Kiến trúc sư Bảo Phan & phòng tranh GoMA – Hành trình khám phá nghệ thuật hiện đại
Arts & CultureLifestyle

Kiến trúc sư Bảo Phan & phòng tranh GoMA – Hành trình khám phá nghệ thuật hiện đại

Trưng bày khoảng hơn 130 tác phẩm, phòng tranh GoMA của kiến trúc sư Bảo Phan trong thời gian gần đây đã trở thành địa chỉ thưởng lãm mới thú vị ở Sài Gòn.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu thêm về tinh thần cũng như vai trò của GoMA đối với hội họa Việt hiện đại.

Chào KTS Bảo Phan! Chúc mừng anh ra mắt phòng tranh GoMA! Anh có thể chia sẻ về mối nhân duyên giữa anh và nghệ thuật được chứ?

Tôi bắt đầu bén duyên với sưu tập tranh khoảng 2 năm nay, trước triển lãm Luxuo Art “nguyên” một thời gian ngắn. Hồi đó, Đại học Tôn Đức Thắng (nơi tôi giảng dạy) kỷ niệm 16 năm thành lập khoa, các thầy cô có mang tranh đến trưng ở trường. Tôi ghé chơi, thưởng lãm, và có ý định mua một bức trong số đó, trên tinh thần ủng hộ là chính. Lúc ấy, một thầy giáo đến bảo tôi hãy gắn nơ vào bức tranh tôi lựa chọn. Tôi nghĩ rằng khi người nghệ sĩ chứng kiến bức tranh của mình có khán giả yêu mến và mua thì sẽ rất vui mừng. Bởi bản thân cũng làm việc liên quan đến nghệ thuật nên bên trong có sự đồng cảm. Kể từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về tranh một cách nghiêm túc và tự nhiên.

2 năm hẳn nhiên không phải là quãng thời gian dài, nhưng chắc chắn cũng không phải quá ngắn trong lĩnh vực nghiên cứu và sưu tầm nghệ thuật. Có lẽ, anh đã gặt hái được nhiều bài học!

Đến tận bây giờ, tôi đã sưu tập được khoảng hơn 100 bức tranh. Và đúng vậy, khi bắt đầu một lĩnh vực nào, thì luôn có bài học, tôi gọi là “tiền mua bài học”.

Thật ra, những bức tranh đầu tiên mà tôi mua không phải là xấu, nhưng theo đánh giá của những người trong nghề, chúng chỉ không thực sự hay. Đó là bước khởi đầu, và tôi trân quý quãng thời gian ấy. Đó là yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị trong đoạn đường mà mình theo đuổi, phải có những bước đi vấp để mình hoàn thiện.

Hồi xưa, tôi theo học kiến trúc, và thích đọc những cuốn sách về nghệ thuật. Trong trường cũng có dạy về lịch sử nghệ thuật, về các trường phái hội họa khác nhau. Bản thân biết mình có hứng thú nhưng lúc ấy lại mê kiến trúc hơn mê tranh. Tôi cũng ghé thưởng lãm ở các bảo tàng nhưng về cơ bản là bề mặt chứ chưa đi sâu. Nhưng những trải nghiệm đó nghiễm nhiên đi vào tiềm thức của mình, và thời điểm bắt đầu chơi tranh thì tối thiểu, bản thân đã có nền tảng và độ cảm nghệ thuật nhất định.

Đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng cần thời gian, huống hồ nghệ thuật lại là “sân chơi khó”. Sau này, tôi quan sát thấy những bức tranh mình mua có gu hơn, có giá trị hơn, bản thân thấy rõ sự thăng cấp trong những tác phẩm mình chọn lựa.

Có thể thấy, GoMA trưng bày những tác phẩm hiện đại. Điều đó có ý nghĩa như thế nào, thưa anh?

Bản thân tôi cũng là một người làm nghệ thuật nên hiểu được bây giờ, không khí lẫn đời sống của những người nghệ sĩ trạc tuổi, lớn hay bé hơn mình vài tuổi như thế nào, từ đó mà dấy lên niềm đồng cảm. Để sống được với nghệ thuật là cực kỳ khó, bạn phải thật sự yêu, vì thích là chưa đủ. Vì nếu nghệ thuật chỉ đơn thuần là sở thích thì bạn sẽ có thể bỏ. Tôi đã từng có những sở thích khác nhau như sưu tập đồng hồ, sưu tập tiền, sưu tập tem, âm nhạc,… Nhưng cuối cùng không sở thích nào là vững bền cả. Nhưng nếu mình nuôi giữ tình yêu, thì lĩnh vực đó sẽ đi cùng mình được đến cùng.

