Kính Lube: Ngôn ngữ tình yêu thứ sáu
Lifestyle

Kính Lube: Ngôn ngữ tình yêu thứ sáu

Đúng vậy, những ngôn ngữ tình yêu có thể cải thiện mối quan hệ. Nhưng bạn có chắc chỉ có 5 ngôn ngữ tình yêu duy nhất tồn tại trên thế giới 8 tỷ người này?

Cuộc khám phá vĩ đại của những ngôn ngữ tình yêu

Ba thập kỷ trước, Gary Chapman xuất bản cuốn sách “Five Love Languages: How to Express Heartfelt Commitment to Your Mate” và nhanh chóng trở thành một trong những hiện tượng xuất bản. Trước đó, người ta thường nghĩ yêu thì cứ là yêu, và không yêu thì là không yêu, chứ yêu mà cũng phải tìm hiểu xem yêu như thế nào mới đúng thì … mệt quá. Nhưng hàng triệu bản sách bán ra chứng minh thực tế trái ngược: Ai cũng muốn hiểu đối phương và chính mình cần gì để cảm thấy yêu hay được yêu. Chapman nói rằng có 5 ngôn ngữ tình yêu “chính”: lời nói, quà cáp, hành động chăm sóc, thời gian bên nhau, hay những cái chạm. Và cũng theo Chapman, chìa khóa cho một mối quan hệ hạnh phúc là tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của đối phương.

Nếu còn chưa tin Chapman, thì một nghiên cứu mới nhất được xuất bản trên tờ journal PLOS ONE mới đây cũng ám chỉ sự thoả mãn trong mối quan hệ đúng là liên đới đến việc người trong cuộc có sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu mà đối phương cần hay không. 100 cặp đôi được phỏng vấn, trả lời những câu hỏi từ đại khái đến cụ thể, kết quả đưa ra không ngoài dự đoán. Những người được tiếp cận ngôn ngữ tình yêu của mình thường cảm thấy thoả mãn hơn cả về tình dục và mối quan hệ nói chung. Đặc biệt, “ngôn ngữ đó càng chi tiết và ứng với cá nhân thì cảm giác thoả mãn càng lớn,” tác giả nghiên cứu Maciej Stolarski, giáo sư tâm lý Đại học Warsaw (Ba Lan) nói.

Một điểm thú vị hơn cả, là những mối quan hệ hạnh phúc nhất lại không thường có cùng ngôn ngữ tình yêu, và trên thực tế việc những người trong mối quan hệ có nhu cầu khác nhau là chuyện rất bình thường.

Họ có thể khác đến đâu?

Tôi đã tưởng mình hiểu ngôn ngữ tình yêu rất kĩ càng, đã đọc không biết bao nhiêu thứ từ tiểu luận khoa học nghiêm túc cho đến mấy bài báo tầm phào trên mạng, vậy mà, đây vẫn là chủ đề khiến tôi “shock”. Bởi hoá ra, từ trước đến nay chúng ta vẫn lầm tưởng chỉ có duy nhất 5 kiểu ngôn ngữ tình yêu như vậy tồn tại. Chúng trở thành quy chuẩn, và chệch chuẩn thì không thể là thứ đáng để suy ngẫm nghiêm túc được. Cho đến khi tôi quen một anh chàng vài năm về trước.

Anh chàng bề ngoài bình thường như bất cứ ai, thậm chí còn thuộc nhóm đẹp trai giao tiếp tốt. Giai đoạn đầu thì cũng vui như bất cứ khởi đầu của mối quan hệ nào khác, dù nói thật trong cả quãng thời gian đó, tôi luôn có cảm giác mình là người nhận nhiều hơn cho. Vì muốn cho thì cũng chẳng biết cho gì. Anh chàng không thích ôm ấp hôn hít ngoài thanh thiên bạch nhật, cũng chẳng cần quà cáp, anh chàng không cần dành quá nhiều thời gian với tôi, và nhất thiết cũng chẳng cần nói chuyện quá nhiều.

Sau một thời gian, vì thấy mối quan hệ hơi bị… bất công, nên chúng tôi chia tay, tôi rời khỏi thành phố. Một ngày khi nói chuyện trở lại, tôi kể về câu chuyện cũ, và sự tò mò của mình với việc liệu anh ta có thực sự cần bất cứ điều gì trong một mối quan hệ hay không. Thì anh chàng ngạc nhiên. Hoá ra, những lúc tôi chỉ đơn giản hiện diện ở xung quanh, hay quan tâm bằng việc nhắc nhở anh chàng làm cái này cái nọ đã khiến anh ta cảm thấy dễ chịu. Hoá ra, trong suốt quãng thời gian đó, tôi không hề biết mình đã nói ngôn ngữ tình yêu của đối phương.

