Kính Lube: “Tai nạn hai vạch” & cán cân trách nghiệm trong tình dục
LifestyleEditor's PickTrends

Kính Lube: “Tai nạn hai vạch” & cán cân trách nghiệm trong tình dục

Những tin tức gần đây về chuyện phá thai, bàn luận về trách nhiệm trong tình dục khiến tôi nhớ đến một cuốn tiểu thuyết mà mình đã đọc, của nhà văn người Ai Len Naoise Dolan – “Exiting Times”. Cuốn sách nói về một cô gái ở độ tuổi 20 có cái đầu lạnh (với những thứ học thuyết về bình quyền và xã hội tư bản rõ ràng), và một trái tim nóng (để yêu và ghét những người cô gặp).

Quỹ khẩn cấp của Ava

Chi tiết khiến tôi bật cười, là cô nàng miệt mài làm việc ngoài giờ những năm đại học ở Dublin, và cho hết khoản tiền đó vào một cái hộp, trên nó là nhãn hiệu – “Abortion Fund” (Quỹ phá thai). Một cô nàng cẩn thận, và tôi thích cái cách nàng “hóm hỉnh hóa” một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất ở xã hội phương Tây trong nhiều thập kỷ trở lại đây: chuyện phá thai & trách nhiệm trong tình dục, chuyện nữ quyền, chuyện tôn giáo, chuyện chính trị… Nhưng còn một câu chuyện khác, vậy còn cánh đàn ông, họ ở đâu trong viễn cảnh nếu quả thực cô nàng buộc phải dùng đến “Abortion Fund” của mình? Dĩ nhiên một đứa trẻ không thể cứ thế xuất hiện từ “trên trời rơi xuống”, như chuyện Sọ Dừa chúng ta hay đọc hồi nhỏ. Cũng không thể là phép màu của thần Zeus để rải khắp những đứa con của mình trong thế giới thần thoại Hy Lạp. Một đứa trẻ được thụ thai tự nhiên nhất thiết là chuyện của hai người, không ai có thể phản khoa học để mà nói ngược lại. Và nếu theo một thuyết bình quyền lý tưởng trong một xã hội lý tưởng, thì cái quỹ khẩn cấp của cô nàng nên có những đóng góp công bằng từ bất cứ anh chàng nào “có khả năng cao” khiến cô mang bầu.

Nhưng, xã hội có khi nào lý tưởng? Chuyện hẹn hò, yêu đương, làm tình, kết hôn, con cái có bao giờ 100% theo những gì người ta mong đợi. Luôn có những bất ngờ, thi thoảng là cái kết mở, thi thoảng là những cái kết buồn, thi thoảng là những cái kết “tàm tạm” tùy theo mức độ và khả năng chấp nhận của người trong cuộc. Phim ảnh vì thế cũng thường chỉ dừng lại ở những phân đoạn yêu đương nồng cháy chứ có mấy đạo diễn dám đi xa hơn mà nói về chuyện hậu nồng cháy là gì. Người ta tìm đến phim ảnh là để chạy trốn khỏi thực tế chẳng phải chỉ có màu hồng, nhưng thực tế thì vẫn ở đó, và cho đến một lúc nào đó chính phim ảnh cũng không thể làm ngơ. Liên hoan phim Cannes năm nay không ngớt lời tán tụng bộ phim Parallel Mothers của đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodóvar kể về cuộc gặp gỡ tình cờ trong bệnh viện của hai người phụ nữ sắp làm mẹ đơn thân: một trung niên đã sẵn sàng đón chào đứa trẻ của mình; một là cô gái vị thành niên hoảng loạn với thực tế rằng mình sắp phải nuôi dạy một đứa trẻ. Một lần nữa, bóng dáng cánh đàn ông rất mờ nhạt, cứ như thể việc của họ chỉ là đến và đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ, còn chuyện về sau thì không phải của họ.

Nói đi cũng phải nói lại, không phải ngẫu nhiên người ta loại trừ những người đàn ông khỏi những bức tranh sinh đẻ “không kế hoạch”. Những câu chuyện “bỏ của chạy lấy người” vẫn đang nhan nhản khắp mọi nơi. Từ chuyện ca sĩ Việt Nam này khiến bạn gái mang bầu rồi để bạn gái tự nuôi với chút ít viện trợ hàng tháng cho đến chuyện diễn viên Hàn Quốc nọ bắt bạn gái phá thai đến mức cô gái này đăng đàn tố cáo ở thời điểm anh chàng đang ở giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp… những chuyện kiểu này gợi một liên tưởng đến một kiểu PR không chính thống về việc một bộ phận phái mạnh có thể kém thân thiện thế nào với hình ảnh những đứa trẻ.

kính lube-trách nhiệm trong tình dục

Nói một bộ phận, vì chắc chắn không thể đánh đồng 100 người đàn ông thì giống nhau cả trăm, cũng chẳng có số liệu cụ thể hay cái gọi là khảo sát những anh chàng vô trách nhiệm trên đời này. Và chỉ riêng “vô trách nhiệm” nên được hiểu như thế nào, cũng có thể kéo theo cả một diễn đàn thế kỷ luận bàn, tranh cãi, thậm chí xung đột trong tư tưởng ở bất cứ xã hội nào, dù phương Đông hay phương Tây.

