Jeremy Lim – CEO Cortina Watch: Đồng hồ là để đeo không phải cất két sắt

  • by Huyền My Trương
  • June 24, 2022

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Cortina Watch – chuỗi bán lẻ đồng hồ cao cấp tại Singapore, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng ông Jeremy Lim – Giám đốc điều hành của tập đoàn để nhìn lại quá khứ, hiện tại và hướng về tương lai.

Jeremy Lim đang ngồi trong phòng làm việc riêng của mình tại một cửa hàng Cortina ở Paragon để xem xét cách thu hút những nhân viên trẻ tuổi đến với công ty.

“Nói thật lòng rằng tôi cảm thấy rất khó chịu”.

Anh ấy thuộc thế hệ luôn tự hào về sự chăm chỉ và có thái độ cống hiến trong công việc. Chúng tôi tự hỏi, liệu những nhượng bộ này sẽ ảnh hưởng đến anh ấy như thế nào. Và ngay lập tức, anh ấy đã trả lời với tinh thần mà bản thân luôn theo đuổi trong suốt 22 năm làm việc trong công ty của gia đình bằng thái độ trung thực.

Lim đang nghĩ đến việc triển khai các lựa chọn và giờ làm việc linh hoạt, như làm việc tại nhà vào một ngày trong tuần, hoặc thậm chí tăng quyền nghỉ phép cho nhân viên. Đối với các nhân viên bán lẻ, giải pháp thời gian nghỉ luân phiên vào các ngày cuối tuần có thể sẽ công bằng hơn.

Nhưng anh ta vẫn phải nhún vai thừa nhận: “Khó chịu sẽ không đưa ra được giải pháp cho bạn. Hiện tại đang có một cuộc khủng hoảng nhân lực và chúng tôi đang cạnh tranh với các ngành khác vì lực lượng lao động giảm. Ý tôi là, một công ty đã 50 năm tuổi sẽ không thu hút được họ – những tài năng trẻ”.

Anh ấy tiếp cận chủ đề với sự vui vẻ, và công ty cũng đã thực hiện những thay đổi để trở nên thân thiện hơn. “Chỉ là những thứ nhỏ nhặt, như văn phòng mới được cải tạo của chúng tôi hiện có đồ uống miễn phí, đồ ăn nhẹ và máy bán hàng tự động. Chúng tôi cũng đã cố gắng cải thiện đôi chút quyền lợi bảo hiểm cho nhân viên. Nhưng chúng tôi biết điều đó là chưa đủ, đó là lý do tại sao chúng tôi đang xem xét thêm lựa chọn làm việc tại nhà”.

Cách đây 50 năm, khi cha của Lim là ông Anthony mở cửa hàng đầu tiên ở Trung tâm mua sắm Colombo, mọi thứ rất khác. Khi đó, việc mở rộng và xây dựng thương hiệu là chìa khóa quan trọng, cùng sự giúp đỡ của những người con, gồm Raymond (Giám đốc điều hành của Cortina Holdings) và Sharon (giám đốc của Cortina Watch và giám đốc điều hành của công ty con Pacific Time), thương hiệu bán lẻ này hiện đã có mặt ở 6 quốc gia.

Ngày nay, mối bận tâm nằm ở việc lập kế hoạch cho sự kế thừa, đặc biệt là khi thế hệ con cháu của ông Anthony đã tham gia kinh doanh. “Tại thời điểm này, tôi và anh trai đang bảo vệ di sản của cha mình. Bên cạnh việc đảm bảo công ty tiếp tục hoạt động theo đúng cách và thậm chí là chuyển đổi kỹ thuật số vì đó là điều mà mọi người đều quan tâm, tôi muốn đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo cũng sẽ bảo vệ những gì mà ông của chúng tạo dựng.”

Lim không quan tâm xem liệu cuối cùng con cái của anh chị em hay của mình sẽ ngồi ở vị trí cao nhất. “Tôi không muốn trở thành “ông chú độc ác”. Tôi muốn là một người chú tận tâm truyền đạt được nhiều kiến thức nhất có thể. Và không có gì sai khi chúng không quan tâm đến việc tham gia kinh doanh. Dù sao thì chúng cũng sẽ trở thành cổ đông. Nhưng tôi muốn ít nhất là những cổ đông này phải nắm đầy đủ thông tin. Vì vậy, tôi sẽ nói với chúng rằng nếu muốn biết thêm về công việc kinh doanh, chỉ cần đến và hỏi chú”.

Ẩn sau vẻ ngoài nghiêm nghị và phong thái niềm nở (chắc chắn là một sự kết hợp đáng kinh ngạc, nhưng không kém phần quyến rũ) là một người đàn ông quan tâm sâu sắc đến con người và hoạt động của doanh nghiệp. Trong những tháng đầu đại dịch vào năm 2020, anh ấy đã quyết định trao tặng cho mọi người những khoản tiền thưởng kỷ lục vì một doanh thu tuyệt vời đạt được trong năm 2019.

