Khi nào nên từ bỏ một công việc vừa mới bắt đầu?
Lifestyle

Khi nào nên từ bỏ một công việc vừa mới bắt đầu?

Bạn đã dành hàng tháng trời để phỏng vấn cho một công việc mới, và sau rất nhiều ngày chờ đợi tin vui thì cuối cùng bạn đã có được hợp đồng mà mình ưng ý. Nhưng rất nhanh sau đó bạn phát hiện ra rằng mọi thứ không giống như những gì mình mường tượng. Bạn thoáng nghĩ đến chuyện bắt đầu lại từ đầu, vậy khi nào thì nên từ bỏ?

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 1 với hơn 2.500 người tìm việc trẻ từ trang tìm kiếm việc làm The Muse, có đến 72% người thuộc thế hệ Millennial và Gen Z cho rằng họ rất ngạc nhiên hay thậm chí là hối hận vì công việc mới hoặc công ty mới quá khác so với hình dung của họ. Kathryn Minshew – Người sáng lập và Giám đốc điều hành The Muse cho biết, cảm giác sốc đó của những người tìm việc không phải là một làn sóng bộc phát ngẫu hứng. Nguyên nhân chính đến từ việc các nhà tuyển dụng đang có xu hướng tuyển dụng một cách quá nhanh chóng, còn ứng viên lại càng không thể hiểu hết môi trường làm việc nếu họ đang gặp những lý do bất khả kháng phải làm việc từ xa.

Đó là chưa kể, có rất nhiều nội dung mô tả công việc (và cả trang website của chính nhà tuyển dụng) tạo cảm giác công ty là một môi trường chuyên nghiệp nhiều tiềm năng, nhưng trên thực tế, chỉ sau khi dấn thân trải nghiệm thì người tìm việc mới “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa”. Cũng có một số trường hợp, người tìm việc bị giao việc nhiều hơn so với những yêu cầu trao đổi lúc phỏng vấn và những bức bối, phiền muộn phát sinh là điều không thể tránh.

Khi nào nên nghỉ việc?

Với thị trường việc làm đòi hỏi người làm “đa nhiệm”, người trẻ dường như chiếm ưu thế hơn một chút bởi họ sớm đã trải nghiệm qua rất nhiều công việc khác nhau. Vì thế họ cho rằng việc từ bỏ một công việc tồi tệ trong một khoảng thời gian ngắn không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng. Cụ thể, 20% những người tìm việc thuộc thế hệ Millennial và Gen Z cho hay họ sẽ “dứt áo ra đi” trong vòng 1 tháng hoặc ít hơn nếu thực tế quá khác so với những gì được quảng cáo, 41% sẽ cố gắng trong 2-6 tháng và 15% sẽ nỗ lực đến 11 tháng. Chỉ 24% người tham gia khảo sát sẽ cố gắng “theo đuổi” đến cùng công việc mình không ưng trong 1 năm hoặc nhiều hơn trước khi tìm cho mình cơ hội mới.

Tất nhiên, mọi con số chỉ là để tham khảo, quyết định nghỉ việc là một sự lựa chọn mang tính cá nhân. Bởi chỉ có bạn mới biết rõ những yếu tố nào của công việc mới quá khác so với mong đợi, làm cuộc sống mất cân bằng, ảnh hưởng tiếu cực đến sức khỏe tinh thần, chệch hướng quá nhiều so với định hướng nghề nghiệp đã vạch ra,… Ngược lại, nếu môi trường mới không đem đến cảm giác tiêu cực đến vậy, bạn cần xem lại liệu cảm giác choáng ngợp đó có phải đến từ việc bạn chưa thích nghi với sự mới mẻ hay không. Lúc này, điều cần làm là học cách vượt qua nỗi sợ để vươn lên.

3 bước cần làm khi chán ghét công việc mới

Lời khuyên ai đó bỏ qua cảm giác chán ghét, cố gắng cho công việc của họ trong ít nhất 1 năm để lấy kinh nghiệm đã quá lỗi thời. Nếu cánh cửa này không đóng lại, làm sao cánh cửa khác mở ra, đúng không? Làm sao ta biết trong lúc cố chấp đâm đầu vào tường, ta đã bỏ lỡ những gì? Có một số quan điểm cho rằng làm việc là để kiếm tiền, đừng đặt nặng chuyện phải thích nó. Nhưng nếu kiếm tiền mà ngày càng đi xa mục tiêu nghề nghiệp ban đầu, thì nó cũng là một dạng đánh đổi không hề nhỏ, cả về thời gian lẫn kế hoạch trong tương lai. Đó là chưa nói đến chuyện, có những thứ đã không thích không hợp, cố thêm một ngày cũng là quá sức chịu đựng. Tóm lại, không có khái niệm “nghỉ việc quá sớm”, đúng hơn là bạn chỉ nên đưa ra quyết định sau khi đã cân nhắc từng bước thật cụ thể.

1. Tìm ra điểm bạn không thích ở công việc này

Khi bạn nói mình ghét hoặc thấy không hợp, hãy nêu ra thật cụ thể. Sau đó tiếp tục nghĩ đến những mặt tốt khi làm việc tại đây. Hãy đặt chúng lên bàn cân và xem bản thân nghiêng về bên nào nhiều hơn. Công việc có thể phù hợp và có nhiều khả năng thăng tiến đó, nhưng bạn lại quan tâm môi trường và văn hóa hơn, đại loại vậy.

2. Chủ động trò chuyện với người quản lý trực tiếp

Tiếp theo, bạn có thể trò chuyện thẳng thắn với người quản lý của mình, không chỉ về sự khác biệt giữa thông tin bạn được cung cấp trong quá trình tuyển dụng và thực tế bạn đang trải qua, mà còn là bất cứ điều gì đang làm bạn cảm thấy không thoải mái. Thêm nữa, nhà tuyển dụng phải có trách nhiệm và trung thực với những lời chiêu mộ họ đề cập với bạn. Chẳng có lý do gì bạn phải ôm khư khư bức bối một mình.

3. Ra deadline cho bản thân

Giờ thì bạn cần cho bản thân thêm một chút thời gian, vừa để lắng nghe thêm nhiều lời khuyên vừa thử cố gắng hết sức có thể xem mọi chuyện như thế nào. Thời gian dài ngắn tùy vào mỗi cá nhân sẽ khác nhau, có người cần 2 tuần hay 1 tháng nhưng cũng có người chỉ mất đúng 1 ngày để đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu đã đến thời hạn đã đề ra mà bạn vẫn cảm thấy thật sự không ổn, hãy nghiên cứu thêm một vài công ty mới và gửi dần CV.

Để tìm được một công việc mà bao gồm trong đó là môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, văn hóa công ty,… khiến bạn hài lòng chắc chắn cần mất nhiều thời gian. Chuyện chọn sai chọn lại là hết sức bình thường, đừng ám ảnh bởi suy nghĩ “có quá sớm để từ bỏ hay không”. Hãy tin vào sự lựa chọn của mình, bạn biết điều gì tốt nhất cho bản thân.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article