Bàn tán là chuyện của riêng nữ giới?
Lifestyle

Bàn tán là chuyện của riêng nữ giới?

Tôi cá là hỏi 10 người, 9 người sẽ gật gù đồng thuận. Nhưng đó cũng là lý do bạn sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết rằng: Hoá ra, đàn ông cũng thích bàn tán nhiều như phụ nữ!

Hai người đàn ông + một con vịt = ?

Tất nhiên chẳng phải từ hư vô, người ta làm hẳn một series ăn khách có cái tên “Gossip Girl”, thẳng thừng định danh phái nữ như những chiếc loa di động thích buôn chuyện về đủ thứ trên đời với những phái nữ khác. Đàn ông hoặc chẳng bao giờ lòng vòng, còn phụ nữ, họ thích bàn tán. Đây là niềm tin bất biến đã xuất hiện trong hàng thế kỷ. Từ nhưng cô con gái nhà Benneth trong “Pride and Prejudice” của nữ văn sĩ Jane Austen ở thế kỷ 17, cho đến mấy chị em nhà Kardashian, phụ nữ và những cái miệng thích bàn tán dường như là thứ không thể tách rời. Quan niệm này tồn tại trong tâm thức con người tự nhiên đến độ chẳng ai thắc mắc thế nếu không buôn chuyện thì đàn ông nói về cái gì với nhau đây?

Câu hỏi này chỉ bật lên trong đầu tôi khi nghe câu nói xanh rờn của một anh chàng với cô bạn gái của anh ta. “Bàn tán là chuyện của đàn bà.” Tôi tự hỏi, cô bạn gái cũng là đàn bà, cô nàng chẳng nhẽ không cảm thấy động chạm khi nghe anh bồ mình tuyên bố như vậy. Hay nó cũng trôi từ tai này qua tai nọ như bất cứ câu nói vu vơ nào đó họ nghe hàng ngày hàng giờ. Văng vẳng bên tai. Từ vươn thở đến tiếng thơ. Như bất cứ những định kiến nào xã hội nói chung khoác lên một nhóm giới tính. Cô nàng không cảm thấy động chạm, nhưng tôi thì có. Tất nhiên ngoại trừ việc câu nói đó hiển nhiên là một phát ngôn phân biệt giới tính kinh điển, đây còn là phát ngôn sai bét từ kinh nghiệm của chính tôi với những người đàn ông xung quanh mình.

Nhưng để khách quan, tôi nhắn tin hỏi tất cả những người bạn là đàn ông của mình, coi đó như một cuộc khảo sát nho nhỏ trong phạm vi đời sống cá nhân. “Tất nhiên rồi, chúng tôi cũng nói về người khác chứ!” là phản hồi tôi nhận được nhiều nhất. Bản chất của bàn tán, là nói chuyện về một người không trực tiếp trò chuyện trong cuộc hội thoại. Vậy có nghĩa những anh chàng này đang đồng thời thừa nhận với tôi rằng họ cũng bàn tán như phụ nữ, nhưng họ coi việc đó chỉ đơn thuần là “nói chuyện về người khác” mà thôi. Thú vị chưa?! Vậy có nghĩa không phải anh chàng nào cũng “dành thời gian bên nhau” bằng việc chơi thể thao, chơi games… và tất cả những gì họ bàn luận về chỉ xoay quanh những thứ đó. Vậy có nghĩa không phải anh chàng nào cũng nghĩ gì thì hoặc giữ cho riêng mình hoặc nói thẳng ý kiến cá nhân với người có liên quan. Vậy có nghĩa không phải “một con vịt cộng hai người phụ nữ sẽ ra một cái chợ” như câu nói xưa cũ, mà “một con vịt cộng hai người đàn ông” thì cũng sẽ ra một cái chợ mà thôi.

Có gì để mà bàn tán cơ chứ?

Dù là vài trao đổi nho nhỏ trong giờ làm việc, hay những đoạn hội thoại trong group chat giữa những người bạn, người ta không thể tránh khỏi việc nói chuyện… về người khác. Không ai là người ngoài cuộc trong cuộc vui ngôn từ này, dù bạn có muốn chối bỏ hay không. Bởi đơn giản, nói chuyện về một ai đó là hành động gần như bản năng, gắn với việc chia sẻ thông tin và xây dựng cộng đồng. Nhiều người mặc định bàn tán là thói quen xấu, nhưng không phải líc nào cũng vậy, nó cũng có thể chỉ là một hình thức tán thưởng ai đó không xuất hiện trực tiếp trong cuộc hội thoại, hay vô thưởng vô phạt và chẳng gây ảnh hưởng đến bất cứ ai. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2019 đăng trên tạp chí Social Psychological and Personality Science chỉ ra rằng, một ngày chúng ta dành trung bình 52 phút để bàn tán và nói về 467 chủ đề, trong đó, có đến ¾ thời lượng dành cho việc nói về những câu chuyện trung tính, không tích cực mà cũng chẳng tiêu cực.

