“Jurassic World Rebirth” là phần phim thứ bảy trong loạt phim kéo dài hơn ba thập kỷ của Hollywood, và có lẽ là tác phẩm mang nhiều kỳ vọng nhất sau phần “Dominion” gây tranh cãi. Được dẫn dắt bởi đạo diễn Gareth Edwards (“Godzilla”, “Rogue One”) và biên kịch phần phim “Jurassic Park” đầu tiên – David Koepp, “Jurassic World Rebirth” đóng vai trò như một phần phim tái thiết, tạo ra chương mới không chỉ bằng dàn nhân vật mới, mà bằng cả cách đặt lại câu hỏi: Con người còn vai trò gì trong một thế giới mà loài khủng long đã sống cùng ta?
Bối cảnh phim đặt ra viễn cảnh khá lạ thường: Sau sự kiện loài khủng long thoát khỏi kiểm soát, chúng dần trở thành một phần trong hệ sinh thái hiện tại. Các tập đoàn bắt đầu tận dụng ADN khủng long cho mục đích thương mại. Trong số đó, công ty dược ParkerGenix quyết định cử một đội ngũ gồm cựu đặc vụ Zora Bennett (Scarlett Johansson), tiến sĩ Henry Loomis (Jonathan Bailey), thuyền trưởng Duncan Kincaid (Mahershala Ali) đến hòn đảo hoang và lấy mẫu DNA của ba loài khủng long lớn nhất. Mọi chuyện, tất nhiên, không đơn giản như một chuyến khảo sát. Từ đây, “Jurassic World Rebirth” trở thành một trò chơi sinh tồn cổ điển, nơi ranh giới giữa con người, tự nhiên và tham vọng dần mờ nhòe.
Phim tập trung vào câu chuyện và nhóm nhân vật mới, không biến khủng long thành tuyến phản diện như các phần trước.
Khác với hai phần phim gần nhất vốn thiên về hành động ồn ào và hiệu ứng dày đặc, Gareth Edwards chọn một nhịp kể trầm hơn, mang không khí của những tác phẩm sinh tồn kiểu cũ. Một vài phân cảnh tiêu biểu cho thấy lựa chọn này hoàn toàn không sai – điển hình là đoạn nhóm nhân vật mắc kẹt giữa đại dương, khi loài thương long Mosasaurus đang âm thầm săn mồi. Không có cảnh slow-motion hoành tráng, không nhạc nền gào thét – chỉ là ánh sáng yếu ớt, tiếng động kim loại và nhịp dựng chính xác đến lạnh gáy. Cảm giác sinh tồn nguyên thủy mà khán giả từng thấy trong “Jurassic Park” hay “Jaws” dường như được phục dựng lại qua chất liệu điện ảnh thế hệ mới.
Cũng như phong cách của đạo diễn, phần hình ảnh và âm thanh của Rebirth nghiêng nhiều về sự chân thực. Những đại cảnh như đàn Titanosaurus kéo về phía hoàng hôn hay khi nhóm thám hiểm đột nhập hang ổ của “vua bầu trời” Quetzalcoatlus khiến con người trong phim trở nên nhỏ bé – đúng như cái cách Jurassic từng làm rất tốt.
Nhạc nền của Alexandre Desplat là một điểm cộng lớn. Anh biết cách hòa quyện tinh thần chủ đề cũ của John Williams vào không gian âm thanh mới: Vừa đủ để gợi cảm giác quen thuộc, vừa tạo được chiều sâu cảm xúc riêng. Tác phẩm dùng nhiều âm bass trầm, kết hợp giai điệu da diết thay vì bộ gõ hùng tráng như các phần phim trước. Đây không còn là bản giao hưởng chiến thắng của con người trước tự nhiên, mà là tiếng thì thầm của sự bất lực khi chúng ta đối đầu với những thể sống vượt ngoài sự kiểm soát.
Scarlett Johansson là lựa chọn an toàn cho vai Zora Bennett – một phụ nữ từng là đặc vụ, nay lạc lối giữa lý tưởng sinh học và bản năng sinh tồn. Diễn xuất của Johansson không bùng nổ, nhưng cũng không hời hợt. Cô biết cách tiết chế, giữ lại những khoảng im lặng vừa đủ để khán giả cảm được sự mệt mỏi nội tâm sau bề ngoài mạnh mẽ.
Jonathan Bailey là phát hiện thú vị. Trong vai một nhà cổ sinh học, anh là điểm tựa tinh thần cho hành trình, đóng vai trò truyền tải phần tri thức – đạo đức – lẫn cảm xúc của phim. Bailey không làm quá, nhưng từng ánh mắt, từng câu thoại đều khiến người xem tin rằng đây là nhân vật sống thật trong thế giới ấy. Có lý do để báo chí thế giới gọi anh là “vũ khí bí mật” của phim.
Tuy nhiên, so với tuyến chính, tuyến phụ trở nên nhạt nhòa. Sự xuất hiện của họ gần như chỉ để kéo dài thời lượng của phim, với những câu bông đùa vô nghĩa. Tuyến phản diện của Rubert Friend đại diện cho sự tàn nhẫn đến từ các tập đoàn tư bản, sau cách nhân vật được khắc họa còn một màu, không chưa đất diễn để Friend tỏa sáng.
Ngoài diễn xuất, có lẽ điều đáng tiếc nhất với “Jurassic World Rebirth“ là khâu triển khai kịch bản. Phim đặt ra nhiều câu hỏi to lớn, nhưng không dám trả lời đến cùng. Ý tưởng về đạo đức sinh học, về giới hạn giữa tiến hóa và thương mại, hay về mối quan hệ giữa loài người với tự nhiên – tất cả đều rất tiềm năng, nhưng đều chỉ dừng lại ở mức khái quát.
Kịch bản của David Koepp, dù gợi nhớ phần đầu huyền thoại, lại chọn đi theo công thức cũ: Nhóm người mắc kẹt, phản diện tham lam, quái vật nổi loạn. Đôi lúc, phim như cố gắng chen vào vài câu thoại hài hước kiểu Marvel để “cân bằng không khí”, nhưng không thành công. Những đoạn hội thoại thừa thãi và nhịp phim chững lại ở phần giữa cũng khiến trải nghiệm xem bị ngắt quãng.
Với thời lượng 133 phút và ngân sách 180 triệu USD, “Jurassic World Rebirth” là một tác phẩm chỉn chu và tôn trọng di sản. Gareth Edwards xứng đáng được ghi nhận vì đã chọn hướng tiếp cận điện ảnh hơn là siêu giải trí. Song nếu Universal thực sự muốn duy trì thương hiệu này trong tương lai, họ sẽ cần nhiều hơn một phần phim “gợi nhớ”.
Khủng long không thể là trung tâm mãi nếu thiếu câu chuyện xứng tầm để nâng chúng lên thành biểu tượng. Khán giả của thời đại này không chỉ cần mãnh thú CGI và âm thanh gầm rú – họ cần một lý do để quan tâm. Và lý do đó, đáng tiếc thay, vẫn chưa rõ ràng trong “Jurassic World Rebirth”.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn