lúc đó là khi làm cái gì nhuần nhuyễn rồi, người ta sẽ có ước muốn tạo ra được nó.” Khao khát là một phần, nhưng tôi thấy còn có cả sự bướng bỉnh và kiên quyết ở tất cả những việc Lăng làm để cốt chạm gần hơn, dấn sâu hơn vào thế giới nhạc rap đầy mới mẻ.

Lăng LD kể về rap như người ta nói về chuyện tình yêu, “tôi từng nghi ngờ về nó, nhưng vẫn chạy theo nó một cách si mê và tìm được nhiều thứ hơn cũng là vì nó…” Cũng may mối tình này không phải một câu chuyện tình buồn, bằng chứng là cuối cùng người ta cũng biết đến cái tên Lăng LD trên và sau sân khấu Rap Việt. Bằng chứng là ít nhất một vài lần sự chân chất khá “không liên quan” đến vẻ điển trai lãng tử của anh chàng khiến người ta rung cảm. Tất nhiên nói Lăng không có suy tính gì với những sản phẩm âm nhạc của mình là một sai lầm, nhưng luôn có bí mật ẩn sau những lần Lăng LD đứng trên sân khấu. “Tôi không tập luyện cách biểu diễn nhiều quá vì sợ mất cái duyên, nó không thể quá công nghiệp được.”

Hãy kể câu chuyện của bạn với Rap đi?

Tôi là lứa hay nghe nhạc trong khoảng thời gian 8x 9x từ đĩa CD của các anh các chú. Từ sau khi biết Internet, tôi đi chơi Bboy với anh em, nghe được thêm loại nhạc mới. Tôi bị cuốn hút bởi những nhịp điệu ấy. Mình thích nghe mang những cường điệu như vậy hơn là những cái đều đều, những câu khuôn mẫu lặp đi lặp lại trong rất nhiều bài nhạc. Khi ấy tôi nghe rap, rap lại hướng tôi về nhiều nội dung, vấn đề khác hơn. Tôi bắt đầu nghe và cover lại bài đó trên một nền nhạc khác, chỉ để thỏa mãn tâm trạng của mình. Khi mà đã làm theo nhuần nhuyễn một cái gì đó rồi, bạn sẽ có ước muốn được tạo ra nó. Đó là lý do tôi đến với việc làm nhạc Rap.

Phong cách âm nhạc của bạn đến một cách tự nhiên hay do bạn vốn muốn theo đuổi thể loại ấy?

Tôi nghĩ là nó đến tự nhiên. Vì ở mỗi giai đoạn, mình sẽ có cảm giác mình đang hứng thú với dòng nhạc nào đó, nhiều khi mình cũng không thể rạch ròi nó được. Tôi chỉ nghĩ rằng mình muốn rap cái này thì sẽ chọn một beat đáp ứng cái yêu cầu cảm xúc thay vì lời. Trước khi người ta nghe phần ca từ, beat luôn là yếu tố thu hút đầu tiên, có vai trò như phần dẫn cảm xúc. Tôi không tự nhận mình là một người quá am hiểu kỹ thuật mà chỉ cảm nhận nó theo cách của tôi và làm nó theo cách của tôi. Ví dụ nếu câu rap này không phù hợp với cái tone mình chọn, tôi sẽ tìm cách diễn giải ý nghĩa bằng cách ngắt ngưng flow, dùng dấu chấm dấu phẩy để ngắt câu đó ra, để họ có thể toàn tâm toàn ý vào ý mình muốn nhấn mạnh.

Nếu để tự miêu tả phong cách rap của bạn bây giờ, bạn sẽ miêu tả như thế nào?

Tôi nghĩ là tôi trẻ, tự do và không gò bó tư duy âm nhạc. Nó tự do ở chỗ tôi có thể cởi mở tất cả mọi cảm xúc, mọi điều mà mình nghĩ mình có thể nói và nên nói. Ví dụ một vấn đề quá tiêu cực, nhưng nếu muốn nói nó ra, thì tôi sẽ tìm cách nói theo hướng sao cho người ta nhìn được điều tiêu cực đó một cách tích cực, một cách tốt hơn.

Tôi không tập luyện cách biểu diễn nhiều quá vì sợ mất cái duyên, nó không thể quá công nghiệp được.

Bạn từng kể đã rất bất ngờ khi đến Sài Gòn lập nghiệp, vậy ấn tượng đầu tiên của bạn về phong trào hiphop đường phố ở Sài Gòn như thế nào?

