Khi sếp “ghosting”: Ứng xử thế nào trước sự im lặng mang nặng thách thức tâm lý?

  • by Huyền My Trương
  • July 3, 2025

Có một dạng khoảng lặng không mang lại sự bình yên, đó là khi bạn đợi một tin nhắn, một cái gật đầu xác nhận, hay đơn giản là một lời phản hồi từ cấp trên… nhưng mãi mà không đến.

Trong thế giới hiện đại nơi mọi người có thể kết nối chỉ bằng một cú chạm, đôi khi điều ta đối diện lại là sự im lặng kéo dài: lạnh lùng, mập mờ, nửa xa nửa gần và đầy tính quyền lực.

“Ghosting” – từ ngữ vốn quen thuộc trong văn hóa hẹn hò – giờ đây có mặt trong cả những môi trường tưởng chừng lý trí và chuyên nghiệp nhất: công sở. Và không phải chỉ nhân viên mà chính người giữ vị trí lãnh đạo – những người có quyền quyết định, phê duyệt, định hướng – lại là bên chọn cách “biến mất”.

Thực tế cho thấy, hiện tượng “ghosting” nơi công sở – đặc biệt từ phía người quản lý – không chỉ phổ biến mà còn để lại dấu ấn tiêu cực sâu sắc. Điều này đã được xác nhận qua nhiều nghiên cứu khoa học. “Ghosting” được xem như một một hình thức mất mát mơ hồ không lý giải được (ambiguous loss) trong văn hóa công sở. Theo một khảo sát công sở, nhân viên bị “ghost” có mức stress tăng 60%, năng suất giảm gần 30%, và 76% có kế hoạch nghỉ việc trong vòng một năm tới.

Và kỳ lạ hơn, có tới 8% nhà quản lý thừa nhận họ cố tình im lặng với nhân viên, trong khi có 24% không chủ ý nhưng vẫn để ghosting xảy ra, và 14% kết hợp cả hai trạng thái.

Tại sao họ lại chọn cách im lặng?

Chúng ta thường hình dung nhà lãnh đạo là những người nhiều năng lượng, quyết đoán và luôn biết phải nói gì và làm gì trong mọi tình huống. Nhưng thực tế, nhiều người trong số họ cũng là con người như tất cả chúng ta với những khúc mắc tâm lý, những e ngại rất người.

Một số người né tránh cảm xúc tiêu cực, và vì thế họ tránh luôn cả những cuộc đối thoại có thể dẫn đến xung đột. Một số khác đơn giản là kiệt sức, bị quá tải trong vòng xoáy của tăng trưởng và kỳ vọng, nên chọn sự im lặng như một “khoảng trống để thở”. Cũng có những người dùng sự im lặng như một chiến thuật thể hiện quyền lực và đôi khi cũng là hành vi thao túng cảm xúc: càng ít nói, càng khó đoán, càng giữ thế chủ động.

Nhưng dù lý do là gì, cái giá phải trả thường lại thuộc về người còn lại: Người đang chờ đợi, người đang cần được xác nhận giá trị, hay đơn giản là một lời “đồng ý hay từ chối”.

Khi không ai trả lời bạn, bạn trả lời mình thế nào?

Là nhân viên, việc bị “ghost” không chỉ là một trải nghiệm hụt hẫng đơn thuần mà còn dễ chạm vào phần nhạy cảm nhất trong tâm lý con người: nỗi sợ bị bỏ rơi, cảm giác không được nhìn nhận, mất phương hướng, tổn thương về giá trị bản thân…

Bạn bắt đầu đặt câu hỏi và trong vô thức, nguồn năng lượng của bạn dịch chuyển hướng về một người chỉ để cố gắng thoát khỏi mê cung cảm xúc: “Có phải mình đã làm sai điều gì?”, “Hay là mình không đủ tốt?”, “Mình có đang nói nhầm gì không hay truyền đạt thông tin chưa tốt?”, “Hình như mình nhắn điều này không phù hợp?”, “Mình có nên nhắc lại hay nên im luôn?”…

Chúng ta là ai, khi không ai trả lời mình?

Trong lúc chờ đợi ai đó định nghĩa lại bạn bằng một phản hồi, có lẽ điều quan trọng là bạn cần tự định nghĩa chính mình. Tức là bạn không nên trao quyền cho ai đó đánh giá giá trị hoặc điều khiển cảm xúc của bạn bằng phản ứng (hoặc sự im lặng) của họ.

Làm sao để nguồn năng lượng không bị hao mòn trước sự im lặng? 

Chờ đợi trong vô vọng có phải là kỹ năng mềm? Trong một nền văn hóa coi trọng phản hồi nhanh và giao tiếp rõ ràng, liệu kỹ năng “chờ trong vô vọng” có đáng được coi là một năng lực mềm thiết yếu? Và đôi khi, không chỉ là chờ – mà là chờ mà biết rằng có thể sẽ không bao giờ có hồi âm.

Không phải ai cũng nhận ra rằng: Biết cách “đứng yên” mà không mất phương hướng, chờ đợi mà không đánh mất lòng tin vào bản thân, cũng là một dạng bản lĩnh tinh tế. Trong hành trình chuyên nghiệp, có lúc ta không cần học thêm kỹ năng mới, mà cần học cách không vỡ vụn trong những khoảng trống bị bỏ quên và học cách ứng xử khôn ngoan để giành lại quyền chủ động.

Đừng vội cá nhân hóa

Không phải mọi sự im lặng đều nhắm vào bạn. Hãy quan sát toàn cảnh: Đây có phải là thói quen giao tiếp của sếp với mọi người? Hay chỉ là một khoảnh khắc quá tải nhất thời? Hãy nhớ tầm quan trọng của bối cảnh, đừng tách một phản ứng/cách ứng xử riêng lẽ ra khỏi bối cảnh chung, nó dễ dẫn bạn đến những kết luận sai và thổi phồng cái tôi cá nhân.

Biết cách nhắc lại với sự tử tế

Một tin nhắn tiến nối nhẹ nhàng, rõ ràng, đúng lúc có thể mở lại cuộc đối thoại. Đôi khi người kia không cố tình lảng tránh, chỉ đơn giản là bị cuốn trôi bởi guồng quay công việc.

Đừng để sự im lặng của người khác làm bạn im lặng với chính mình

Khi không được phản hồi, bạn vẫn có thể viết tiếp công việc theo cách chủ động hoặc thậm chí tạo ra những lối đi riêng, nếu cần. Lúc này, sự chủ động và quyết đoán là cần thiết.

Nếu điều đó lặp lại quá nhiều… hãy rút ra bài học về sự lựa chọn

Một nơi làm việc tốt không cần hoàn hảo nhưng cần đối thoại. Nếu một môi trường khiến bạn luôn phải đoán, phải im lặng, phải chờ đợi, có lẽ bạn đang bị cắt đứt khỏi chính cảm xúc và năng lượng sống của mình.

Những khoảng lặng nơi công sở, dù khó chịu đến đâu, cũng có thể trở thành khoảnh khắc bạn học cách đứng vững bằng chính tiếng nói của mình.

Ảnh: Tổng hợp

library