Một xã hội mạo hiểm

Đó là cách nhà xã hội học người Đức Ulrich Beck miêu tả xã hội đương đại, hay hậu hiện đại mà chúng ta đang sống. Một xã hội được cấu thành bởi những tai nạn, những chuyện bất ngờ, cả tốt và xấu. Một trong số đó, là cách những đứa trẻ “tai nạn” ra đời. Bố mẹ chúng có thể đã hẹn hò trong khoảng thời gian dài, có thể đã gắn kết với nhau bởi một tờ giấy đăng ký kết hôn, nhưng cũng có thể, đó chỉ là hai người trẻ vô tình quệt phải nhau trên một ứng dụng hẹn hò, hay mới chỉ gặp nhau ở một club nào đó vào tối thứ Sáu. Hằng hà sa số viễn cảnh dẫn đến tình dục, cũng hằng hà sa số lý do để có sự xuất hiện của những đứa trẻ “tai nạn”. Người thì quá tin tưởng vào tính an toàn của thuốc tránh thai, người cho rằng không dùng bao cũng được nếu đàn ông có thể kiểm soát được việc “xuất ngoài” của mình, người chấp nhận chút rủi ro vì đối phương không muốn dùng biện pháp bảo vệ (chẳng phải lúc nào bao cao su cũng có thể khiến trải nghiệm tình dục thăng hoa), người để sự lãng mạn và tính khoảnh khắc cuốn đi mà quên luôn bài học cơ bản về giáo dục giới tính họ được học ở trường (nếu họ may mắn có môn học đó) hay việc nghĩ đến ngày mai, ngày kia, 9 tháng sau, và cả cuộc đời sau đó…

Nhiều người có lẽ đã hiểu tình dục không chỉ cơ bản là việc làm tình. Tình dục liên đới đến khoa học, tâm lý học, đến sức mạnh tinh thần, đến niềm tin tôn giáo. Khi ngay cả xã hội vốn có tư tưởng bảo thủ như phương Đông cũng bắt đầu thả lỏng trong cách nhìn của họ với tình dục, không có quá nhiều điểm khác biệt trong cách tình dục được tiếp cận và thực hành nói chung. Sự phân biệt ở đây, có lẽ nằm ở việc người ta dành bao nhiêu thời gian để giáo dục những thế hệ trẻ tuổi hơn về tình dục an toàn và những hệ lụy của việc làm ngược lại điều đó. Người ta có thể nói với những đứa trẻ vị thành niên về con số, về tỉ lệ dân số gia tăng ở những nước nghèo, về sự nguy hiểm của việc mang thai quá sớm hay phá thai, hay thậm chí khủng hoảng lạm phát kinh tế ảnh hưởng thế nào nếu người ta không có khả năng nuôi dạy những đứa trẻ. Nhưng người ta không thể lý giải cho những cái đầu trẻ tuổi ấy về “trách nhiệm”. Bởi trách nhiệm là một đặc trưng của niềm tin đạo đức, là nhận thức cá nhân trong tương quan với người khác và với xã hội nói chung. Khi “tai nạn” xảy ra, một đứa trẻ xuất hiện, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

kính lube-trách nhiệm trong tình dục

Hỏi nhiều người thì họ sẽ thẳng thừng trả lời: đàn ông. Vì sao à? Vì đàn ông là phái mạnh, là trụ cột, là người (nhiều khả năng dù không rõ nhiều là bao nhiêu) có sự kiểm soát nhất định trên giường. Ở thời của triết gia Aristotle, may ra đây là tư tưởng hợp thời. Với Aristole, “đàn ông sinh ra để lãnh đạo, để thượng phong, còn phụ nữ sinh ra là để được lãnh đạo.” Aristotle có thể rất thông thái khi diễn giải khoa học và logic học, nhưng lại hoàn toàn sai lầm khi nói về mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ. Không có cái gọi là “kẻ sinh ra để thượng phong” trong xã hội hiện đại, phụ nữ giờ đây cũng có quyền đòi hỏi những gì họ muốn từ trên giường đến ngoài xã hội, và nếu sau tất cả nồng cháy, đột nhiên có sự xuất hiện không mong muốn của một đứa trẻ, phụ nữ có quyền chọn giữ hay bỏ dù đàn ông có nói gì.