Nó khác xa với những gì tôi được tiếp xúc trước đó. Tôi đã mất rất nhiều thời gian cảm thấy tự ti, e ngại, không dám bộc lộ chính mình, vì tâm lý lúc đó là do mình mới từ quê lên. Những thứ mình thấy là mốt, thì lên Sài Gòn đã thành lỗi thời rồi. Ví dụ về quần áo, lúc ở dưới quê chúng tôi chơi hiphop mặc đồ secondhand, chỉ đi săn quần áo 5 ngàn, 10 ngàn để về tự vẽ lên đó những gì mà chúng tôi muốn. Khi tôi mặc những bộ đồ đó lên Sài Gòn, ra cộng đồng chơi thì cũng có người nói này nói nọ, nhưng mà tôi vui vì mình có thể tự tạo ra những thứ khiến bản thân thỏa mãn. Dù gì đó cũng là điều quan trọng trong hiphop và phong cách đường phố, vốn không phải là thứ muốn là có sẵn.

Thời gian đầu tôi cũng mất rất nhiều thời gian để tự định vị bản thân. Tôi phải luôn nghĩ rằng à đó là câu chuyện của họ, là những thứ thuộc về họ, tôi không thể đem họ để sánh với mình vì tôi có câu chuyện riêng. Sau đó thì tôi thoải mái hơn, thậm chí phong cách ăn mặc bây giờ vẫn mang hơi hướm của riêng tôi đấy.

Có vẻ rapper nào lên sân khấu cũng tự tin thì phải?

Không hẳn! Nó tùy vào cá tính của mỗi người. Nhiều người sẽ chỉ đứng tại chỗ nếu sản phẩm âm nhạc cần điều đó và đủ để truyền tải thông điệp của họ. Còn với những sản phẩm mà người nghệ sĩ cần tương tác, tìm không khí từ khán giả và ngược lại thì sẽ cần đến việc di chuyển, khuấy động không khí. Phần biểu diễn của tôi không phần nào giống phần nào. Hầu như tôi chỉ biểu diễn theo cảm xúc của mình, ít khi theo kiểu luyện tập, tại vì tôi sợ nó mất cái duyên. Một bài nhạc đòi hỏi nhiều yếu tố để trở nên chuyên nghiệp, nhưng riêng về phong cách biểu diễn tôi lại không muốn nó quá chuyên nghiệp, quá công nghiệp, mà nó phải khiến cho khán giả thấy được cảm xúc, cảm hứng của mình.

Tôi tò mò về quá trình làm nhạc của Lăng LD với mỗi sản phẩm?

Trước khi bắt tay vào viết nhạc, tôi buộc phải thả lỏng, cân bằng lại mình. Và sau đó tôi tìm hiểu về thứ mình định làm, từ kỹ thuật, cách làm, đến cập nhật thông tin về vấn đề. Sau đấy tôi mới đi vào khai thác sâu. Còn về âm nhạc thì khi cảm hứng đến là tôi làm thôi. Nó thuộc về tự nhiên, cần sự trôi chảy. Tôi làm xong hết tất cả thì nhìn tổng quan lại, nghe đi nghe lại nhiều ngày, đợi cảm xúc lắng đi và thay đổi thì tôi lại nghe thêm nhiều lần nữa. Sau đó tôi sẽ xem xét cho nó một hình hài mới gọn gàng hơn, cho nó một cái cảm xúc mà không phải rơi vào hoàn cảnh đó thì nghe mới hay, bất cứ lúc nào nó cũng phải nêu lên một quan điểm nào đó, dù khi buồn hay vui.

Bạn có vẻ là rapper thiên về ca từ?

Có thể đó là xu hướng của cá nhân tôi, chứ không hẳn là tôi cố để viết ra ca từ sâu sắc, vĩ mô, mà vốn dĩ phong cách tôi nó vậy. Khi viết ra câu gì không như mong muốn, một câu rỗng tuếch thì tôi sẽ không chọn nó. Mỗi bài nhạc rap nói về mênh mông thứ, nhưng mà cuối cùng nó vẫn suy về thông điệp. Thậm chí khi làm nhạc quảng cáo tôi vẫn cố lồng thông điệp vào đó. Tôi chỉ mượn những thứ mà chính mình không tự làm được, chỉ mượn môi trường của họ để đặt để góc nhìn của mình. Chẳng hạn họ đưa tôi một đề tài về shipper, tôi sẽ có vai hóm hỉnh của tôi để đặt để vấn đề. Hoặc là mình đem nó ra dưới góc độ châm biếm, biến nó thành câu chuyện cười để người nghe nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan. Tôi nghĩ mình là người có thể chỉ ra thứ ai cũng thấy, nhưng ít ai để ý hoặc không thể kể ra thành một câu chuyện. Nhưng tất nhiên có nhiều rapper cũng có thể làm được điều đó.