“Chúng tôi lẽ ra đã có một lựa chọn dễ dàng: Đóng băng lương của nhân viên, không tuyên bố bất kỳ khoản tiền thưởng nào, và đổ lỗi tất cả cho đại dịch. Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng điều đó là công bằng. Và nó giúp xây dựng niềm tin rằng chúng tôi có đủ nguồn lực để vượt qua đại dịch”.

Các thương hiệu cũng đặt niềm tin vào Cortina, và một phần lý do đó chính là sự tôn trọng sâu sắc của Lim đối với ngành chế tác đồng hồ cao cấp.

“Thật không may, ngày nay nhiều khách hàng chỉ quan tâm đến giá trị nội tại của đồng hồ và chỉ muốn chúng tăng giá trị. Nếu bạn muốn coi đồng hồ như một khoản đầu tư, hãy cứ tiếp tục. Nhưng đừng mua một chiếc đồng hồ cất trong két sắt mà không đoái hoài đến. Đồng hồ là để đeo”, anh nói. “Vì nếu tôi biết bạn muốn một chiếc đồng hồ chỉ để bán lại, tôi sẽ không bán cho bạn”.

Lim có một danh sách các mẫu đồng hồ đặc biệt đến nỗi các cửa hàng của công ty sẽ không được phép bán nếu không có sự chấp thuận của anh. “Tôi muốn biết ai đang mua nó, vì vậy tôi sẽ tự mình thẩm định họ. Bởi vì nếu chúng lọt vào thị trường đen hoặc xám, tôi sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Tôi phải bảo vệ những chiếc đồng hồ của mình, và kế đến là bảo vệ các thương hiệu”.

Tất nhiên, anh ấy rất tận tâm trong việc chăm sóc khách hàng. “Ngày nay, khách hàng rất am hiểu kỹ thuật và giàu kiến thức về đồng hồ, vì vậy nhân viên của chúng tôi cũng cần được đào tạo lỹ lưỡng để có kiến thức ngang bằng với họ. Đây cũng là lúc các kỹ năng mềm phát huy tác dụng. Bất kỳ ai cũng có thể lên mạng và tra cứu rất nhiều khía cạnh khác nhau của đồng hồ, nhưng không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để xem qua toàn bộ câu chuyện về thương hiệu”, anh giải thích. “Đây là nơi chúng tôi thể hiện. Chúng tôi giúp họ hiểu rõ hơn về thương hiệu. Giá trị thương hiệu? Họ đã phát triển như thế nào? Chúng tôi bây giờ giống như những nhà sử học và những người kể chuyện”.

Câu chuyện của Cortina có vẻ sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ nữa, dựa trên cách Lim mô tả, rằng 2 năm qua là thời gian “tuyệt vời” bất chấp sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch COVID-19. Một lý do nữa khiến công ty lạc quan hơn là việc mua lại đối thủ cạnh tranh cũ là Sincere Fine Watches vào năm 2021 với giá 84,7 triệu SGD. Sincere giúp lấp đầy khoảng trống của Cortina ở phân khúc đồng hồ độc lập, cũng như sự phân phối độc quyền của Franck Muller trước đây tại 13 quốc gia trong khu vực, bao gồm Úc, New Zealand và Hàn Quốc. Chưa kể đến việc xem xét khả năng mở rộng sang các thị trường hoàn toàn mới như Indonesia và Việt Nam.

“Chúng tôi chưa bao giờ cân nhắc việc thay đổi tên của Sincere,” Lim cho biết. “Ý tưởng không phải là lao vào và thay đổi cách một thương hiệu đang hoạt động. Chúng tôi sẽ để Sincere phát triển như họ đã từng, trong khi tăng thêm sự đầu tư”.

Ngành công nghiệp xa xỉ đang đối diện với nhiều thách thức trong thời kỳ bất ổn này, việc kinh doanh đồng hồ xa xỉ vẫn thực sự là một lĩnh vực có liên hệ mật thiết với con người – một bài học mà Lim đã rút ra trong nhiệm kỳ của mình. “Tôi đã trưởng thành,” anh nói về quá trình phát triển của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo.

“Tôi từng nghĩ rằng nếu tôi muốn chạy, tất cả các nhân viên của tôi phải chạy cùng với tôi, thay vì nghĩ như một đội và đảm bảo rằng mọi người phải được sẵn sàng trước. Trong thời gian giãn cách, tôi đã thấy cách mọi người luôn sẵn sàng và khao khát thúc đẩy giúp công ty tồn tại, và điều đó đã mang lại cho tôi rất nhiều sự động viên. Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận, nhưng rất vui. Tôi không biết liệu chúng tôi có đang chạy đúng hướng hay không, nhưng bây giờ chúng tôi đang chạy cùng nhau”.

Bài: Lương Tôn Bình
Ảnh: Tổng hợp

library