Và vì vẫn còn nhiều phụ nữ đang giận dữ ở những xã hội bảo thủ tôn giáo như ở Mỹ hay Ai Len, những năm gần đây mới chứng kiến nhiều như vậy những cuộc biểu tình đòi quyền phá thai. Aristotle cho đàn ông quyền, nên đồng thời gắn anh ta với đủ thứ trách nhiệm và sợi dây vô hình với những chuẩn mực về hành vi mà đàn ông nên làm, phải làm. Đó là một sai lầm cơ bản mà ở xã hội đương thời, sẽ ngày càng có ít người tin vào nó.

Đàn ông, phụ nữ, và “tai nạn” trong tình dục

Nhà khoa học xã hội Dalton Conley từng viết một tiểu luận gây tranh cãi trên tờ New York Times “A Man’s Right to Choose” (tạm dịch: Quyền được lựa chọn của đàn ông), về cơ bản ông cho rằng “Cả phụ nữ và đàn ông khi quyết định làm tình, họ đều phải nhận thức được khả năng thụ thai. Nếu tình dục xuất phát từ sự tự nguyện ở cả hai phía thì chẳng phải cả hai nên cùng có quyền ý kiến về việc họ có nên giữ đứa trẻ hay sao?” Một câu hỏi logic, thực tế thì về mặt pháp luật, đó là quyền thuộc về phụ nữ (vì cơ thể là của cô ấy!), nhưng về mặt đạo đức, những giới hạn từ hai phía lại mù mờ như sương. Mỗi người có một nền tảng đạo đức khác nhau, được nuôi dưỡng trong những xã hội tin vào những giá trị khác nhau, sẽ chẳng có lời giải đáp thuận tình đạt lý cho bài toán “mang thai ngoài ý muốn.”

Một cô bạn của tôi tiếp cận những anh chàng cô hẹn hò theo kiểu “dò trước đón sau”. Có nghĩa ở cuộc hẹn thứ n nào đó, cô sẽ dửng dưng bàn luận về chuyện sẽ thế nào nếu chẳng may anh chàng này và ai đó có “tai nạn”. Anh ta sẽ làm gì? Anh ta sẽ chạy ngay ra nhà thuốc mua thuốc tránh thai khẩn cấp cho cô ấy. Anh ta sẽ hỏi cô ấy xem cô ấy muốn thế nào, và nói với cô ấy anh ta trông đợi điều gì? Hay còn cách giải quyết nào khác mà cô bạn tôi còn chưa nghĩ đến? Một số anh chàng sẵn sàng cởi mở nói cách họ sẽ làm. Một số còn gây bất ngờ khi nói anh ta sẽ coi đứa trẻ như món quà. Một số tìm cách giải quyết sòng phẳng. Một số khác lại phải tính đến yếu tố tình cảm: nếu cô ấy là người tôi yêu, nếu cô ấy là người tôi mới gặp, nếu tôi cảm thấy chắc chắn có tương lai với cô ấy, nếu cô ấy là người mạnh mẽ, độc lập hay ngược lại… Một số thì chạy mất dép, không còn muốn có những cuộc hẹn khác với cô bạn tôi. Số này thì có thể thấy ngay anh ta sợ có con cái đến độ chỉ nghe một phụ nữ mình gặp nói về điều đó thôi cũng có thể khiến anh ta phát hoảng mà nghĩ “chắc cô này nghĩ sẽ tính chuyện lâu dài với mình!”

Một cuộc khảo sát xã hội nho nhỏ do cô bạn tôi thực hiện trong những buổi hẹn hò có thể chỉ là chuyện vui về vấn đề hẹn hò thời hiện đại, nhưng nó nói lên rất nhiều về cái cách đàn ông (và cả phụ nữ) tiếp cận vấn đề nhạy cảm như tình dục an toàn hay phản ứng của họ với những gì đến sau đó. Lý tưởng nhất là người ta nên có những đoạn hội thoại như vậy trước khi nghĩ đến việc làm tình, dù là lần đầu tiên hay về lâu dài, xuất phát từ một điểm cơ bản là tình dục đến cùng những lựa chọn, và muốn hay không ai cũng phải đối mặt với những lựa chọn này. Nghe thì có vẻ kém lãng mạn, nhiều khi chẳng tránh khỏi chuyện cảm xúc và nhu cầu bay biến, nhưng chẳng phải hẹn hò cũng như trò may rủi hay sao. Gặp may thì bạn tìm được người phù hợp với mình về quan điểm và hấp dẫn mình với những yếu tố còn lại. Rủi thì bạn gặp sai người, cuộc hò hẹn coi như bỏ đi, nhưng rồi sẽ lại có những cuộc gặp gỡ khác, những may rủi vu vơ khác.

kính lube-trách nhiệm trong tình dục

Bài: Vân Anh

 

 

 

Related Article