Vậy chọn từ ngữ để sử dụng cho ca từ của một bài rap có hay làm khó bạn không?

Khó chứ. Tiếng Việt phong phú và cũng có nhiều từ đồng nghĩa. Nhưng nếu mình hiểu được vấn đề, hiểu được ngữ cảnh thì việc chọn lựa sẽ dễ dàng hơn. Với âm nhạc đường phố thì câu chữ nằm trên đường phố, trên biển hiệu, trên miệng người khác, những câu cửa miệng,vv… Với những vấn đề đòi hỏi kiến thức, thì mình cũng phải đòi hỏi kiến thức. Hồi xưa tôi rất thích làm thơ, từ thơ lục bát cho đến thơ “bậy”. Khi biết âm nhạc cũng có những cái này, thì tôi chơi với nó.

Nó cho tôi nguồn cảm hứng sống. Nếu tôi không làm rap, thì tôi không biết mình sẽ làm gì nữa.

Bạn có chịu ảnh hưởng từ nghệ sĩ nào không? Và Lăng LD có nghe thể loại âm nhạc khác ngoài rap không?

Nếu để kể một người mà tôi ngưỡng mộ nhất từ đó tới giờ thì chắc là “chú Ba” Đạt (rapper Đạt Maniac). Tôi biết anh Đạt từ lúc tôi còn nghe nhạc anh ở dưới quê, nghe bằng điện thoại Trung Quốcvà thuộc rất nhiều bài của anh. Ban đầu, tôi bị cuốn bút bởi ca từ và vần của anh Đạt có điểm rất khác so với những rapper thời điểm đó, anh ấy có đặc trưng riêng, và có vẻ đến hiện tại anh Đạt vẫn đang rất rõ ràng về cách viết nhạc của mình. Ngoài Rap, tôi rất thích nghe nhạc xưa, những ca khúc như Dĩ vãng nhạt nhòa, Cô hàng xóm,… Tôi cũng nghe nhạc sến, nhạc trữ tình, Bolero nữa, bắt đầu từ thời đi làm công hay nghe đài bật những ca khúc này. Tôi nghe nhiều lại thấy thích. Trong Ý Em Sao? tôi cũng đã đặt để được dân ca trong đó vì hiểu được tính chất dân ca là những câu hát quen miệng về tình huống xã hội, đi theo kiểu truyền miệng. Nên tôi dám cá khi nghe ca khúc đó mọi người sẽ biết nó xuất phát từ miền Tây.

Nhạc rap, một điển hình của nghệ thuật đường phố, có ý nghĩa thế nào với Lăng LD?

Nó cho tôi nguồn cảm hứng sống. Nếu tôi không làm rap, thì tôi không biết mình sẽ làm gì nữa. Tôi đã bắt đầu suy nghĩ về tương lai từ rất sớm, trải nghiệm từ rất nhiều thứ từ tay chân, thời vụ… Nhưng nếu những công việc đó không cho tôi cảm hứng, không làm tôi thấy thích thú để thức dậy mỗi ngày, thì tôi sẽ không muốn phí thêm thời gian cho nó. Bây giờ nếu ngày nào đó  không làm nhạc thì cũng sẽ đi coi thứ gì đó liên quan tới âm nhạc, gặp được nhiều người cùng chung quan điểm, chí hướng và cách nghĩ về cuộc sống và âm nhạc. Thú thực là tôi cũng đã từng nghi ngờ về việc làm nhạc, những rồi vẫn chạy theo nó, để rồi mỗi lần làm nó lại cho mình thêm gợi ý mới, mình đi theo nó một cách si mê, chơi nó một cách đơn lẻ, đến khi mình đi tìm những người bạn vì nó, tìm được những công việc vì nó, áp dụng được nó vào một cộng đồng lớn hơn cộng đồng rap, mình chăm lo cho nó và nó chăm lo lại cho mình.

Bạn có thể chia sẻ về những dự định của mình?

Tôi chỉ muốn tận hưởng khoảnh khắc quan trọng ngay lúc này. Mình có thể tính ngày mai không chết đói nhưng không tính được ngày mai vui hay buồn. Cho nên tôi quyết định phải tận hưởng dù có ra sao.

Cảm ơn Lăng LD vì những chia sẻ thú vị!

Bài viết thuộc ấn phẩm MF#7 – The Street Culture Issue. Đặt mua ấn phẩm tại ĐÂY:

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

Bài: Vân Anh
Ảnh: NVCC
 

Related Article