Khi tiếp xúc với anh em họa sĩ, tôi cảm thấy gần gũi về tư tưởng lẫn cách sống.  Dù sức cá nhân có hạn nhưng tôi hy vọng có thể hỗ trợ những họa sĩ trẻ tuổi, đương thời, bằng cách đó, thế hệ sau mới có cơ hội thừa hưởng. Cũng giống như những tác phẩm thời Đông Dương, phải có một thế hệ lưu giữ thì bây giờ, chúng ta mới có dịp chiêm ngưỡng.

Điều gì cũng cần sự tiếp nối, bởi nếu tất cả các nhà sưu tầm đều quay trở lại hội họa thời Đông Dương thì sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn cho hội họa đương đại.

Một thời gian gắn bó với anh em họa sĩ nói riêng và hội họa hiện đại nói chung, anh cảm thấy bản thân gần gũi cũng như nhận được sự giúp đỡ, cảm hứng từ ai?

Thật sự, ban đầu, tôi gần gũi với Mai Đại Lưu. Tôi biết Lưu khoảng chừng 2 năm nay thôi, qua một người thầy giới thiệu. Lưu bằng tuổi tôi. Đôi lúc, tôi đồng ý rằng trong nghệ thuật thì tôi thương con người đó, không phải cách Lưu vẽ tranh mà là cách sống của cậu ấy, một cách sống phù hợp và hết mình với nghệ thuật. Tôi không đặt nặng vấn đề cậu ấy sẽ vẽ gì, bởi tôi chơi với con người. Tôi không sở hữu tấm toan hay chất liệu mà đánh giá tác phẩm dựa trên lối sống của tác giả. Bởi, nghệ thuật là sự phản chiếu nội tâm.

Một người thầy luôn hỗ trợ và giữ lửa cho tôi trên con đường chơi tranh là họa sĩ Nguyễn Văn Hảo. Thầy đã hướng dẫn tôi rất nhiều thứ, sẵn sàng giúp đỡ khi tôi cần, từ việc sắp đặt, ánh sáng,…

Do vậy, khi có cơ duyên tiếp xúc với anh em họa sĩ một cách gần gũi và đáng trân trọng như thế này, thì càng thấy không có lý do gì mà mình không đồng hành với họ.

Có một phòng trưng bày chuyên nghiệp với cơ sở vật chất ổn định và hiện đại như thế này hẳn là “một hạt mầm” anh đã gieo sẵn từ bên trong?

Tôi tin có nhiều điều quan trọng xảy đến với mình xuất phát từ bên trong, và đến thời điểm đúng thì nó sẽ xảy ra. Tôi đã từng đi chỗ nọ chỗ kia để học một ngành gần với hội họa, xem nhiều triển lãm, sau đó thì bén duyên với sở thích chơi tranh, rồi đam mê, lập website và trang GoMA trên mạng xã hội,… trước đó, ý thức tôi không nghĩ mình sẽ có một gallery, nhưng thẳm sâu bên trong tàng thức thì đã có một gallery rồi, một gallery ở trong lòng. Còn về không gian vật lý thì khi cơ hội đến, mình lập tức nắm bắt.

…trước đó, ý thức tôi không nghĩ mình sẽ có một gallery, nhưng thẳm sâu bên trong tàng thức thì đã có một gallery rồi, một gallery ở trong lòng…

Tôi quan sát thấy nhiều bức tranh mới đã được thêm vào, không biết tần suất thay đổi tranh sẽ diễn như thế nào thưa anh?

Chúng tôi vừa mới thêm khoảng 30 tranh, đẩy tổng số lượng lên 130 bức. Riêng diện tích phòng tranh có thể chứa tối đa 200 bức. Trong 2 đến 3 tuần, tôi sẽ thay đổi một số tranh mới, bố cục mới, tranh cũ sẽ được lưu trữ trong nhà kho ở đây. Phần lớn các bức tranh là do tôi sưu tầm, và một số họa sĩ ký gửi. Nhiều họa sĩ trẻ ghé thăm và hỏi về cách thức ký gửi như thế nào vì họ cảm thấy không gian trưng bày khá phù hợp và hiện đại.