Nhưng khoan, vì sao nó lại chật ra khỏi những thứ ngôn ngữ tình yêu “chính thống” thế kia? Vì người tôi quen trước đây không phải một người có cách suy nghĩ hoàn toàn giống với những người bình thường. Nói đúng hơn, anh ta có hệ trí não khá đa dạng (người tự kỉ cũng thuộc nhóm này) và vận hành cũng rất khác. Rất nhiều hình thái của sự đa dạng này liên quan trực tiếp đến cách não phát triển và thực hiện chức năng của nó. Không có số liệu chính thức cho biết có bao nhiêu người trên hành tinh này có một trí não vận hành theo kiểu khác, nhưng với một quả đất toàn người là người, chuyện ai đó có suy nghĩ và hành vi khác nhau cũng là điều không quá khó hiểu.

Thuật ngữ “neurodivergent” đến từ “neurodiversity” được nhà xã hội học người Úc Judy Singer đặt ra vào năm 1998 để bàn luận về những cách đặc biệt mà não bộ hoạt động. Mỗi cá nhân đều khác biệt, vì thế chẳng có thứ gì gọi là “bình thường” trong cách suy nghĩ cả. Nhưng neurodivergence là kiểu suy nghĩ khác biệt hơn so với hầu hết đám đông, và điều này không hề đồng nghĩa với việc những người này có khả năng nhận thức kém hơn hay không thông minh bằng…

Tóm lại, từ này chỉ có nghĩa: họ có những sức mạnh, nhu cầu, cách não bộ hoạt động khác so với người khác mà thôi. Nhiều người có trí não vận hành khác biệt nhưng vẫn giao tiếp và vận động như những người khác (anh bạn cũ của tôi là một ví dụ). Họ có thể “bình thường” đến mức khiến người khác mặc định họ cũng sẽ có những nhu cầu và mong muốn hay cách sống, cách suy nghĩ, cách phản ứng tương tự phần đông thế giới.

Ngôn ngữ tình yêu của những bộ não khác biệt

Cũng giống với những ngôn ngữ tình yêu thông thường khác, ngôn ngữ tình yêu của những người thuộc nhóm neurodivergent cũng rất đa dạng chứ không phải chỉ một hai cách đơn giản dễ làm dễ nhớ. Và về cơ bản, nó cũng bao gồm những khía cạnh khác nhau, cả về thể chất, không gian, cách giao tiếp, cách tương tác. 5 hình thái phổ biến nhất được biết đến hơn cả bao gồm: Infordumping, Parrallel Play, Support Swapping, Deep Pressure và Penguin Pebbling.

Parrallel Play còn được hiểu theo cách thông thường như việc “ở một mình cùng nhau”, có nghĩa chia sẻ một không gian nhưng ai làm việc của người nấy chứ không cần quấn quít ôm ấp. Điều này đòi hỏi cảm giác thoải mái trong mối quan hệ để làm những việc mình thích mà không cần phải thấy tội lỗi khi ở bên cạnh người khác mà không nói với họ câu nào hay phải giúp họ giải trí.

Infordumping đúng như cái tên của nó, về cơ bản là người ta sẽ muốn nói tất tần tật về thứ gì đó đang diễn ra trong đầu họ, chia sẻ hết mức có thể, dù đôi khi đối phương không hiểu họ đang nói cái gì hoặc nghe đến phát chán thì thôi. Ví dụ bạn mê mệt anh DJ này, bạn cũng muốn bồ mình mê anh ta, nên bạn chia sẻ tất cả những thông tin mình biết, nghe thì có vẻ hơi khó chịu, nhưng với những người hiểu ngôn ngữ tình yêu của bạn, thì việc lắng nghe cũng chẳng có gì quá kinh khủng cả.

MF-Kinhlub

Support Swapping không phải kiểu tương trợ đao to búa lớn, và có khi đối phương sẽ chẳng thích những hành động khổng lồ như vậy. Những gì họ cần nằm ở điều nhỏ nhặt hơn, ví dụ như mua cho họ một cốc cafe họ thích vào buổi sáng chẳng hạn.

Pengiun Pebbling là phiên bản đặc biệt của ngôn ngữ thông thường “tặng quà”, nhưng ở mức độ sâu sắc hơn. Ví dụ họ còn chẳng biết họ muốn được tặng cái gì, nhưng bạn biết món quà nào sẽ làm họ vui, sẽ khiến cuộc sống của họ dễ dàng hơn…

Cuối cùng, khó nhằn nhất, có lẽ là Deep Pressure, yêu nhau đá phát cho đau, và trong trường hợp này thì đúng là vậy. “Tough love” là thứ không phải tất cả nhưng cũng có nhiều người cần, một lời cảnh tỉnh, một chia sẻ thẳng thắn… dù khó nghe nhưng những người nói ngôn ngữ tình yêu này có thể hiểu được.

Liệt kê xong 5 ngôn ngữ này, thì tôi lờ mờ dự đoán có nhiều bộ não cũng tự hỏi liệu ngôn ngữ tình yêu của mình có thuộc nhóm thiểu số này không. Nhưng dù có nói thứ ngôn ngữ gì, hãy nói nó hàng ngày, và chia sẻ tiếng nói của bạn với đối phương. Vì nếu không thì cũng như một anh người Đức (bằng tiếng Đức) nói chuyện với một cô người Pháp (bằng tiếng Pháp), nói đến hết ngày cũng không hiểu nhau đang nói gì.

 Bài: Vân Anh
 

Related Article