Bàn tán về ai đó, với nhiều người là thói quen thích chĩa mũi vào chuyện của người khác. Nhưng thói quen này, trớ trêu thay lại là công cụ giúp tổ tiên của chúng ta tồn tại. Nhà tâm lý học Robin Dunbar là người đầu tiên so sánh việc bàn tán như cách để con người kết nối. Thay vì những cử chỉ tay chân như một hệ thức giao tiếp và gắn bó, con người khi đã bắt đầu có ngôn ngữ và trò chuyện cũng là lúc bàn tán trở thành một kiểu chia sẻ thông tin xã hội ở phạm vi rộng. “Nếu không nói về những vấn đề cá nhân và xã hội như vậy với nhau, chúng ta sẽ không thể có được xã hội mà chúng ta đang có bây giờ,” bà giải thích. Một số nhà nghiên cứu khác nhận định bàn tán chính là bằng chứng của việc truyền bá văn hoá, những thứ xã hội chấp nhận và những thứ không. Ví dụ, nếu một anh chàng fuckboy bị bàn tán theo cách tiêu cực, những lời bàn tán này trở thành một tín hiệu ngầm với những người khác về tác động tiêu cực của cái mác fuckboy. Nói cách khác, bàn tán chính là một tấm gương phản chiếu bất cứ ai cũng có thể hoặc tìm thấy mình trong đó, hoặc tìm thấy một hình mẫu mà mình muốn trở thành hay cần tránh xa.

Bàn tán đâu phải riêng chuyện nữ giới?

Rõ ràng dù muốn hay không, bàn tán cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, kể từ thời điểm nhân loại hình thành cấu trúc xã hội. Nhưng buồn cười, không rõ vì lý do gì, nhiều người vẫn khăng khăng tin rằng, phụ nữ đích thực thích buôn chuyện hơn đàn ông. Nhưng một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 lại chỉ ra một thực tế chẳng người đàn ông nào muốn biết: đàn ông dành ra khoảng thời gian bàn tán nhiều hơn đến 30% so với phụ nữ, nhất là ở chốn công sở. Bạn thắc mắc họ nói về điều gì ư? Nhà báo Dan Scotti có hẳn một danh sách 18 thứ đàn ông thường hay nói với nhau. Từ tầm phào đến những điều xưa như diễm, từ chuyện sex cho đến thói quen đi tập gym, từ một cô nàng hot girl ở ăn phòng, cho đến cô bạn gái của người bạn chung, từ một kẻ thù chung cả hai cùng ghét, cho đến chuyện người bạn của họ chơi thể thao dở đến thế nào…

Trong bộ phim “No Strings Attached”, anh chàng Adam Franklin đang ngồi giữa nhà hàng với anh bạn thân khi người bạn còn lại hét ầm lên:

“Cậu ngủ với Emma rồi mang bóng bay đến tặng cô ấy đúng không?”

Adam quay ra anh chàng bạn thân của mình:

“Cậu nói cho cậu ấy biết hả?

Không… Thì đúng, câu chuyện hay mà!”

Vài giây sau, cô nàng phục vụ bàn bật cười:

“Anh ngủ với một cô nàng rồi mang bóng bay đến tặng cô ấy hả?”

Anh chàng quay ra gã bạn thân, gào lên:

“Okay cậu kể luôn cho cả thế giới đi!”

Khổ thân anh chàng Adam. Nhưng so với nhiều người, anh chàng xem ra lĩnh hội thứ tri thức mới mẻ rằng đám bạn đàn ông của mình cũng nhiều chuyện như ai một cách rất tự nhiên, có lẽ chính anh chàng cũng đã từng kể chuyện về ai đó trong những cuộc ra ngoài với đám bạn của mình.

Bình thường như bất cứ ai. Vì thế những chàng trai, hãy cứ bàn tán đi. Miễn là đừng gắn cái mác đó cho chỉ riêng phái nữ. Miễn là những lời bàn tán ấy sẽ chẳng gây ảnh hưởng đến ai. Chúng ta muốn bình đẳng, vậy thì đây! Quyền được bàn tán!

Bài: Vân Anh
 

Related Article