Vài tháng qua, được biết anh gần như có mặt mỗi ngày tại phòng tranh, và anh quan sát thấy điều thú vị gì ở khán giả thưởng lãm?

Tôi thấy đó là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt tho thế hệ trẻ, mặc dù phần lớn các em vào đây chủ yếu chụp hình, check-in, nhưng có một số xem nghiêm túc, có người ở lại vài ba tiếng. Tôi cho đó là tín hiệu tốt lành bởi cách tiếp cận đã tiến xa thế hệ 8x chúng tôi. Hoặc vài năm trước, các bạn trẻ chỉ thích check-in nơi sang chảnh thì bây giờ lứa tuổi trung học phổ thông ghé thăm GoMA rất nhiều. Việc tiếp cận dù chưa thực sự nghiêm túc và sâu sắc nhưng chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi về mặt tư duy và tính thẩm mỹ, sẽ có một giá trị văn hóa nhất định lưu giữ lại trong họ, đặc biệt trong thời điểm ai ai cũng có điều kiện vật chất tương đối. Họ đang tìm về nghệ thuật để cân bằng giá trị tinh thần.

Như Thánh Gandhi từng nói, mỗi người chúng ta cần cân bằng ba thứ là thân thể, tâm trí và tinh thần, trong đó, tinh thần là điều vô cùng quan trọng. Với Gandhi, tinh thần không có nghĩa là tôn giáo, dù tôn giáo là một giá trị tinh thần nếu mình có niềm tin. Riêng những người không tôn giáo, thì tinh thần nằm trong nghệ thuật. Đó là lý do vì sao người nguyên thủy vẽ trong hang động, vì họ muốn lưu giữ giá trị tinh thần ở thời điểm họ sống.

Tôi có mặt ở phòng tranh 12 tiếng mỗi ngày, và học được rất nhiều điều về cách người trẻ tư duy về tranh. Lâu lâu, tôi có đi theo để nghe ngóng cách họ phân tích, dù là khen hay chê đều không quan trọng. Tôi mỉm cười khi nghĩ mỗi ngày mỗi bức tranh nghe nhiều thứ vô lý nhất trên đời vì cứ 1.000 người xem thì có 1.000 cách hiểu khác nhau. Còn nếu ai ai cũng nghĩ về nó giống nhau thì bức tranh có khác gì một sản phẩm tiêu dùng bình thường.

Tôi tin rằng, bởi tác phẩm sống nên nó mới nhận nhiều ý kiến đánh giá đa dạng như vậy.

Còn những người chơi tranh khi bước vào đây thì sao?

Đa phần họ là những người mới bắt đầu bước vào con đường chơi tranh. Họ hướng đến các tác phẩm hiện đại vì giá thành dễ chịu và phù hợp với những gì họ đang sống. Tôi nghĩ họ đang tìm kiếm những gì phù hợp với bối cảnh đang diễn ra. Tôi đã thấy một số thường xuyên lui tới.

Hẳn là về lâu dài, anh sẽ đào tạo những bạn trẻ hỗ trợ anh tại không gian?
Khi xác định mở phòng tranh thì tôi sẽ là người hiện diện chính. Với khách tham quan là người mua, thì họ có thể liên hệ đặt lịch hẹn trước, và thông thường là tầm chiều tối, sau giờ làm. Còn ban sáng và trưa thì chủ yếu là người trẻ, nên có thể sẽ cho người khác trực.

Khi đứng trước một bức tranh, anh nghĩ điều quan trọng trước tiên mình trải nghiệm là gì?

Tôi nghĩ là sự khiêm tốn, bỏ hết khái niệm “tôi là ai”, và chỉ còn là một con người bình thường. Đó cũng là lý do nghệ thuật dễ dàng kết nối mọi người.

Khi ở trong không gian này, tôi luôn cảm thấy đây là ngày cuối cùng của mình, và tôi tận hưởng từng giây phút ấy trọn vẹn.

Cảm ơn anh Bảo Phan vì những chia sẻ chân thành nhé!
Bài: Trang PS
Ảnh: RAB HUU STUDIO
 

Related Article